Căn phòng số 2

Thứ tư - 11/10/2023 03:50 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   322
Căn phòng này đòi hỏi kiên trì, ngay cả khi bị phỉ báng, sỉ nhục, hoặc rơi vào cô đơn, một mình chống lại sự dữ.
Căn phòng số 2
Căn phòng số 2


Người ta thường nói căn phòng số 2 trong toà “Lâu đài nội tâm” của Thánh Têrêsa d’ Avila rất khó trụ lại. Nó có thể tạo áp lực đẩy người ta ra ngoài khỏi phòng cầu nguyện.

Căn phòng này đòi hỏi kiên trì, ngay cả khi bị phỉ báng, sỉ nhục, hoặc rơi vào cô đơn, một mình chống lại sự dữ. Càng tiến thêm một bước thân mật với Chúa lại càng cảm thấy xáo trộn, hao tổn nhiều hơn.

Mới bước vào vừa định thần được năm ba phút cầu nguyện, ý tưởng đã bắt đâu lan man suy nghĩ. Nào là những khuôn mặt thân quen, những sự việc vừa xảy ra, cố gắng định tâm cầu nguyện thêm một chút nữa. Bỗng lại nhớ đến bữa tiệc hôm qua: gà, heo, mùi thơm, món ăn bắt mắt, những vị ngon làm sôi bụng thèm muốn. Ma quỷ bày ra đủ cách để lôi kéo ta ra khỏi căn phòng cầu nguyện số 2. Ta cố gắng kiên trì thêm chút nữa, rồi cũng mau chán nản. Trong lòng cứ bảo ta, cố gắng nữa mà làm gì. Chẳng ích gì đâu, có kiên trì cũng vô ích. Cuộc chiến dường như ngã ngũ, ta ra khỏi căn phòng cầu nguyện số hai.

Ra khỏi phòng số 2, ta lại nghe đâu đó Giáo lý Công Giáo nói về việc chia trí trong cầu nguyện, ta cần chiến đấu bằng cách: “Khó khăn thường xuyên khi chúng ta cầu nguyện là sự chia trí. Có thể chia trí về các lời đọc và ý nghĩa của chúng, trong khẩu nguyện; sâu xa hơn, về Đấng chúng ta đang thưa chuyện, trong khẩu nguyện (cầu nguyện trong phụng vụ hay riêng tư), trong suy niệm và cầu nguyện chiêm niệm. Bận tâm với việc xua đuổi những sự chia trí này là đã mắc bẫy của chúng, trong khi chúng ta chỉ cần trở về với trái tim mình là đủ: sự chia trí bộc lộ cho thấy điều mình đang quyến luyến; khiêm tốn ý thức được điều đó trước mặt Chúa, sẽ nhắc nhở chúng ta phải ưu tiên yêu mến Ngài, kiên quyết dâng tâm hồn cho Ngài để xin Ngài thanh tẩy. Cuộc chiến đấu là ở chỗ đó: chúng ta chọn Chúa để phục vụ Ngài.” (GLCG số 2729).

Kiên trì cầu nguyện là trở về với trọng tâm là Chúa, nhờ Chúa mà chống lại những cám dỗ của ma quỷ kéo ta ra khỏi căn phòng số 2. Thánh nữ Têrêsa viết lại kinh nghiệm: “Mặc dầu đây không phải là một giai đoạn xấu nhưng thời điểm này thường bị chi phối nhiều bởi những vấn đề của trần gian và thường bị quyến rũ bởi những của cải trần thế, bởi những vinh dự và những công việc làm ăn; mặc dầu con người mong mỏi được chiêm ngắm và vui hưởng vẻ đẹp của chính điện, những vấn đề ấy không cho phép họ dễ dàng lẫn trốn những ngăn trở này.” (LĐNT, 1, Ch.2, Số 14.). Căn phòng số 2 cho thấy đời sống cầu nguyện với Chúa thêm thân mật hơn, nhưng cũng thêm phần chống phá của ma quỷ hơn. Ma quỷ quấy phá làm cho tâm hồn người cầu nguyện thêm xáo trộn, nó giống như đi vào cuộc chiến. Mọi thứ đều bị xới tung lên, mất bình an như xung đột giữa Israel và quân Hamas. Người vào cuộc chiến cần can đảm mới đủ sức chống trả. Như vậy đòi kiên trì hơn, quyết liệt hơn.

Căn phòng số 2 chỉ ra rằng: Muốn trụ lại cần bám chắc vào Chúa để có thể trụ lại trong phòng cầu nguyện lâu giờ hơn.

Thật khó để sống mật thiết với Chúa hơn, nhưng Chúa bảo: “Ơn Ta đủ cho ngươi” (2 Cor 12, 9). Thôi thì ta tiếp tục chiến đấu, chứ biết sao bây giờ!
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây