Bức họa Bữa Tiệc Ly
Ðó là bức tranh vẽ của danh họa Leonardo Da Vinci. Bức tranh mô tả Chúa Giêsu và 12 môn đệ trong bữa ăn cuối cùng. Chính giữa bức tranh là chúa Giêsu đang nói với các môn đệ: “Trong anh em có người sẽ bán rẻ Thầy”. 12 môn đệ ngồi đồng bàn, mỗi người một vẻ mặt khác nhau: 3 người thì thầm bàn bạc, 3 người tỏ vẻ giận dữ (trong đó có 1 người đập mạnh tay xuống bàn), 1 người lộ vẻ nghi ngờ, 1 người tỏ ra ngạc nhiên, 1 người ngồi ngay ngắn tỏ lòng trung thành, 2 người lộ vẻ xúc động. Chỉ có một môn đồ mặt tái nhợt, lưng hơi ngả về sau, tay nắm chặt túi tiền – đó chính là Giuđa, người mặc áo xanh thứ tư từ bên trái, tay cầm bọc tiền, có thể là tiền bán Chúa. Sau lưng ông là một khoảng tối, còn sau lưng Chúa Giêsu là ô cửa đầy ánh sáng. Những tia sáng chiếu vào gương mặt Chúa Giêsu làm ánh lên vẻ điềm tĩnh, hiền từ mà cương nghị. Sự tương phản mạnh mẽ này đã biểu đạt được sự căm giận sâu sắc của tác giả đối với lũ gian ác, sự ngưỡng vọng đối với chính nghĩa.
Chuyện kể lại rằng: Phải mất 3 năm liền Leonardo mới hoàn thành bức họa do tốn nhiều công phu đi tìm người mẫu. Giữa hàng ngàn thanh niên, Leonardo mới chọn được một chàng trai có gương mặt thánh thiện, một tính cách thanh khiết tuyệt đối làm người mẫu vẽ Chúa Giêsu. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt 6 tháng liền trước chàng trai để hình ảnh Chúa Giêsu có thể hiện ra trên bức họa.
Những năm tiếp theo, ông lần lượt vẽ xong 11 môn đệ, chỉ còn Giuđa – người môn đệ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc. Họa sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kỳ thâm độc. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đi người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình…
Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất, Vinci đều thấy vẫn chưa đủ để biểu lộ cái ác của Giuđa. Một hôm, Da Vinci được thông báo có một người mà ngoại hình có thể đáp ứng yêu cầu của ông. Người đó đang ở trong một hầm ngục ở Roma, bị kết án tử hình vì tội giết người và nhiều tội ác tày trời khác.
Da Vinci lập tức lên đường đi Rôma. Trước mặt ông là một gã đàn ông nước da đen sạm với mái tóc dài bẩn thỉu xoã xuống, một khuôn mặt xấu xa, hiểm ác, hiển hiện rõ tính cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hóa. Ðúng, đây là Giuđa!
Ðược phép đặc biệt của Đức Vua, người tù được đưa tới Milan, nơi bức tranh đang vẽ dang dở. Mỗi ngày tên tù ngồi trước Da Vinci và người họa sĩ thiên tài cần mẫn với công việc truyền tải vào bức tranh diện mạo của kẻ phản phúc.
Khi nét vẽ cuối cùng hoàn thành, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Vinci quay sang bảo với lính gác: “Các anh đem người này đi đi…”. Lính canh túm lấy kẻ tử tù nhưng hắn đột nhiên vùng ra, lao đến quỳ xuống bên chân Da Vinci và khóc nức lên: “Ôi, ngài Da Vinci! Hãy nhìn tôi! Ngài không nhận ra tôi sao?”.
Da Vinci quan sát kẻ mà 6 tháng qua ông đã liên tục nhìn mặt, rồi ông đáp: “Không, tôi chưa từng nhìn thấy anh cho đến khi anh được đưa đến từ hầm ngục Rôma”. Tên tử tù kêu lên: “Ngài Vinci, hãy nhìn kỹ tôi đi! Tôi chính là người mà ngài đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu đây…”.
Người ta khẳng định: Câu chuyện này có thật, như bức họa Bữa Tiệc Ly là có thật. Chàng trai từng được chọn làm hình mẫu vẽ Chúa Giêsu đã tự biến mình thành hình tượng của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử chỉ sau một thời gian ngắn!
...
Chiều thứ Năm Tuần Thánh, Giáo hội cử hành Thánh lễ Tiệc Ly, tưởng nhớ lại toàn cảnh bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ. Trong Thánh lễ người tín hữu được nghe 3 bài đọc:
- Bài đọc 1 (Xh 12, 1-8. 11-14): sách Xuất Hành kể lại chỉ thị về bữa ăn Vượt Qua của người Do-thái;
- Bài đọc 2 (1Cr 11, 23-26): bài thư của thánh Phaolô kể lại điều mà Ngài đã nhận lãnh về việc Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể;
- và bài Tin Mừng (Ga 13, 1-15): thánh Gioan kể về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ để dạy các ngài bài học phục vụ nhau trong khiêm tốn.
Cử hành Thánh lễ Tiệc Ly, Giáo hội kỷ niệm việc Đức Giêsu trao lại cho các tông đồ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài. Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài.
“Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Câu này nhấn mạnh bữa Tiệc Thánh Thể như là tưởng nhớ lại hy tế của Chúa Giêsu, theo cách thức của bữa tiệc Vượt Qua của dân Israel (Xh 12, 14; 13, 9; Đnl 16, 3). Thánh Phaolô nhắc lại mệnh lệnh cử hành bữa tiệc Thánh Thể, trong tinh thần của người Thầy sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để đem lại sự sống cho các môn đệ.
Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và trăng trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: “Luật yêu thương”. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13, 34-35).
Khi cử hành thánh lễ Tiệc Ly, người tín hữu vừa tưởng niệm: Chúa Giêsu, Thầy của chúng ta, đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban chính mạng sống mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Đó là một điều quan trọng trong đời sống đức tin của người công giáo. Tình yêu đó không những là một cử chỉ tận hiến nhưng không, nhưng cũng còn là một lời mời gọi mỗi người tín hữu nhìn vào gương của Chúa Giêsu để biết quên những đòi hỏi ích kỷ của mình, mà biết cảm thông hoàn cảnh sống của anh chị em mình. Chính tình yêu quảng đại theo gương Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta biết sống cách thật ý nghĩa ơn gọi làm người. Tình yêu dâng hiến theo gương Chúa Giêsu giúp chúng ta biết nghĩ đến người khác, đặc biệt là những con người bé nhỏ, yếu đuối, bị bỏ rơi.
Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là hãy yêu thương nhau.
Vũ Đình Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn