Đâu còn nữa, mùa nước nổi quê xưa

Thứ hai - 16/10/2023 01:03 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh |   381
Ban Biên Tập trang GP.BMT xin giới thiệu và lần lượt đăng tải mỗi ngày một bài suy tư Trên quan lộ cuộc đời tại chuyên mục Văn Học – Nghệ Thuật. Trân trọng kính mời quý độc giả đón xem.

Trên quan lộ cuộc đời là tập sách gồm nhiều bài suy tư về Con người và Cuộc đời của tác giả Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh, gồm 4 chủ đề chính:

1. Trên quan lộ cuộc đời
2. Tâm tư trên đường mục vụ
3. Cuộc trần luôn có Chúa
4. Nợ đời.

Trên quan lộ cuộc đời Có vị ngọt của cỏ cây bên lối, có tươi mát của gió trời lồng lộng, có lạnh lẽo của mưa sương, có ngột ngạt của đua chen, có ô nhiễm của thói đời xả thải.

Ban Biên Tập trang GP.BMT xin giới thiệu và lần lượt đăng tải mỗi ngày một bài suy tư Trên quan lộ cuộc đời tại chuyên mục Văn Học – Nghệ Thuật. Trân trọng kính mời quý độc giả đón xem.

 

tbd 161023c


Lời tựa
Trên quan lộ cuộc đời

Đời người như quan lộ: Có to có nhỏ, có ngắn có dài. Có gập ghềnh quanh co, cũng có bằng phẳng ngay lối. Có nhộn nhịp tấp nập, có an bình thảnh thơi, và cũng có trống vắng hiu quạnh…

Trên quan lộ cuộc đời: Chẳng mấy khi thong thả ngắm hoa ven đường, nhưng vẫn thường phải bon chen lấn lối vượt lên, và đôi lúc kéo vội ga lao đời trong khói bụi trần thế.

Cũng trên đường đời đó, ta nếm đủ mùi vị của cuộc sống trao ban: Có vị ngọt của cỏ cây bên lối, có tươi mát của gió trời lồng lộng, có lạnh lẽo của mưa sương, có ngột ngạt của đua chen, có ô nhiễm của thói đời xả thải.

Đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy:

Bình minh cuộc đời: Ta như đường làng quê đơn sơ, êm đềm, rộn rã…

Thanh xuân bươn chải: Ta xô bồ như quốc lộ, hồng hộc như cao tốc và mải miết tiến trên lối một chiều…

Trung niên thế sự: Ta lưỡng lự như ngã tư, cẩn trọng như cung đường cắm đầy những biển đời giới hạn. Ta như đường đã xuất hiện ổ gà lai rai, vài vết nứt làm giựt mình mỗi khi tính tăng tốc…

Bóng xế bên thềm: Ta chậm chạp ngây ngô như phố đi bộ, cô phòng tựa lối mòn rêu phong và bầy hầy như đường lầy trong mưa bão…

Mỗi cung đường là một số phận và sự lựa chọn. Thong thả thư thái, vội vã bon chen, chậm chạp lê lết… rồi cũng chung kết cục nơi điểm cuối hành trình.

Đường lắm kẻ đi nhất theo nhạc sĩ Trúc Phương, chính là Đường Thương Đau: “Đường thương đau đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người” (Thói Đời). Trịnh Công Sơn cũng toàn đi trên lối ấy: “Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua…”, “Đường nào dìu tôi đi đến cơn say, một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên Đời Hiu Quạnh). Con đường quanh co lá đổ, con đường mới đi đã mỏi, và chất trên toàn sỏi đá u buồn của Lam Phương (Thành Phố Buồn) cũng khẳng định điều đó.

Đường sẽ lắm chông gai  
Khi con chọn lối rộng

Tương lai sẽ thật dài
Nếu không Ngài, Chúa ơi!

Một năm mới mở cửa tiếp nối hành trình cuộc đời. Vẫn là những con đường quen thuộc của lối cũ ta đi, nhưng khác xưa vì rực hoa xuân bên đường, có nụ cười và câu chào chúc nhau, có bình an, phấn khởi và hy vọng…

Xin Chúa là nắng hồng
Sưởi ấm hồn con thơ.
Chúa sẽ là ước mơ
Đường tương lai con bước

Năm Mới ta chúc nhau đi trên con đường bình an và hạnh phúc của cuộc đời theo Thánh Ý Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(Đầu năm Tân Sửu 2021 –
Giáo xứ Bắc Xuyên, E1 – Gp Long Xuyên)


Đâu còn nữa, mùa nước nổi quê xưa

(Đăng trên BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG, số 8771, 18/10/2020)


Tiếng chuông nhà thờ ghi dấu một ngày mới. Theo thường lệ, những chú gà trống vẫn luôn tiên phong dậy sớm hưởng ứng lời mời gọi này. Tiếng gáy rộn vang khắp thôn làng. Nếu tinh ý có thể đếm biết chung quanh hàng xóm mình có bao nhiêu con gà trống trưởng thành. Trong cái lành lạnh của heo may mùa nước nổi, từng gia đình khởi động chậm chạp cho sinh hoạt thường nhật vì đang còn quyến luyến chăn ấm giường êm. Người xuống xuồng đi thu câu lưới, người nhóm lửa nấu cơm, số còn lại y phục đến nhà thờ dự lễ.

Khi ánh hừng đông lấp lánh xuyên qua những hàng cây, thôn xóm đã rộn vang tiếng người đi lễ về, tiếng heo  kêu, tiếng gà tíu tít gọi đàn sau một đêm xa cách… Xuồng câu lưới cũng cặp bến nhà. Những tay lưới cá rô, cá linh dính như tràng hạt, tiếng cá lóc, cá trê… mắc câu vẫy vùng trong khoang xuồng rộn vang. Kẻ gỡ lưới, người làm cá, cho heo gà ăn… Sinh hoạt buổi sáng thường nhật mùa lũ quê tôi là thế đó.

Quê tôi có nhiều tên gọi nổi bật: “Vùng Cái Sắn”, “Ấp Chiến Lược” hay “Con Kênh”. Lịch sử hình thành sau cuộc di cư từ Bắc vào Nam 1954. Lúc mới đến đây định cư, cha ông rất khổ cực để khai phá một vùng hoang vu, phèn mặn... Sức người đào những con kênh rộng hàng chục mét, chạy dài gần 20km, hai bên bờ kênh dân làm nhà ở, phía sau khoảng 2km là đồng lúa chia đều cho mỗi bên. Kênh này tiếp giáp kênh kia và được đặt tên theo Alphabet từ A đến H; theo số thứ tự từ 1 – 10, bao gồm cả 3 tỉnh thành tiếp giáp nhau là Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang.

Sau bữa ăn sáng, tôi quàng chiếc cặp nhỏ sau lưng, quần xắn qua đầu gối cùng đám bạn lội bộ đến trường. Trường học cách nhà hơn 3km thôi nhưng mất cả tiếng đi vì lầy lội. Vào thời điểm lũ đạt đỉnh như những năm 1995 - 1996, chúng tôi phải chèo xuồng đi học vì nước lũ đã nuốt chửng con đường giao thông chính của xóm đạo. Ngày nào đi học về người cũng ướt sũng vì chìm xuồng do giỡn nghịch, hoặc lội vô tình sụp hố nước.

Tôi thường không nghỉ trưa, lén bố mẹ lấy xuồng với chiếc cần câu len lỏi vào những bụi tre bụi trúc, rình bắt những chú rô mề ẩn nấp trong đó. Vào buổi chiều, anh em chúng bạn tôi kéo nhau ra đồng giăng lưới thả câu, vừa tắm vừa bắt ốc, hái rau, bông súng… Những năm trong thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, mực nước ngoài đồng vào đỉnh lũ đạt trung bình gần 2m. Với khoảng cách mỗi Kênh cách nhau hai cây số và chạy dài  gần hai mươi cây đã hoàn toàn bị nước lũ bao phủ, tạo nên cảnh mênh mông bao la như biển, vô cùng hấp dẫn.

Đầu mùa lũ, những chú “rô don” (cá Rô non), những bầy rồng rồng (cá Lóc mới nở theo bầy)… bằng đầu đũa hay  hạt gạo, cặp mé nước ngớp bọt kiếm ăn nhiều vô kể. Nếu  để ý quan sát sẽ thấy chúng lớn nhanh từng ngày nhờ lượng thức ăn dồi dào từ sâu bọ giun dế ẩn trong ruộng lúa bị nước ngập chui lên, hay những hạt lúa còn sót lại qua vụ mùa thối rữa dồi dào chất dinh dưỡng. Cá đầu mùa vừa mềm vừa béo, làm món gì cũng hấp dẫn.

Mỗi năm vào thời điểm nước lũ đổ về, trong dòng chảy cuồn cuộn của nó cuốn theo bao rác rưởi, phân thuốc hóa học tồn dư trên kênh rạch, đồng ruộng. Thế nên vài tuần đầu mùa lũ nước rất đục và dơ. Bắt đầu giai  đoạn này, những “thiết bị lọc nước” tuyệt vời của tạo hóa âm thầm sinh sôi phát triển. Đó là các loại thủy sinh như  rong đuôi chồn đuôi chó, cây mã đề lưỡi mác, bèo ong bèo tấm, bông súng bông trang, lục bình rau mác… Cả một hệ sinh thái phong phú dùng để lọc nước, làm nơi trú ẩn và cung cấp thức ăn cho biết bao loài giáp xác, cá cua… bao phủ khắp mọi nơi, hoạt động liên tục 24/24. Hơn tháng sau đó khi lũ đạt đỉnh, nước được lọc trong lành. Bơi xuồng phía trên mặt nước có thể nhìn xuyên xuống dưới sâu, thấy rõ rong rêu cùng cá bơi lội dưới đó. Rong rêu có vai trò như san hô ngoài biển. Thử lấy cái rổ lớn xúc lên ta sẽ thấy vô số cá tép ốc cua… li ti trú  ẩn ở đó.

Kiếm nơi đâu đẹp và lãng mạn cho bằng nơi đây! Buổi sáng bơi xuồng ra ngắm những chùm bông điêng điểng vàng rực, bông súng tim tím, bông trang trắng trong nở rực khắp mặt nước bao phủ ruộng đồng. Bông trang tỏa hương thơm ngát, nhẹ nhàng như khí chất dân  nam bộ. Buổi chiều ra phía sau nhà nhìn về hướng tây, ánh hoàng hôn lấp lánh lăn tăn trên sóng nước. Thấp thoáng xa xa những chiếc xuồng buông câu thả lưới. Lục  bình hững hờ trôi, vài đám cỏ cố ngoi lên mặt nước dù sóng gió dập vùi, tựa đời dân nam bộ rày đây mai đó, mặc cho sóng đời xô dạt, vẫn cứ khoáng đạt tươi vui, nương người nương đời mà sống. Sự trù phú của thiên nhiên đã làm nên “đặc tính” của người dân Nam Bộ: phóng khoáng, hài hòa, không tham lam, không bon chen, kiểu cách…

Mùa lũ đến hại ít lợi nhiều. Lượng phù sa mang lại  sản lượng lương thực dồi dào cho hàng triệu nông dân miền tây. Nước lũ tẩy rửa phân thuốc hóa học do nông dân sử dụng trong các vụ lúa, đồng thời mang lại nguồn  lợi thủy sản to lớn. Cá ruộng rau đồng tươi ngon sạch sẽ  lúc nào cũng có sẵn, hỏi sao người miền tây lại vô tư vô lo cho cuộc sống đến là vậy!

Tôi tạ ơn trời, ơn đời đã cho mình một tuổi thơ tròn đầy. Tuổi thơ an bình với một gia đình đông vui, hạnh phúc. Tuổi thơ tinh nghịch với không gian bao la của ruộng vườn sông nước. Tuổi thơ lãng mạn với khí hậu, thiên nhiên trong lành tươi mát. Tuổi thơ hồn nhiên với  biết bao bạn bè xóm giềng thân thiết. Tuổi thơ thanh sạch với rất nhiều thời gian dành cho các sinh hoạt nơi xứ đạo…

Tuổi thơ tôi là thời của những đứa trẻ một năm một bộ đồ mới, đặc sản là que kem, kẹo kéo, sirô đá bào… Chúng tôi chỉ phải học mỗi ngày một buổi. Thời gian dành cho đá banh, bắn bi, tắm sông, trò chơi dân gian… nhiều vô kể. Đứa nào cũng gầy guộc, đen đủi… nhưng mạnh mẽ dẻo dai. Đứa nào cũng nhiều bạn bè chơi chung cãi lộn đánh nhau hằng ngày, nhưng tình bạn luôn rất hồn nhiên, chân thành. Đứa nào cũng thiếu ăn thiếu mặc, nhưng sẵn sàng bẻ đôi miếng ăn, mút chung que kem mà không hề tính toán.

Không mất nhiều thời gian đến trường, nhưng lớn lên chúng tôi học hành cũng chẳng thua ai. Nhờ sống gần gũi với thiên nhiên mà tâm hồn lạc quan, phóng khoáng. Sống cộng đồng, tập thể nên giờ đi đến đâu cũng có bạn bè, người quen. Nếm trải nhiều thiếu thốn nên dễ rung động trước những mất mát, đau khổ của người khác. Nhờ kinh qua đủ mọi mùi vị cuộc sống như vậy, chúng tôi thành người, sống đúng với nhân vị của một con người: yêu người yêu đời, có lòng tự trọng, yêu cái hay cái tốt, ghét giả dối bạo tàn…

Tất cả phần nhiều giờ chỉ còn trong ký ức. Trẻ em ngày nay nghe người lớn kể lại chuyện xưa nơi chính quê mình ở, cứ như chuyện thần thoại hay cổ tích. Người  dân của nhiều tỉnh miền tây vừa phải trải qua đợt hạn hán kéo dài nhiều tháng, khốn khổ tư bề. Có mấy người  biết rằng chỉ hai ba mươi năm trước đây thôi, Đồng Bằng Sông Cửu Long nước lũ mênh mông, thủy sản dồi dào, ruộng đồng trù phú, phù sa dư đầy… Giờ sao ra nông nỗi! Một nơi mà vài chục năm trước người dân “sợ nước”, thì nay nước quý hơn vàng! Vì đâu mà chúng ta mất đi quá nhiều những món quà tuyệt vời của tạo hóa qua thiên nhiên ban tặng như vậy? Ai đã từng sống vào thời đó đến giờ, chắc chắn sẽ có câu trả lời.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(09/09/2020)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây