Hãy say sưa đọc “kính mừng Maria…”

Thứ tư - 04/10/2023 19:52 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   422
“Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Ave Maria con dâng lời chào mẹ. Khi tàn màu nắng chiều. Và khi sương đêm nặng gieo. Con say sưa lời ca chào Ave Maria.”

Hãy say sưa đọc “kính mừng Maria…”

tbd 051023a

 

“Ave Maria con dâng lời chào Mẹ. Ave Maria con dâng lời chào mẹ. Khi tàn màu nắng chiều. Và khi sương đêm nặng gieo. Con say sưa lời ca chào Ave Maria.” Những dòng chữ trên đây là phần trích đoạn bản thánh ca “Ave Maria con dâng lời”, tác giả là linh mục Huyền Linh.

Với bản thánh ca này, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy đây là bản thánh ca được rất nhiều ca đoàn hát trong những ngày lễ kính Đức Mẹ. Đặc biệt hơn là lễ kính Đức Mẹ Mân Côi. Lễ kính Đức Mẹ Mân Côi là một truyền thống lâu đời đã được Giáo Hội cử hành trọng thể vào ngày 07 tháng 10, hàng năm. Vâng, toàn thể cộng đoàn tín hữu cùng kính nhớ. Và, đó là lý do chúng ta cần biết về người chúng ta tôn kính.

**
Vậy, Đức Mẹ là ai? Thưa, Đức Mẹ, theo thánh sử Luca cho biết: là một cô “trinh nữ tên là Maria… (và) đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.”

Hồi ấy, người trinh nữ tên là Maria đang sống âm thầm tại “thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét.” Thì, bỗng một hôm, một hôm “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến gặp.”

Sứ thần đến, rồi vào nhà cô Maria và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Lời chào của sứ thần khiến cho cô Maria “bối rối”. Trong tâm trạng bối rối, cô Maria đã tự hỏi “lời chào như vậy có ý nghĩa gì.”

Khi lời tự hỏi còn đang vương vấn trong tâm hồn Maria, thì sứ thần liền có lời trấn an, rằng: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” Sau lời trấn an, sứ thần đã loan báo cho cô Maria một sứ mạng Thiên Chúa giao phó: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận.”

Khi nghe sứ mạng Thiên Chúa giao phó, cô Maria càng thêm bối rối. Và cô đã thưa với sứ thần rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng.”

Xảy-ra-cách-nào ư! Vâng, hôm ấy, sứ thần cho biết: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là ConThiên Chúa.”

Và để cô Maria không ngần ngại tiếp nhận sứ mạng Thiên Chúa giao phó, sứ thần Chúa đã nói lên một bằng chứng sống động: “Kìa bà Ê-li-sa-bét người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”.

Cuối cùng, như một sự đóng ấn cho lời truyền dạy, sứ thần Chúa tiếp lời, rằng: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Nghe thế, cô Maria cất tiếng nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

***  
Thế còn hai chữ “Mân Côi” nghĩa là gì? Thưa, Giáo Hội hiểu chữ Mân Côi theo nghĩa là Hoa Hồng. Hiểu theo nghĩa “hoa hồng” là bởi do tích truyện một đan sĩ khi đọc kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi vị đan sĩ ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Qua tích truyện này, tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng hay vòng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu được gọi là Tràng Mân Côi, Chuỗi Mân Côi. (nguồn: internet).

Mừng lễ kính Đức Mẹ Mân Côi còn là dịp để Giáo Hội tái lập lời “nhắn nhủ” của Đức Mẹ năm xưa.

Năm xưa Mẹ Maria đã nhắn nhủ gì? Thưa, hơn một trăm năm trước đó, năm 1917, Đức Maria đã hiện ra với ba em bé chăn cừu tại làng Fatima, nước Bồ Đào Nha. Ba em bé tên là Lucia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto. Đức Maria đã hiện ra sáu lần, bắt đầu từ ngày 13/5/1917 và lần cuối cùng là ngày 13/10/1917. Và lời “nhắn nhủ” mà Đức Maria đã gửi đến ba em nhỏ, đó là: “hãy mau ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi”.

Thật xúc động khi linh mục Huyền Linh cũng đã nhắc lại lời “nhắn nhủ” của Đức Maria, qua nhạc phẩm “Lời Mẹ nhắn nhủ”, một nhạc phẩm rất quen thuộc với mọi người Công Giáo, “đến nỗi một đứa trẻ chưa biết chữ cũng đã thuộc lòng bởi giai điệu bình dị cùng lời cầu nguyện chân thành”.

Lời nhạc phẩm như sau: “Năm xưa trên cây sồi làng Fatima xa xôi. Có Đức Mẹ Chúa Trời hiện ra uy linh sáng chói. Mẹ nhắn nhủ người đời hãy mau ăn năn đền bồi. Hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi.”

(Lên youtube gõ vào khung tìm kiếm tên nhạc phẩm “lời Mẹ nhắn nhủ”, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều em nhỏ, “say sưa” ca bản thánh ca này.)

Trở lại với lời nhắn nhủ của Mẹ Maria. Vâng, nếu lời “nhắn nhủ” đầu tiên, nhắc nhở chúng ta nhìn lại con người tội lỗi và yếu đuối của chính mình, thì lời “nhắn nhủ” cuối cùng cho chúng ta nhìn lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Ki-tô.

Đúng vậy. Khi “lần hạt Mân Côi”, những trang sử của Tin Mừng được tái hiện, tái hiện qua việc suy tư những “mầu nhiệm”. Những mầu nhiệm đó là: năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng, và mới đây là năm sự Sáng.

Nhìn lại những trang sử của Tin Mừng và suy niệm những mầu nhiệm nêu trên, thật đáng xấu hổ, nếu chúng ta không thực thi “Lời Mẹ nhắn nhủ”. Do vậy, chúng ta cùng lược sơ qua những mầu nhiệm nêu trên.

Trước hết là “năm sự vui”. Thứ nhất thì ngắm: “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai”. Đức Bà chịu thai thì sao? Thưa, chúng ta có được tin vui rằng: Một “Người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Vâng, Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta… (và) những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (x.Ga 1, 12).

Đó, đó là điều để chúng ta thấy giá trị lời “xin vâng” của Đức Maria. Nhận ra được cái giá trị đó, cớ gì chúng ta không ngại ngùng “xin cho được ở khiêm nhường”, nhỉ!

Khi sống một đời sống khiêm nhường, đó cũng là cách chúng ta thực thi lời nhắn nhủ thứ hai của Đức Maria, lời nhắn rằng: “Hãy Tôn sùng Mẫu Tâm”.

Với mầu nhiệm “năm sự thương”. Thứ ba thì ngắm: “Đức Chúa Giê-su chịu đội mão gai.” Suy niệm “ngắm thứ ba”, chúng ta sẽ thấy Giêsu Con Trời đã tỏ lộ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại như thế nào.

Qua việc hy sinh chính mạng sống của mình, Giêsu Con Trời đã chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Đúng như những gì Ngài đã rao giảng, “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu. Người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13).

Thế nên, để cho việc suy ngắm, ngắm-thứ-ba trọn hảo, chúng ta “hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng”.

Với “năm sự mừng”. Thứ hai thì ngắm: “Đức Chúa Giê-su lên trời.” Biến cố Chúa Giê-su lên trời ảnh hưởng gì đến chúng ta? Thưa, nó như một tiếng chuông ngân, ngân vang những lời tán dương Đức Giê-su. Người chính là Thiên Chúa toàn năng. Người đã chiến thắng sự chết. Người đã cho chúng ta niềm vui mừng và hy vọng về một ngày sau cũng sẽ được sống lại từ cõi chết. Và tất nhiên là được phước lên Thiên Đàng với Người.

Nếu muốn được phước Thiên Đàng, ngay hôm nay, chúng ta “hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Nếu muốn được phước lên Thiên Đàng, những sự dưới đất, nói rõ hơn: “Những việc do tính xác thịt gây ra, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, say sưa, chè chén…”, chúng ta “chớ ái mộ”. Bởi vì, thánh Phao-lô nói: “những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Trời.” (x.Gl 5, 19-21).

Cuối cùng là “năm sự sáng”. Thứ nhất thì ngắm: “Đức Chúa Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-dan.” Rồi sao nữa! Thưa, mầu nhiệm năm sự sáng như một luồng ánh sáng chiếu tỏa dung nhan “Giêsu Con Trời”. Một Giêsu đến thế gian “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ” (Ga 3, 17).

Chúng ta có muốn được cứu độ? Nếu muốn, không gì tốt hơn là: “Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.” Nói chi tiết hơn, đó là “hãy thi hành thánh ý Chúa”.

Có thể nói rằng, Chuỗi Mân Côi là một thiên tình sử giữa Thiên Chúa với con người. Một “Thiên Chúa là tình yêu” như lời thánh Gioan tông đồ đã nói “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, …10).

Thế nên, đừng rời xa tràng chuỗi Mân Côi, vì nhờ chuỗi Mân Côi, đức tin của chúng ta được củng cố, qua việc suy đi nghĩ lại những Mầu Nhiệm, những Mầu Nhiệm phản chiếu hình ảnh một Đức Giê-su, Ngài chính là nguồn ơn Cứu Độ.

Hãy năng lần chuỗi Mân Côi. Bởi vì, điều đó nói lên rằng, chúng ta tiếp tục công việc sứ thần Gapriel đã làm năm xưa. Đó là cất tiếng chào Đức Maria: “Kính Mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa ở cùng Bà”.

Cùng chuỗi Mân Côi, chúng ta sẽ được Đức Maria cầu bầu, khi chúng ta cất tiếng khẩn cầu với Mẹ, rằng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen”.

Trở lại với bản thánh ca “Ave Maria, con dâng lời”. Phải nói rằng, những lời cuối cùng của bản thánh ca đã được Lm. Huyền Linh viết lên nghe rất là thiết tha. Rất, rất thiết tha khi người ca viên cất lên tiếng hát: “Ave Maria con dâng lời chào mẹ. Ave Maria con dâng lời chào mẹ. Khi đời đầy môi cười và khi cô đơn lệ rơi. Con say sưa đọc lên lời Ave Maria. Con say sưa đọc lên lời Ave Maria.”

Vâng, Louis Evely có nói: “Không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui. Còn có sương mù và giá lạnh nữa”. Sương mù và giá lạnh chẳng phải là lúc chúng ta “cô đơn lệ rơi”! Thế nên, nếu chẳng may cuộc đời chúng ta rơi vào tình trạng “cô đơn lệ rơi”, đừng sờn lòng, đừng nản chí, hãy say-sưa-đọc-lên-lời-Ave-Maria.

Nói cách khác, hãy say sưa đọc “kính mừng Maria.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây