Chúa vẫn đang ở sẵn trên thuyền

Thứ bảy - 19/06/2021 07:42 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   945
“Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4, 41).



Chúa Nhật XII – TN – B


Chúa vẫn đang ở sẵn trên thuyền

Nhà truyền giáo M. Russell Ballard, trong một bài chia sẻ, có nói: “Nếu tiếp tục tập trung vào Chúa, thì chúng ta được hứa một phước lành không thể so sánh được”.

Tập trung vào Chúa, hay nói cách khác, việc kêu cầu đến danh Thiên Chúa, đó cũng là điều được Kinh Thánh truyền dạy. Trong sách Thánh Vịnh có ghi lời dạy rằng: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (x.Tv 37, 5). Và, với ngôn sứ Isaia, lời truyền dạy có phần mạnh mẽ hơn, ngài ngôn sứ dạy rằng: “Đừng sợ… Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn… Vì chính Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 43, 2-3).

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng có lời truyền dạy rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.

Đức Giê-su đã truyền dạy như thế, và điều truyền dạy này đã được Ngài thực hiện cho bất cứ ai có lòng tin “đến cùng Ngài”. Còn lời phán hứa của Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, thì sao! Thưa, cũng vậy. Lời phán hứa đó không chỉ được thực hiện trên Israel, qua sự kiện băng qua Biển Đỏ, nhưng còn được thực hiện vào thời Đức Giê-su còn tại thế. Câu chuyện “Đức Giê-su dẹp sóng gió” được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô như một minh chứng điển hình. (Mc 4, 35-41).

**
Câu chuyện được kể lại rằng: Hôm ấy, khi chiều xuống, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi”.

“Sang bờ bên kia”… Vâng, đó là chuyện mà Nhóm Mười Hai các ông thường thực hiện. Thế nên, chúng ta có thể tin rằng, các môn đệ đã coi cuộc hải hành này như một cuộc “dạo mát trên Biển Hồ”.

Thì đây, với Biển Hồ dài non hai mươi cây số, rộng khoảng mười một cây số thì có gì trở ngại với những ngư phủ dày dạn kinh nghiệm như các ông!

Thế nên, rất tự tin, các môn đệ lên thuyền “chở Người đi”. Thế nhưng, như người Việt Nam chúng ta thường nói: “Người tính không bằng trời tính”. Và quả thật, chuyến hải trình của các ông hôm đó không suôn sẻ chút nào.

Hôm đó, khi con thuyền của các ông còn đang êm ả lướt sóng giữa Biển Hồ, chuyện kể lại rằng: “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước” (x.Mc 4, 37).

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng như thế, Đức Giê-su làm gì nhỉ! Thưa, Ngài “đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (x.Mc 4, 38).

Còn các môn đệ thì sao? Thưa, dù là những chàng “kình ngư” lão luyện, nhưng Phê-rô, An-rê, Gioan, Gia-cô-bê và những đồng môn khác đều hoảng sợ. Các ông chạy đến “đánh thức Người dậy và nói: Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”.

Khi câu chuyện được kể tới đây, có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao các môn đệ, là những người kinh nghiệm về biển khơi, lẽ ra họ phải biết cách để lèo lái con thuyền vào bờ an toàn, chứ sao lại phải kêu cầu đến Đức Giê-su, Ngài chỉ là một người “thợ mộc”, kia mà?

Vâng, dù được gọi là “con bác thợ”, thế nhưng hôm ấy, Ngài đã cho các môn đệ thấy được quyền năng, không phải quyền năng của con bác thợ, nhưng là quyền năng của Con Một Thiên Chúa.

Hôm ấy, chuyện kể rằng: “Người thức dậy,ngăm đe gió, và truyền cho biển: ‘Im đi! Câm đi’. Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”.

Thật quyền năng và nhiệm mầu. Sự quyền năng và nhiệm mầu đó đã khiến các ông hoảng sợ và nói với nhau, rằng: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4, 41).

***
“Người này là ai?” Trả lời cho câu hỏi này, Lm Charles E.Miller có lời chia sẻ: “Gió và biển biết Chúa Giê-su là ai. (Và hôm nay), chúng ta cũng thế. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi của các Tông Đồ. Nếu không có lòng tin, ta sẽ đánh giá Người theo quan điểm thuần túy con người, song vì đức tin, ta nhìn nhận Người là Chúa và là Đấng Cứu Độ”.

“Có lòng tin…”, ngài Charles E.Miller chia sẻ tiếp, rằng: “Là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta, Chúa Giê-su (sẽ) giải thoát chúng ta khỏi những nỗi khiếp sợ trong ‘biển đời này’: sợ ung thư, sợ AID, sợ về một tương lai tài chánh bấp bênh, ái ngại cho giới trẻ trong một xã hội tràn lan ma túy và tình dục bừa bãi, sợ về sự mong manh của hôn nhân (trong một xã hội cho phép phá thai, ly dị v.v..), sợ cô đơn trong tuổi già, (và cuối cùng là) sợ viễn cảnh của cái chết”.

Hồi ấy, Lm Charles chưa biết đến một nỗi sợ mới xuất hiện trên thế giới hôm nay. Nỗi sợ về trận cuồng phong “Corona Virus”.

Hôm nay, trận cuồng phong Corona Virus mỗi ngày một hung hãn hơn. Hung hãn đến nỗi đã làm cho con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta phải đối diện với bao âu lo và sợ hãi.

“Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi! Thầy chẳng lo gì sao!” Vâng, nên chăng, hôm nay chúng ta cũng cất tiếng nguyện xin với Chúa Giê-su, như xưa kia các môn đệ cũng đã khẩn nguyện, như thế!

Nên chăng, chúng ta cùng cầu xin với Thiên Chúa, rằng: “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, để nhờ lượng từ bi Cha nâng đỡ, chúng con luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn”!

Với lời nguyện xin này, ngài Charles có lời khuyên, khuyên rằng: “Các kinh nguyện này nhằm diễn đạt đức tin của chúng ta, song mức độ bình an và thanh thản ta được (Chúa) ban cho không tùy thuộc vào cách bày tỏ lòng tin, mà vào chiều sâu của nó. Đức tin chúng ta phải thẳm sâu như biển cả”.

****
Đức tin của chúng ta phải thẳm sâu như biển cả. Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống, thành thật mà nói, có đôi lúc đức tin của chúng ta không bằng “hạt cải”, chứ nói gì đến “thẳm sâu như biển cả”, phải không, thưa quý vị!

Tại sao lại là vậy! Phải chăng, bởi do chúng ta để cho những cơn “bão lòng”, đại loại như: cơn bão nghi nan, cơn bão ngờ vực ập vào tâm hồn chúng ta, để rồi nó tàn phá đức tin của chúng ta? Phải chăng bởi do chúng ta để cho những cơn bão lòng, đại loại như: cơn-bão-dâm-dục… cơn-bão-hận-thù… cơn-bão-ích-kỷ… cơn-bão-phóng-đáng… cơn-bão-bè-phái… cơn-bão-ganh-tị… cơn-bão-say-sưa… cơn-bão-thờ-quấy v.v… ập vào tâm hồn chúng ta, để rồi nó đánh bạt chúng ta ra khỏi cuộc sống gắn bó với Thiên Chúa?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, những cơn bão nêu trên, nó sẽ làm cho con thuyền cuộc đời của chúng ta, không thể cập bến “Nước Trời”, nói theo cách nói của thánh Phao-lô, đó là chúng ta: “không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (x.Gl 5, …21).

Để chuẩn bị cho một chuyến đánh cá xa bờ dài ngày, thủy thủ đoàn phải chuẩn bị cho con tàu của mình rất nhiều thứ như: nước uống, lương thực, hải bàn, định vị v.v…

Thì cũng vậy đối với cuộc hải hành về Nước Thiên Chúa của chúng ta. Con thuyền cuộc đời của chúng ta cũng phải chuẩn bị, chuẩn bị những gì có thể để vượt qua những sóng gió cuộc đời, nhất là để vượt qua những “cơn bão lòng” nêu trên.

Chúng ta sẽ chuẩn bị những gì, nhỉ! Thưa, Thánh Kinh và Thánh Thể. “Thánh Kinh” chính là “hải bàn và định vị” dẫn đưa con thuyền cuộc đời của ta đi. Còn Thánh Thể ư! Vâng, đó chính là “nước uống và lương thực” cho cuộc hải hành, một cuộc hải hành về Thiên Quốc của chúng ta. Hơn thế nữa, có Thánh Thể, nó bảo đảm con thuyền cuộc đời của chúng ta luôn luôn có Đức Giê-su “Người đang ở sẵn trên thuyền”.

Bây giờ chúng ta cùng nghe lại lời chia sẻ của nhà truyền giáo M. Russell Ballard: “Nếu tiếp tục tập trung vào Chúa, thì chúng ta được hứa một phước lành không thể so sánh được”.

Với hôm nay, nên chăng chúng ta sửa một chút lời chia sẻ này, rằng: “Nếu tiếp tục tập trung vào Thánh Kinh và Thánh Thể, thì chúng ta được hứa một phước lành không thể so sánh được”.

Đúng vậy. Một phước lành không thể so sánh được. Đó là phước lành: “Chúa vẫn đang ở sẵn trên thuyền” con thuyền cuộc đời của ta.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây