Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ tư - 23/06/2021 00:34 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
1007
Suốt cuộc đời ngài đã sống thánh thiện, khiêm nhường và can đảm để làm chứng cho vinh quang của Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương bắt chước ngài sống khiêm nhường, sống thật và làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa cuộc sống đầy khó khăn này.
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”. Thánh Vịnh 37,4
NVMN 24.6.2021 Thánh Gioan Tẩy Giả
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Thánh Gioan Tẩy Giả là con của tư tế Dacaria, thuộc nhóm Avia, dòng tộc Aharon và bà Elisabeth, thuộc dòng tộc Aharôn (Lc 1,5-23), chào đời khoảng năm 6 TCN tại vùng đồi núi Giuđê, Do-thái, nay là Ein Karem, trước Chúa Giêsu chừng sáu tháng (x. Lc 1,5-80).
Cả 4 cuốn Tin Mừng đều nói về thánh Gioan Tẩy Giả cũng như chương XVIII 5,2 trong tác phẩm Antiquitates Judaicae của sử gia người Do-thái Flavius Josephus cũng nhắc đến.
- Mc 1,2-15: thánh Gioan xuất hiện với tư cách là người dọn đường cho Chúa Giêsu.
- Mt 3,7tt và Lc 3,7-9: thánh Gioan xuất hiện với tư cách là người rao giảng sám hối.
- Lc 1,5 – 2,29: đã trình bày một cách song song các biến cố trước hai cuộc truyền tin của thánh Gioan Tẩy Giả lẫn của Chúa Giêsu. Cuộc sinh ra của hai vị đều được công bố bởi một Thiên Thần; và cả hai vị đều được công bố như là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi để giải phóng toàn bộ dân Israel một cách chung cuộc.
- Theo Ga 1,7-18.19-36: Thánh Gioan xuất hiện như là vị chứng nhân đầu tiên và quan trọng nhất của Chúa Giêsu – Ngôi Lời trở thành xác phàm.
Khoảng năm 28, năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô (Lc 3,1tt), thánh Gioan đã xuất hiện công khai tại Galilê và tại Giuđê để rao giảng và mời gọi người ta thống hối. Bên cạnh việc rao giảng sám hối, ngài còn làm phép rửa cho tất cả những ai đến với ngài, bằng cách dìm họ xuống nước (Mt 3,1-12; Mc 1,1-8; Lc 3,1-18; Ga 1,19-28). Đức Giêsu cũng đến chịu phép rửa (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22). biến cố này đánh dấu khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu.
Sau khi làm phép rửa cho Đức Giêsu, thánh Gioan Tẩy Giả, bị vua Hêrôđê Antipa bỏ tù và xử trảm vì “tội” ngăn cản cuộc hôn nhân loạn luân của vua. Chuyện là thánh Gioan Tẩy Giả phản đối vua Hêrôđê Antipa kết hôn với nàng Hêrôđia (vợ của Philip, anh của Hêrôđê, và cũng là cháu của Hêrôđê) khi Phasaelis, người vợ hiện tại đang còn và đang ở nhà thân phụ là vua Aretas, nước Nabate, tức là vi phạm Lề Luật. Trong dịp sinh nhật, con gái của Hêrôđia là Salomê (được sử gia Flavius Josephus cho biết tên) múa cho Hêrôđê Antipa xem. Vua Hêrôđê khoái chí nên hứa thưởng cho bất cứ thứ gì, dù là nửa đất nước (Mc 6,17-29 và Mt 14,3-12).
Ngoài Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thánh Gioan là vị thánh duy nhất được Giáo hội Công giáo cử hành ngày Sinh Nhật với bậc Lễ Trọng. Sở dĩ Giáo hội mừng Lễ Sinh Nhật thánh Gioan vào ngày 24 tháng 06, là vì, lễ Sinh Nhật của Chúa Giêsu được cử hành vào ngày 25 tháng 12, mà theo Tin Mừng Luca, thánh nhân lớn tuổi hơn Chúa Giêsu đúng sáu tháng (Lc 1,26-38).
Ngày lễ mừng kính thánh Gioan Tẩy giả năm nay, giữa đại dịch, lặng lẽ và trầm lắng. Thánh lễ trực tiếp không có. Thánh đường đóng cửa. Bầu trời trong xanh bát ngát. Mọi người ít gặp nhau hơn. Cuộc sống đang chậm lại. Chậm lại để nhìn lại mình. Chậm lại để nhìn ngắm phố phường chung quanh. Chậm lại để nhìn những khuôn mặt thân yêu quen thuộc. Chậm lại để chiêm niệm cuộc sống vô thường của con người giữa trần gian, Những lời kinh dâng lên ngài cách âm thầm như chính cuộc đời của ngài.
Suốt cuộc đời ngài đã sống thánh thiện, khiêm nhường và can đảm để làm chứng cho vinh quang của Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương bắt chước ngài sống khiêm nhường, sống thật và làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa cuộc sống đầy khó khăn này.
Lạy thánh Gioan Tẩy giả, xin nhậm lời chúng con...