Xin cho Em tuổi thơ tròn đầy

Thứ hai - 30/10/2023 19:51 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh |   286
Chính thầy Giê-su cũng cho chúng ta thấy quãng đời tuổi thơ quan trọng thế nào trong việc hình thành nhân cách con người. Ngài ở làng quê Nazaret đến 30 năm.

Xin cho Em tuổi thơ tròn đầy

tbd 311023a


Bạn bè, thân hữu của tôi nhiều người chỉ sinh một con. Tôi hay góp ý với họ nếu chỉ sinh một thì không bác ái với con của mình. Bọn trẻ cần bạn bè, cần có sự tương quan cùng lứa, cần học biết chia sẻ và quan tâm người khác… Nếu chỉ một mình nó dễ trở thành độc tôn ích kỷ, không nỗ lực cầu tiến, quen được nuông chiều bảo bọc sẽ khó lớn nổi về nhân cách…

Lời giải thích là: Cha không biết cái khó của nuôi con bây giờ, nhất là ở Sài gòn. Đủ mọi gánh nặng về thời gian, công sức, tiền bạc… Một đứa con thôi, ngày cũng hết ít là hai buổi đưa đón đi học. Con nhà đạo Chúa nhật cũng phải đưa đón học giáo lý. Tiền bạc cho ăn học thôi không phải ít, chưa kể con ốm đau… Nghe mà ngán thật. Thấy thương các bậc phụ huynh, nhưng nhất là thương các em không có được một tuổi thơ đúng nghĩa.

Tôi tạ ơn Chúa đã cho mình một tuổi thơ tròn đầy. Tuổi thơ an bình với một gia đình đông vui, hạnh phúc. Tuổi thơ tinh nghịch với không gian bao la của ruộng vườn sông nước. Tuổi thơ lãng mạn với khí hậu, thiên nhiên trong lành tươi mát. Tuổi thơ hồn nhiên với biết bao bạn bè xóm giềng thân thiết. Tuổi thơ thanh sạch với rất nhiều thời gian dành cho Chúa qua các sinh hoạt nơi nhà thờ…

Tuổi thơ của tôi gắn tròn gần hai thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước. Thời của những đứa trẻ một năm một bộ đồ mới, đặc sản là que kem, kẹo kéo, sirô đá bào… Chúng tôi chỉ phải học mỗi ngày một buổi. Thời gian dành cho đá banh, bắn bi, tắm sông, trò chơi dân gian… nhiều vô kể. Đứa nào cũng gầy guộc, đen đủi… nhưng mạnh mẽ dẻo dai. Đứa nào cũng nhiều bạn bè chơi chung cãi lộn đánh nhau hằng ngày, nhưng tình bạn luôn rất hồn nhiên, chân thành. Đứa nào cũng thiếu ăn thiếu mặc, nhưng sẵn sàng bẻ đôi miếng ăn, mút chung que kem mà không hề tính toán.

Không mất nhiều thời gian đến trường, nhưng lớn lên chúng tôi học hành cũng chẳng thua ai. Nhờ sống gần gũi với thiên nhiên mà tâm hồn lạc quan, phóng khoáng. Sống cộng đồng, tập thể nên giờ đi đến đâu cũng có bạn bè, người quen. Nếm trải nhiều thiếu thốn nên dễ rung động trước những mất mát, đau khổ của người khác. Nhờ nếm trải đủ mọi mùi vị cuộc sống như vậy, chúng tôi thành người, sống đúng với nhân vị của một con người: yêu người yêu đời, có lòng tự trọng, yêu cái hay cái tốt, ghét giả dối bạo tàn…

Chính thầy Giê-su cũng cho chúng ta thấy quãng đời tuổi thơ quan trọng thế nào trong việc hình thành nhân cách con người. Ngài ở làng quê Nazaret đến 30 năm. Nơi làng quê đó, Thầy đã nếm trải một tuổi thơ dữ dội như chúng ta, với thiên nhiên và con người. Thầy cảm nếm từng làn gió hạt mưa, sông suối ao hồ, chim trời cá biển, đồng lúa vườn nho, với đủ mọi hạng người được tiếp xúc… Tất cả góp phần làm nên cuộc sống tròn vẹn của Thầy, để rồi từ đó thành những lời giảng dạy sống động cho con người qua mọi thời đại.

Trẻ em ngày hôm nay thế nào? Các em học ngày 3 buổi, kiến thức ngập đầu. Các em mặc theo mốt Tây, xài công nghệ tiên tiến, uống nước ngọt Thái, ăn lẩu Hàn Quốc, Sushi Nhật… Các em đi du lịch đắt tiền, có thể qua các nước khác dễ dàng… Nhưng tuổi thơ các em thiếu thốn nhiều lắm: Thiếu không gian và thời gian chơi đùa thoải mái, thiếu bạn bè cùng trang lứa vui chơi hồn nhiên, thiếu môi trường lành mạnh để phát triển tâm hồn và nhân cách… Nguy cơ là các em dư mỡ nhưng thiếu nụ cười, thừa chữ nhưng thiếu nhân cách con người, nắm vững khoa học nhưng không biết cách ứng xử cuộc sống, đầy đủ vật chất nhưng thiếu tình người, đầy đủ tiện nghi nhưng thiếu hồn quê nơi ruộng đồng sông núi…

Hãy cho con em mình một tuổi thơ đúng nghĩa của nó, đó mới thật sự là một cuộc sống hạnh phúc. Tuổi thơ “với chùm khế ngọt cánh diều bay, với cầu tre vắt ngang con sông nhỏ, với hoa cau trong đêm trăng sáng tỏ, với vòng tay tròn giấc ngủ đêm hè…”

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(15/10/2020)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây