Linh Đạo Hiếu

Thứ năm - 03/02/2022 08:26 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   464
linh đạo hiếu rất đậm nét trong văn hoá hiếu đạo. Con đường tu đức hiếu đạo ấy nằm bàng bạc ở trong trong đời sống tâm linh của dân gian,
Linh Đạo Hiếu

Linh Đạo Hiếu


 Mới thoạt nghe tựa đề có lẽ đã giật mình, vì xưa nay ít nghe hay chưa từng nghe cụm từ “Linh đạo hiếu”. Thật ra, linh đạo hiếu rất đậm nét trong văn hoá hiếu đạo. Con đường tu đức hiếu đạo ấy nằm bàng bạc ở trong trong đời sống tâm linh của dân gian, có khi trở thành hiển nhiên như trời với đất, và quen thuộc như dòng ca dao.
Con đường tu của dân gian rất gần với đời sống, họ không cần vào chùa mới là đi tu, con đường tu ấy bắt đầu ngay từ trong gia đình với bổn phận hiếu đạo của người con:
“Tu đâu cho bằng tu nhà.
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
Đã là tu tại gia thì Hiếu đã thành đạo và gia đình đã là chốn nương thân để tu. Theo những nghiên cứu, người ta nhận thấy: Gia đình người Việt là yếu tố cơ bản để xây dựng xã hội và cũng là yếu tố cơ bản học lấy đạo làm con để thành nhân.
"Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu, mới là đạo con".
Từ “Đạo Hiếu” đến “Đạo Làm Con”, đó là một chặng dường của linh đạo tu đức Việt. Con đường tu đức này trở thành bổn phận làm con. Không là một điều bắt buộc nhưng là một ý thức của bổn phận. Ý thức này lớn lên từ trong gia đình từ khi còn bé nhi cho đến khi trưởng thành.
Đạo không ở xa, Đạo không ở trên cao, nhưng Đạo lại rất gần, Đạo của Nhân, Đạo dạy làm con, làm người. Con đường đạo ấy diễn ra mỗi ngày, ngày nào mà không thấy những nhọc nhằn của cha, của mẹ, đó là những hy lễ tại gia. Những nỗi nhọc nhằn đi suốt chiều dài tháng ngày của mẹ cha. Từ khi con còn thơ ấu đã bao là hy sinh:
"Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Đội ơn chín chữ cù lao,
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa".
Con trẻ mới sinh ra chưa biết bập bẹ đã bắt đầu con đường tu đức của mình. Theo cách giáo dục trong gia đình cho một trẻ thơ, điều người Việt dạy cho trẻ đầu tiên là việc hiếu đễ, bài học tu đức đầu tiên thường là những câu chào và hành vi cúi đầu. Ngay cả khi con chưa biết nói, chính người lớn hoặc cha mẹ đã nói thay cho chúng, tập cho chúng nói. Những câu chào những cái cúi đầu xem ra rất nhỏ, nhưng không phải là nhỏ, đó là một hành vi phi thường để nhận biết mình là ai giữa các mối tương quan để hiếu kính. Không chỉ là theo lễ phép, không chỉ là một hành vi xã giao, nhưng đó là một hành vi nghi thức sơ khởi trong Hiếu đạo.
Sở dĩ con đường tu đức hiếu đạo trở nên rất quen thuộc trong các gia đình Việt Nam là bởi vì:
"Công cha đức mẹ cao dầy,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân".

Tâm tình hiếu đạo nuôi dưỡng con đường tu đức, bằng những hình ảnh cụ thể, an hoà, mà khó phai. Con đường tâm linh ấy ẩn hiện trong những lời ru, thấm vào trong tâm hồn trẻ thơ, những đêm mẹ không ngủ vì con:
"Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi".
"Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn".
Không là những lời kể công, nhưng là những bài học để biết nỗi khó nhọc của cha mẹ nuôi con. Đã là công đức chẳng ai muốn kể công nhưng đó là một hiển nhiên, không nói nhưng cũng bàng bạc trước mắt, mà chính những người con viết ra để ghi nhớ công cha nghĩa mẹ. Lòng hiếu kính khi còn nhỏ thì chưa hoàn toàn ý thức, giống như một vườn ươm, cho đến khi người con bắt đầu làm cha làm mẹ, hoặc khi trưởng thành sống xa cha mẹ rồi mới hiểu và thấm thía:
"Biển đông còn lúc đầy vơi,
Chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng".
Lúc cảm nghiệm, nhớ thương, và quyến luyến nhất lại là những lúc không còn được ở gần cha mẹ nữa:
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều".
Tuy thế, dù không ở gần, những lời mẹ khuyên, những lời cha răn vẫn theo người con đi cho đến hết cuộc đời. Nhớ những điều khuyên dạy thì không hết nhưng những khi sai lỗi, những khi lạc lõng, vẫn lại mơ ước:
"Giữa đêm ra đứng giữa trời,
Cầm tờ giấy bạch chờ lời mẹ răn".
Con đường tu đức ấy càng đi xa, càng tiến bộ hơn khi người con vượt qua nhiều trở ngại đi đến thành công trong cuộc sống, phía sau, động lực thành công ấy là công ơn của cha của mẹ. Đó là những khi cảm nghiệm:
"Trải bao gian khổ không sờn,
Muôn đời con vẫn nhớ ơn mẹ hiền".
Triều thiên của người cha người mẹ là những thành công của con cái, triều thiên ấy không chỉ là vật chất gửi về phụng dưỡng cha mẹ, mà còn là cả một tấm lòng ưu ái nhất, để trong lễ vật còn mang một triều thiên tinh thần:
"Ai về tôi gửi buồng cau,
Buồng trước kính Mẹ, buồng sau kính Thầy.
Ai về tôi gửi đôi giầy,
Phòng khi mưa gió để Thầy Mẹ đi".
Những người con gái trong hiếu đạo, dám chấp nhận hy sinh hạnh phúc, hy sinh cuộc đời riêng tư của mình, một lòng chỉ quyết chí đi hết con đường tu đức hiếu đạo:
"Ơn hoài thai, to như bể!
Công dưỡng dục, lớn tợ sông!
Em nguyện ở vậy không chồng,
Lo nuôi cha mẹ hết lòng làm con".
Không chỉ ở nhà mới phụng dưỡng cha mẹ mà ngay cả khi sang nhà chồng hay khi làm ăn nơi xa vẫn một niềm lắng lo, vẫn canh cánh bên lòng một cuộc đời già nua của cha mẹ:
"Chim đa đa đậu nhánh đa đa,
Chồng gần không lấy, để lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu, mẹ già.
Bát cơm đôi đũa, kỹ trà ai dâng?
Con đường tu đức ấy có cái lẽ của hy sinh cao cả. Dám hy sinh, tình nguyện hy sinh, chứ không bao giờ là một ép buộc, không ai bị bắt buộc phải Hiếu nhưng con đường Hiếu là con đường quen thuộc ai cũng đi. Quen thuộc con đường linh đạo ấy cho đến nỗi như là hiển nhiên:
"Ở đời ai cũng có lần
Làm cha mẹ mới biết ơn sinh thành.
Người xưa khó nhọc nuôi mình
Khác chi mình đã hết tình nuôi con".
Hiển nhiên, đường tu đức cũng là một con đường hy sinh, không chỉ hy sinh những gì riêng tư mà còn đòi hy sinh cố gắng rèn luyện sao nên người. Trong Đạo Hiếu, không trở nên người thành toàn là một điều bất hiếu rất lớn, cho nên linh đạo Hiếu đòi hỏi cần rèn luyện sao cho nên người. Nên người không là cách nói suông mà đòi hỏi có những yếu tố quân bình không thể thiêu, đó là những mảng: Gia đình - Nghề nghiệp – tài chánh – tôn giáo – Tinh thần – Xã hội. Những thành phần yếu tố đó cùng đạt được không là một con đường ngắn, thực hành trong một thời gian mà dường như cả cuộc đời: 
"Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công".
Con đường tu đức Hiếu đạo ấy có hoa trái rất rõ ràng trong cuộc sống:
"Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận
Ngỗ nghịch nào con có khác chi!
Xem thử trước thềm mưa xối nước
Giọt sau giọt trước chẳng sai gì".
Dù sống giữa cuộc đời bon chen, nhiều dâu bể, đua tranh, chịu ảnh hưởng nhiều xu thế khác nhau, vẫn chỉ có một điều ước nguyện con đường Hiếu đạo sao cho vuông tròn. Đó là Thành tựu cuối cùng của linh đạo Hiếu:
"Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá,
Ngó ra ngoài biển, thấy cặp cá đang đua,
Đi về lập miếu thờ Vua,
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha".

Đường tu đức dân gian Việt có lẽ một lần nữa nên nói như xưa Tử Tư trong sách Trung Dung đã viết: “Quân tử chi đạo, thí như hành viễn, tất tự nhĩ, thí như đăng cao, tất tự ty”. Đời sống nội tâm của con người, giống như đi xa, phải từ chỗ gần, giống như lên cao, đi từ chỗ thấp.
Linh Mục Giuse Hoàng Kim Toan.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây