Chỉ có thể là Thiên Chúa

Thứ năm - 14/04/2022 01:29 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   466
Quả thật như thánh tông đồ dân ngoại nói nếu Chúa Kitô không phục sinh thì đức tin chúng ta thật hão huyền và Kitô hữu chúng ta là những người bất hạnh nhất trần đời (x.1Cr 15,17-19).
Chỉ có thể là Thiên Chúa

CHỈ CÓ THỂ LÀ THIÊN CHÚA

Là Kitô hữu trưởng thành, hẳn nhiên chúng ta không chỉ xác tín mà còn tuyên xưng mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô chính là nền tảng của đời sống đức tin. Mầu nhiệm Phục sinh là yếu tố căn bản khẳng định thần tính của Đấng đã chịu tử nạn trên cây thập tự ở đồi Gôngôta. Vì xác tín Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa nên chúng ta dù không được như thánh Phaolô là chấp nhận mọi thua thiệt nhưng cũng sẵn sàng chịu một vài thua thiệt khi đón nhận Người làm lẽ sống và lời của Người làm ánh sáng chân lý dẫn soi đời mình. Quả thật như thánh tông đồ dân ngoại nói nếu Chúa Kitô không phục sinh (Người không phải là Thiên Chúa) thì đức tin chúng ta thật hão huyền và Kitô hữu chúng ta là những người bất hạnh nhất trần đời (x.1Cr 15,17-19).

Biết bao giấy mực xưa nay đã luận bàn và diễn suy về mầu nhiệm Phục Sinh của Đấng Cứu Độ. Để minh chứng về việc Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại như lời Người tiên báo trước đó, chúng ta vốn rất quen thuộc với bằng chứng được trưng dẫn là “ngôi mộ trống” và những lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ. Những dẫn chứng này đáng trân trọng, tuy nhiên xem ra vẫn còn vài hạn chế. Chúa Giêsu đã phục sinh thì dĩ nhiên trong ngôi mộ không còn xác của Người. Thế nhưng đã có đó lời phao đồn xuyên tạc từ các binh lính nhận tiền hối lộ rằng: “các môn đồ Đức Giêsu ban đêm đến lấy trộm xác Người” và tin ấy được loan truyền thời gian khá dài (x.Mt 28,11-15). Những lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ thì số lượng người được nhìn thấy như thánh Phaolô nói là khoảng trên 500 người thì vẫn còn hạn chế (1Cr 15,5-6). Hơn nữa Tin Mừng tường thuật dù cho đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh thì các tông đồ vẫn còn hoang mang nghi ngờ cách nào đó (x.Mc 16,9-14). Sự nghi ngờ hoang mang này bớt dần và biến mất khi Thánh Thần được ban tặng và phát huy hiệu quả đặc biệt qua biến cố ngày Lễ Ngũ Tuần (x.Cv 2,1-13). Xin có cái nhìn vào chính cuộc đời, lời giảng dạy của Chúa Giêsu và sự thay đổi triệt để nơi các tông đồ để thêm phần xác tín vào mầu nhiệm Chúa đã sống lại.

Người Do Thái vốn xem trọng lề luật, cách riêng luật của Môsê vì họ tin nhận đó là luật Thiên Chúa trực tiếp ban cho dân Người, dân được tuyển chọn. Thế mà khi đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu thường dùng công thức mở đầu: “các ngươi đã từng nghe luật dạy… còn Ta, Ta bảo các ngươi…” (x.Mt 5). Như thế một cách nào đó Chúa Giêsu tự khẳng định mình cao trọng hơn Môsê. Chính Người cũng đã khẳng định mình có trước cả tổ phụ Abraham và chính tổ phụ vui mừng mong được thấy ngày của mình (x.Ga 8,56-57). Giêsu Nagiarét hoặc là người mắc bệnh hoang tưởng hoặc chỉ có thể là Thiên Chúa thật. Người hoang tưởng không khi nào nói: nếu không tin lời tôi thì hãy nhìn vào các việc tôi đã làm (x.Ga 10,25). Một người có quyền năng trên bệnh tật, trên các thần dữ, trên các quy luật tự nhiên, gió biển, trên cả sự chết thì chỉ có thể là Đấng Toàn Năng.

Một Đấng không ai có thể bắt đưa lên núi và xô xuống vực thẳm (x.Lc 4,16-30), không có viên đá nào của đám đông ném có thể chạm đến thân thể (x.Ga 8,59) thì chắc chắn thừa sức thoát khỏi tay đám quân binh đến bắt mình và cũng thừa sức “xuống khỏi thập giá. Thế mà Đức Giêsu, như Đức Phanxicô suy niệm trong thánh Lễ Lá vừa qua, Người không tìm cách tự cứu mình nhưng lại hết sức cứu tất cả mọi người, kể cả những người đang hành hạ và giết mình trên thập tự. Một Đấng mà khi uy thế và vinh quang tràn đầy sau khi hóa bánh ra nhiều cho khoảng năm ngàn người đàn ông chưa kể phụ nữ và trẻ em no nê đã thẳng thừng từ chối ngai vua cao, thế nhưng khi đôi tay bị trói trước tòa Philatô đã mạnh dạn khẳng định mình là vua của vũ hoàn vì nước mình không thuộc thế gian này (x.Ga 18,37). Trong đức tin chúng ta xác tín Đấng ấy chỉ có thể là Thiên Chúa thật.

Một vị thầy khi đã từng được các môn sinh khẳng khái tuyên bố: “bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68) thì lúc bị khổ nạn đã bị chính các học trò này bỏ rơi. Thế mà vài ngày sau vị Thầy ấy lại hiện ra chẳng hề trách mắng mà trái lại vẫn đong đầy tình yêu và sự chăm sóc các môn đồ như xưa. Người vẫn làm công việc người hầu bàn, bẻ bánh như trước đây (x.Lc 24,13-35) Người vẫn trấn an các môn sinh với những lời như xưa: “Bình an cho anh em. Thầy đây, đừng sợ” (x.Lc 24,36). Người vẫn quan tâm chuyện sinh kế các vị và giúp họ đánh được mẻ cá lạ lùng như trước đây (Ga 21,1-14). Đấng ấy đích thực là Thiên Chúa, là Tình Yêu.

Các môn sinh dần dần cảm nhận rằng Thầy dù đã tử nạn nhưng vẫn đang sống. Chắc chắn Thầy đã tử nạn nhưng đến ngày thứ ba Thầy đã chỗi dậy như lời Thầy tiên báo trước đó ít là ba lần. Và các vị xác tín Thầy là Thiên Chúa thật. Với xác tín này các vị đã đổi thay cách lạ kỳ. Từ những người ắp đầy tham sân si, dân quê thất học mà cứ ôm mộng bá vương, vinh hoa phú quý, đã trở thành những người thông hiểu đạo lý nhiệm mầu, sống quảng đại hiến dâng vì hạnh phúc của tha nhân, sẵn sàng chấp nhận đổ máu đào ra vì Tin Mừng cứu độ. Hiện thực này đã xảy ra, tất thảy vì lý do này: Thầy của các vị, Giêsu Nagiarét là Thiên Chúa thật, Người đã phục sinh và mãi đồng hành với các vị mọi ngày cho đến tận thế.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây