Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 27/09/2021 18:07 |   508
Đức Giê-su nói: “Thật tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” (Ga 1,51)

29.09.2021

THỨ TƯ TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN
Các Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael

 

t4 t26 tnB

Ga 1, 47-51

CÁC THỤ TẠO HẦU CẬN CHÚA

Đức Giê-su nói: “Thật tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người. (Ga 1,51)

Suy niệm: Con người thời nay thích coi thiên thần như sản phẩm của trí tưởng tượng. Theo giáo lý, thiên thần là thụ tạo thiêng liêng được tạo dựng để chuyên lo phụng thờ Thiên Chúa, được sai đi để trợ giúp con người đạt được ơn cứu độ. Và vì hầu cận Thiên Chúa trong triều đình Thiên quốc, các ngài phản ánh phần nào vinh quang của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa Giê-su khẳng định sự hiện hữu thực sự của các thiên thần gắn liền với chức vụ phụng thờ Thiên Chúa: “Các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.” Và đặc biệt ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính với danh xưng gắn liền với sứ mạng đặc biệt của các ngài: – Micae: “Ai bằng Thiên Chúa” (Đn 10,13-21), là Đấng bảo trợ đặc biệt cho Hội Thánh. – Gabriel: Anh hùng của Thiên Chúa (Đn 8,16), vị sứ giả được Thiên Chúa sai đến truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. – Raphael: Thiên Chúa chữa lành (Tb 3,17), vị lương y đã giữ gìn và cứu chữa cho hai cha con Tobia.

Mời Bạn: Hướng về các thiên thần, noi gương các ngài: tin yêu, trông cậy, phụng thờ Thiên Chúa để nhờ đó bạn biệt: – qui hướng mọi sự Chúa; – thuộc về Chúa trong mọi sự; – biết gắn bó với Chúa trong mọi nơi mọi lúc.

Sống Lời Chúa: Mỗi chúng ta có một thiên thần bản mệnh đồng hành gìn giữ gọi là thiên thần bản mệnh, ta hãy nghe theo sự hướng dẫn của Ngài.

Cầu nguyệnLạy các tổng lãnh thiên thần, chúng con nguyện vâng nghe lời các Đấng. Xin các Đấng giúp chúng con biết làm lành lánh dữ.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Các Tổng lãnh Thiên Thần Micae, Gábrien và Raphaen

 

Ca nhập lễ

Hãy chúc tụng Chúa, hỡi các Thiên Thần, dũng lực hùng anh, là những vị thi hành lời Chúa, hầu vâng theo mệnh lệnh Chúa truyền.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Ðấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho Thiên thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ. Xin cho các Thiên thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðn 7, 9-10. 13-14

“Muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người”.

Trích sách Tiên tri Ðaniel.

Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các toà, và vị Bô Lão lên ngự trên toà; áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tinh tuyền như lông chiên, toà của Người như ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Trước mặt Người có con sông lửa cuồn cuộn chảy như thác. Có hằng ngàn kẻ phụng sự Người và muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người: Người ngự toà xét xử và các quyển sách đã được mở ra.

Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi nhìn thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc. Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: Kh 12, 7-12

“Michael và các thiên thần của ngài giao chiến với con Rồng”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Ðã xảy ra có đại chiến trên trời: Michael và các thiên thần của Ngài giao chiến với con Rồng. Con Rồng và các thiên thần phe nó nghinh chiến. Nhưng nó không có sức cự lại; chỗ của chúng không còn gặp thấy trên trời. Và nó bị xô nhào xuống, con Rồng lớn, con Rắn thái sơ, gọi là quỷ hay Satan, kẻ mê hoặc toàn thể thiên hạ. Nó đã bị xô nhào xuống đất, và các thiên thần phe nó cũng bị xô nhào xuống làm một với nó.

Và tôi đã nghe có tiếng lớn trên trời rằng: “Nay đã thành sự: toàn thắng, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và quyền bính của Ðức Kitô của Người, vì nó đã bị xô nhào xuống, kẻ cáo tội anh em ta, kẻ tố cáo họ ngày đêm trước nhan Thiên Chúa. Và họ đã thắng được nó nhờ máu Chiên Con, và nhờ lời đoan chứng của họ, họ đã không ham sống sợ chết. Vì lẽ ấy, hãy hân hoan, hỡi các tầng trời, và các người ở nơi ấy!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 4-5

Ðáp: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa

Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

Xướng: Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

Xướng: Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: “Thực vinh quang của Chúa lớn lao!”

Alleluia: Tv 102, 21

Alleluia, alleluia! – Hãy chúc tụng Chúa đi, chư binh toàn thể, chư vị thần hạ thừa hành ý muốn của Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 47-51

“Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanaen đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con khiêm nhường dâng lên Chúa của lễ này để cảm tạ tri ân. Ðây là của lễ được các Thiên thần đem lên trước Tôn Nhan vinh hiển. Ước chi của lễ này được Chúa thương chấp nhận và đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng các Thiên Thần

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trước mặt các Thiên Thần, tôi đàn ca mừng Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã lấy bánh bởi trời nuôi dưỡng chúng con, và ban cho chúng con nguồn sinh lực mới. Ước gì chúng con lại được các Thiên thần hỗ trợ và chúng con sẽ vững vàng tiến bước trên đường dẫn tới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Bài giảng: Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần - Bổn mạng Ban VHTT - BMT

Phụng vụ hôm nay cử hành lễ tôn kính ba vị Tổng Lãnh Thiên Thần, những vị đã được tôn kính trong suốt lịch sử Giáo Hội.

* Thứ nhất là Đức Micae (Mica-el), nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”.

* Tổng lãnh Thiên thần thứ hai là Gabriel, một vị có liên hệ gần với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa (Lc 1, 19 : 26). Danh xưng của Ngài có nghĩa là “Sức mạnh của tôi là Thiên Chúa”.

* Tổng lãnh Thiên Thần thứ ba là Raphael, có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” (linh dược của Thiên Chúa). Ngài chăm lo cho Tôbia con, trong cuộc hành trình đi kiếm người bạn trăm năm là Sara. Khi suy tư về sứ mạng của Raphael đối với Tôbia, chúng ta hiểu về câu Kinh Thánh trong thư Do-thái nói về các Thiên thần mà chúng ta tôn kính hôm nay: Nào tất cả các vị đó, không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Thiên Chúa, được sai đi phục vụ mưu ích cho những kẻ sẽ được hưởng ơn cứu độ sao? (Hip 1, 14).

Các thiên thần gần gũi với chúng ta nên trong phụng vụ hôm nay, oremus: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã hướng dẫn công việc của các thiên thần và người ta một cách kỳ diệu, xin cho những vị hằng phụng sự Chúa trên trời, cũng gìn giữ đời sống chúng con được an toàn khỏi mọi nguy hại ở đời này (lời nguyện nhập lễ).

Chúng ta nhận được vô vàn phù trợ từ các Tổng Thần và các Thiên Thần bản mệnh (những vị mà chúng ta mừng kính tôn vinh vào ngày 02.10): Sự hiện hữu của các thiên thần là một chứng cứ về sự quan tâm hiền phụ của Thiên Chúa dành cho chúng ta là con cái của Người.

1. Tổng lãnh Thiên Thần Micae giúp chống lại quỉ dữ
Bài đọc I trong thánh lễ mô tả cuộc giao chiến giữa Tổng Thần Micae với con mãng xà. Con mãng xà bị thua và bị tống ra ngoài. Đó là con rắn xưa, mà người ta gọi là satan hay ma quỉ. Tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ. Các giáo phụ giải thích và hiểu đó là cuộc chiến satan dấy lên chống lại Thiên Chúa và Giáo Hội. Cuộc chiến ấy kéo dài cho đến ngày tận thế (Thánh Gregorio Cả, Moralia 31, 12).

Thời Chúa Giêsu, đã xuất hiện một quyền lực vô hình rất mạnh. Nó khống chế nhiều người. Nó biến chất các lề luật đạo đức. Nó đối đầu với chính Chúa Giêsu. Nó cản phá công trình cứu chuộc của Đấng Cứu Thế. Nó ngăn chặn việc phát triển Nước Trời.

Quyền lực vô hình đó là satan và bè lũ. Quỷ satan là một quyền lực hung dữ, thông minh, mưu kế giỏi. Ta hãy xem nó cám dỗ Chúa một cách khôn khéo, vừa dựa vào Thánh Kinh vừa rất hợp lý… Nó ranh ma lôi kéo được mấy nhà lãnh đạo tôn giáo vàâ cả quần chúng có đạo nhất trí đồng tâm xin giết Chúa Giêsu (Lc 23, 13 - 25).

Quỉ satan cũng là một quyền lực phá hoại bền vững, ráo riết, luôn gieo cỏ lùng, sự ác… Nó đào tạo nhiều kẻ thông luật nên người đạo đức, nhưng đạo đức giả. Làm các việc đạo đức bình thường nhưng với mục đích phô trương… Quỉ xúi những người nổi tiếng làm những việc phi thường, nhưng do ý riêng mình. Quyền lực của quỉ như thế là cực kỳ mạnh. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói với thượng tế, lãnh binh đền thờ… đến bắt Người một câu, như khẳng định quyền lực của satan đã đến giờ thắng thế: “ Đây là giờ của các ông và quyền lực của tối tăm” (Lc 22, 53) (ĐGM. Bùi Tuần, tuần báo CGDT số 1927. tr. 12).

2. Tổng Lãnh Thiên thần Gabriel
Danh xưng Gabriel có nghĩa là “Đầy tớ của Thiên Chúa”, hoặc “Thiên Chúa đã tỏ sức mạnh”. Ngài xuất hiện như nhân vật đem Tin Mừng (J Dheilly, Biblical Dict. 1970).

Trước tiên, Ngài đã được Thiên Chúa ủy thác sứ mạng đem Tin Mừng trọng đại nhất, đó là Tin Mừng Ngôi Lời nhập thể. Thánh Bernađô nhận định: trong tất cả các Thiên Thần, Gabriel đã được coi là vị xứng đáng loan báo những chương trình của Thiên Chúa cho Đức Mẹ, và đón nhận lời Fiat của Mẹ. Lời chào của Đức Tổng Thần rất giản dị và đầy ý nghĩa. Lời chào: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, đã trở nên quen thuộc và lâu đời nhất của các tín hữu. Tổng Thần Gabriel có liên hệ với các sứ điệp về Đấng Cứu Thế, và sự xuất hiện của Ngài trong Thánh Kinh, là dấu chỉ thời gian đến hồi viên mãn. Trước đó, Ngài đã được sai đến với ngôn sứ Daniel để tiên báo thời kỳ Đâng Cứu Thế sẽ đến (Dn 8, 1 5-26); 9, 20-27), và đến với ông Giacaria để tiên báo Gioan Tẩy giả chào đời.

Tổng Lãnh Thiên thần Gabriel đã nêu lên ba lý do cho ông Giacaria để vui mừng khi vị Tiền Hô chào đời.

- Thiên Chúa ban cho con trẻ ấy ân sủng và sự thánh thiện phi thường.
- Con trẻ ấy sẽ là khí cụ cho ơn Cứu độ.
- Toàn bộ cuộc đời con trẻ sẽ được hiến dâng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến.

Với ba lý do đó, Tổng Thần Gabriel đã nói với ông Giacaria: Ta là Gabriel đứng chầu trước nhan Chúa. Ta được sai đến để nói với ngươi và đem cho ngươi tin vui này…” (Lc 1, 19-20). Từ hai trường hơp tiên báo ông Gioan Tẩy giả chào đời và Hài Nhi Giêsu sinh ra, đem niềm vui tràn đây đến cho gia đình Glacaria, và Đức Mẹ, ta có thể nói rằng: Tin báo các con trẻ chào đời, bao giờ cũng là tin vui. Lý do là vì Thiên Chúa trực tiếp can thiệp vào sự tạo dựng con ngươi, bằng cách ban cho họ một linh hồn bất tử. Tổng Thần Gabriel đã nói với ông Giacaria: Ngươi sẽ vui mừng hoan hỉ, và nhiều người cũng sẽ vui mừng vì con trẻ được sinh ra… Thánh Ambrôsiô đã chú giải trình thuật rất hay: Qua bản văn này, các bậc cha mẹ được nhắc bảo cho biết bổn phận của họ là phải tạ ơn Thiên Chúa, và các Thánh cũng được mời gọi hãy vui mừng vì con cháu các Đấng được chào đời… (Thánh Ambrôsiô, in catena aurea V p. 22). Đàng khác, mỗi con trẻ chào đời đều mang theo một mục đích linh thánh.

3. Tổng Lãnh Thiên thần Raphael
Chúng ta biết về Đức Tổng Thần Gabriel chủ yếu là nhờ câu chuyện ông Tobia, một trình thuật rất có ý nghĩa về việc Thiên Chúa ủy thác cho các Thiên Thần trong việc chăm sóc loài người. Bởi vì chúng ta lúc nào cũng cần sự canh chừng, săn sóc và bảo vệ.

Thánh Kinh kể lại Tôbia con chuẩn bị lên đường: ông đã gặp được người bạn là Raphael. Trong cuộc hành trình gian khổ, Tôbia đã cảm nghiệm được sự bảo vệ của người bạn ấy. Raphael đã dẫn người thanh niên tốt phúc ấy đến nhà người thân là Raguel. Ông này có một ái nữ xinh đẹp tên là Sara, mà sau đó, Tôbia đã lấy làm vợ. Người bạn đồng hành ấy còn xua trừ ác quỉ cho cô dâu. Về sau, còn chữa chứng mù lòa cho ông Tôbia cha nữa. Vì vậy, Đức Tổng Thần Raphael được tôn nhận là quan thầy của những người lữ hành, và những người yếu bệnh hồn xác.

Cuộc đời là một hành trình mà đích đến là Thiên Chúa. Để đạt đến đích điểm ấy, chúng ta cần sự trợ giúp, bảo vệ vâ chỉ dẫn. Bởi vì chúng ta sẽ gặp nhiều nguy hiểm… Vì thế, chúng ta nên cầu xin và tin tưởng vào sự phù trợ của Tổng Thần Raphael, Đấng sẽ chỉ dẫn cho những ai muốn tìm biết những gì Thiên Chúa đang trông chờ nơi họ. Điều đó có nghĩa là mỗi người có một ơn gọi, và chúng ta phải sáng suốt quyết định, nhờ sự hướng dẫn của Tổng Thần Raphael, người bạn đồng hành thân thiết ân cần.

4. Ba Tổng Lãnh Thiên thần có mối quan hệ nào với công tác Truyền Thông? Hay là tại sao ta nhận Ba Tổng Thiên Thần làm bổn mạng?
Như chúng ta đã biết, các hoạt động của ma quỉ núp dưới các hình thức và phương tiện truyền thông đại chúng hôm nay, như: Sách báo, phát thanh, truyền hình, điện thoại, fax (phát nhanh) các trang điện tử (wesite), quảng cáo, hội họa, âm nhạc, kịch nghệ, sân khấu, v.v… Các phương tiện truyền thông xã hội này mỗi ngày được cập nhật hóa, tinh vi, mau lẹ và rất hiệu quả, để phổ biến những điều gian dối, phi luân, bạo lực... Nội dung là sự ác dưới mọi hình dáng xinh đẹp, lôi cuốn, làm băng hoại nhiều thế hệ thanh thiếu niên và cộng đồng... Các phương tiện ấy do các thế lực ma quỉ điều khiển, sử dụng để chống lại Thiên Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội. Phổ biến, tuyên truyền một thứ luân lý đạo đức tương đối... không dựa vào một tiêu chuẩn, nguyên tắc luân lý thường hằng nào.

Tổng lãnh Thiên thần Micae sẽ đứng về phía đội ngũ những chiến sĩ chống lại sự ác. Và tương kế tựu kế, chúng ta cũng sẽ dùng các phương tiện xã hội của thời đại hôm nay để đánh phá, hóa giải ảnh hưởng của sự ác, và mạnh dạn công bố Tin Mừng Cứu độ.

Như Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, chúng ta cũng là những “thiên thần” đem tin vui cho gia đình và thế giới từ chỗ đứng của chúng ta trong xã hội.

Cùng với Ngài, ta mạnh dạn loan báo văn hóa sự sống. Vì sự sống là quà tặng Chúa ban. Trong nền văn minh hưởng thụ, người ta tôn sùng thân xác, đề cao những tiện nghi vật chất hơn là niềm vui đưa thêm những con trẻ vào cuộc sống, và giáo dục chúng trở nên những công dân Nước Trời.

Đứng trước thực trạng xã hội có nhiều dấu chỉ bi quan, tiêu cực, chúng ta là con cái sự sáng cương quyết không để bị thua trước tấn công của các thế lực tối tăm.

Còn Tổng lãnh Thiên thần Raphael? Ngài là bạn của những người lữ hành, là thày thuốc chữa bệnh tật hồn xác. Như trường hợp ông Tôbia cha, bị mù, Ngài đã lấy gan cá đốt thành than, chữa cho ông sáng mắt. Chung quanh chúng ta, rất nhiều người, tuy có hai con mắt sáng, nhưng lại mù lòa về chân lý, về đức tin... do cố chấp, kiêu căng, ngạo mạn, cuồng tín nô lệ vào một hệ ý thức, một tôn giáo. Tiêu biểu là những biệt phái mà Chúa đã phiền trách nặng nề... “Các ông thấy cái rác nơi con mắt người khác, còn cái xà trong con mắt các ông, các ông lại không thấy?”

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Không chỉ ô nhiễm môi trường vật chất, mà nhất là ô nhiễm môi trường tinh thần, gây nên nhiều bệnh tật thể lý cũng như tâm linh... Những người là công tác Văn Hóa Truyền thông có trách nhiệm giải độc, chữa trị bằng ngòi bút và các phương tiện truyền thông đại chúng của thời đại hôm nay.

Các bạn thân mến?

Mọi thụ tạo do Chúa dựng nên, kể cả những sản phẩm con người sáng chế, phát minh đều tốt đẹp. Nhưng chúng cũng mang tính lưỡng diện: tích cực và tiêu cực, tốt và xấu; vì con người sử dụng và điều khiển có tự do.

Nhờ ơn phù trợ của ba Tổng lãnh Thiên thần và Chân phước Joan Paulo II - vị Giáo hoàng truyền thông của “thời đại mới” (Novae Eatatis) sẽ được tôn phong hiển thánh nay mai, chúng ta hiên ngang đứng trong hàng ngũ đội quân đối đầu với các thế lực ma quỷ, núp dưới hình hài các phương tiện khoa học kỹ thuật, chống lại Thiên Chúa và Giáo hội. Hơn bao giờ hết, chúng ta ý thức tầm quan trọng và sự lợi hại của các phương tiện truyền thông hiện đại, để biết khôn ngoan sử dụng, nhằm xây dựng vương quốc công chính, bình an và hoan lạc (Rm 14, 17).

Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch
Trưởng Ban VHTT - BMT


ĐỒNG MINH
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột 


Một nội dung thông tin khá thu hút đó là UFO (các thực thể ngoài hành tinh). “Theo Trung tâm báo cáo UFO quốc gia Mỹ, chỉ riêng khu vực New York có hơn 300 trường hợp nhìn thấy UFO trong năm 2020, trong khi tổng số trên toàn quốc là hơn 7.200, tăng 1.000 trường hợp so với năm trước. New York Times dẫn lời một cảnh sát về hưu nói rằng con số thực tế có thể còn cao hơn.” (Tuoitre online ngày 18/4/2021). Nhũng lần đi máy bay, phóng tầm nhìn xuống mắt đất chúng ta phải chân nhận rằng thế giới quả là nhỏ bé. Nhìn ra khoảng không gian bên ngoài thấy cảnh mênh mông của đất trời hẳn chúng ta tin rằng có nhiều sự gì đó hiện hữu ngoài quả địa cầu của chúng ta. Đến đây chúng ta mới hiểu về hiện tượng có niềm tin vào Thượng Đế của hầu hết các thiên văn gia.

Ngày 28 tháng 9 hằng năm Giáo hội Công giáo kính nhớ các Tổng Lãnh Thiên Thần. Trong niềm tin Kitô giáo thì các ngài là những hữu thể thuần thiêng do Thiên Chúa tạo dựng. Dĩ nhiên được tạo dựng bởi Thiên Chúa thì mọi vật mọi loài phải hiện hữu và hoạt động theo ý Đấng Tạo thành. Các Thiên thần được dựng nên để phụng sự Thiên Chúa. Và một trong những việc Thiên Chúa trao cho các Ngài đó là trợ giúp con người mọi mặt theo chương trình cứu độ của Người.

Micae, Raphael và Gabriel là những phẩm hàm Tổng Lãnh các Thiên thần và chính cái tên nói lên chức năng các ngài lãnh nhận. Micae nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa” nói lên chức năng gìn giữ, bảo vệ của các Ngài, đặc biệt các Ngài giúp con người chiến đấu chống lại thần dữ. Raphael nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành”. Và Gabriel nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa” và trong Thánh Kinh sức mạnh này được thể hiện bằng lời truyền thông qua những lần được sai đi truyền tin.

Xưa lẫn nay trong các cuộc chiến từ quân sự đến kinh tế, thật khó mà chiến thắng nếu chỉ đơn thân độc mã. Việc kiếm tìm đồng minh như là một quy luật tất yếu để tồn tại và phát triển trên nhiều phương diện. Trong trận chiến thì khí tài, thông tin, lương thực và thuốc men là những yếu tố quan trọng. Và chúng ta có thể nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta đủ đầy biết bao. Vấn đề là chúng ta có biết trân trọng và cần đến đồng minh là các Tổng Lãnh Thiên thần như thế nào.

Khi nói với Philiphê và Nathanael rằng: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các Thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người” (Ga 1, 51) thì Chúa Giêsu đã khẳng định vị trí và vai trò của các Thiên thần trong công cuộc cứu độ, tức là dẫn đưa loài người về với Cha trên trời. Dưới ánh sáng đức tin chúng ta biết rằng thần dữ chỉ là thiên thần sa ngã, chống lại Thiên Chúa. Thế thì khi chúng ta biết cậy nhờ đến ba hàng Tổng Lãnh Thiên thần Micae, Gabriel và Raphael trợ giúp thì chắc chắn chiến thắng sẽ ở trong tầm tay chúng ta.

Cuộc sống lắm bôn ba và nó khiến chúng ta dễ bám mình vào những thực tại thế trần, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ước gì thỉnh thoảng chúng ta biết phóng tầm nhìn lên cao để rồi thêm xác tín rằng ngoài những thực tại hữu hình thì có đó các thực hữu thuần thiêng. Và chắc chắn theo niềm tin Kitô giáo thì chúng ta sẽ nhớ đến các Thiên Thần để rồi cậy nhờ các Ngài làm đồng minh trợ giúp cho mình trên con đường về quê trời.
 

MUỐN LÀM LỚN… PHẢI TRỞ NÊN BÉ NHỎ (G 1, 6-22; Lc 9, 46-50)

Giuse Vinhson Ngọc Biển, SSP

Khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn đầu tiên, các môn đệ can ngăn. Lần thứ hai thì không ai dám nói gì. Tuy nhiên, vì biết Thầy sắp ra đi, vị trí lãnh đạo sẽ khuyết, nên các ông bắt đầu nẩy sinh chuyện tranh dành xem ai là người lớn nhất trong anh em. Biết được tâm tưởng của các môn đệ, nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã ban nhiều huấn dụ cho các ông để các ông hiểu và đi theo đúng con đường mà Đức Giêsu mong muốn nơi môn sinh của mình.

Huấn giáo của Đức Giêsu đã gây nên một ấn tượng mạnh nơi các môn đệ khi Ngài dùng hình ảnh một em nhỏ dẫn đến bên cạnh và nói: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”. Qua đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ phải từ bỏ tính tham quyền cố vị. Tránh đi thái cực muốn được người khác ca tụng, hay thích ăn trên ngồi trước. Cần loại bỏ sự mong muốn được người khác phục vụ, rồi thích thống trị thiên hạ bằng quyền lực.

Ngày nay, hình ảnh và lối suy nghĩ của các môn đệ khi xưa vẫn thường diễn ra trong cuộc sống của chúng ta!

Thật vậy, vẫn còn đó những người kitô hữu có suy nghĩ và hành xử bè phái, cục bộ, không phục vụ vì Chúa và các linh hồn, nhưng là vì mình. Không quy về Đức Giêsu mà lôi kéo để mình có ảnh hưởng. Tính háo danh và ham địa vị, cũng như tính hay ghen tỵ cũng diễn ra thường xuyên.

Tất cả những thứ đó làm nguy hại đến tinh thần hiệp nhất và sứ mạng loan báo Tin Mừng rất lớn.

Vì thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài dạy dỗ, bảo ban. Cần trở nên như trẻ nhỏ trong thái độ đơn sơ, chân thành và phục vụ cách vô vị lợi. Khiêm tốn và từ bỏ ham quyền, cố vị. Sẵn sàng cộng tác với hết mọi người để ra đi loan báo Tin Mừng cách trung thành.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tinh thần của Chúa là trở nên như hạt lúa, chấp nhận chôn vùi đi để sinh nhiều bông hạt khác. Xin cho chúng con có được tinh thần của trẻ thơ, để không màng chi đến danh vọng, nhưng chỉ một lòng yêu mến Chúa và yêu người tha thiết. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

THỨ TƯ TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự cho chúng tôi hưởng dùng, Chúa đã xét xử công bình. Vì chúng tôi đã phạm tội và không tuân giữ các giới răn Chúa; nhưng xin Chúa hãy ban cho ban cho danh Chúa được vinh hiển, và xin hãy đối xử với chúng tôi theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi, chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Nkm 2, 1-8

“Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin sai thần đến thành phố của thân phụ thần, và thần sẽ xây cất lại thành phố”.

Trích sách Nơkhemia.

Việc xảy ra trong tháng Nisan, năm thứ hai mươi triều vua Artexerxê, là trước mặt vua có để rượu, tôi liền nâng rượu dâng lên nhà vua, và bấy giờ tôi tỏ vẻ buồn rầu trước long nhan, nên vua hỏi tôi rằng: “Cớ sao mặt ngươi buồn sầu thế, mặc dầu trẫm không thấy ngươi có bệnh? Sự việc này chẳng phải vô cớ, chắc trong lòng ngươi có điều chi bất an mà trẫm không biết”.

Tôi quá sợ hãi, liền tâu vua rằng: “Thánh hoàng vạn vạn tuế! Lẽ nào mặt thần không lo buồn, vì thành phố nơi có phần mộ tổ tiên của thần bị bỏ hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu rụi?” Vua mới hỏi tôi rằng: “Ngươi thỉnh nguyện điều gì?”

Tôi cầu nguyện cùng Chúa Trời, rồi tâu vua rằng: “Nếu đức vua thấy tốt đẹp, và tôi tớ đức vua đẹp lòng trước long nhan, thì xin hãy sai thần về Giuđêa, đến thành phố nơi có phần mộ tổ phụ của thần, thần sẽ xây cất lại”.

Lúc đó có hoàng hậu ngồi bên cạnh vua, nên vua hỏi tôi rằng: “Ngươi đi bao lâu, và chừng nào trở về?” Vua bằng lòng sai tôi đi, và tôi định kỳ hạn với nhà vua.

Tôi tâu vua rằng: “Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin đức vua ban chiếu chỉ cho thần, để thần xuất trình cho các quan cai vùng bên kia sông, hầu các ngài đưa thần đến Giuđêa; lại xin ban chiếu chỉ cho Asaph quan cai rừng cây của đức vua, để người cấp gỗ cho thần hầu có thể làm cửa tháp đền, tường thành và nhà thần cư ngự”. Vua ban cho tôi theo như tay nhân lành Chúa ở với tôi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

Xướng: Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ lại thành thánh Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi. 

Xướng: Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: Hãy vui mừng, hãy ca hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion. 

Xướng: Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét. 

Xướng: Lưỡi tôi dính vào cuống họng nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.

Bài Ðọc I: (Năm II) G 9, 1-12. 14-16

“Con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính”.

Trích sách ông Gióp.

Ông Gióp trả lời cùng các bạn hữu rằng: “Tôi biết thật như vậy, và biết thật con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính. Nếu con người muốn cãi lẽ với Chúa, thì một nghìn điều, nó không thể đáp lại một. Chúa thượng trí và quyền năng, ai đối địch với Chúa mà được bằng yên? Chúa xê dịch các núi đồi, và trong cơn thịnh nộ Người đánh đổ những kẻ không biết điều. Chúa khiến địa cầu chuyển động khỏi chỗ của nó, và các cột đất đều phải lung lay. Chúa truyền khiến mặt trời, thì nó không mọc lên, và Người cũng phong niêm các ngôi sao tinh tú. Chỉ một mình Chúa trải các tầng trời và bước đi trên sóng biển. Chúa tạo dựng sao bắc đẩu, sao sâm, sao mão và cung kín phương nam. Chúa tác tạo những điều trọng đại, mầu nhiệm và kỳ diệu không kể xiết.

Nếu Chúa đến cùng tôi, thì tôi không trông thấy Người, và nếu Người ra đi, tôi cũng chẳng hay biết. Nếu Chúa bất chợt hỏi han, thì ai trả lời Người cho được? Hoặc ai có thể hỏi rằng: “Tại sao Chúa làm như thế?” Vậy tôi là gì mà dám trả lời với Chúa và dùng lời mà nói với Người? Dù tôi có lẽ công chính, tôi cũng không dám trả lời, một van nài cùng Ðấng phán xét tôi. Khi Chúa nhậm lời tôi kêu cầu, tôi cũng không chắc Người nghe lời tôi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 87, 10bc-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Lạy Chúa, nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).

Xướng: Lạy Chúa, con kêu lên Chúa mọi ngày, và con giang tay hướng về phía Chúa. Phải chăng Chúa còn làm những điều kỳ diệu cho người đã thác, hoặc giả những người chết sẽ sống lại và ngợi khen Ngài? 

Xướng: Phải chăng người ta còn kể lại lòng nhân hậu Chúa trong mồ, và lòng trung thành Ngài trong nơi âm phủ? Những việc kỳ diệu của Chúa còn thấy được trong chỗ tối tăm, và ân sủng của Ngài trong nơi quên lãng? 

Xướng: Phần con, lạy Chúa, con kêu lên Chúa, và tự bình minh lời nguyện của con sẽ tới tai Ngài. Lạy Chúa, nhân sao Chúa ghét bỏ linh hồn con, nhân sao Chúa ẩn mặt xa khuất khỏi con? –

Alleluia: Tv 118, 8ab

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, những giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 57-62

“Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: “Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy”. Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu”. Người bảo một kẻ khác rằng: “Hãy theo Ta”. Người ấy thưa: “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã”. Nhưng Người đáp: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa”. Một người khác thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã”. Nhưng Chúa Giêsu đáp: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này, xin Chúa vui lòng chấp nhận, và mở cho chúng con nguồn mạch mọi ơn phúc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, đối với tôi tớ Chúa, xin nhớ lại lời Chúa, vì Chúa đã cho tôi hy vọng vào lời Chúa, đó là điều an ủi tôi trong lúc tôi khốn khổ.

Hoặc đọc

Do điều này mà chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa, là chính Người đã thí mạng sống mình vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình vì anh em.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ này, chúng con đã chung phần đau khổ với Ðức Kitô Con Một Chúa; xin Chúa thương đổi mới xác hồn chúng con, để chúng con được hưởng vinh quang với Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO CHÚA TRỌN VẸN  (Lc 9, 57-62)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58), đây chính là thân phận và tinh thần của Đức Giêsu và cũng là thái độ của người môn đệ cần có. Lần giở lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy khi Thiên Chúa muốn chọn và gọi ai để ra đi thi hành sứ vụ, hẳn Người đều muốn kẻ được chọn và gọi phải có thái độ dứt khoát và chấp nhận thiệt thòi, khổ đau.

Khởi đi từ tổ phụ Abraham: Thiên Chúa gọi ông và truyền cho ông phải rời bỏ xứ sở để lên đường đến một nơi Người sẽ chỉ cho. Rồi Người chọn dân riêng là Israel, Thiên Chúa cũng truyền cho họ ngay lập tức phải rời bỏ Aicập và lên đường tiến về Đất Hứa. Tiếp theo là các môn đệ, Đức Giêsu luôn mời gọi các ông lập tức lên đường và để lại mọi sự sau lưng.

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc hai thanh niên xin đi theo Đức Giêsu, Ngài cũng mời gọi họ phải từ bỏ tất cả, kể cả những cái gắn liền với cuộc sống của họ như công việc hay tình cảm: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần ngươi hãy theo Ta… ai tra tay cầm cày mà còn ngoảnh lại nhìn đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (x. Lc 9, 59-62).

Mỗi người chúng ta, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta từ bỏ những gì không phù hợp với tư cách làm con Chúa và sứ mạng được trao. Thật vậy, nếu không từ bỏ, chúng ta sẽ bị vướng víu vào những điều phụ thuộc và quên đi công việc chính yếu. Đồng thời, theo Chúa mà còn quá nhiều lỉnh kỉnh thì hẳn khó có thể chu toàn và dễ rơi vào tình trạng dở dang, chẳng khác gì kẻ “bắt cá hai tay”.

Như vậy, chúng ta chỉ có thể an vui và hạnh phúc khi “là” môn đệ của Chúa thay vì “làm” môn đệ.

“Là môn đệ”, chúng ta trở nên giống Thầy. “Là môn đệ”, chúng ta từ bỏ như Thầy. “Là môn đệ”, chúng ta sống chết như Thầy… Nhưng “làm môn đệ”, chúng ta sẽ dễ bị rơi vào tình trạng thích thì làm, không thích thì thôi. Thuận thì dấn thân, khó thì lừng khừng. “Làm môn đệ”, chúng ta dễ bị có cảm tưởng như một công việc được hợp đồng, nên có lợi thì làm mà không có lợi thì hủy…, không khác gì một nghề kinh doanh thuần túy.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: một khi đã đi theo, là môn đệ của Chúa thì phải từ bỏ mọi tham vọng, mọi ràng buộc, nhất là về của cải vật chất, danh vọng, địa vị và thỏa mãn cá nhân để tự do hiến thân mình cho Chúa, trọn vẹn thuộc về Chúa để làm công việc cho Chúa. Không có chuyện lừng khừng, do dự, tính toán. Sống phó thác và tin tưởng nơi Chúa trọn vẹn. Chấp nhận sự bấp bênh do con người gây nên cho mình. Ngay cả mối liên hệ tình cảm là gia đình, nếu vì đó mà ảnh hưởng và có nguy cơ làm cho chúng ta xa Chúa, thì buộc phải khước từ.

Có thế, chúng ta mới coi mọi người là anh chị em của mình, và mình phải có trách nhiệm lo lắng, giúp đỡ họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị cám dỗ là: chuyện đó có người khác lo, không phải chuyện của ta; hay chỉ muốn hay đáp ứng cho một số người mà ta ưa thích, số còn lại, chúng ta vô cảm vì họ không phải thuộc phe ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sẵn sàng từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, nếu điều này làm cho chúng con xa Chúa và phần rỗi của mình. Xin cho chúng con biết can đảm để tiếp bước theo Chúa trên con đường hoàn thiện. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây