Các cha mà cũng buồn à!

Thứ năm - 09/11/2023 19:35 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh |   262
Trên Quan Lộ Cuộc Đời: Tu là cõi phúc, sao các cha lại buồn? Tu đấy, nhưng trong thân xác phàm nhân người ơi. Có thánh nhân nào mà cuộc đời chưa bao giờ rơi lệ đâu!

Các cha mà cũng buồn à!

tbd 101123a


Tôi từng vài lần nghe giáo dân thốt lên câu: “Các cha mà cũng buồn à?”. Hic, buồn thấy mẹ luôn chứ. Bên ngoài cười nói vui vẻ vậy đó, nhưng khối đấng “môi cười mà lệ đang rơi”. Tu là cõi phúc, sao các cha lại buồn? Tu đấy, nhưng trong thân xác phàm nhân người ơi. Có thánh nhân nào mà cuộc đời chưa bao giờ rơi lệ đâu! Dẫu vậy, cái buồn của người tu không giới hạn ở tình cảm riêng tư của mình, mà trải rộng mênh mang trong cõi nhân sinh, trong tình trời với đất…

Theo tôi, người tu thường mang 3 nỗi buồn tiêu biểu này:

Buồn vì bản thân tu hoài không khá. Anh em linh mục chúng tôi hay nói đùa: “Người ta gọi là Tu Trì mà! Nghĩa càng tu càng thấy mình trì trệ”. Đi tu được rèn luyện thói quen xét mình hằng ngày, tự phản tỉnh trong tư tưởng - lời nói - việc làm, thế nên thường đeo đẳng nỗi buồn khi thấy mình ngày nào cũng có những vấp phạm, xác thịt thì nặng nề. Bản tính yếu đuối nhưng lại mang khao khát mãnh liệt tiến thân trên đường nhân đức, người tu luôn cảm thấy buồn vì mình chưa nỗ lực đủ, chưa xứng đáng với ơn Chúa và tấm lòng của mọi người kỳ vọng nơi mình. Cái buồn này đeo bám suốt cả cuộc đời.

Buồn với nỗi buồn của người khác. Cái buồn này gọi là “nỗi buồn cảm thông”. Chúa nói người tông đồ của Ngài phải “vui với người vui, khóc với ai sầu khổ”. Linh mục coi xứ, điều gì giáo dân hay chia sẻ với các ngài nhất? Thưa toàn chuyện buồn. Từ cuộc sống cá nhân bế tắc, bệnh tật, đến gia đình bất hòa, hoạn nạn… Đôi khi chẳng giúp cách thực tế gì được cho họ, có chăng vài câu an ủi, đôi lời cầu nguyện… Thế rồi lòng cứ miên man nỗi buồn đó, như là của chính mình vậy. Chẳng ai thích nghe chuyện buồn và tiêu cực cả, nhưng người tu – nhất là các linh mục với tòa giải tội, xác định mình là “thùng rác”, là nơi để cho giáo dân trút vào đó những tiêu cực của đời sống họ. Nỗi buồn này biết tỏ cùng ai!

Buồn vu vơ. Nỗi buồn này theo cách gọi của tôi là “hờn mát”, cũng na ná Xuân Diệu: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Người tu dễ tủi thân, dễ hờn mát lắm. Cũng phải thôi, chọn đời sống độc thân là toàn thân đã nhiễm độc nên chẳng ai dám ở gần. Cái cô đơn của một buổi tối trong nhà xứ vắng lặng, để rồi sáng ra có vị toàn thân đã lạnh ngắt… Buồn khi ốm đau bệnh tật mà tự bò dậy kiếm cháo ăn, thuốc uống. Buồn vì suốt đời cứ ước ao để khát vọng cấu cào tâm khảm. Buồn khi bị hiểu lầm, coi thường, quên lãng…

Nỗi buồn của người tu thật giống lời Vũ Thành An (trong Đời Đá Vàng) miêu tả: Nó như một Vách Sầu - để rồi đời ta cứ lần mò leo mãi mà không qua được nó. Đôi khi không tỉnh táo, ta phung phí cả đời trong cơn buồn tênh… Nhưng có như vậy người tu mới ý thức thân phận yếu hèn của mình để biết trông cậy vào Chúa nhiều hơn, biết tỉnh táo để nhận ra có rất nhiều người yêu thương mình mà trân trọng tấm ân tình đó.

Có một lần mất mát mới thương người đơn độc Có một lần buồn đau mới hiểu đời thế nào”.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây