Lời Chúa THỨ BA TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 26/09/2021 17:53 |   967
“Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng không?” (Lc 9,54)

28.09.2021

THỨ BA TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
Thánh Venceslao, tử đạo –
Thánh Laurensô Ruiz và các Bạn tử đạo

 

t3 t26 tnB

Lc 9, 51-56

PHẪN NỘ THÁNH

Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng không?” (Lc 9,54)

Suy niệm: Hai môn đệ Gioan và Giacôbê tức giận đến điên lên vì dân một làng vùng Samaria không đón tiếp Chúa. Các ông muốn lấy lửa từ trời xuống thiêu họ để trả thù. Nhưng Chúa Giêsu khiển trách các ông, vì đó không phải là tinh thần của Ngài. Tinh thần của Chúa là hiền từ, bao dung, tha thứ, không chấp nhất sự dữ, “không lấy ác báo ác, không lấy lời nguyền rủa đáp lời nguyền rủa” (1P 3,10). Điều đó không luôn luôn dễ dàng, nhưng người ta không thể phục vụ Tin Mừng bằng cách đi ngược lại Tin Mừng. Bản chất Tin Mừng là yêu thương, và không ai có thể dùng bạo lực mà yêu thương. Có thể có những trường hợp họa hiếm được phẫn nộ một cách thánh thiện (ira sancta), nhưng cả khi ấy, sự phẫn nộ phải trong sáng, không vụ lợi và tự chế đúng mức (như khi Chúa trả lời kẻ đã vả mặt Chúa).

Mời Bạn: Con người thời nay không dễ gì nhường nhịn nhau, mà phải “ăn thua đủ” với nhau. Chúng ta vui mừng khi thấy người Công Giáo cam chịu thiệt thòi, bất công mà không oán hận.

Chia sẻ: Bạn phản ứng thế nào trước những bất công, khổ đau người khác làm cho mình? Bạn có dễ phẫn nộ, ta thán, không tha thứ, hay bạn noi gương Chúa Giêsu: “như con chiên bị đem đi xén lông mà không chống lại”?

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi sẽ lưu ý để phản ứng như Chúa Giêsu trước một bất công, một lời nói xấu… Tôi sẽ mỉm cười đón nhận, và cầu nguyện cho người đã làm điều không tốt cho mình.

Cầu nguyệnHát kinh Hòa Bình với tâm tình của các thánh tử đạo Việt Nam để xin ơn can đảm và sức mạnh.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

THỨ BA TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 8, 20-23

“Nhiều dân tộc đến tìm kiếm Chúa tại Giêrusalem”.

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Ðây Chúa các đạo binh phán: “Sẽ có các dân tộc đến đây, trú ngụ trong nhiều thành phố; các dân cư sẽ ra đi, người này bảo người kia rằng: “Chúng ta hãy đi cầu khẩn tôn nhan Chúa và tìm kiếm Chúa các đạo binh; còn ta, ta cũng ra đi”. Sẽ có nhiều dân tộc và những cường quốc đến tìm kiếm Chúa các đạo binh ở Giêrusalem, và khẩn cầu tôn nhan Chúa”. Chúa các đạo binh còn phán thế này: “Trong những ngày ấy, sẽ có mười người thuộc mọi tiếng nói các dân tộc nắm lấy gấu áo một người Do-thái mà thưa rằng: “Chúng tôi cùng đi với các ông, vì chúng tôi nghe nói rằng Thiên Chúa ở cùng các ông”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Thiên Chúa ở cùng chúng tôi

Xướng: Chúa yêu cơ sở Người thiết lập trên núi thánh. Người yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi.

Xướng: Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Phi-litinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: “Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này”.

Xướng: Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: “Những người này đã sinh ra tại đó”. Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: “Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi Người”.

Bài Ðọc I: (Năm II) G 3, 1-3. 11-17. 20-23

“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực?”

Trích sách ông Gióp.

Gióp mở miệng nguyền rủa ngày mình sinh ra và nói rằng: “Hãy biến đi, ngày tôi đã sinh ra, và đêm có lời phán: ‘Con người chịu thai’. Tại sao tôi không chết trong lòng mẹ? Tại sao tôi không tắt thở ngay khi mới sinh ra? Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi và có vú cho tôi bú?

“Chẳng như vậy thì bây giờ tôi được ngủ yên, và an nghỉ trong giấc điệp làm một với các vua chúa, với các quan quyền trên mặt đất, là những kẻ xây cất cho mình những lăng tẩm thanh vắng, hay là cùng với các công hầu lắm vàng nhiều bạc chất đầy nhà. Sao tôi không giống như thai sảo được giấu đi, để tôi không còn sống, hoặc như các trẻ không được xem thấy sự sáng. Nơi ấy kẻ hung ác hết khuấy phá, và kẻ mỏi mệt được yên nghỉ.

“Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực, và ban sự sống cho những kẻ phải cay đắng trong tâm hồn? Những kẻ ấy mong chết mà lại không được chết, họ như những người đào mỏ tìm vàng. Khi họ tìm thấy nấm mồ, họ vui mừng hớn hở. Người chẳng tìm được lối đi, thì Thiên Chúa lấy sự tối tăm vây bọc nó tư bề”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 87, 2-3. 4-5. 6. 7-8

Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).

Xướng: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, ban ngày con kêu van, ban đêm con than thở trước thiên nhan Ngài. Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng con kêu. 

Xướng: Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, và mạng sống con đã gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế. 

Xướng: Giường nằm của con kề những người đã chết, như giường của người bị giết nằm trong nấm mồ, họ là những người mà Chúa không còn nhớ tới, và họ không còn được Ngài săn sóc yêu thương. 

Xướng: Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, trong nơi u tối, trong vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng trên người con, và Chúa vùi lấp con dưới sóng cả ba đào.

Alleluia: Tv 18, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, giới răn Chúa làm hoan lạc tâm can, mệnh lệnh Chúa sáng soi con mắt. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 51-56

“Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?” Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta”. Và các Ngài đi tới một làng khác.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.

Hoặc đọc

Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

HÃY KIÊN TRÌ ĐỂ THI HÀNH SỨ VỤ (Lc 9, 51-56)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Hành trình cứu độ của Đức Giêsu là một hành trình tiến về Giêrusalem để chịu chết trong chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn. Trên hành trình ấy, Đức Giêsu đã tìm dịp thuận tiện để Thầy trò tâm tư về sứ mạng.

Thật vậy, một trong những điều mà Đức Giêsu quan tâm, đó là làm sao để cho các môn đệ có được tinh thần hy sinh, thái độ kiên trì trước nghịch cảnh và thử thách, cần khiêm tốn và phải có tấm lòng bao dung, vị tha.

Tại sao vậy? Thưa! Người môn đệ của Đức Giêsu phải là người phản chiếu tình thương của Thầy cho anh chị em mình một cách trung thực, mà sự thật về Đức Giêsu là gì nếu không phải là một vị Thiên Chúa, Đấng nhân từ và hiền hậu, khiêm nhường và hay thương xót, Đấng đến để phục vụ thay cho được phục vụ, hy sinh và sẵn sàng chết cho người mình yêu…!

Vì thế, Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ trả thù của hai môn đệ Gioan và Giacôbê khi các ông xin Ngài cho phép khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt dân làng Samaria vì họ không cho Thầy trò đi qua. Nhân đây Đức Giêsu đã dạy cho các ông bài học về sự bao dung, tha thứ và biết đón nhận thử thách vì lòng yêu mến Chúa. Đồng thời cũng dạy cho các ông bài học về sự kiên trì và trung thành.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy Chí Thánh Giêsu đã trải qua.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tấm lòng bao dung như Chúa. Luôn hiểu và thông cảm cho những bất toàn của anh chị em mình. Đồng thời, xin cho chúng con biết đón nhận mọi thử thách, nghịch cảnh xảy đến trong đời và nơi sứ vụ vì lòng yêu mến Chúa. Amen.
 

Thiên Lôi Con “Dễ Thương”
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Hai người con của ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã được Chúa Giêsu đặt tên là “con của thiên lôi” (Mc 3, 17). Con của thiên lôi hay còn gọi là thiên lôi con đều là những người thuộc hạng “sai đâu đánh đó” nhưng lại thích hành xử ngang tàng theo ngẫu hứng mà thiếu cân nhắc, suy xét vì thế khi được sai đến đó thì lại đánh ở đâu đâu! Theo tích chuyện cổ thì thiên lôi là thần sét vốn tính tình nóng nảy nên khi trời sai đi đánh thì hay đánh sai địa chỉ, đánh nhầm người.

Tin Mừng ngày thứ Ba sau Chúa Nhật XXVI TN Giáo hội cho trích đọc tường thuật câu chuyện “thiên lôi thiên tướng” của hai vị nhà Giêbêđê này. Khi những người dân làng Samaria không tiếp đón thầy Giêsu và đoàn tông đồ vì thấy các ngài lên Giêrusalem, hai ngài thiên lôi con đã thưa với thầy: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” Chúa Giêsu đã quở mắng hai vị và biểu cả đoàn đi sang lối khác (x.Lc 9, 51-56).

Không biết Giacôbê và Gioan có đủ năng lực để khiến lửa từ trời xuống không? Chắc hẳn hai ngài không vô cớ mà dám to gan nói như thiên lôi vậy. Rất có thể Chúa Giêsu đã ban chút năng lực nào đó cho các tông đồ để rồi tiếp liền sau đó sai các ngài ra đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ (x.Lc 10, 1-12). Nhận được chút quyền năng thế mà đã lầm tưởng rằng tự bản thân mình có đủ đầy quyền lực. Ngộ nhận quyền lực này là do bởi tay ta làm ra thì quả là tai hại.

Sự ngộ nhận về nguồn gốc quyền lực là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội cũng như trong các tập thể tôn giáo hành xử như “thiên lôi”, nghĩa là lộng quyền. Nếu chân thành xác định chức vị Tổng Thống, Thủ Tướng… này là do nhân dân trực tiếp hay gián tiếp qua Đại Biểu Quốc Hội trao cho thì hẳn người đảm nhận chức vị ấy sẽ hành quyền cách ý thức và có trách nhiệm. Nếu xác tín chức vị này mình lãnh nhận từ Thiên Chúa qua Giáo hội thì chắc hẳn các mục tử sẽ biết chăm sóc từng con chiên và cả đàn chiên cách hiền hòa và đúng mực, luôn đi trước đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì chiên. Vấn đề đặt ra là phải luôn ý thức chức vị, quyền hạn của tôi là do đâu và bởi đâu mà có. Khi đã ngộ nhận thì chuyện lộng quyền, “thiên lôi, thiên tướng”, đánh bậy đánh bạ là chuyện tất yếu sẽ xảy ra.

Trong truyện cổ thì thiên lôi có bị trời phạt. Trong thực tiễn thì có đó một vài ông thiên lôi con bị quả báo nhãn tiền nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều thiên lôi con lại được hạ cánh an toàn. Dù có bị “quả báo nhãn tiền” đi nữa thì hậu quả mà các vị thiên lôi con đánh bậy, đánh sai đều là mạng sống của con người, của người dân bé phận. Lịch sử ghi lại chuyện nhiều thiên lôi con sau khi hối hận vì đánh nhầm đã ăn năn xin lỗi thế nhưng rất khó khắc phục hậu quả khốc liệt đã gây ra.

Hai ông thiên lôi con nhà Giêbêđê quả còn đó nét dễ thương vì đã không quên hoàn toàn nguồn gốc chút năng quyền mình lãnh nhận. Chính vì thế mà hai vị đã mở miệng hỏi ý Chúa Giêsu và đã được Người sửa dạy. Ước gì các vị lãnh đạo ngoài xã hội chớ bao giờ quên quyền lực mình đảm nhận là do bởi người dân trao cho. Và chuyện đương nhiên ắt có đó là trước khi ban hành các quyết định nào đó các vị sẽ biết tham khảo và lắng nghe ý dân như các vị minh quân ngày xưa luôn xem “ý dân là ý trời”. Tương tự như thế, mong sao khi đã xác tín chức vị mình đảm nhận là từ Thiên Chúa qua Giáo hội thì các mục tử trước khi thực thi nhiệm vụ gì đều chân thành tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và lắng nghe sự hướng dẫn của Giáo hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây