Hãy luôn tỉnh thức…

Thứ sáu - 10/11/2023 19:04 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   315
Đức Giê-su căn dặn (lại) lời Ngài đã căn dặn, rằng: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (x.Mt 25, 13).

Chúa Nhật XXXII – TN – A
Hãy luôn tỉnh thức…

tbd 111123a


Một trong những điều người Ki-tô hữu cần phải tin và ghi khắc trong con tim mình, đó là: có ngày tận thế, ngày mà Đức Giê-su “sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Đây không phải là niềm tin mơ hồ vin vông, nhưng là do chính Ngài phán truyền.

Thật vậy, trong những ngày còn tại thế, một ngày nọ, Đức Giê-su đã tuyên phán rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.” (Mt 25, 31-32).

Kèm theo lời tuyên phán nêu trên, Đức Giê-su còn có lời khuyến cáo rằng: “Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy.”

Tiếp đến, Ngài căn dặn, rằng: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (x.Mt 24, 37-44).

Vâng, để cho các môn đệ (và cũng là để cho chúng ta hôm nay) nhận ra tầm quan trọng của việc “hãy canh thức và hãy sẵn sàng”, Đức Giê-su đã diễn giải bằng một dụ ngôn. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu với tiêu đề: “Dụ ngôn mười trinh nữ” (x.Mt 25, 1-13).

**
“Có mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể”. Mở đầu câu chuyện dụ ngôn, thánh sử Mát-thêu đã tường thuật như thế. Có lẽ, sẽ có không ít người trong chúng ta tự hỏi “cầm đèn ra đón chú rể” nghĩa là sao!

Thưa, một Mục sư, vốn là học giả người Do Thái, đang quản nhiệm một Hội Thánh Tin lành tại Dallas, Texas, có viết một quyển sách nhan đề: “An Israel Love Story”. Trong quyn sách này, ông ta cho biết: “Theo truyền thống là chú rể đến vào ban đêm, đặc biệt là nửa đêm, để cố gắng làm cho cô dâu ngạc nhiên. Nó đã trở thành ‘một vụ bắt cóc’. Cô dâu cần chờ đợi chung với các ‘phù dâu’, là các chị em ruột của mình hoặc bất cứ ai mà cô muốn có mặt trong tiệc cưới của mình. Tất cả họ sẽ ‘có dầu trong đèn của họ’, trong trường hợp chú rể đến vào ban đêm. Thời gian chờ đợi, họ chắc chắn phải ‘sẵn sàng’ vào mỗi đêm.” (nguồn: internet).

Trở lại câu chuyện dụ ngôn. Chuyện kể tiếp rằng: “Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn”.

Vì sao lại có chuyện dại - khôn? Thưa, là bởi: “các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.” Còn những cô khôn! Vâng, “những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”.

Trong thời gian chờ đợi, chuyện kể rằng: “Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.” Các cô đã ngủ… Mười cô trinh nữ, chúng ta có thể tưởng tượng, đã thiếp đi với tâm trạng: “Trăm con chim mộng về bay đầu giường.” (thơ Huy Cận).

Thế rồi,… cuối cùng chú rể cũng đến. Sự kiện này được thánh Mát-thêu kể như sau: “Nửa đêm có tiếng la: Chú rể kia rồi, ra đón đi.”

Có-tiếng-la ư! Đúng vậy. Trong thực tế, tác giả bài viết “An Israel Love Story” cho biết, rằng: “phái đoàn của chú rể ‘hét lên’ khi họ đến gần nhà của cô dâu.”

Ra-đón-đi… Ra đón đi… Vâng, với tiếng la hét như thế, dụ ngôn kể rằng: “…Tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy và sửa soạn đèn.”

Trong lúc các cô dại “soạn đèn”, thì than ôi… hết dầu! Các cô dại bèn năn nỉ ỉ ôi với các cô khôn, rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn chúng em tắt mất rồi!”

Cho-chúng-em… nghe “lịch lãm” nhỉ! Đúng! rất lịch lãm! Tuy nhiên, câu trả lời của các cô khôn còn lịch lãm hơn nữa. Các cô khôn nói: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu. Các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.”

Bị từ chối, các cô dại vội vàng đi mua. Rồi, rồi… “Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới”. Khi chú rể tới thì sao! Đốt pháo ư! Vâng, đó chỉ là một chút tưởng tượng cho vui, của người viết.

Còn trong câu chuyện của dụ ngôn, khi thấy chú-rể-tới “những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới.” Rồi sao nữa! “Rồi người ta đóng cửa lại”. (x.Mt 25, …10).

Thế còn số phận năm cô dại! Thưa, giản dị thôi “log out”!

Vâng, chúng ta cùng nghe lời tường thuật của thánh sử Mát-thêu. Ngài Mát-thêu ghi lại rằng: “Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Than ôi! Năm cô dại chỉ nhận được những lời lẽ đầy tủi nhục: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả”.

Kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su căn dặn (lại) lời Ngài đã căn dặn, rằng: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (x.Mt 25, 13).

***
Sử dụng dụ ngôn, như chúng ta được biết, là cách Đức Giê-su thường dùng để đưa ra một thông điệp nào đó. Thông điệp mà Ngài muốn gửi đến cho chúng ta hôm nay, qua dụ ngôn “Mười trinh nữ” đó là: Đức Giê-su được ví như chàng rể. Mười cô trinh nữ không là một cá nhân nào, nhưng là mỗi chúng ta, là toàn thể dân Chúa, thuộc mọi thời đại.

“Chàng rể đến giữa đêm khuya diễn tả niềm tin vào việc Đức Giê-su Ki-tô sẽ trở lại vào lúc không ai ngờ.” TGM Nguyễn Năng đã có lời giảng giải như thế. Mà, thật là vậy. Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài đã có lời tuyên phán rằng: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36).

Tông đồ Phaolô, sau này, cũng đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”. (x.1Tx 5, 1-2).

Không dừng ở đó, ngài Phao-lô còn có lời truyền dạy, truyền dạy rằng: “Tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê… nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.”

Thế nên, qua lời truyền dạy của thánh Phao-lô, chúng ta cần hiểu rằng, sự sẵn sàng, sự tỉnh thức phải là hành trang cho hành trình đến dự “Bàn Tiệc Thiên Quốc” của chúng ta.

Nói, theo cách nói của TGM Nguyễn Năng, thì: “Người Kitô hữu phải có thái độ như năm cô khôn ngoan. Phải biết chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng. Nghĩa là chu toàn bổn phận đối với Chúa: giữ các giới răn, sống lời Chúa, chu toàn nhiệm vụ đối với tha nhân: sống công bình bác ái, yêu thương mọi người.”

****
Như đã nói ở trên, Đức Giê-su được ví như chàng rể. Mười cô trinh nữ không là một cá nhân nào, nhưng là mỗi chúng ta, là toàn thể dân Chúa, thuộc mọi thời đại.

Do vậy, chúng ta luôn phải sẵn sàng và tỉnh thức. Phải sẵn sàng và tỉnh thức là bởi, “Chàng rể Giê-su” sẽ đến, đến trực tiếp với mỗi người chúng ta.

Chàng rể Giê-su sẽ “chủ động” tìm kiếm mỗi chúng ta và hỏi: Hỡi con, con ở đâu? như xưa Người đã hỏi Adam: “Hỡi Adam, ngươi ở đâu?” (St 3, 9).

Sao! Chúng ta sẽ có câu trả lời như nguyên tổ Adam rằng: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con… trần-như-nhộng” ư! Vâng, đó chỉ là sự tưởng tượng. Nhưng, rất có thể, chúng ta sẽ không có dịp trả lời, vì chúng ta “bận” đi-mua-dầu, bận đi shopping, bận đi vũ trường, bận đi nhậu, bận kiềm tiền, v.v…

Nếu là như vậy thì thật chí nguy. Chí nguy vì khi chúng xong-chuyện-của-mình rồi trở lại gọi chàng rể Giê-su, “xin Ngài mở cửa cho chúng tôi”, có phần chắc chàng rể Giê-su sẽ nói: “Tôi bảo thật các người, tôi không biết các người là ai cả!”

Chưa hết… chàng rể Giê-su sẽ biểu lộ tình yêu thiên thượng cùng chúng ta và nói: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương.” (Hs 2, 21).

Vâng, chàng rể Giê-su đã lập “một hôn ước vĩnh cu”, và thánh Phao-lô đã có lời xác thực rằng: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Ðây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. (1Cr 11, 23-26).

Tất cả điều nêu trên, chàng rể Giê-su, đã thực hiện và hôm nay vẫn tiếp tục thực hiện.

Xưa kia, mười một tông đồ đã đáp lời chàng rể Giê-su. Các ông đã lập một-hôn-ước-vĩnh-cửu với chàng-rể-Giê-su. Và, có phần chắc, các ngài đã “được đi theo chú rể Giê-su vào dự tiệc cưới”, một bữa tiệc không phải ở trần thế, nhưng là ở “Nước Trời”.

Nay, chúng ta có muốn được như các tông đồ ngày xưa? Nếu muốn, điều trước tiên, đừng quên “mang chai dầu theo”. “Dầu” ngài TGM Nguyễn Năng giải thích rồi. Đó là “chu toàn bổn phận đối với Chúa (và) chu toàn nhiệm vụ đối với tha nhân”. Tiếp theo, và là điều tối quan trọng “Hãy luôn tỉnh thức”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây