Thà một chút huy hoàng rồi chợt tắt

Chủ nhật - 05/11/2023 04:56 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh |   240
Đói khổ không đáng sợ, sợ nhất là không có ước mơ và khát vọng cống hiến cho cuộc đời.

Thà một chút huy hoàng rồi chợt tắt

tbd 051123b


Truyền thuyết ở Úc về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Lần hót đầu tiên, cuối cùng và duy nhất đó, là lúc nó lao mình vô bụi mận gai, lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt trên nỗi đau khổ khôn tả, tiếng hót của nó đỉnh hơn mọi loài, vươn thấu trời xanh. Để có được tuyệt phẩm, nó phải đổi bằng cả tính mạng: “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... “ (Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai, Colleen McCullough).

Trong khu nhà trọ tồi tàn của làng Greenwich (New York, Mỹ), ông họa sĩ già Behrman sống vật vờ như bóng ma. Thế nhưng ẩn giấu bên trong con người già nua tiều tụy đó là một khát vọng cháy bỏng về một tác phẩm vỹ đại cho nhân loại. Cùng chung khu nhà trọ có hai họa sĩ trẻ là cô Johnsy và Sue.

Vào mùa đông, Johnsy bị viêm phổi nặng. Hằng ngày ngó qua cửa sổ nhìn cái cây đối diện, cô ám ảnh mình sẽ ra đi khi chiếc lá cui cùng trên cây đó rụng xuống. Và ngày đó đã đến, trong một đêm mưa gió ngập trời cùng với bệnh trở nặng, Johnsy nói với người bạn là cô sẽ chết vào sáng mai, khi chắc chắn chiếc lá cuối cùng trên cây rụng xuống.

Khi cánh tay run run của Sue mở cánh cửa sổ vào buổi sáng hôm sau, điều kỳ diệu đã xảy ra: trên cây vẫn còn chiếc lá cuối cùng! Lá vẫn xanh và mạnh mẽ trong bão tuyết. Johnsy được hồi sinh nhờ động lực sống đó, tuy nhiên lại có một người khác phải từ bỏ cuộc sống. Trong cái đêm bão bùng giá lạnh, họa sĩ già Behnman đã lao mình ra ngoài trời, bắc thang lên cây để hoàn thành tác phẩm vĩ đại mà ông cả đời khao khát: “Chiếc Lá Cuối Cùng”. Ông đã ra đi ngay hôm sau vì viêm phổi. (Chiếc Lá Cuối Cùng, O. Henry).

Nhiều thế hệ học sinh Việt Nam thuộc nằm lòng hai câu thơ của Xuân Diệu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt; Còn hơn buồn le lói đến ngàn năm”. Có lẽ Xuân Diệu với tâm hồn nghệ sĩ đầy nhiệt huyết, trong hành trình cống hiến cũng đã nuôi khát vọng được làm một điều vỹ đại cho cuộc sống và con người.

Đói khổ không đáng sợ, sợ nhất là không có ước mơ và khát vọng cống hiến cho cuộc đời. Dù bạn giàu hay nghèo, giỏi hay dốt, đẹp hay xấu… nếu cuộc sống không có những hoài bão cống hiến thì thật tẻ nhạt, buồn chán. Khát vọng cống hiến có thể là những mơ ước to lớn vĩ đại, cũng có thể là những điều rất thường của cuộc sống, nhưng bằng khát vọng cháy bỏng ta làm cho nó trở nên giá trị và vĩ đại như cụ họa sĩ Behnman đã làm.

Trong sách Khải Huyền, Chúa khiển trách các tín hữu về tình trạng họ “không nóng cũng không lạnh”. Sự vật vờ này là thái độ sống nước đôi vừa theo Chúa vừa theo thế gian, hoặc không theo phe nào. Chúa cảnh báo những hình phạt nặng nề cho những ai sống thái độ này.

Thời nay trong Giáo hội cũng rất nhiều người chọn cách sống vật vờ như vậy. Hội chứng “lải nhải đọc kinh” và “nghiện đến nhà thờ”, trong khi mối tương quan hằng ngày với Chúa và anh em chẳng nóng cũng không lạnh. Cuộc sống ganh đua, thực dụng, vô cảm đưa ta vào chủ nghĩa “Mắc Kê Nô (mặc kệ nó)”, giết chết khát vọng cống hiến cho đời cho người mà Chúa vẫn hằng mời gọi chúng ta trong từng phút giây cuộc sống.

Dù có sai lầm, vấp phạm trong cuộc sống, hãy cho mình khát vọng và ước mơ. Không ai bị kết án bởi vấp phạm do thiện chí và tình yêu thôi thúc hành động.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây