Hãy cùng Thánh Thần mà tiến bước

Thứ sáu - 17/05/2024 20:23 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   102
“…thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).

Chúa Nhật - Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Hãy cùng Thánh Thần mà tiến bước

tbd 180524a


“Cầu xin Chúa Thánh Thần. Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa. Trau dồi cho đáng ngôi thánh đường. ĐK: Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.”

Vâng, những dòng chữ trên đây, là trích đoạn một bài thánh ca, nói về Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là ai? Thưa, giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.”

Những lời dạy dỗ này không do tự Giáo Hội đặt ra, nhưng là do chính Đức Giê-su phán truyền. Chúa Thánh Thần hay Chúa ngôi ba là ai ư! Thưa, Đức Giê-su nói: “Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha. Người sẽ làm chứng về Thầy.” (x.Ga 15, …26).

Trước giờ phút sinh ly tử biệt, Đức Giê-su đã “hứa” với các môn đệ rất, rất rõ ràng, rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (x.Ga 14, 16-17).

Và, lời hứa đó đã được Đức Giê-su thực hiện. Ngài đã thực hiện ngay sau khi từ cõi chết trỗi dậy. Đó là vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. Sự kiện này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (Ga 20, 19-23).

**
Theo Tin Mừng Gio-an thuật lại, thì: Sự kiện này xảy ra vào buổi chiều “ngày thứ nhất trong tuần”. Có thể nói, đây là một buổi chiều đen tối nhất trong cuộc đời của các môn đệ.

Sự đen tối đó được biểu hiện qua việc “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín”. Sự đen tối đó còn được bộc lộ qua việc “các ông sợ người Do Thái”. Và, đang lúc sự sợ hãi dâng lên cao độ, thì “Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông.”

Đứng giữa các ông, Ngài nói rằng: “Bình an cho anh em”. Chúc bình an cho các môn đệ xong, Đức Giê-su “cho các ông xem tay và cạnh sườn.”

Được xem tay và cạnh sườn, chính là được xem những chứng tích cuộc khổ hình của Thầy Giê-su. Thánh Gio-an tông đồ, một nhân chứng sống vào lúc đó, kể rằng: “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” (x.Ga 20, 20). Rồi, trong lúc các ông đang bộc lộ niềm vui, “Đức Giê-su lại nói với các ông: Bình An cho anh em”.

Hai lần chúc Bình-An-cho-anh-em, trong một buổi chiều đen tối và sợ hãi, đã làm cho các môn đệ: “như bừng tỉnh, lấy lại được bình tĩnh để nhận ra Chúa Phục Sinh đang ở giữa các ông”. Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn, qua một bài giảng, đã có lời chia sẻ như thế.

Lời chia sẻ của Lm. Tổng Đại Diện, có phần chắc là vậy. Có-phần-chắc-là-vậy, bởi hôm ấy các môn đệ đã được Đức Giê-su – “…thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).

Nhận lấy Thánh Thần, tất nhiên, Thánh Thần sẽ giúp các ông “nhớ lại mọi điều Thầy Giê-su đã nói với các ông”. Và, khi các môn đệ “nhớ” những gì Thầy mình đã nói, thì đó chính là động lực giúp các ông bừng tỉnh và lấy lại bình tĩnh trước nỗi sợ hãi mà các ông đang phải đối diện.

Hôm ấy, các môn đệ không chỉ nhận-lấy-Thánh-Thần, các ông còn nhận được “bài sai” của Thầy Giê-su. Vâng, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ, rằng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Và tiếp đó là, Ngài trao cho các môn đệ “bài sai” với lời phán truyền, rằng: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

***
Ngày thứ 50, tính từ lễ Vượt Qua, theo quy định trong sách Lê-vi, người Do Thái có một ngày lễ, đó là Lễ Ngũ Tuần. Hôm ấy, vào ngày lễ này, Chúa Thánh Thần đã xuống trên các môn đệ cách long trọng và dồi dào. Biến cố này đã được tường thuật trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 2,1-11).

Sách Công Vụ Tông Đồ thuật rằng: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2, 4).

Hôm đó, đúng là các môn đệ đã nói-các-thứ-tiếng-khác. Nhiều người hiện diện nơi đó đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6). Một số người khác đã “sửng sốt thán phục và nói: Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê sao? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?”
Nói tóm lại, các dân thiên hạ, dù là dân “Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, A-xi-a”, hoặc là dân “Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, Roma hay Do Thái, người đảo Cơrêta hay người Ảrập”, v.v… tất cả mọi sắc dân đó đều nghe các môn đệ “dùng tiếng nói của (họ) mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11).
Như chúng ta được biết, sách giáo lý Công Giáo xưa dạy rằng: có bảy (07) ơn Chúa Thánh Thần. Trong đó có “ơn sức mạnh”. Ơn sức mạnh (Fortitude, don de force) giúp ta thêm can đảm, khiến ta có đủ nghị lực để chịu đựng hoặc đối phó với mọi tình thế theo ý Chúa.

Nói đến ơn này để làm gì? Thưa, để nói rằng, dù tác giả sách Công Vụ không nói đến, nhưng chúng ta có thể tin rằng, Thánh Thần Chúa còn ban cho các môn đệ “ơn sức mạnh”.

Thật vậy, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô khi nhận được ơn-sức-mạnh đã không còn nhát đảm, như trước đây đã nhát đảm chối Thầy. Thay vào đó, ngài Phê-rô đã can đảm nói lên sự thật, sự thật về một Thầy Giê-su, chính là người “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và là Đấng Ki-tô” (x.Cv 2, …36).

Chưa hết, hôm đó, nhờ ơn Thánh Thần Chúa, các tông đồ còn can đảm cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”.

Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. Thánh Thần Chúa đã tác động tâm hồn “khoảng ba ngàn người theo đạo”, cũng như sau này “cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được ơn cứu độ” (Cv 2,…47).

****
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Vâng, đây không phải là ơn dành riêng cho các tông đồ xưa, mà cũng là ơn dành cho mỗi chúng ta, là những người Kitô hữu, hôm nay.

Tuy nhiên, cách thức lãnh nhận Chúa Thánh Thần, hôm nay, không còn trực tiếp như các tông đồ xưa, nhưng là qua việc “đặt tay” của các tông đồ. (Bây giờ là các Giám Mục).

Sách Công Vụ có thuật lại rằng: “Các Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phê-rô và Gio-an đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.” (Cv 6, 14-17).

Thánh Phao-lô, một lần nọ đi qua miền thượng du đến Ê-phê-sô. Tại đây, ngài tông đồ gặp một số môn đệ và hỏi họ: “Khi tin theo anh em đã nhận được Thánh Thần chưa? Họ trả lời: Ngay cả việc có Thánh Thần chúng tôi cũng chưa hề nghe nói.”

Sau một vài trao đổi, ngài Phao-lô biết được những người này chịu “phép rửa của ông Gio-an (Tẩy Giả)”. Thế là tông đồ Phao-lô giảng dạy cho họ rằng: “Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su.” Nghe nói thế, “Họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. Và khi ông Phao-lô đặt tay lên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người.” (x.Cv 19, 1-7).

Ngày nay, có phần chắc, ai trong chúng ta cũng đã nhận lấy Chúa Thánh Thần (được gọi là Bí Tích Thêm Sức) qua nghi thức đặt tay của Giám Mục.

Có buồn không, khi chúng ta không nói được “tiếng lạ và nói tiên tri” như nhóm mười hai người đã được thánh Phao-lô đặt tay!

Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta. Nhưng, đừng quên, về việc nói tiếng lạ, nói tiên tri, thánh Phao-lô có lời truyền dạy, rằng: “Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được ơn nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không.” (1Cor 13, 1-2).

Thánh Phao-lô nói như thế nghĩa là sao! Thưa, nghĩa là khi chúng ta đã nhận lấy Chúa Thánh Thần, điều quan trọng và cần thiết, đó là: “Hãy nhờ Thánh Thần mà tiến bước.”

Mà, cớ gì chúng ta không nhờ-Thánh-Thần-mà-tiến-bước, nhỉ! Nhờ-Thánh-Thần-mà-tiến-bước, thánh Phao-lô nói: “anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa”.

Không-còn-thỏa-mãn-đam-mê-của-tính-xác-thịt-nữa chính là dấu chỉ chúng ta phát huy “ơn hiểu biết”, hiểu biết rằng: “những việc do tính xác thịt gây ra, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa chè chén, và những điều khác giống như vậy, những kẻ làm những điều đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (x. Gl 5, 19-21).

Thế nên, chúng ta “đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau”, thánh Phao-lô có lời mời gọi mọi người, như thế.

Hồi ấy, mọi người tín hữu ở Cô-rin-tô, ai nấy đều nghe thánh Phao-lô nói rằng: “Tôi nói cho anh em biết, chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa, mà lại nói: ‘Giê-su là đồ khốn kiếp!’; cũng không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí”. (x.1Cor 12, 3).

Thấy chưa! Phải “ở trong Thần Khí”. Đó là điều một Ki-tô hữu phải thể hiện, trong đời sống đức tin, của mình. Nói cách khác, chúng ta “hãy cùng Thánh Thần mà tiến bước”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây