Hình ảnh Thánh Giuse, người công chính

Chủ nhật - 07/03/2021 08:19 |   1606
Người nào sống công chính, người đó sống dấn thân mạo hiểm, như trong Tám mối phúc thật nói: "Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính“ (Mt 5,10).
Hình ảnh Thánh Giuse, người công chính

 

  Hình ảnh Thánh Giuse, người công chính
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 

Nơi đền thờ Gia đình Thánh gia ở thành phố Nazareth miền Galilê nước Do Thái, bên dưới tầng hầm có cửa sổ kính mầu khắc vẽ hình Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria đang trao nhẫn cưới cho nhau với sự chứng kiến của một Thầy cả thượng phẩm thời đó.

Hình ảnh thơ mộng mang chiều sâu đạo đức truyền thống này gợi lên nơi tâm trí người xem không chỉ đến hình ảnh cô dâu là Đức Mẹ Maria, mà còn đến cả chú rể Giuse nữa. Vì tầng hầm này cách đây hơn 2000 năm là nhà của chú rể Giuse làm ăn sinh sống. Ở đây còn một hai di tích lịch sử xưởng mộc làm của thánh Giuse đã được đào bới tìm thấy và được bảo quản an toàn trong khu tường kiếng chắn xung quanh.

Một kỷ niệm lịch sử địa lý vừa mang dấu vết thánh đức, vừa sống động tình nghĩa con người.

Chú rể Giuse là ai?

Dịp kỷ niệm 150 năm, từ năm 1870, Hội thánh Công Giáo nhận Thánh Giuse là đấng thánh quan thầy bảo trợ, Đức đương kim giáo hoàng Phanxicô đã kêu mời lập năm thánh ôn nhớ về Thánh Giuse  “Patris corde – Trái tim của người Cha“ từ ngày 08.12.2020 - 08.12.2021.

Ôn nhớ về Thánh Giuse không nhằm chú ý đến lịch sử đời sống cùng những thành qủa việc làm khi xưa của ngài. Nhưng trọng tâm hướng đến nhân đức đời sống đạo đức của thánh nhân.

Lịch sử về chú rể Giuse, người được Giáo hội tôn kính là một vị Thánh cả, mà xưa nay không có lễ nghi phong Thánh cho ngài. Bốn Phúc âm Chúa Giêsu nhắc đến đời sống Giuse cả thảy 14 lần -7 lần nơi phúc âm theo Thánh Mattheo, 5 lần nơi Thánh Luca, và 2 lần nơi Thánh Gioan- ẩn hiện như một hình ảnh lu mờ đàng sau hậu trường. Nhưng dẫu vậy cũng giúp tìm nhận ra một vài khía cạnh đời sống chú rể Giuse sống thầm lặng này.

Thánh sử Mathêu (1,20), và Thánh sử Luca (1,27; 2,4) viết thuật lại, Giuse là con cháu thuộc dòng tộc Vua David, người khai sinh lập nước Do Thái. Đây là điều mấu chốt quan trọng cho lịch sử. Như vậy nhân vật Giuse có nguồn gốc gia phả thuộc về một dòng tộc của dân Do Thái, dòng tộc vua David.

Thánh sử Mathêu (13,55) nói đến nghề nghiệp sinh sống kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình của Giuse là Tekon - người thợ lao động làm việc chân tay.

Thánh sử Matthêu (1,19) diễn tả bản tính của Giuse là một dikaios - người công chính: Ông Giuse, chồng của Maria, là người công chính.

Thế nào là người có đời sống công chính?

Chúa Giêsu, con Giuse, khi đi rao giảng nước Thiên Chúa, đã đưa ra dụ ngôn (Mt 20,1-16) người chủ tốt lành nhân ái đối xử với những người làm việc trong vườn nho của ông- Ông chủ vườn nho đã trả lương đồng đều cho mọi người thợ, dù họ vào làm trước hay vào làm sau ít giờ hơn - để nói về nước Thiên Chúa. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói đến rõ hơn dikaios - công chính - không phải chỉ là người sống ngay thẳng theo luật lệ hay đạo đức, nhưng là người có một tấm lòng quảng đại rộng mở đầy lòng thương xót.

Giuse là người có đời sống của một dikaios. Khi hoàn cảnh khó xử lúc mẹ Maria bỗng dưng có thai, mà trước đó ông không hay biết, cùng không do Ông, trong một ý nghĩa hoàn toàn mới của một tâm hồn có trái tim to lớn rộng mở: Ông có ý định âm thầm ra đi, không phải chỉ để tránh né luật lệ, nhưng để bảo vệ thanh danh cho Maria.

Ông định tâm yên lặng bỏ đi trốn, không muốn tố cáo Maria trước luật pháp, trước công chúng. Đó là cung cách sống của một người có trái tim tràn đầy lòng từ tâm nhân đạo. Mình đau khổ. Nhưng không muốn để cho người khác cũng bị đau khổ.

Qua đó Giuse đã trở thành hình ảnh mẫu mực thứ nhất, như Chúa Giêsu đòi hỏi quan niệm mới về công chính "Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh Sư và người Pharisieu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.“ (Mt 5,20).

Người nào sống công chính, người đó sống dấn thân mạo hiểm, như trong Tám mối phúc thật nói: "Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính“ (Mt 5,10).

Giuse sống công chính với tâm hồn quảng đại rộng mở thế nào với mẹ Maria, là cha nuôi Chúa Giêsu về phương diện xã hội, Ông cũng sống đối xử như vậy với Chúa Giêsu.

Giuse chấp nhận trẻ Giêsu như là con của mình. Thời xa xưa theo luật lệ việc nhận làm con thể hiện qua việc người cha đặt tên cho người con. Sau khi mẹ Maria hạ sinh Chúa Giêsu, Giuse đã "đặt tên cho con trẻ là Giêsu“ (Mt 1,25).

Chấp nhận con trẻ Giêsu, Giuse đã trao tặng sự bảo đảm nuôi sống bảo vệ người con mình nhận nuôi trong gia đình. Vì thế trong dân gian thời đó và sau này vẫn hằng chính thức gọi Chúa Giêsu là con của Giuse - (Lc 3,23, 4,22; Ga 1,45,6,42) -

Con đường dòng sông đời sống của Giuse

Không có sử sách bút tích nào viết thuật về nguồn lịch sử đời sống Giuse.

Phúc âm Chúa Giêsu theo Thánh Mattheo viết thuật về gia phả chúa Giêsu Kito viết: "Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của Maria mẹ Đức Giêsu Kitô.“ ( Mt 1,16)

Thánh sử Máccô (6,3) giới thiệu Chúa Giêsu là con của mẹ Maria. Điều này có thể nói đến Giuse, cha nuôi Chúa Giêsu, người có nếp sống sống âm thầm, đã qua đời sớm.

Người ta cho rằng, vào năm 5 trước Chúa Giêsu giáng sinh - theo suy diễn khảo cứu thực ra vào năm này Chúa Giêsu sinh ra - lúc Chúa Giêsu đạt tới 18 hay 20 tuổi, có thể thánh Giuse lúc đó vào khoảng 43 hay 45 tuổi. Như thế, Thánh Giuse theo mức tuổi trung bình sinh sống ngày xưa, đã bước qua ngưỡng cửa tuổi sống thọ. Như vậy có thể thánh nhân qua đời vào năm 20 sau Chúa Giêsu giáng sinh.

Việc Giuse chấp nhận làm cha nuôi Chúa Giêsu theo phương diện xã hội đã đem lại cho Chúa Giêsu là thành phần thuộc về dòng tộc vua Đavít. Đây là danh dự lớn lao nhất trong dân Do Thái cho người nào thuộc dòng tộc này. Vì từ dòng tộc này sẽ xuất hiện Đấng cứu thế, vị Vua cứu tinh nhân loại. (2 Samuel 7,12)

Khi được chọn làm Vua, trong một giấc mơ, vua Salomon đã khẩn cầu xin Thiên Chúa ban cho ông một tâm hồn biết lắng nghe (1 Các Vua 3,9). Nhờ thế mà vua Salomon trở nên vị vua khôn ngoan và được mọi thế hệ ca ngợi. Và nhân gian xưa nay có ca ví: sự khôn ngoan Salomon!

Còn Thánh Giuse, người chồng dikaios của mẹ Maria, người cha nuôi Chúa Giêsu, cũng có tâm hồn trái tim luôn lắng nghe tiếng Thiên Chúa qua Thiên Thần hiện đến báo cho trong giấc mơ (Mt 1,20, 2,23.19 và 2,22) mỗi lần như thế Ông đều làm theo ngay không thắc mắc gì.

Qua cung cách sống công chính như thế, Thánh Giuse đã chỉ ra về một nếp sống căn bản của người Kitô hữu, của người làm chồng, làm cha gia đình, mà trong đời sống xã hội hôm nay là điều thiếu sót lớn, cùng là một căn bệnh thời đại: nếp sống người công chính!

“Sự thinh lặng của Thánh Giuse không là dấu chỉ sự trống rỗng nội tâm. Trái lại đó là dấu chỉ sức sống trọn vẹn tràn đầy của đức tin ẩn chứa trong trái tim tâm hồn. Và từ nơi đó tuôn chảy ra cùng hướng dẫn những suy nghĩ cùng việc làm.

Qua sự thinh lặng, Thánh Giuse cùng với Đức Mẹ Maria gìn giữ Lời Chúa, mà ngài đã học hỏi trong Kinh Thánh, và giúp ngài đối chiếu hiểu nhận ra những biến sự việc trong đời sống Chúa Giêsu. Sự thinh lặng của Thánh Giuse thành hình trong liên lỷ cầu nguyện ca ngợi Thiên Chúa, trong sự suy ngắm tìm hiểu thánh ý Chúa.

Không phải là phóng đại, khi nghĩ rằng, - theo bình diện suy nghĩ loài người – Chúa Giêsu do từ người cha Giuse, đã học được đời sống nội tâm mạnh mẽ sâu thẳm.

Điều này là điều căn bản của sự công chính đích thực, sự công chính to lớn hơn ( Mt 5,20), mà Chúa Giêsu ngày nào đó sẽ chỉ dạy cho các Tông đồ” (Đức Giáo Hoàng Benedicto 16. Kinh truyền tin ngày 18.12.2005)

"Ông Thánh Giuse là đấng ngay chính tận trung.“ (Kinh cầu Thánh Giuse).

Năm Thánh Giuse 2020 -2021 “Patris corde – Trái tim của người Cha.“

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Vietcatholic News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây