Đấng sửa lại trong ngoài
Trong kinh cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, ta thường cầu xin: “Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”. Lời kinh này có một ý nghĩa tốt lành, Chúa mới là Đấng sửa lại những gì sai lỗi của chúng ta tận căn nguyên của nó.
Những tháng gần đây trên mạng truyền thông, nhiều người sử dụng từ “chữa lành”. Người ta hiểu “chữa lành” là phục hồi sức khoẻ, là đụng chạm để được chữa lành. Thực sự, chữa lành như thế mới chỉ là thể chất, chữa lành nội tâm, từ trong nhận thức, từ trong căn nguyên của tham, sân, si, chữa lại tận sâu thẳm trong lòng con người mới là sự chữa lành cần thiết.
Như ta hiểu biết, có những chấn thương tâm lý từ xa xưa, ngay cả khi trong thời thai nhi cũng đã có những chấn thương về tâm lý, những ảnh hưởng sâu đậm trong tuổi ấu nhi. Những chấn thương này muốn chữa lành cần có những nhà tâm lý trị liệu chiều sâu mới có thể giúp nạn nhân được phần nào, chứ chưa nói đến là chữa lành hoàn toàn. Riêng về tội lỗi ẩn sâu thâm căn cố đế của con người, việc chữa lành không riêng gì các nhà tâm lý, các linh mục nơi toà giải tội mà còn nhờ đến sự chữa lành của Chúa Thánh Thần.
Theo Alselm Grun sự chữa lành bằng Lời Chúa: “Ở đây, khoa tâm lý chuyển bản vị khẳng định lời Chúa Giêsu: “Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?”. Bản dịch của Vulgate dịch là: “Nếu gây thiệt hại cho tâm hồn mình.” Người nào không để ý bản chất tự nhiên của mình mà tìm cứu rỗi cho mình qua những chuyện bên ngoài thì rồi sẽ tự làm hại mình, làm tổn thương mình.
Nhưng không phải chỉ tích trử của cải một mình mà thôi, rất nhiều người chi tiêu cả đời cốt chỉ để người khác chú ý đến mình. Họ làm tất cả những gì, mà theo ý họ, người khác mong chờ ở họ. Họ hy sinh cho người khác để được người khác nói một lời cám ơn. Họ nghĩ rằng làm như vậy là tốt. Thực ra, họ làm khổ họ khi chạy theo những chuyện không đúng với phẩm cách của họ. Các tín hữu kitô đầu tiên hiểu vinh quang quan trọng như thế nào trong môi trường sống của họ. Họ lật mặt nạ bề ngoài giả tạo này bởi vì họ thấy có một thực tế khác đúng hơn. Như thế, khuyến khích sống chừng mực, công chính và sùng kính không phải là sống nghiêm nhặt từ bỏ hết để sống tu trì nhưng là sống đơn giản. Đúng hơn là nó phù với kinh nghiệm sống của chính họ, sống đúng bản sắc, có phẩm cách thiêng liêng, cuộc sống này giúp họ không sống buông trôi theo lối sống sa đọa cũ.” (Chinh phục tự do nội tại, số 8 Công chính, Alselm Grun)
Trở về sống với bản nguyên tốt lành đó là tác động của Chúa Thánh Thần. Đấng Giáo hoá nội tâm, Đấng làm Lời Chúa sống động trong tâm hồn người nghe và thực hành. Đấng trợ lực, dạy bảo lối sống đơn giản và lành mạnh, như Chúa Giêsu hứa ban: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25 - 26).
Cũng theo Alselm Grun: “Ngày nay rất nhiều người xem lời Thánh Kinh là trở ngại trong cuộc sống; thực tế không phải như vậy, ngược lại nó đảm bảo cho cuộc sống, giúp chúng ta học để sống một cách công chính, thẳng thắn, thuận theo bản chất tự nhiên và con người thật của chúng ta. Trong công việc tháp tùng thiêng liêng, lúc nào tôi cũng cảm thấy đau trong lòng khi tôi thấy các nam nữ tu sĩ suốt cuộc đời cố gắng làm tròn bổn phận tôn giáo mà không bao giờ đặt một quan hệ với sự thật trong lòng họ. Dù sống cuộc đời tu tập hướng về Chúa, họ cũng không thoát được ảo tưởng phải có bộ dáng đẹp đẽ trước mặt Chúa! Đường tu tập gắn liền với bổn phận mục vụ, đối với họ đó vẫn là một phương cách để được người khác từ cấp trên đến bạn đồng tu nể vì, kính trọng. Tiến trình thiêng liêng theo kiểu này không dẫn đến chân trời rộng mở, dẫn đến tự do mà chỉ dẫn đến ảo tưởng và cay đắng. Có những người, đến 60 tuổi bỗng nhận thấy họ đi lầm đường, chính họ lừa họ. Họ không sống “một cách công chính và thẳng thắn” mà chỉ sống làm vui lòng người khác và đáp ứng các mong chờ của người khác, chỉ làm theo lệnh người khác mà không thực hiện chính mệnh lệnh của mình. Vì thế họ cảm thấy bị tổn thương sâu xa.” Cần trở về với nguồn sống Lời Chúa, Lời Chúa mới thực sự chữa lành cho con người của ta.
Một lần nữa ta cũng nguyện xin Chúa Thánh Thần trong kinh nguyện:
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần, thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Dức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan