Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ ba - 13/02/2024 00:13 |
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |
245
“Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”. (Mc 1, 12-15)
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay -Năm B
Mc 1, 12-15 “Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay -B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm
TIN MỪNG GIÚP HOÁN CẢI (Chúa Nhật I Mùa Chay B) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,1…). Nội dung lời rao giảng của Đấng Cứu Thế, Giêsu Kitô thật ngắn gọn mà rõ ràng và đủ đầy ý nghĩa. Đang bước vào Mùa Chay thánh, xin được sẻ chia đôi tâm tình liên hệ đến vế sau lời rao giảng của Chúa Kitô: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Thử hỏi rằng phải chăng nhờ ăn năn sám hối nên chúng ta tin vào Tin Mừng hay nhờ tin vào Tin Mừng nên chúng ta sám hối ăn năn?
Để có được câu trả lời mang tính khả tín thì chúng ta cần làm rõ nội hàm của hai từ Tin Mừng. Hai từ Tin Mừng vừa nói lên sứ điệp gieo rắc niềm vui đích thực vừa nói đến chính niềm hạnh phúc, niềm vui trọn hảo. Như thế Tin Mừng ở đây chính là Chúa Kitô, là con người, cuộc đời, các hoạt động và lời giảng dạy của Người. Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Nước Trời chính là Chúa Kitô và Tin Mừng cũng chính là Người. Và ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9).
Đến thế gian này sứ mạng chủ yếu của Chúa Kitô là tỏ bày cho nhân loại nhận biết chân dung đích thực của Thiên Chúa tối cao cũng như chương trình ý định của Ngài trên toàn thể thụ tạo, cách riêng trên loài người chúng ta.
Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế nói đến một Thiên Chúa tự nguyện ký kết giao ước với nhân loại. Người tự nguyện cam kết rằng sẽ không trừng phạt con người: “Ta lập giao ước của ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt…” (St 9,11). Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên giao ước Người đã lập. Và mọi đường lối của Người đều là yêu thương và thành tín (x.Tv 24). Lòng thành tín của Thiên Chúa đã hiện lộ cách rõ nét khi đến thời viên mãn với công cuộc nhập thể cứu độ của Chúa Kitô.
Để giúp con người từ bỏ tội lỗi, ăn năn sám hối và đổi thay nếu sử dụng phương pháp hù dọa, nghĩa là trình bày các hậu quả xấu xa phải gánh chịu, thì dường như dễ có kết quả tức thời nhưng lại không bền. Bên cạnh đó cái phương pháp này nhiều khi làm méo mó chân dung Thiên Chúa, Đấng tốt lành vô cùng, là Cha nhân hậu, giàu lòng xót thương.
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô đã xác nhận lời tiên tri Isaia ứng vào sứ mạng của mình: “Thần Khí chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4,18-19). Một nội dung chính của Tin Mừng đó là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Mùa Chay thánh đã về, đoàn Kitô hữu thường được nghe các vị chủ chăn nói đến chủ đề tội lỗi. Đây là một việc làm chính đáng. Thế nhưng nếu quá chăm chăm dán mắt vào cái được gọi là tội lỗi thì nhiều khi chúng ta sẽ bị lệch lạc trong cái nhìn. Mầu nhiệm tội lỗi chỉ được sáng tỏ khi chúng ta quy chiếu cái nhìn vào Thiên Chúa và tình yêu Người đã dành cho chúng ta. Thiên Chúa, Đấng Tối Cao và giàu lòng xót thương là khởi điểm để chúng ta nhận ra thân phận tội lỗi của mình và cũng là đích đến khi chúng ta nỗ lực ăn năn hoán cải, đổi thay, trở về.
Một thực tế của Mùa Chay: Nơi nơi, xứ xứ đều có lời mời gọi sám hối và các cử hành bí tích Hoà Giải. Chuyện các Kitô hữu Công Giáo, cách riêng người Công Giáo Việt Nam chen nhau đến tòa giải tội dịp Mùa Chay là chuyện quá phổ biến, ít ai chối cãi. Các vị mục tử có nơi phải sắp xếp lịch trình hợp lý mới có thể đáp ứng được nhu cầu này của đoàn tín hữu. Thế nhưng có chăng việc xưng thú lỗi lầm ấy chẳng qua là chỉ để thanh thản lương tâm chút nào đó hầu tham dự các Lễ nghi của Tuần Thánh và để đủ điều kiện rước Thánh Thể dịp Phục Sinh? Đại lễ Phục sinh đến thì mọi sự lại trở về như xưa. Mùa Chay vội qua như nó chưa từng đến. Một sự đổi thay mang tính tích cực và lâu bền chỉ có thể đặt trên nền tảng một cảm nghiệm sâu xa về Tin Mừng là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Không phải chúng ta sám hối ăn năn rồi chúng ta mới tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa Tình Yêu, nhưng nhờ tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa giàu lòng xót thương thì chúng ta mới thành tâm ăn năn sám hối, thay đổi đời sống cách cụ thể thiết thực và lâu bền. Ước gì chân dung Thiên Chúa Tình yêu được tỏ lộ nơi đoàn tín hữu Kitô, đặc biệt nơi các vị mục tử để nhiều tâm hồn lầm lạc biết ăn năn trở về. Và khi ấy chúng ta có thể nói rằng Mùa Chay không phải là mùa của sầu khổ, đau buồn mà đích thực là Mùa của hồng ân.
Mong sao không chỉ các đấng bậc trong Hội thánh mà cả đoàn tín hữu Kitô nhiệt thành loan Tin Mừng để tội nhân khi “tin vào Tin Mừng, thì biết sám hối ăn năn”. Tin Mừng cần được loan báo ở đây đó là: làm cho kẻ bị giam cầm thoát khỏi xiềng xích ngục tù, làm cho người mù được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, làm cho người nghèo hèn, kém phận biết họ được ưu ái, cho người tội lỗi biết họ luôn được đón chờ và thứ tha…