ĐÔI MẮT CỦA TRÁI TIM

Chủ nhật - 23/02/2020 04:58 |   739
“Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” – Một trong những món quà tuyệt vời của Tạo Hóa ban tặng cho con người chính là đôi mắt. Từ đôi mắt, cả thế giới lung linh sắc màu được tiếp nhận nơi con người, và cũng nhờ đôi mắt, thế giới nội tâm sâu thẳm của con người cũng phần nào được phản chiếu đến cuộc đời.
ĐÔI MẮT CỦA TRÁI TIM
ĐÔI MẮT CỦA TRÁI TIM

ĐÔI MẮT CỦA TRÁI TIM
(Suy tư trong Mùa Phục Sinh)


“Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” – Một trong những món quà tuyệt vời của Tạo Hóa ban tặng cho con người chính là đôi mắt. Từ đôi mắt, cả thế giới lung linh sắc màu được tiếp nhận nơi con người, và cũng nhờ đôi mắt, thế giới nội tâm sâu thẳm của con người cũng phần nào được phản chiếu đến cuộc đời. Dường như đôi mắt không chỉ còn là một giác quan thể lý, nhưng còn là lăng kính của tâm hồn. Hơn nữa, đôi mắt của thể lý chỉ có một chiều tiếp nhận, nhưng đôi mắt tâm hồn còn ẩn chứa cả chiều kích hướng ra cuộc đời. Qua những cái nhìn trong thầm lặng, đôi lúc người ta vẫn có thể đồng cảm với những cảm xúc của nhau, vẫn có thể trao cho nhau những ý nghĩ, vẫn có thể phản chiếu một niềm tin nào đó hay kể cả những ngờ vực nghi nan. Không những thế, điều cao cả hơn mà Tạo Hóa đã tác thành chính là nét cá biệt của lăng kính tâm hồn ấy nơi mỗi con người. Đứng trước cùng một thực tại, không phải ai cũng có một cái nhìn như nhau; thậm chí, không phải ai cũng có khả năng phản họa đầy đủ, đúng đắn và thấu đáo về thực tại đó.

Lúc này, niềm vui Phục Sinh đang trào tràn khắp cả Giáo Hội và toàn thế giới. Niềm vui ấy đã vực dậy trong con người niềm hy vọng đối với tình yêu và sự sống vĩnh hằng, thức tỉnh con người khỏi những đêm đen của tội lỗi và cái chết. Tuy thế, dường như niềm vui ấy vẫn còn lay lắt, chơi vơi đối với biết bao con người trên thế giới này. Đối diện với biến cố Phục Sinh, có những ánh mắt đã nhìn vào với một niềm tin thâm sâu, nhưng cũng có những ánh mắt hoài nghi chất vấn, những ánh mắt lờ mờ, mơ hồ, hay có cả những ánh mắt dường như chẳng thể nhận ra bất cứ điều gì. Thực tại của “ngôi mộ trống” sau cái chết của Thầy Giêsu đem lại những dư vị khác nhau trong thâm tâm con người. Có những con người đối diện với thực tại của cuộc sống với sự run rẩy và hoảng loạn như những người phụ nữ ra mồ từ sáng sớm (Mc 16,5); cái nhìn tuyệt vọng trước sự chết đã làm cho những dấu chỉ phục sinh trở nên mờ tối hư ảo trong tâm hồn. Hoặc có những lúc niềm hy vọng bị dập tắt, ngàn nỗi lo âu về tương lai mịt mờ đã khiến cho đôi mắt không thể quan chiêm được những niềm vui tưởng chừng như rất bình dị và quen thuộc như hai môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24, 16); những cử chỉ thân quen của tha nhân bỗng chốc trở nên quá xa lạ đối với tâm hồn.     

Trong vô vàn ánh mắt đối diện với thực tại, kì lạ thay chỉ có đôi mắt của người môn đệ Chúa thương mến đã cảm nghiệm ngay lập tức những dấu hiệu của Đấng phục sinh. “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8b). Bằng những kinh nghiệm của cuộc sống, mỗi người dường như đều có thể nhận thấy một điều: dù cho trực giác có vững vàng đến đâu, khi đối diện với cái chết của những người thân yêu, tất cả mọi sự đều là hư vô; dù cho niềm tin có mạnh mẽ như thế nào chăng nữa, cái chết vẫn luôn là một sự bất lực không thể nào cứu vớt. Vậy, liệu rằng chỉ với trực giác tự nhiên, người môn đệ có dám tin Thầy đã thật sự sống lại và đang sống, khi mà trước đó người môn đệ này đã chứng kiến và cảm nghiệm tận sâu những hơi thở cuối cùng vô cùng đau thương của Thầy? Có lẽ, đối với người môn đệ, niềm tin như thế không thể chỉ được xây dựng trên một quá trình tâm lý tự nhiên, nhưng sâu xa hơn là một cảm nghiệm siêu nhiên. Để có thể nhận diện và đặt trọn niềm tin vào biến cố phục sinh, chắc hẳn người môn đệ đã đặt để con tim của mình trong mối tương quan thâm sâu với Thầy chí thánh, “tựa vào lòng Thầy” như đi vào mối thâm tình của hai người yêu nhau: hai trái tim hòa chung một nhịp, hai cõi lòng hòa chung một điệu, hai cá vị hòa chung một Nhiệm Thể. Đôi mắt của con tim đã mở cửa cho mầu nhiệm phục sinh được tiến vào và trổ sinh trong tâm hồn người môn đệ được Chúa thương mến. Tác giả Tin Mừng không cho biết người môn đệ ấy là ai (dù truyền thống vẫn cho rằng người môn đệ đó là Gioan). Nhưng thiết nghĩ, việc để ngỏ một danh xưng như thế càng khiến tình yêu phổ quát của Đức Ki-tô đối với nhân loại thêm nổi bật. Mỗi người tín hữu bước theo Đức Ki-tô đều là những môn đệ được Chúa thương mến; Thiên Chúa luôn trải rộng và đổ tràn tình thương xuống trên cuộc đời của từng người trong từng hoàn cảnh sống. Vì thế, mỗi người đều có khả năng nhận diện và đặt niềm tin vào những dấu chỉ phục sinh đang hiện diện trong cuộc đời. Điều đó chỉ có thể có được nhờ việc can đảm mở rộng đôi mắt của trái tim để cho sự sống có thể ghi dấu và phát triển trong đời sống nội tâm. Có những dấu chỉ phục sinh xuất hiện như một mầu nhiệm đòi hỏi cả một hành trình nỗ lực khám phá bằng đời sống thiêng liêng; nhưng cũng còn đó những dấu chỉ phục sinh rất chân thực và gần gũi có thể cảm nhận bằng trái tim. Đó có thể là niềm hy vọng đang lóe lên trên những mất mát, đau thương của cuộc sống; cũng có thể là sự chữa lành sau những đổ vỡ, sứt mẻ; hoặc có thể là ánh sáng của tương lai sau quá khứ thất bại, chán chường; hoặc một hành trình trở lại sau những vấp ngã, lỡ lầm; hay cũng có lúc chỉ giản đơn như một bầu khí gia đình êm đềm thân thương, một tình bạn chân thành, một nghĩa cử ấm áp của tình người... Ở đâu tồn tại tình trạng và thái độ sống tích cực, ở đó có dấu hiệu của sự phục sinh, vì Chúa Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết là để cứu chữa cả những tình trạng bất thường trong đời sống vốn dĩ đã bị hư nát bởi tội lỗi con người. Vấn đề còn lại chính là sự đáp trả của tâm hồn: Liệu rằng việc mở rộng trái tim có là quá khó khăn trong một thế giới mà chủ nghĩa vị kỷ (yêu cái tôi) đang dần chiếm lĩnh? Liệu rằng đôi mắt nội tâm có thể sáng suốt giữa sự lấp liếm của những thế sự phù vân? Niềm vui của sự sống vẫn đang hiện hữu trong thế giới từng khoảnh khắc của thời gian và trong mọi ngõ ngách của không gian, nhưng đôi lúc tưởng chừng như lại quá xa vời trong trái tim đã ngủ quên của con người.

Tuy vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc nỗ lực tiếp nhận những dấu chỉ phục sinh thì sứ mạng của người Ki-tô hữu vẫn còn thiếu hụt trầm trọng; giống như một cơ thể chết không thể chuyển hóa những gì nó đã được tiếp nhận. Niềm vui phục sinh không chỉ được cô đọng nơi mỗi người tín hữu, nhưng được trào tràn ra cho toàn thế giới. Bởi lẽ, không có sự sống nào là đứng yên, nó phải luôn chuyển động không ngừng. Chuyển động không chỉ là dấu hiệu, mà còn là một đặc tính của sự sống. Yếu tố này phải được thể hiện qua chiều kích hướng ra cuộc đời bằng đôi mắt của trái tim. Người Ki-tô hữu biến niềm hoan lạc phục sinh trở nên hạt giống gieo vào giữa lòng nhân loại, để niềm vui ấy không chỉ còn là một kho báu vô tri, nhưng nảy nở và trổ sinh hoa trái giữa một thế giới đang trở nên cằn cỗi trong giây phút hiện tại. Chắc hẳn, người tín hữu sẽ không phản chiếu niềm vui phục sinh của mình bằng một bộ mặt rầu rĩ, nhưng bằng tất cả niềm hân hoan của những người đang sống trong những khoảnh khắc hạnh phúc của tình yêu. Làm sao người Ki-tô hữu có thể đem lại niềm vui cho thế giới, nếu cứ mang mãi bộ mặt ủ dột vì những chán nản, thất vọng với cuộc đời? Làm sao mỗi người có thể loan báo về ơn cứu độ, nếu như không sống thái độ vui mừng của những người đã được cứu rỗi? Làm sao chúng ta có thể khắc họa bộ mặt tình yêu của Đức Ki-tô, nếu như trên khuôn mặt của từng người vẫn ẩn chứa những ánh mắt hận thù, những cau có, ghen ghét, bất hòa? Điều tuyệt diệu nhất mà mỗi Ki-tô hữu phản chiếu cho thế giới qua đôi mắt của trái tim, chính là vẻ đẹp của một Đấng Cứu Độ đã băng qua thũng lũng của cái chết mà tiến vào cõi sống. Còn gì đẹp đẽ nơi Đức Ki-tô cho bằng tình yêu tự hiến mà Ngài đã trao trọn vẹn cho nhân loại? Giữa hàng triệu thách đố của đời sống, người tín hữu hôm nay có chấp nhận tự hiến chính mình để tình yêu như thế được lớn lên hay không?

Có một chi tiết Tin Mừng thú vị, nhưng cũng để lại cho những người đang ấp ủ lý tưởng loan báo mầu nhiệm phục sinh một bài học đắt giá. Những người loan báo Tin Mừng phục sinh đầu tiên lại không phải là những môn đệ thân tín nhất đã đồng hành với Chúa Giêsu trong kiếp người, mà chính là những người phụ nữ đã ra thăm mồ Chúa từ sáng sớm. Những người phụ nữ mang trong mình đặc tính dịu dàng, yếu đuối, dễ bị tổn thương, nhưng một khi đã đặt trọn tình yêu vào một đối tượng nào đó, họ có thể chung thủy với tình yêu đó đến tận cùng. Trái tim của những người phụ nữ thật đặc biệt! Phải chăng chi tiết này muốn truyền tải một thông điệp: Tin Mừng phục sinh trước tiên là tiếng nói của trái tim, không phải là những lý lẽ dài dòng của lý trí? Đặc tính mạnh mẽ của nam nhân là động lực cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, nhưng chính nét nữ tính – dịu dàng, chung thủy và tình yêu – mới chính là chìa khóa mở lối để Tin Mừng đó có thể đi vào trái tim của con người.

Thật tốt đẹp biết bao nếu mỗi người trong mọi giây phút của cuộc sống đều để tâm chăm sóc cho trái tim dễ bị thương tổn của mình bằng đời sống thiêng liêng mật thiết với Chúa. Và còn tốt đẹp hơn nữa nếu đôi mắt trái tim luôn được mở rộng để hai chiều của Tin Mừng phục sinh có thể chuyển động không ngừng giữa lòng đời.

Ứng sinh chủng viện Lê Bảo Tịnh, Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây