Linh mục, người là ai? -kỳ 6

Thứ năm - 10/02/2022 04:36 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   436
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Linh mục, người là ai? -kỳ 6

Linh mục, người là ai?

Linh mục, người là ai? Linh mục làm gì trong những ngày cách ly? Linh mục trở nên Alter Christus như thế nào? Luôn là chủ đề nhiều người quan tâm.

Tuần tĩnh tâm linh mục -2021 tại Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản xác định Linh mục là người xây dựng Giáo Hội. Linh mục là con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 43-51).

Đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều linh mục đã có những sáng kiến nhằm phục vụ dân Chúa cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất bằng sự hy sinh quên mình. Nhiều linh mục tình nguyện dấn thân phục vụ tại các bệnh viện nơi tuyến đầu chống dịch.

Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ. Ngoài những khó khăn về giao tiếp, khác nhau về phong tục tập quán, Cha Lành (nhân vật chính) còn trải qua biết bao thách đố, cám dỗ, cạm bẫy giăng mắc trên bước đường linh mục nơi xứ người.

Linh mục, người là ai? do tác giả Lm Lã Mộng Thường phát hành vào năm 1991 tại Hoa Kỳ, nay được tái bản và lưu hành nội bộ tại Ban Mê Thuột với số lượng có hạn, ưu tiên cho các giáo xứ, dòng tu, đoàn thể.

Xin vui lòng liên hệ SĐT: 0905 266 328 (Vũ Đình Bình)
Hoặc email: binhbalme@gmail.com

Trân trọng giới thiệu.

 
LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I

(Kỳ 6)

- Nhà thờ Mân Côi.
- Chào cha, con là Hoan đây, cha gọi con có chuyện chi vậy?
- Tôi cần chị ký giấy hứa sẽ đi nhà thờ để rửa tội cho cháu nhỏ. Chị nhớ cầm theo giấy khai sinh để ghi tên tuổi cháu nhỏ vô sổ cho đúng.
- Thưa cha giấy khai sinh nhà thương chưa gửi về; khi nào có con sẽ đem vô.
- Vậy thì chị ghé qua ký giấy trước và khi nào có giấy khai sinh tôi sẽ rửa tội cho cháu nhỏ.
- Sao vậy cha?
- Bởi chị không có hôn thú, tên của em nhỏ phải ghi theo giấy khai sinh. Nếu ghi theo tên của ba em nhỏ theo lời nói bây giờ lỡ sau anh ta không nhận thì phiền phức lắm.
- Được rồi, con sẽ tới ký giấy. Thế tụi con muốn làm phép cưới thì phải làm sao bây giờ?

Câu hỏi của chị Hoan gợi lại nơi tâm trí ngài mối ưu tư về những người Việt sống lưu vong đang phải đối diện với sự xung khắc văn hóa hoành hành nơi tâm hồn dân tộc ở hải ngoại. Sống tại Việt Nam, nền luân lý cộng đồng ràng buộc con người theo khuôn khổ chung qua những ảnh hưởng của quan niệm, ý thức Khổng, Lão. Hơn nữa, vì Việt Nam vẫn còn là nước nông nghiệp, kỹ nghệ chưa phát triển do đó dân chúng họp thành làng xã và ít khi thay đổi chỗ ở nên mọi người quen biết nhau. Liên hệ quen biết này tạo nên sự cổ võ cho danh dự gia đình và cá nhân do đó làm triển nở nơi con người ý thức luân lý hoặc sự chịu đựng và chấp nhận luân lý cộng đồng như một mẫu mực sống cho cuộc đời. Hôn nhân trong ảnh hưởng luân lý này cũng được bảo vệ nên bền vững hơn. Đàng này, sống ở Mỹ, khoảng cách khác biệt giữa hai quan niệm văn hóa Việt - Mỹ, hoặc có những ảnh hưởng đối nghịch giữa hai văn hóa nên cần được chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân kỹ càng hơn mong đáp ứng lại đời sống tự lập hoàn toàn tùy thuộc ở hai người. Giáo dục hôn nhân do đó lại trở nên quan trọng. Tuy nhiên, giới trẻ ít ai hiểu do đó thường hay cảm thấy bị phiền hà vì sự chuẩn bị này... Thật ra nhận xét thực tế này khó cho người trẻ chấp nhận vì họ chưa có kinh nghiệm. Biết rằng thế nào cũng làm cho chị Hoan cảm thấy phiền, mà biết sao hơn; cha Lành đành cố dịu giọng nhẹ nhàng:
- Theo luật giáo phận, anh chị cần sáu tháng để chuẩn bị và học hỏi về hôn nhân cùng làm giấy tờ.
- Nhưng tụi con đã định ngày rồi.
- Ngày nào?
- Ngày 23 tháng 2.
- Từ nay đến hôm đó chỉ có 4 tháng. Đó không phải “big deal”. Nếu có gì trở ngại sẽ có cách. Thế mấy giờ anh ấy đi làm về?
- Bốn rưỡi.
- Chị làm ơn nới với anh ấy tới gặp tôi đúng sáu giờ tối được không? Bốn rưỡi về, tắm rửa, ăn uống, nghỉ một chút rồi tới nhà xứ.
- Vâng.
- Nhớ đúng giờ, trễ 10 phút tôi đi khỏi.
- Tụi con tới đúng giờ...

...Đôi trẻ ra về sau khi làm bản trắc nghiệm. Cha Lành châm điếu thuốc, ngài cảm thấy vui hơn thường lệ. Được cả đàng nọ lại được cả đàng kia. Nhờ rửa tội cho đứa nhỏ nên hai người đã bàn đến chuyện hôn nhân... Thế nhưng câu chuyện nào có êm đềm xuôi chảy như ngài nghĩ. Bản trắc nghiệm tâm lý cho kết quả hai người cần đi gặp chuyên viên cố vấn tâm lý về hôn nhân. Thời gian này cộng thêm thời gian học hỏi chuẩn bị hôn nhân sẽ bị trễ hơn ngày tháng đã định...

- Hello!
- Tôi là cha Lành, làm ơn cho tôi nói chuyện với chị Hoan.
- Dạ thưa Hoan đây cha, có chuyện gì vậy?
- Tôi muốn gặp riêng anh ấy; chị làm ơn nói anh ấy vô gặp tôi lúc 6 giờ tối nay được không?
- Ảnh đang đây, cha nói với ảnh...
- Chị làm ơn
- Hi cha, có chuyện chi vậy cha?
- Tôi muốn gặp riêng anh tối nay lúc 6 giờ...
- Cha có thể nói trên điện thoại ngay bây giờ, con đang nghe mà...

Hôm trước cha xứ có nói, người đặc trách về việc giúp giáo lý hôn nhân gọi cho ngài cho biết theo kết quả bản trắc nghiệm của cặp này thì anh chàng bị áp lực cưới vợ. Theo sự dò hỏi, chính má chị Hoan hối thúc họ cưới nhau vì danh dự gia đình của bà. Tuổi trẻ yêu nhau, chỉ biết yêu lại không chịu tìm hiểu nên gây ra lắm rắc rối. Thật khó nghĩ nhưng cũng đành cố gắng; cha giải thích:
- Có một vấn đề hơi khó nói nên tôi muốn đối diện với anh cho minh bạch hơn...
- Vâng, con sẽ tới.

o o o

Nửa tiếng sau chàng thanh niên bước vô nhà xứ.
- Chào cha,
- Chào anh, hôm nay sao làm về sớm thế?
- Con mới đổi việc nên về sớm hơn.
- Cháu nhỏ khỏe không?
- Dạ, cháu vẫn bình thường.
- Công việc mới thế nào; có khá hơn không?
- Cũng thế nhưng dễ chịu vì giờ làm ban ngày lại không sợ bị đóng cửa hãng.
- Cũng may đó, dạo này đâu dễ kiếm việc...
- Cha muốn gặp con có chuyện chi đó cha?
- Theo như kết quả bản trắc nghiệm tâm lý cho biết, anh hình như bị áp lực nào đó để lập gia đình với Hoan... Anh nhận thấy thế nào?
- Đúng, kỳ làm bản trắc nghiệm con cảm thấy thế nhưng bây giờ thì không.
- Thật sự, đó trở thành cái phiền. Anh hiểu, người ta căn cứ trên kết quả bản trắc nghiệm... Như thế, chuyện xảy ra hơi phức tạp... và họ đề nghị anh chị gọi điện thoại cho tòa giám mục lấy hẹn với chuyên viên cố vấn về hôn nhân. Như anh hiểu, tôi muốn câu chuyện xảy ra êm đẹp và mau mắn cho anh chị nhưng không biết làm sao bây giờ ngoại trừ chính anh chị giải quyết. Đây là số điện thoại văn phòng cố vấn hôn nhân; anh chị gọi lấy hẹn, sau đó nói cho tôi biết. Anh chị không phải trả tiền đâu, cứ yên trí...
- Vâng, để con về tính xem...

Thương cho đôi trẻ gặp chuyện rắc rối ngoài ý muốn. Cuộc đời, ai cũng thế, - cha Lành châm điếu thuốc, ngả lưng trên dựa ghế trầm ngâm nhìn làn khói - đâu phải cứ muốn là được hoặc không muốn mà tránh thoát. Tuy những chuyện rắc rối nếu nhìn theo khía cạnh khác, được huyền nhiệm xảy đến cách vô tình để huấn luyện thêm cho con người trưởng thành hơn và đem lại lợi ích cho cuộc sống hơn sau này, nhưng mấy ai ý thức như thế. Nhớ lại thời kỳ lấy bản trắc nghiệm tâm lý tại Baton Rouge, thày Lành chỉ giỡn chơi sắp xếp mấy bức tranh thành một câu chuyện kết thúc cho có vẻ khác thường để rồi kết quả đưa lại: có tính chất hiếu chiến, hiếu thắng, và phải đi gặp chuyên viên tâm bệnh trị liệu. Dĩ nhiên, thày Lành ngày ấy lý luận mình sinh trưởng trong một nước nghèo, thiếu môi trường phát triển, ai nấy phải tự lo tranh sống. Rồi sau năm 1975 lại phải chiến đấu với sự sống còn của cuộc đời - sao che mắt công an, nào đi làm không dám lấy tiền công cho tiện bề đào thoát; rồi những lần đối diện giữa cái sống và cái chết, hoặc giữa tù tội hay cắn răng chịu những đau đớn thân xác để chạy thoát đã tạo nên nơi thày khả năng sinh tồn, tranh sống cao hơn người thường - thế mà thay vì được nhận ra năng lực ấy lại phải đi điều trị. Đời chi lắm cảnh trái ngang! Tuy nhiên, không gặp chuyên viên tâm bệnh trị liệu không được vì nhà trường đòi giấy chứng nhận thời gian tối thiểu 6 tháng, mỗi tuần gặp một lần. Trong cái rủi có cái may; 26 tuần chấp nhận chẳng đặng đừng ấy đã giúp cha Lành ngày nay nhận thức được tâm tình cảm thông, xoa dịu bớt những vết thương lòng đồng loại chẳng may vấp phải... “Không hiểu Chúa muốn gì cho đôi trẻ; chỉ xin Ngài giúp cho họ sự chịu đựng để vượt qua những rắc rối ngoài ý muốn này;” ngài thầm thĩ.
Mới sáng sớm, má chị Hoan đã gọi lại cầu cứu:
- Con Hoan nó nói không hiểu tại sao mỗi lần có chuyện cần đến Giáo Hội, Giáo Hội lại cứ đạp nó xuống bùn đen; nó muốn đổi đạo, không muốn là người Công Giáo nữa.
- Bà làm ơn nói chị Hoan gọi cho tôi được không?
- Vâng, nó đi đâu ấy từ sáng sớm, lúc nào cháu về, con nói cháu gọi cho cha. Ô, có tiếng xe, hình như cháu đã về; cha chờ chút... Đây thưa cha, cháu Hoan.
- Chào cha.
- Chào chị Hoan, khỏe không?
- Con bình thường, thưa cha con đang muốn khùng lên; ngày tháng lỡ cỡ, tiền bạc hao tốn chẳng được việc chi.
- Hôm qua anh ấy có nói chuyện chi với chị không?
- Cũng lý do ấy nên mới lỡ cỡ; chán, chán quá rồi cha ơi, con không biết sao nữa!

“Có ở trong chăn mới biết chăn có rận,” có đối diện với thực tế rắc rối nơi tâm trạng không muốn chấp nhận thực tại mà chỉ muốn giải quyết theo ý mình mới thấy cảnh phiền hà tâm tư. Ai không một lần lâm vào cảnh trên đe dưới búa, lưỡi kẹp giữa hai hàm răng! Trong những trường hợp như thế, dù làm theo đe cũng bị đập choẹt mà làm theo búa cũng nát tan bởi đụng chạm. Thôi thì biết sao hơn, tốt nhất sao cho tránh khỏi bị kẹt giữa hai đối phương: người ra luật và kẻ dưới sự thống trị của luật. Nếu theo luật, 95 phần trăm chắc chắn đẩy người khác vào đường cùng sẽ sinh ra những bất mãn không thể ngờ. Không theo luật, mình sẽ bị “bố” chẳng sớm thì chày; do đó chỉ còn cách để chị Hoan nói chuyện với giám mục. Mà khổ nỗi, muốn gửi người gặp giám mục xin chuẩn không theo luật phải có lý do chính đáng. Đàng này, nếu không được học hỏi về hôn nhân kỹ càng, ai biết đâu tương lai của họ sẽ ra sao vì ít nhất 50 phần trăm những cặp hôn nhân trên đất Mỹ đã tan vỡ. Thôi thì đành liều để giám mục khuyên chị ta bởi có nói thêm chị ta cũng chẳng thèm nghe. Cha Lành cố lấy giọng nhẹ nhàng:
- Chuyện xảy ra nào ai muốn đâu! Chị biết, tôi muốn mọi sự đơn giản nhất nhưng kết quả ngoài tầm tay. Tôi đề nghị chị gọi cho đức giám mục để trình bày với ngài...
- Được, con sẽ gọi.
- Nhưng không được nói với ngài là tôi nói cho chị biết. Chị mà nói tôi nói là tàn đời cả cha lẫn con. Nhớ rằng khôn thì phải kín miệng. Tất cả tùy sự khôn khéo nơi chị mà thôi...

Từ ngày về làm phó xứ Mân Côi tới nay, qua những lần chiếu phim học hỏi về bí tích Rửa Tội cũng như rửa tội, cha Lành lần nào cũng gặp một số cha mẹ không có phép hôn phối. Đa số lý do chỉ vì cha xứ không chấp nhận làm phép cưới trước 6 tháng. Luật địa phận chuẩn bị, học hỏi hôn nhân 6 tháng dĩ nhiên nào phải tự trời rơi xuống nhưng được đặt ra vì lợi ích cho cuộc sống hôn nhân 40 năm, 50 năm, 60 năm hoặc may mắn thì hơn. Bỏ ra 6 tháng để chuẩn bị, học hỏi hiểu biết thêm để tránh bớt những điều đáng tiếc có thể xảy ra trong đời sống lứa đôi do sự thiếu hiểu biết hoặc kinh nghiệm nào có chi thiệt thòi mà lại mang nhiều lợi ích thiết thực. Dĩ nhiên, kinh nghiệm nào không phải trả bằng một giá mắc mỏ nhất là kinh nghiệm lứa đôi. Những kinh nghiệm trả giá mắc mỏ thật ra hãy còn chịu đựng được, trái lại có những kinh nghiệm trả giá cả một đời. Khi chuẩn bị cho những cặp hôn nhân đã sống chung với nhau lâu ngày vì lý do bất mãn hoặc cản trở nào đó không thể làm phép cưới từ thời mới sống với nhau, cha Lành khuyến khích họ coi 4 cuốn băng video về vấn đề hôn nhân; không có cặp nào là không nhận thấy đã bao lâu nay, những vấn đề thật nhỏ nhoi, đơn giản nhưng lại là nguồn gốc của những rắc rối lớn lao trong đời sống gia đình do sự chung đụng giữa vợ chồng và con cái... Đồng thời ngài cũng nhận ra, những kinh nghiệm ấy ngài không thể có được và dầu có muốn nói với họ, ngài cũng không thể giải thích hay hơn hoặc ít nhất là tương đương với những người đã có kinh nghiệm sống bậc vợ chồng.

Có những người nhận xét về thực tại lứa đôi thời nay đem so sánh với ngày xưa rồi kêu ca, chán nản vì hiện trạng đổ vỡ của gia đình. Cha Lành cảm thấy thương cho họ bởi những nhận xét nông cạn, nghĩ rằng thời nào cũng phải giống thời nào. Một nguyên nhân quan trọng đưa đến đổ vỡ nơi cuộc sống gia đình ngày nay có thể là hiện trạng tâm não bệnh hoạn. Bác sĩ, các nhà khoa học mới nhận ra qua thí nghiệm đưa đến kết quả rằng khi người mẹ có bầu mà uống rượu, đứa con trong bụng say gấp đôi đồng thời chính chất rượu tàn phá bộ óc của đứa bé. Bao nhiêu lâu rồi nào ai biết, và bao nhiêu lâu rồi những người mẹ có bầu đã uống bia, uống rượu; thế thì bao nhiêu người vừa thoạt sinh ra đã có những bộ óc bệnh hoạn bất thường nào ai có hay. Vì vậy những đổ vỡ nơi cuộc sống, nơi gia đình đâu phải người ta muốn thế; đâu phải tại họ muốn thay lòng đổi dạ mà chính từ nơi tâm não bệnh hoạn. Hơn nữa, nào có ai chấp nhận mình bệnh hoạn hay chỉ tìm bất cứ lý do nào đó để bào chữa, để kéo phần phải về mình. Thật ra, kiếm lý do để kéo phần phải về mình đã có thể là cá tính của người có tâm não bệnh hoạn vì người bình thường đúng nhận là đúng, sai nhận là sai. Đời người nào không nhiều sai lầm; kinh nghiệm nào không phải trả giá hoặc không đụng vô lửa sao biết lửa nóng.

Làm thế nào để dung hòa giữa sự thiếu nhận thức được giá trị của thời gian 6 tháng chuẩn bị hôn nhân và đồng thời giúp cho họ chấp nhận học hỏi thêm những điều lợi ích cho tương lai lứa đôi vẫn luôn luôn là mối ưu tư nơi tâm trí cha Lành. Ngài không thể chấp nhận kiểu trả lời vắn tắt điều kiện 6 tháng hoặc lôi luật ra bắt người khác tự động tuân theo không cần giải thích. Hai phần ba những cha mẹ có con rửa tội từ ngày cha về làm phó xứ đã không cưới hỏi theo luật Công Giáo bởi không thể nuốt trôi sự chờ đợi của 6 tháng tha thiết mới mẻ cách xa này. Dĩ nhiên, họ quen nhau cả năm trước hoặc hơn - như thế nên ngầm hiểu họ tưởng đã biết đủ mọi sự về nhau; - tuổi thanh niên nơi đất nước tự do hiểu sai nghĩa mà - thế thì đâu cần chi 6 tháng tìm hiểu. Ai khi đang rối lên vì yêu với thương không nghĩ là 6 tháng thừa thãi! Một ngày không gọi điện thoại cho nhau đã như cả năm cách biệt phương chi những 6 tháng đối với con mèo đói nhìn cục mỡ liếm môi nuốt nước bọt. Thật ra họ đâu biết 6 tháng này không phải tìm hiểu về nhau mà tìm hiểu chính mình có khả năng hoặc trưởng thành đủ để quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân chưa, hoặc cá tính mình ra sao. Rồi trên thực tế, sống chung đâu luôn luôn tuyệt vời như mới quen nhau hoặc như thời gian hẹn hò, mới cưới. Họ đâu đã biết chi đến những rắc rối sẽ xảy ra có thể chỉ vì ngủ ngáy lớn quá người phối ngẫu chịu không nổi hoặc chỉ vì những thói quen vô tình trở thành nguyên nhân giết chết tình yêu đôi lứa...

Nỗi thống khổ của thực tại dân Chúa đè nặng trên tâm trí người linh mục trẻ. Kiếm cách nào, bám víu vào đâu, làm sao... làm sao... Những câu hỏi mang theo hai tiếng “làm sao” không có câu trả lời rõ ràng. Lắm lúc có dò hỏi một vài người thì lại thường gặp những bộ óc quyết đoán quá non nớt, thiếu cái nhìn sâu rộng để cho rằng chỉ có ý kiến hay quan niệm của mình là tuyệt vời, toàn hảo. “Không thể hiểu được,” đôi khi ngài lẩm bẩm, “chính mình đã không toàn hảo thì không có điều gì mình nghĩ có thể toàn hảo, hoặc cuộc đời mình đã sai lầm nhiều thì có thể điều mình đang cho là đúng cũng có thể sai lầm. Chúa ơi! Người có vợ có chồng không cần lo lắng trong khi kẻ độc thân cứ rối lên vì lo cho họ, nhưng biết sao hơn!...”

Nỗi đau khổ của những người sống trong hôn nhân nhưng thiếu hiểu biết về những điều cần thiết trong cách cư xử giữa vợ chồng cũng làm ngài ưu phiền không kém. Bao nhiêu người đã gọi điện thoại để than phiền về chồng, về con hoặc về vợ. Có đề nghị họ đi gặp những nhà chuyên môn thì ai cũng nghĩ mình có thể giải quyết được tất cả hoặc ráng chấp nhận cho qua... Kết quả của những cuộc hôn nhân gượng ép vì vui lòng cha mẹ, hoặc vì bất cứ lý do gì là cả một địa ngục cuộc đời. Thà rằng họ không bằng lòng bấy giờ nhưng sau đó yêu nhau, chấp nhận nhau thì không sao. Đàng này, ngày này qua ngày khác những đè nén chấp nhận chồng chất. Làm sao mà dám mở miệng khuyên kẻ khốn khổ vui vẻ lên sống hạnh phúc với cái hỏa ngục của họ! Làm sao có thể tự lừa dối mình mà nói vì Chúa thôi ráng chấp nhận... Dĩ nhiên mình không bị sống trong cảnh đau khổ gượng ép ấy mình đâu có bị sự thực phũ phàng xâu xé. Tuy nhiên, mới chỉ nghe những lời than thở đã muốn nát bấy tâm can thì người sống trong thực trạng ấy phải chấp nhận ghê gớm thế nào. Mở miệng nói không được, lờ đi không xong để rồi tâm trạng bị đay nghiến vì những đau khổ dân Chúa phải chịu do sự thiếu hiểu biết mà tan nát lòng. Thế mà vẫn phải đóng bộ mặt vui tươi với kẻ vui rồi lại cũng “vui” với kẻ buồn mới cả là một sự trái ngược.

Đôi khi cha Lành hậm hực với chính mình vì đã lỡ hiểu biết. Ngài thầm nghĩ, “Thà mình ngu quách cho đỡ cảm thấy đau thương... Chúa có thấu chăng, bao nhiêu tội lỗi đã sinh ra bởi sự thiếu học hỏi!...” Nghĩ mà bực, bực đến khùng được. Có nói ra, người ta cứ nghĩ rằng họ biết hết mọi sự. Ôi! chỉ có dốt nát mới có thể tin rằng mình biết hết mọi sự, không cần tìm hiểu thêm.

Cũng chính vì không chịu tìm hiểu thêm để chỉ nghĩ mình là đúng với những quan niệm, kinh nghiệm có được từ thời xa xưa, biết bao nhiêu những điều đáng tiếc đã và đang xảy ra không những cho chính mình mà còn cho cả thế hệ sắp tới. Thường thì các bậc cha mẹ chỉ biết than lên con cái khó dạy, chạy đua theo xã hội mới mà không hề bao giờ đặt vấn đề phải làm sao và như thế nào để nói cho con nghe. Có người hô ầm lên nào là tuổi trẻ mất gốc, tuổi trẻ chạy theo thời. Nào có lạ gì, mỗi ngày 6 tiếng nơi trường Mỹ, hấp thụ văn hóa Mỹ, được đào tạo nơi môi trường Mỹ thì sao có thế sống theo tâm tình và tâm lý người Việt chưa bao giờ được dạy bảo. Hơn nữa, sống nơi xã hội tạp chủng này, luân lý cộng đồng kể như bị mất hẳn mà người ta cứ nói về những đặc tính cá biệt thay vì những mẫu mực luân lý căn bản chung! Sự giáo dục con cái lại càng cần nhiều cố gắng tìm hiểu của cha mẹ mà nào được mấy ai đặt vấn đề như thế; ấy là chưa nói đến sự thực hành những vấn đề được suy nghĩ để giáo dục, giúp cho con cái hiểu biết thêm về dân tộc, luân lý... Chỉ than với thở, không hiểu than thở giúp ích gì cho giới trẻ...?

***

Một hôm nhân dịp tới thăm một gia đình người quen, đang nói chuyện với cặp vợ chồng, một em bé gái cỡ 13, 14 tuổi vừa mở cửa bước vô, người mẹ đã vội lên tiếng:
- Huyền ơi, con có mái tóc đẹp quá; giống như đứa chết trôi! - Bà mẹ gọi con gái cố ý để cha Lành nhìn thấy.
Con bé phụng phịu quay ngoắt đi... Thấy thế cha Lành mỉm cười bênh vực:
- Có sao đâu, đó chỉ là kiểu tóc thời trang...
- Nhưng trông ngứa mắt quá...
- Trông ngứa mắt bởi nó không để tóc giống mình hay mình không dám chải tóc dựng đứng như đứa chết trôi?...
Bà mẹ bắt đầu than thở!
- Tóc tai, quần áo, tụi trẻ ăn mặc không giống ai hết; chán quá, con với cái...
- Vấn đề đầu tóc và quần áo không lạ gì. Ai cũng thế, tâm lý chung muốn được người khác chấp nhận hoặc muốn thuộc về một nhóm hay giới nào đó. Tụi trẻ đi học tại nhà trường; bạn bè chúng đều như thế; nếu khác với những người chung quanh sẽ bị cô lập hoặc không được chấp nhận và sinh ra mặc cảm không giống ai. Cũng như, dù muốn dù không, mình sống trong xã hội sẽ bị ảnh hưởng xã hội.
- Chúng không còn biết gì về giúp đỡ gia đình, tối ngày ăn xong đi chơi...
- Thế anh chị có chia cắt rõ ràng bổn phận của từng đứa cho chúng không? Có giải thích sao cho chúng nhận biết thế nào và phải làm sao không?
- Cha xem, có nói, chúng đâu có thèm nghe; thật là con chưa lớn đã kể như mất...
Cha Lành ngắt lời:
- Chắc chắn rằng mất nếu không tìm cách nào để khuyến khích chúng sống có trách nhiệm hơn. Có điều e rằng mình nói chúng không hiểu rồi cứ tưởng chúng hiểu mà không làm hoặc mình chỉ ra lệnh mà không giải thích cho chúng hiểu thế nào hoặc thực tập cho chúng làm, hoặc thế nào là hay, là dở, nên hoặc không nên...
- Chúng có thèm nghe mình đâu cha?
- Chúng nó không nghe mình hay mình không nói kiểu chúng có thể hiểu và hợp với chúng mà lại chỉ nói bóng nói gió, móc máy như vừa rồi... Hơn nữa, cứ cái lối “ngày xưa tao thế nọ, ngày xưa tao thế kia...” thì có lẽ ông nội chúng cũng không thèm nghe chứ chưa nói gì đến chúng!
- Biết làm sao bây giờ. Tụi con thì bận công ăn việc làm tối mặt tối mày; về đến nhà, ngập ngụa bày hàn đủ mọi nơi mọi xó. Cha coi, chồng thì vớ lấy lon bia ngồi coi tivi; còn mình nào như đánh đô vật, thu dọn, nấu ăn mệt thở không ra hơi còn giờ nào mà nói với tìm hiểu. Hò chúng rát cả miệng, bỏng cả cổ; thôi thì làm quách cho xong... Thương con, con đâu có biết lại phiền cả lòng... Đành ráng cho qua ngày tháng rồi tới đâu thì tới; đời cua cua máy đời cáy cáy đào chứ biết sao hơn!...
- Chính vì thế mới cần nhiều cố gắng. Thà chấp nhận bỏ ra vài lần, mỗi lần nửa tiếng để từ từ chỉ dẫn cho con cái và rồi từ đó tự chúng làm những chuyện lặt vặt có phải hơn là ngày nào mình cũng ráng cho qua...
- Cha bảo làm thế nào bây giờ?
- Thì đi làm về vài ngày đầu, chấp nhận ăn cơm trễ thêm nửa tiếng; gọi hết tụi nhỏ về, nhẹ nhàng từ từ chỉ dẫn chúng sắp xếp lại nhà cửa, sách vở, đồ chơi, quần áo, phòng ốc của đứa nào phải thu dọn sạch sẽ cho đứa đó. Chén bát dơ chúng ăn bày ngập ra, chỉ cho những đứa lớn rửa chén thế nào cho sạch... nhẹ nhàng, nhã nhặn dạy chúng làm. Rồi quần áo dơ bỏ vào máy giặt, cho xà bông vô, vặn nút thì dù đứa 6, 7 tuổi cũng biết, cần gì phải lớn hơn. Đã bao giờ chỉ chúng làm chưa hay cứ rối lên “Ngày xưa tao 10 tuổi đã phải nấu cơm.” Tự nhiên 10 tuổi mà biết nấu cơm à? Có ai vừa sinh ra đã biết hết mọi sự... Thương con không đúng cách là giết con từ từ... Cứ trách chúng hư mà chẳng bao giờ chỉ cho chúng những điều tốt lành là ăn gian nói láo...

Nãy giờ được cha Lành bênh, Huyền cứ tủm tỉm cười; vô tình bị mẹ bắt gặp nên lại bị lôi vào tấn công tiếp:
- Kìa cha coi, con bé người đã ốm tong ốm teo mà cái ống quần ôm sát... giống như đôi đũa...
- Ăn thua gì, đó chỉ là mốt thời trang. Thời trang nay còn mai mất. Vấn đề căn bản là sự giáo dục bằng cách thực hành lối sống ngay trong gia đình. Vớ vẩn, cứ mở miệng ra là chê bai, hò hét; con cái chúng sẽ cố tránh gặp mình thì làm sao dạy chúng, làm sao còn có cơ hội mà nói cho chúng nghe. Anh chị gặp ai luôn luôn chê trách mình, anh chị có muốn đến gần hoặc nói chuyện với họ nữa không? Thế ai cho tiền nó mua cái quần ống túm và cái áo rộng thùng thình ấy?
- Tiền đâu mà cho; cha coi, áo của con nó lấy mặc; còn quần thì chả biết nó may hay mượn ai may túm lại...
Cha Lành hướng sang phía cô bé:
- Huyền, quần con mua hay may vậy?
- Thưa cha con may hai cái ống lại...
- Con giỏi đó, thế mà má con cứ chê riết thôi...
Quay lại cặp vợ chồng ngài tiếp:
- Chị thấy không, tụi nó thích gì là làm cho bằng được. Chị đã bao giờ tìm hiểu chúng nó có thích cái nhà này không hoặc có thích cái gia đình này không? Nếu chúng nó không thích thì tại sao, chị đã được nghe chưa? Dạy con cái mà không tìm hiểu tâm lý chúng thì cũng như cuội; có ráng đến muôn đời thì mất chúng vẫn hoàn mất...

Vấn đề giáo dục không những cần thiết cho giới trẻ mà ngay cả cho những người đang sống trong bậc vợ chồng. Cũng chỉ vì thiếu hiểu biết hoặc không chịu học hỏi thêm nên những thái độ vô tình đã gây nên những mầm mống đổ vỡ. Đôi khi hoặc vì sống với nhau qua thời gian dài mình nghĩ rằng người bạn đời thông cảm hết cho mình nên sinh ra vô ý hoặc những buồn bực đâu đâu đã ảnh hưởng thái độ của mình vô tình làm phiền lòng người phối ngẫu dễ dàng đưa đến tan nát...

(còn tiếp)

Lm Lã Mộng Thường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây