Dấu Thánh Giá - NVMN

Thứ sáu - 25/10/2024 03:25 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   57
Dấu Thánh Giá là một cử chỉ thông dụng nhất để tuyên xưng đức tin Kitô Giáo. Có thể xem đây là kinh Tin Kính rút gọn.
Dấu Thánh Giá - NVMN

 

 
 
Niềm Vui Mỗi Ngày

“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.”
Thánh Vịnh 37,4


Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

Dấu Thánh Giá - NVMN

Trên con đường phục vụ của người Kitô hữu có nhiều niềm vui và cũng có nhiều tự vấn.
Sau khi khai giảng lớp Giáo lý Dự tòng, tôi thường bắt đầu với việc giúp các Anh Chị Dự Tòng làm Dấu Thánh Giá và giải thích ý nghĩa của việc làm Dấu Thánh Giá.

Có một số anh chị đã quen làm Dấu Thánh Giá, nhưng vẫn còn một số chưa bao giờ làm Dấu Thánh Giá.

dấu thánh giá

Có nhiều cách làm Dấu Thánh Giá, nhưng thông thường hiện hành khi làm dấu Thánh Giá, bàn tay phải được đưa lên vầng trán và đọc: “Nhân Danh Cha; rồi bàn tay được đưa xuống trước ngực và đọc: Và Con; sau đó bàn tay được đưa sang bờ vai bên trái rồi sang bên phải, đang khi đọc: Và Thánh Thần; rồi chắp hai bàn tay lại trước ngực và đọc: Amen”. Sau cùng, gập hai tay trước ngực hoặc có thể hôn bàn tay.

- Ý nghĩa của việc chạm vào trán là chúng ta sẽ chạm vào Chúa Cha

Chúa Cha là Đấng Tạo Dựng muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn gốc của sự sống và tình yêu. Khi chúng ta chạm vào trán, chúng ta đang cầu xin Chúa Cha ban cho chúng ta sự sáng suốt và khôn ngoan để phân biệt điều thiện và điều ác. Chúng ta cũng đang cầu xin Chúa Cha soi sáng cho chúng ta trong mọi suy nghĩ và hành động của mình.

- Ý nghĩa của việc chạm trên ngực chúng ta sẽ chạm vào Chúa Con

Chúa Con là Đấng Cứu Thế. Ngài đã hy sinh mạng sống của mình để cứu chuộc chúng ta. Khi chúng ta chạm vào ngực, chúng ta đang cầu xin Chúa Con ban cho chúng ta lòng yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Chúng ta cũng đang cầu xin Chúa Con chữa lành những vết thương trong tâm hồn chúng ta.

- Ý nghĩa của việc chạm trên vai chúng ta sẽ chạm vào Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và sự khôn ngoan để vượt qua khó khăn và thử thách. Khi chúng ta chạm vào vai, chúng ta đang cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để làm việc thiện và phục vụ tha nhân. Chúng ta cũng đang cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự khôn ngoan để sống theo ý Chúa. (1)

Dấu Thánh Giá là một cử chỉ thông dụng nhất để tuyên xưng đức tin Kitô Giáo. Có thể xem đây là kinh Tin Kính rút gọn.

Khi người Công Giáo làm Dấu Thánh Giá là:

- Tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Chúa Ba Ngôi và ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

Thánh Augustinô nhìn thấy nơi Dấu Thánh Giá biểu tượng sự hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Giêsu tử nạn. Còn thánh Gioan Kim Khẩu gọi Dấu Thánh Giá là triều thiên của người tín hữu: “Chúng ta muốn mang triều thiên thánh giá của Chúa Kitô. Vì nhờ thánh giá mà chúng ta nhận được ơn cứu độ. Vậy nên bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá thì đó là dấu hiệu của chiến thắng giành cho chúng ta. Vì thế cũng như chúng ta treo Thánh Giá trong nhà, trên tường hay cửa sổ để thánh hóa, thì cũng thế khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá trên trán và ghi khắc trong tim mình. Đó là dấu chỉ của ơn cứu độ, của sự giải thoát cũng như của sự tốt lành đến từ Thiên Chúa ... chúng ta không được phép làm Dấu Thánh Giá cách hời hợt mà trên hết cần làm với tình yêu và đức tin như thể ghi khắc Dấu Thánh Giá và tâm hồn mình.”

- Dấu Thánh Giá bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ.

Trong Hội Thánh, Dấu Thánh Giá là nghi thức khởi đầu cũng như kết thúc các giờ kinh nguyện, thánh lễ và các bí tích. Khi bước vào Nhà Thờ, người Công Giáo chấm nước thánh và làm Dấu Thánh Giá như một sự nhắc nhớ đến bí tích Rửa Tội. Trong truyền thống đạo đức bình dân, Dấu Thánh Giá cũng được xem như dấu hiệu chống lại sự dữ, ví dụ như khi gặp nguy hiểm hay sợ hãi... người ta cũng làm Dấu Thánh Giá để xin ơn che chở.

- Dấu Thánh Giá là sức mạnh của chúng ta trên đường đời

Rất nhiều tín hữu đã quen và tin tưởng vào Dấu Thánh Giá từ khi còn bé - trước khi ăn cơm, khi làm việc, học hành, và khi cầu nguyện trước lúc đi ngủ... - Dấu Thánh Giá gắn liền với ngày sống. Qua Dấu Thánh Giá chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là dấu chỉ của đức tin và đồng thời nhắc nhớ chúng ta về mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, cũng như nhắc nhớ rằng chúng ta một ngày kia cũng sẽ chết và được phục sinh với Ngài để được đón nhận tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa. (2)



Có một truyện vui về việc làm Dấu Thánh Giá:

Trong một nhà Dòng nọ, các thầy phải thánh hóa các thời khắc trong ngày bằng kinh nguyện. Đêm khuya hoặc sáng sớm hay giữa trưa nắng chói chang.

Một thầy trẻ nghịch ngợm muốn biết các thầy làm Dấu Thánh Giá thế nào, thầy nhỏ vài giọt mực vào bình đựng nước phép nơi cửa vào nhà thờ. Trong sự lặng im của màn đêm bao phủ lẫn cái chập chờn của giấc ngủ chưa trọn, các thầy phải vào nhà thờ nguyện kinh. Bước vào nhà thờ, các thầy đều chấm nước phép được đặt nơi cửa nhà thờ và làm dấu như một thói quen. Trong giờ điểm tâm, mọi người chọc ghẹo nhau vui vẻ: người có chấm trên đầu, người có chấm dưới bụng, người có những chấm trước ngực… Khi nhận ra đó là những chấm của Thánh Giá mọi người chợt lặng thinh …

Tôi nhớ đến thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh (1793-1857), linh mục, ẩn sĩ, tử đạo. Khi đi truyền giáo ở Ai Lao (Lào), ngài phải băng qua những cánh rừng rậm rạp và đầy thú dữ. Một lần, chiều buông khi chưa vượt qua được cánh rừng rậm đành phải nghỉ lại giữa rừng thiêng nước độc. Để an toàn tính mạng, trước khi đêm tối ập xuống, ngài bẻ những cành cây kết hình Thành Giá và cắm chung quanh chỗ mình nằm. Tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa, ngài yên tâm nằm nghỉ. Sáng mai thức dậy, ngài thấy chung quanh bao nhiêu là dấu chân của hổ báo voi dầy…

Trong một xã hội nặng tính kỳ thị và bài tôn giáo, mọi thực hành tôn giáo có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Những hành vi khác lạ đều có thể quy kết là ma thuật và có thể bị loại trừ.


Ở lớp tiểu học nọ, tới giờ cơm, một em học sinh làm Dấu Thánh Giá, tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho lương thực nuôi sống bản thân. Cử chỉ làm Dấu Thánh Giá của em làm cho những học sinh chung quanh tò mò: người nghi ngại, kẻ trách móc, có em còn cho đó là những trò ma thuật cần loại trừ. Hạnh phúc thay, hôm đó giáo viên phụ trách là một Kitô hữu. Thầy đứng ra bênh vực em. Thầy cảm ơn em đã làm Dấu Thánh Giá, tuyên xưng đức tin của mình giữa những người chưa biết Chúa. Chính thầy là một Kitô hữu nhưng vì nhiều lý do đã không dám công khai. Nhưng từ đây, thầy sẽ cùng em can đảm biểu lộ đức tin của mình qua mọi cảnh huống cuộc đời.

Trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần, vào sáng thứ Tư ngày 27 tháng 05 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Dạy cho trẻ em cầu nguyện là điều quan trọng. Tôi thấy đau lòng khi gặp các trẻ em và bảo ‘con hãy làm dấu Thánh Giá' và các em không biết làm. Hãy dạy các em làm dấu Thánh Giá, đó là lời cầu nguyện đầu tiên. Có thể các em sẽ quên, sẽ đi theo con đường khác. Nhưng điều đó lưu lại trong lòng các em, bởi vì đó là hạt giống sự sống, hạt giống đối thoại với Thiên Chúa.” (3)

Khởi đầu hoặc kết thúc giờ học, bao giờ tôi và học trò cùng làm Dấu Thánh Giá để thánh hóa giờ học, để cảm tạ Chúa ban cho những giây phút được tìm hiểu Chúa, cũng như để bước đi theo Ngài trong tin yêu và hy vọng. Tôi hay nhắc những anh chị đi trễ, cứ vào lớp, làm Dấu Thánh Giá, thinh lặng cầu nguyện ít giây rồi ngồi xuống học. Cứ nhắc hoài, nhắc mãi mà các anh chị vẫn quên.

Chúng ta hãy xác tin như Romano Guardini đã từng viết:

Khi chúng ta làm dấu Thánh Giá, hãy để dấu này thực sự là dấu Thánh Giá. Thay vì cử chỉ gượng ép, qua quýt, chẳng thể hiện ý nghĩa nào, chúng ta hãy thong thả làm một dấu lớn, từ trán xuống ngực, từ vai này qua vai kia. Chú ý cảm nhận dấu Thánh giá này bao trùm toàn thể chúng ta, từ tư tưởng, thái độ, thân xác và linh hồn, mọi chi thể của chúng ta làm sao, và đã lập tức thánh hiến và thánh hoá chúng ta thế nào…Hãy làm một dấu Thánh Giá lớn, đồng thời dành thời gian để nghĩ về điều bạn làm. Hãy để dấu Thánh Giá đi vào toàn thể con người bạn – thân xác, linh hồn, tâm trí, ý chí, tư tưởng, cảm giác, việc bạn làm hoặc không làm – và bằng cách làm dấu Thánh giá, bạn hãy củng cố và thánh hiến tất cả trong sức mạnh của Chúa Kitô, nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. (4)

Tôi đã làm Dấu Thánh Giá thế nào?

Còn bạn thì sao?

Lạy Chúa, xin giúp con!

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con…
 
Nguyễn Thái Hùng
10.2024
1. 
https://giaoxuhoaminh.net/cach-lam-dau-thanh-gia-kep/
2. https://www.catholic.com.vn/2021/09/y-nghia-cua-viec-lam-dau-thanh-gia.html
3. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-05/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-cau-nguyen-cua-nguoi-cong-chinh.html
4. https://gpquinhon.org/phung-vu/dau-thanh-gia-6206.html

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây