Cám dỗ trong đời

Thứ bảy - 25/02/2023 05:40 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   505
Cám dỗ thường xuất hiện trong những khi muốn vươn lên, vượt qua những thấp hèn, thèm muốn, chúng xuất hiện như kéo con người rơi vào vòng tay của nó.
ALENT0Vs
ALENT0Vs

Cám dỗ trong đời


 
 
Không thiếu những cạm bẫy, những cám dỗ trong đời. Nó là những ước muốn khơi dậy buông rơi mình vào sa ngã. Cám dỗ thường xuất hiện trong những khi muốn vươn lên, vượt qua những thấp hèn, thèm muốn, chúng xuất hiện như kéo con người rơi vào vòng tay của nó.
Cám dỗ thường xuyên có trong đời, càng muốn sống thánh bao nhiêu, cám dỗ càng mãnh lệt chừng đó. Nó âm thầm như sư tử rình mồi cắn xé, nó như những biệt kích đánh úp lúc nào không hay. Thánh Phêrô khuyên nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” (1Pet 5, 8 – 9)
Cám dỗ nó ẩn núp với những kiểu cách trang nhã, đẹp đẽ, tinh xảo và cả đạo đức nữa. Ma quỷ nó rất khác xưa là những hình vẽ diễn tả ghê rợn, ma quái, nay nó mang nhiều hình thức dễ lôi cuốn, đánh lừa. Ma quỷ cám dỗ qua các kiểu cách vui chơi, nhảy múa, tưởng chừng vô thưởng vô phạt. Nó có thể ẩn mình qua những tranh ảnh, phim truyện, những câu nói ẩn thô tục trong chuyện trò.
Trong ba cám dỗ của Chúa Giêsu chịu trong hoang địa: Cơm áo – kiêu ngạo – danh vọng địa vị. Ba cám dỗ này xuất hiện khi Chúa đã chịu đói 40 đêm ngày, nghĩa là lúc con người mềm yếu nhất, dễ sa ngã nhất, lúc con người thèm khát nhất, những lúc con người mất cảnh giác.
Con người chúng ta thường dễ sa ngã vào những lúc yếu mềm và kiêu căng. Ở hai thái cực của điểm yếu và mạnh, con người dễ đánh mất chính mình hơn cả. Nhất là khi “mưa dầm thấm đất” quen thả buông những lỗi nhỏ, ngày này qua ngày khác, lòng ước muốn gia tăng tội lỗi không hề hay biết. Hoặc có khi ngạo mạn về đời sống đạo đức, tưởng là đạo đức thật, nhưng chỉ là ảo tưởng cho đến khi rơi ngã. Chẳng biết chừng ở đâu, nếu không tỉnh thức mỗi ngày, mỗi giờ. Giống như một lỗ nhỏ làm đắm thuyền. Nó cũng giống như cây đại thụ sống cả vài trăm năm, mưa gió, bão không lay chuyển, chỉ đổ ngã bởi đàn sâu tí hon ăn mục rỗng bên trong.
Chẳng ai nói hay được trước những cám dỗ, nó tấn công con người bằng mọi cách, mọi lúc chẳng thể ngờ. Chúa còn bị nó cám dỗ huống chi là con người tầm thường, yếu kém như chúng ta.
Cảnh thức bằng cách nào? Chúa Giêsu dạy dùng Lời Chúa để thắng vượt nó. Người sống Lời Chúa, thực hành Lời Chúa, ma quỷ sẽ không làm được gì họ. Ở tâm hồn có Chúa, ma quỷ đều gào thét lên: “Tôi có can gì đến ông” (Mc 1, 24). Con người chúng ta, với sức của ta, khó có thể chống lại ma quỷ cám dỗ, vì chúng được Chúa cho phép nó quyến rũ con người. Càng đạo đức càng bị ma quỷ cám dỗ nhiều hơn, như trong truyện ông Gióp: “Đức Chúa phán với Xa-tan: "Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác! " Nhưng Xa-tan thưa lại với Đức Chúa: "Có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi chăng? Chẳng phải chính Ngài đã bao bọc, chở che nó tư bề, nó cũng như nhà cửa và tài sản của nó sao? Ngài đã ban phúc lành cho công việc do tay nó làm, và các đàn súc vật của nó lan tràn khắp xứ. Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt! " Đức Chúa phán với Xa-tan: "Được, mọi tài sản của nó thuộc quyền ngươi, duy chỉ có con người của nó là ngươi không được đưa tay đụng tới." Rồi Xa-tan rút lui khỏi nhan Đức Chúa.” (Giop 1, 8 – 12)
Cám dỗ là một thử thách cần vượt qua ở nhiều mức độ khác nhau. Người ở mức độ thấp bị cám dỗ thấp, càng lên cao càng chịu cám dỗ cao. Cám dỗ là một lực kéo xuống, càng cao ngã càng đau. Muốn chiến thắng nó cần có Chúa và cần có nhiều luyện tập đức tính tốt, sửa chữa, tu luyện mỗi ngày. Không có điểm dừng của cám dỗ, như nhiều người tu đức nói: “Cám dỗ chỉ kết thúc sau khi con người chết”. Còn sống, còn chịu cám dỗ, càng lên cao cám dỗ càng nhiều và càng tinh vi.
Tập sống tiết độ là nhân đức “giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của các thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng của cải trần thế. Nó giúp ý chí làm chủ bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện.” (GLHT 1809)
“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1, Pet 5, 8).
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây