Chính Chúa, Người sẽ ra tay

Thứ sáu - 04/02/2022 18:51 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1042
Hôm ấy, tất cả họ đã ký thác đường đời mình cho Thầy Giê-su, qua việc “bỏ hết mọi sự mà theo Người.” (x.Lc 5, 11).
Chính Chúa, Người sẽ ra tay

Chúa Nhật – V – TN – C

Chính Chúa, Người sẽ ra tay

Mùng một tết (âm lịch) hằng năm, như một truyền thống đẹp, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cử hành thánh lễ “Cầu Bình An”. Nói về hai chữ Bình An, có vẻ như những ngày gần đây, nhiều người đã xem đó như là lời thăm hỏi tốt đẹp nhất.

Thật vậy, kể từ khi đại dịch Covid 19 xuất hiện, cuộc sống của con người quá bất an. Mới điện thoại cho nhau hôm qua, thế mà hai ba ngày sau, “bạn tôi” đã qua đời. Thế nên, gặp nhau, hay qua những tin nhắn trên sms, đại đa số đều có lời thăm hỏi: “Gia đình có bình an không? – Nhà mình có bình an không?”

Vâng, trong một thế giới ngày một bất an, bất an bởi chiến tranh, bất an bởi thiên tai, bất an bởi dịch bệnh, ngày đầu năm cầu bình an là điều phải đạo.

Đức Giê-su, sau khi từ cõi chết sống lại, điều đầu tiên Ngài thực hiện, khi hiện ra với các người môn đệ của mình, cũng chỉ là một lời chúc bình an: “Bình an cho anh em”.

Giáo Hội với vai trò là người tiếp nối Đức Giê-su thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, không chỉ tiếp tục gửi đến người tín hữu lời chúc bình an trong mỗi thánh lễ hằng ngày: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, mà còn mời gọi người tín hữu hãy đón nhận với tất cả tâm tình ký thác.

Thánh Vịnh 36, đáp ca trong thánh lễ mùng một tết, chính là lời mời gọi chân tình: “1.Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn! Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.

ĐK: Bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa! Và Chúa, chính Chúa, Người sẽ ra tay. Bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa! Và Chúa, chính Chúa, Người sẽ ra tay.

2.Chúa giúp con người bước đi vững chãi. Ưa chuộng đường lối mà họ dõi theo. Dẫu họ có vấp cũng không ngã gục. Bởi vì có Chúa, Người đã cầm tay.” (Ký thác cho Chúa: Lm Thành Tâm)

Chính người viết đã chứng kiến, hàng ngàn tín hữu, hàng ngàn người tín hữu tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Saigon, đã cất tiếng hát vang bài thánh ca này, với tất cả niềm tin ký thác, vào ngày lễ Minh Niên 2022, vừa qua. (Nếu có thời gian, quý vị hãy vào youtube nghe bản thánh ca này)

Mà, đâu phải mới hôm nay, nhưng là trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử Ki-tô giáo, cũng đã có hàng tỷ… hàng tỷ người Ki-tô hữu đã “ký thác đường đời cho Chúa”.

Dễ nhận ra nhất, dễ nhận ra những nhân vật đầu tiên đã ký thác cuộc đời mình cho Chúa, chính là “bốn môn đệ đầu tiên” của Đức Giê-su. Câu chuyện về bốn người môn đệ này, được ghi trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 5, 1-11). 

**

Câu chuyện xảy ra ở “hồ Ghen-nê-xa-rét”. Hôm ấy, “Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ”. Sự xuất hiện của Đức Giêsu, lập tức được loan đi rất nhanh. Và rồi, một cảnh tượng có vẻ như không được trật tự cho lắm, đó là: “dân chúng chen lấn nhau đến gần Ngài, để nghe lời Thiên Chúa”.

Sự chen lấn của dân chúng là một sự kiện vẫn thường xảy ra. Có lẽ ai cũng muốn được đứng gần Ngài, gần Ngài để dễ nghe hơn chăng!

Hôm đó, họ đến rất đông. Và, để vãn hồi trật tự, “Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-mon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút.”

Con thuyền của ông Simon, sau khi được chèo ra xa bờ, lập tức trở thành “tòa giảng”. Trên thuyền (tòa giảng), Đức Giêsu giảng dạy đám đông.

Đức Giê-su đã giảng những gì? Thưa, không thấy thánh Luca cho biết. Chỉ biết, sau khi “giảng xong”, Đức Giê-su bảo ông Si-mon “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4).

Chèo ra chỗ nước sâu! Vâng, đây là một lệnh “lạc”. Lạc là bởi, cả một Biển Hồ rộng lớn bao la, chỗ-nước-sâu là chỗ nào? Đức Giêsu, con-bác-thợ, thợ mộc… lại rành “ngư trường” hơn tay ngư phủ lão làng Simon sao!  

Hơn nữa, “ban đêm” là một thời điểm rất thuận lợi cho việc đánh bắt cá, và như lời ông Simon nói: “chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả…”, giờ đây, sáng bảnh mắt rồi, con-bác-thợ lại bảo ra khơi thì có nghịch lý không kia chứ!

Nếu là chúng ta, có thể chúng ta không tuân lệnh. Thế nhưng, ngư phủ Simon, thật ngạc nhiên, ông ta lại “vâng lời” anh thợ mộc Giêsu. Tại sao ư! Vâng, thánh Luca không cho biết gì, nhưng chúng ta có thể tin rằng, ông Simon vâng lời là bởi ông nhìn ra Đức Giêsu là một bậc Thầy, không phải là một loại “thầy dạy nghề” nhưng là bậc Thầy của “quyền năng.”

Chính mắt ông Simon chứng kiến Thầy Giêsu, tuy chẳng phải là một lương y, nhưng chỉ một lời “ra lệnh” thế mà “bà mẹ vợ” của ông ta “đang bị sốt nặng” bỗng nhiên “cơn sốt biến mất” (Lc 4, 38-39).

Cho nên, hôm nay, mệt thì có mệt đấy, nhưng thi hành “lệnh” của Thầy Giêsu, một lần thôi, thì đã sao! Kệ… Cứ “ký thác” chuyến đánh bắt này cho Thầy Giê-su “có ra sao thì ra”.

Thế là họ ra khơi. Hôm ấy, ông Simon nói: “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Và phép lạ đã xảy ra. Câu chuyện được kể rằng: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5, 6).

Hôm ấy, để có thể đem cá vào bờ “Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (Lc 5, 7).

***

Ông Simon đã ký thác chuyến đánh bắt cá của mình cho Thầy Giê-su. Và, Thầy Giê-su đã hoàn thành những gì ông Simon đã ký thác. Ông Simon đã ký thác công việc mình cho Thầy Giê-su, và sự ký thác của ông Simon đã không vô hiệu.

Không vô hiệu, không chỉ ở chuyện “bắt được rất nhiều cá” nhưng còn ở chuyện, đôi mắt ông Simon đã nhận ra rằng: Thầy Giê-su giờ đây chính là “Chúa”, một vị Chúa mà ông phải “sấp mặt dưới chân Ngài” để thú nhận rằng: “con là kẻ tội lỗi”.

Chưa hết, sự ký thác của ông Simon còn tác động đến những người bạn chài của ông: hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an. Hai vị này cũng… “cũng kinh ngạc” như “ông Simon và tất cả những người ở đó với ông đều kinh ngạc”.

Vâng, tất cả mọi người đều kinh ngạc vì Thầy Giê-su đã cho họ “được phỉ chí toại lòng”. Hôm ấy, tất cả họ đã ký thác đường đời mình cho Thầy Giê-su, qua việc “bỏ hết mọi sự mà theo Người.” (x.Lc 5, 11).

“Isaia đã học được bài học này trước cả Phê-rô”. Chia sẻ đoạn Tin Mừng này (Lc 5, 1-11) Lm Charles E.Miller nói tiếp: “Thoạt đầu, ngài Isaia không muốn đảm nhận vai trò ngôn sứ trước mặt dân Chúa vì cảm thấy mình không xứng đáng. Isaia tự đánh giá mình là kẻ ‘môi miệng ô uế’. Lẽ ra ông đã khước từ lời kêu gọi của ĐỨC CHÚA để theo đuổi một nếp sống khác. Nhưng Thiên Chúa chọn ông. Một trong các thần Xê-ra-phim chạm vào miệng ông, một biểu trưng cho ơn gọi của Chúa, và ông đáp lại ngay ‘Dạ con đây, xin sai con đi’. Ông trở thành một trong các đấng tiên tri cao cả nhất vì đã tuân theo đường lối của Chúa”. 

****

Simon Phê-rô và các bạn chài của ông đã ký thác đường đời mình cho Chúa. Ngôn sứ Isaia “đã học được bài học này trước cả Phê-rô”. Với thánh Phao-lô, ngài đã nhận ra rằng: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa…” (1Cor 15, 10). Nói chung, các ngài đã ký thác. Và, “chính Chúa, chính Chúa, Người (đã) ra tay”.

Mùng một tết đã qua đi. Nhiều mùng một tết khác cũng sẽ qua đi. Chúng ta… mỗi chúng ta đã ký thác đường đời mình cho Chúa! Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng “hãy ký thác – đừng ký gởi”.

“Bạn hãy ký thác đường đời cho Chúa! Và Chúa, chính Chúa, Người sẽ ra tay.” Thiên Chúa muốn chúng ta ký thác, không phải ký gởi. Ký thác là phó thác, là tin tưởng. Ký gởi chỉ là “gởi”, mà gởi thì sẽ có ngày lấy lại.

Đức Giê-su muốn chúng ta hãy KÝ THÁC MỌI SỰ cho Ngài, như chính Ngài đã PHÓ THÁC MỌI SỰ cho chúng ta. Tại Golgotha, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giê-su đã kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (x.Lc 23, 46). Và, đó là lý do chúng ta đừng ký thác cuộc đời mình cho satan.

Ký thác cuộc đời mình cho satan, có thể… rất có thể chúng ta sẽ có một cuộc sống sung túc, cơm no áo ấm. Thế nhưng, đừng quên rằng, Đức Giê-su đã có lời khuyến cáo: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì”.

Lịnh truyền của Đức Giê-su, đó là, chúng ta hãy ký thác cuộc đời mình cho Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ và bảo vệ chúng ta cho đến cuối cùng.

Nếu chúng ta ký thác đường lối mình cho Chúa, Chúa sẽ làm hoàn thành những gì chúng ta ký thác.

Nếu chúng ta ký thác công việc của mình cho Chúa, Chúa sẽ làm cho công việc của chúng ta đạt được thành quả tốt đẹp.

Nếu chúng ký thác mọi “mệt mỏi và gáng nặng” của mình cho Chúa, Chúa sẽ cho chúng ta được “nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

Đừng ký gởi, phải là ký thác mọi sự… ký thác mọi sự cho Chúa. Ký thác mọi sự cho Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự chăm sóc của Chúa, nhận ra phước hạnh kỳ diệu của Ngài. Thánh Phao-lô gọi đó là “ơn Người ban cho tôi”.

Vâng, Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi sự, nếu chúng ta ký thác mọi sự.

Như ông Simon khi xưa, đã nói: “vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Thì nay, chúng ta hãy nói: “Tin lời Chúa, con ký thác cuộc đời mình cho Ngài.”

Simon Phê-rô với niềm tin phó thác, ông và các bạn chài đã “được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm”. Hôm nay, chúng ta với niềm tin phó thác: “Chính Chúa, Người sẽ ra tay”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây