Lời Chúa CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – B

Thứ năm - 08/02/2024 18:13 |   188
“Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.” (Mt 15,1-6)

11/02/2024
CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – B
Mồng Hai Tết – Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ

Mùng 2 Tết

Mt 15,1-6


THỜ CHA KÍNH MẸ
“Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.” (Mt 15,1-6)

Suy niệm: Dân Việt Nam từ ngàn xưa, ngay từ khi chưa nghe biết Tin Mừng đã ân cần tuân giữ điều răn “Thảo kính cha mẹ” rồi:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu ca dao ấy, người Việt Nam chúng ta già trẻ lớn bé ai mà không biết, bởi vì đạo hiếu đã ăn sâu trong tâm thức chúng ta từ bao đời nay rồi. Trong những ngày tết, đạo hiếu càng được nhấn mạnh với bầu khí gia đình thân mật ấm cúng: anh em họ hàng đoàn tụ; con cháu chúc tuổi ông bà, tưởng nhớ tổ tiên; ông bà dạy bảo con cháu giữ gìn nề nếp gia phong… Đạo hiếu thật là phù hợp với luật tự nhiên ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn tiếp tục bảo vệ đạo hiếu bằng những lời răn đe nghiêm khắc: “Thiên Chúa dạy: ngươi phải thờ cha kính mẹ.” Thật khủng khiếp, Lời Chúa nói với ta hôm nay: “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử.”

Mời Bạn: Bạn có nhận thấy tinh thần đạo hiếu nơi người trẻ ngày nay có phần bị phai nhạt do tác động của những chuyển biến xã hội không? Trong bối cảnh đó, khi chu toàn giới răn “Thảo kính cha mẹ,” bạn cũng đồng thời chấn hưng những giá trị truyền thống của dân tộc mình và dọn đường cho Tin Mừng đến với anh chị em đồng bào.

Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để xoá đi sự hiểu lầm nơi anh chị em lương dân rằng “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”?

Sống Lời Chúa: Bạn bố trí lại bàn thờ tổ tiên theo tinh thần dân tộc và phù hợp với đức tin. Trong ngày giỗ, bạn mời cả những người họ hàng bên lương tham dự thánh lễ cầu cho ông bà.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật VI Thường Niên -Năm B

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến! Trong đạo Do Thái, người mắc bệnh phong cùi là người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, hoặc vào rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Tiếp xúc với người bệnh phong cùi ắt bị coi là ô uế nên chẳng ai dám đến gần họ. Loại bệnh nhân này, không những bị đau đớn vì những vết thương hành hạ trên thân xác, mà còn đau đớn vì bị nhục trong tâm hồn. Chúa Giêsu đã vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong này, đưa tay chữa lành họ. Lòng yêu thương đã khiến Chúa Giêsu dám làm tất cả. Chúng ta cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi… Chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu để Người chữa lành. Muốn được như thế giờ đây chúng ta cùng thành tâm thống hối.

Ca nhập lễ

Xin Chúa trở thành núi đá cho tôi trú ẩn, trở thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ tôi. Bởi Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của tôi, vì uy danh Chúa, Chúa sẽ dìu dắt và hướng dẫn tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa thích ngự trong những tâm hồn ngay thẳng, xin tuôn đổ hồng ân giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Lv 13, 1-2. 44-46

“Người phong cùi phải ở riêng ngoài trại”.

Trích sách Lêvi.

Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông.

“Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11

Ðáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ

Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian!

Xướng: Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”.

Xướng: Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng.

Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 31 – 11, 1

“Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia

Phúc Âm: Mc 1, 40-45

“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Bắt chước người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta đến xin Chúa Giêsu xóa đi những mặc cảm đè nặng trong tâm hồn, chữa lành những vết thương gặm nhấm trái tim, xoa dịu những nỗi đau đang vò xé tâm tư mà dâng lên những ước nguyện chân thành:

1. “Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”,— Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa thấm nhuần tinh thần xót thương của Đức Kitô, luôn sẵn sàng đón nhận, săn sóc mọi con chiên mà Chúa đã trao phó cho các ngài.

2. “Anh em hãy noi gương tôi như tôi đã noi gương Đức Kitô”.— Xin cho các Kitô hữu can đảm, kiên trì phấn đấu làm sáng danh Chúa, theo gương Thánh Phaolô luôn làm đẹp lòng Chúa và mọi người.

3. “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” – Xincho những người phong cùi đang sống trong đói khổ và cô đơn, gặp được những tâm hồn từ thiện bác ái, sẵn sàng giúp họ bớt tuyệt vọng, cảm thấy niềm vui và an ủi.

4. “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” – Xin cho mọi người trong giáo xứ ý thức được tình trạng của bản thân, mà biết khiêm tốn và tin tưởng chạy đến quyền năng thương xót của Chúa nơi Bí tích Hoà Giải, để được thanh tẩy và chữa lành.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con được thoát ách tội lỗi bằng chính giá máu châu báu của Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ tới tình thương tha thứ của Chúa, mà siêng năng tới nguồn suối cứu độ Chúa dành sẵn cho chúng con, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho thánh lễ này, tẩy rửa và đổi mới chúng con, để chúng con đáng được phần thưởng muôn đời Chúa hứa ban cho những kẻ thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Ngài đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được thưởng thức bánh bởi trời, xin dạy chúng con không ngừng khao khát Chúa là nguồn sống đích thực. Chúng con cầu xin…

Bài giảng

Phong cùi

Theo luật Do Thái, những người phong cùi không được sống trà trộn với dân chúng. Đồng thời ai nấy phải lo giữ mình, không được động chạm tới họ. Họ phải sống riêng biệt ngoài thành, mặc áo rách, để tóc dài, không cạo râu. Nếu chẳng may gặp người mắc bệnh thì phải hô to lên để những người khác tìm lối tránh. Những người mắc bệnh không những chỉ đau khổ phần xác mà còn đau khổ phần hồn vì họ luôn phải sống trong một tình trạng cô đơn và tuyệt vọng.

Đối với ngày xưa, cũng như đối với hôm nay, chứng bệnh này vẫn còn là một nan y khó chữa, chính vì thế chúng ta hiểu được tại sao người bệnh qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, đã bất chấp lề luật, chạy đến tìm gặp Chúa Giêsu, vì anh nghĩ rằng mình không còn phương tiện nào khác để được khỏi. Niềm hy vọng duy nhất của anh trong lúc bấy giờ là Chúa Giêsu. Bởi đó, anh đã quỳ xuống, sụp lạy Ngài và xin Ngài cứu chữa. Còn Chúa Giêsu đã đón nhận anh một cách nhân từ, chữa lành cho anh và bảo anh phải đi trình diện với hàng tư tế để được chứng nhận là mình đã khỏi thực sự. Qua cử chỉ và thái độ của Chúa, chúng ta nhận thấy Ngài thực tình thương xót như tiên tri Isaia đã viết: Ngài coi mọi bệnh tật của chúng ta như là của riêng Ngài, Ngài mang lấy hết mọi tai ương của chúng ta. Trước thái độ tin tưởng của người phong cùi, Chúa Giêsu đã đặt tay trên anh và chữa lành cho anh, cũng như Ngài đã từng cứu chữa biết bao những kẻ bệnh hoạn tật nguyền tìm đến với Ngài.

Tình thương này không phải chỉ được biểu lộ với những người đau khổ thân xác, mà còn đối với những người đau khổ phần hồn, tức là những kẻ tội lỗi. Chính Ngài đã xác định lập trường: Ta đến để kêu gọi những kẻ tội lỗi. Một người tội lỗi trở lại sẽ làm cho cả thiên đàng vui mừng hơn là 99 người công chính không cần ăn năn sám hối. Chính vì vậy, Ngài không ngần ngại ngồi ăn uống với những người mà bọn biệt phái liệt vào hạng tội lỗi như Lêvi và Giakêu. Đồng thời Ngài còn sẵn sàng tha thứ cho người thiếu phụ ngoại tình, cho tên trộm lành và nhiều người khác nữa.

Hẳn chúng ta đã biết qua về cuộc đời của cha Đamiêng, vị tông đồ người hủi. Ngài sinh tại nước Bỉ, gia nhập dòng Trái Tim Chúa và Mẹ Maria. Sau khi làm linh mục, ngài được sai đi giảng đạo tại Hạ Uy Di. Sau đó ngài tình nguyện đi giúp những người cùi ở Molokai. Ngài đã hy sinh trót cả cuộc đời, sống với họ, giúp đỡ họ và chết giữa họ.

Như chúng ta đã biết, phong cùi là một chứng bệnh nan y và ghê sợ, nó làm cho cơ thể bị lở loét, người mắc bệnh mặc dù còn sống nhưng thực sự chỉ là một thây ma biết đi với một thân hình hôi thối. Đó cũng chính là hình ảnh của một tâm hồn tội lỗi, bởi vì tội lỗi cũng sẽ làm cho tâm hồn chúng ta trở thành nhơ nhớp, hôi thối và chết đi như vậy. Tuy nhiên chúng ta đã có một vị lương y thần diệu đó là Chúa Giêsu. Nếu muốn được chữa lành, chúng ta hãy bắt chước người phong cùi chạy đến sấp mình trước mặt Chúa, xin Ngài xót thương. Ngài cũng sẽ bảo chúng ta trình diện với linh mục, nghĩa là hãy chạy đến toà giải tội với tâm tình thống hối ăn năn, hầu nhờ đó mà chúng ta sẽ được chữa lành, được tha thứ.

Phong cùi

Bệnh cùi là một chứng bệnh hay lây, và theo quan niệm của người Do Thái, dưới cái nhìn tôn giáo, thì bệnh cùi là do tác động của một thứ thần ô uế. Người mắc bệnh cùi bị liệt vào hàng những kẻ dưới quyền lực của ma quỷ và lẽ đương nhiên họ không được quyền chung đụng với người trong sạch. Theo lề luật Do Thái, có cả những khoản quy định tình trạng xã hội của những kẻ mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo này. Họ bị tách biệt khỏi cộng đồng loài người, cả về phương diện xã hội lẫn tôn giáo.

Đoạn Tin Mừng tuy ngắn ngủi nhưng đầy chi tiết giúp chúng ta hiểu được tầm mức và ý nghĩa hành động của Chúa Giêsu. Thực vậy chính người mắc bệnh phong cùi đã đi bước trước. Anh đến với Chúa và van xin Ngài cho anh được lành sạch. Lời van xin bao gồm nhiều ý nghĩa. Anh muốn Chúa Giêsu cho anh được lành và qua đó, cho anh trở thành người sạch và được gia nhập cộng đồng xã hội.

Hành động của người mắc bệnh quả là táo bạo. Anh đã liều lĩnh vượt ra khỏi những điều luật lệ quy định là phái xa tránh người khác, thậm chí còn phải la to để người khác biết mà tránh. Anh đến với Chúa Giêsu, để trình bày tình trạng của mình, cũng như ý muốn được chữa lành. Hành động liều lĩnh này hẳn phải xuất phát từ lòng tin tưởng không những ở quyền năng của Chúa Giêsu có thể chữa lành bệnh, mà nhất là ở lòng nhân từ thương yêu của Ngài, muốn giải thoát người ta khỏi bệnh tật. Chắc là anh đã từng được nghe thiên hạ nói về Ngài. Diễn tiến của sự việc cho thấy anh đã không tin tưởng hão huyền. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước thái độ và lòng tin của anh. Và Ngài đã làm phép lạ để cứu chữa anh.

Nhìn vào hành động của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài cũng đã không ngần ngại vi phạm điều lề luật quy định vì Ngài đã giơ tay đặt trên người bệnh. Dĩ nhiên, không thể coi đoạn Tin Mừng này như là một sự khuyến khích cho việc vi phạm lề luật, nhưng cách xử sự của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy còn có những cái quan trọng hơn cả việc tuân giữ lề luật, hay nói cách khác, lề luật vì con người chứ không phải con người vì lề luật. Bằng chứng là tiếp đó chúng ta lại thấy Chúa Giêsu căn dặn người được lành hãy đi trình diện cùng trưởng tế, dâng của lễ theo luật Maisen. Một nghi thức mà tất cả những người được khỏi bệnh cùi, vì lý do nào đều phải làm để được công khai và chính thức tuyên bố là mình được khỏi, được sạch và do đó được quyền vào lại trong cộng đồng xã hội.

Người mắc bệnh phong cùi là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn tội lỗi, vì tội lỗi cũng chính là thứ phong cùi thiêng liêng, làm cho tâm hồn chúng ta trở nên hôi thối và chết dần chết mòn. Bời đó, với một lòng tin tưởng, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu, để được chữa lành, để được tha thứ, nhờ đó, chúng ta được liên kết với Thiên Chúa và với anh em, sợi dây liên kết này vốn đã đứt đoạn do tội lỗi của chúng ta.
 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Thường Niên -Năm B
Mc 1, 40-45
“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.

        
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
        
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật VI Thường niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

BIỆT GIAM
(Chúa Nhật VI TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột.

        
Con người là con vật có tính xã hội. Có thể nói rằng tính xã hội một cách nào đó chính là một trong những yếu tố cấu thành yếu tính của con người. Thiếu vắng tha nhân thì ta như không còn là ta. Thi hào Nguyễn Du đã mở đầu pho “Truyện Kiều” bằng vần thơ: “Trăm năm trong cõi người ta”. Có người thì mới có ta. Và có ta thì hẳn phải có người. Quả thật rất nhiều dã thú lẫn vật nuôi, nếu tách riêng, nuôi chúng một mình thì chúng vẫn lớn lên thành chúng. Trái lại, con người khi bị tách biệt khỏi xã hội hoặc sống tự cô lập mình thì sẽ không thể phát triển thành người cách đúng nghĩa.
        
Một trong những mục đích mà các nhà nước pháp quyền khi sử dụng hình thức giam tù phạm nhân, đó là cách ly họ ra khỏi cộng đồng xã hội. Vi phạm pháp luật mà bị tòa kết án tù ở là một thảm họa. Bị ở tù mà bị biệt giam thì đúng là đại họa. Henri Charierre trong tác phẩm nổi tiếng “Papillon, người tù khổ sai” đã từng kể lại chuyện nhiều tù nhân bị biệt giam đã phải chọn con đường tự vẫn, vì không chịu nổi cảnh bị tách biệt khỏi xã hội loài người.
        
Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật VI TN B, đặc biệt qua bài đọc thứ nhất và bài Tin Mừng xoáy sâu vào hình ảnh người bệnh phong hủi, đặc biệt là số phận bất hạnh của họ mà xã hội, qua các luật lệ, đã áp chế trên họ. Với hoàn cảnh xã hội cách đây trên hai nghìn năm, chúng ta có thể thông cảm với những thể chế, quy định áp dụng cho những người mắc bệnh phong hủi, một thứ bệnh truyền nhiễm được xem là nan y, bất trị, với thời bấy giờ. Thế nhưng khi đọc các khoản quy định như: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh người ấy sẽ còn là ô uế. Người ấy phải ở riêng ra, chỗ ở của họ là một nơi bên ngoài trại.” (Lv 13,45-46), thì chúng ta không thể không xót xa.
        
Nỗi bất hạnh đáng nói của người bị phong hủi là bị liệt vào hàng tội lỗi ghê gớm, bị cả Thiên Chúa chúc dữ, mặc dầu bản thân họ chưa hẳn là người có tội. Bên cạnh nỗi tủi nhục ấy thì người bị phong hủi lại còn bị tách biệt khỏi cộng đoàn xã hội. Sự tách biệt này khiến cho họ không chỉ bị xem như là tội nhân mà còn như không phải là người. Ngày nay, khi nền y học đã khống chế được căn bệnh phong hủi thì những người đã mắc căn bệnh này vẫn còn “bị” một số nhà nước các quốc gia cho sống tập trung biệt riêng ra một nơi để ngăn ngừa sự lây lan và để chữa trị hữu hiệu. Dù với mục đích và ý hướng tốt cho người bệnh, nhưng cái hậu quả là gây mặc cảm tâm lý cho bệnh nhân, khi phải sống tách riêng, một cách nào đó vẫn tồn tại. Cái mặc cảm tâm lý này nhiều lúc gây ra sự bất cần đời và không muốn gặp mặt những người không mắc bệnh phong hủi, vì không muốn cần “sự thương hại” của những người “may mắn” hơn mình.
        
Đã từng có mười người phong hủi xin Chúa Giêsu chữa bệnh, nhưng chỉ đứng xa xa mà kêu lớn tiếng (x. Lc 17,12). Thế nhưng, vượt qua rào cản tâm lý tự ti, vượt qua cả quy định của lề luật bấy giờ, nguời phong hủi trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay đã đến gần Chúa Giêsu, nài xin Người chữa bệnh. Chúa Giêsu không chỉ phán lời chữa bệnh mà còn đặt tay trên người anh ta. Sức mạnh của tình yêu đã làm cho con người xích lại gần nhau và làm cho con người nên thanh sạch. Hơn nữa, chính tình yêu làm cho con người thành người trong cộng đoàn xã hội.
        
Con người thường thích biểu lộ tình yêu hay ý muốn của mình bằng uy quyền, còn Thiên Chúa lại thích biểu lộ ý muốn và quyền năng của Người bằng tình yêu. Uy quyền hay quyền năng vẫn luôn cần thiết cho cuộc sống xã hội, nếu không sẽ rất dễ đi đến tình trạng rối loạn kiểu “vô chính phủ”. Tuy nhiên quyền uy nhiều khi lại dễ trở thành cớ khiến người ta xa cách nhau. Trái lại, với tình yêu và trong tình yêu thì kẻ sạch và người nhơ vẫn có thể chung sống, người công chính lẫn tội nhân đều có thể chung tình.
        
Khởi đầu công cuộc rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã biểu lộ uy quyền giúp Phêrô được một mẻ cá lạ lùng chất nặng hai thuyền gần chìm. Chứng kiến quyền uy của Chúa Giêsu, Phêrô đã khẩn khoản xin: “Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Thế nhưng sau ba năm chung sống với Thầy, nhất là khi cảm được cái tình của Thầy, thì cũng trước mẻ cá lạ lùng mà nay thì trên bờ hồ Giênêgiarét, Phêrô đã hăm hở khoác vội cái áo mà bơi vào với Thầy (x.Ga 21,1-8).
        
Xã hội hôm nay đã tiến bộ nhiều mặt. Nền y học ngày càng hiện đại. Căn bệnh phong hủi không còn là bệnh nan y hay bất trị. Thế nhưng với “uy quyền” chữa bệnh, các y bác sĩ vẫn rất khó đưa những con người dù đã hết bệnh, hòa nhập với cộng đoàn xã hội. Thực tế cho thấy nhiều người bị phong hủi đã được chữa lành nhưng vẫn còn mang mặc cảm mình “chưa thực sự là người” như mọi người. Trái lại với con tim dạt dào tình yêu, mẹ Têrêxa thành Cancutta đã làm cho biết bao người bất hạnh được “trở lại làm người” trong cộng đoàn xã hội.
        
Vẫn có đó nhiều người không ở tù nhưng đang bị biệt giam. Người ta có thể bị biệt giam ngay giữa đời thường, giữa phố người đông đúc bằng sự phân biệt đối xử do thành kiến hay do chính kiến của người có quyền, có chức. Khi thể hiện ý muốn của mình bằng quyền uy, những người xây tháp Babel năm xưa đã tự chia rẽ và bị phân tán. Trái lại khi thể hiện quyền năng bằng tình yêu tự hiến, chịu chết trên thập giá, Chúa Kitô đã không chỉ chết cho toàn dân được nhờ mà còn để “quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,62). Chỉ trong tình yêu, với tình yêu của người anh cả, Giêsu Kitô, người ta mới thực sự là người, không còn là Do Thái hay Hy Lạp, không còn là nô lệ hay tự do… mà tất cả đều là anh em với nhau, con cùng một Cha trên trời.
        
Người phung hủi đã can đảm vượt qua rào cản lề luật bấy giờ để đến với Chúa Giêsu. Một lý do phải thừa nhận đó là vì anh ta xác tín mình đến gặp một lương y chứ không phải là một vị thẩm phán vô tình, đến với một mục tử nhân lành chứ không phải là một kẻ chăn thuê, đến với một người tôi tớ hiền hậu chứ không phải một ông chủ khắc nghiệt hay một công chức quan liêu hống hách. Đây có thể là một tiêu chí xét mình cho các vị lãnh đạo trong giáo hội cũng như ngoài xã hội. Vì sao còn đó nhiều người thấp cổ bé phận, nhiều người đau yếu tật nguyền phần thể lý hoặc tâm linh đang ngần ngại đến với tôi? Họ là những người bệnh phung hay tôi mới là người đang mắc bệnh hủi được che đậy dưới lớp vỏ cân đai áo mão, dưới chức trọng, vị cao?

 

Mùng 2 Tết


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Mồng Hai Tết Quý Mão. Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ

Ca nhập lễ

Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm

Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy chính là những lời răn lệnh truyền.

Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Hc 44,1.10-15

Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.”

Bài trích sách Huấn Ca.

Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.

Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II: Ep 6,1-4.18.23.24

“Hãy tôn kính cha mẹ. Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”.

Bài trích thư của Thánh Phaolô Tông Ðồ các gửi tín hữu thành Êphêsô.

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Ðể được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể các thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin. Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta bằng một tình yêu bất diệt.

Ðó là lời Chúa.

Câu xướng trước Phúc Âm

Hạnh phúc thay người nào kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương chúc phúc.

Phúc Âm: Mc 7,1-2. 5-13a

“Hãy thảo kính cha mẹ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước.

Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?”

Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì chúng dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”.

Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, người đó phải chết”. Còn các ngươi thì lại bảo: “Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được, nay tôi muốn nó trở thành Corban (nghĩa là của dâng cúng)”, rồi các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau”.

Ðó là lời Chúa.

– – – – – – – – – – – –

Hoặc: Lc 1,67-75

“Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: “Chúc tụng Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Chúa đã gầy dựng cho chúng ta một uy quyền cứu độ. trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa, như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa; để giải phóng chúng ta khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng ta; để tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng ta, và nhớ lại lời thánh ước của Người: lời minh ước mà Người tuyên thệ, với Abraham tổ phụ chúng ta, rằng: Người cho chúng ta không còn sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù, được phục vụ trước tôn nhan Người, trong thánh thiện và công chính trọn đời chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ vật đầu xuân này. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Quả vậy, khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mặc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng đã ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Cha.

Chính vì thế, hiệp cùng các Thiên thần và các thánh nam nữ, chúng con ca ngợi Cha muôn đời vinh hiển và đồng thanh chúc tụng rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa nói: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, nhân dịp đầu năm mới, chúng con đã được dự tiệc Mình và Máu Ðức Kitô. Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con ngày nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ, để mai sau được cùng các ngài vui hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CÂU CHUYỆN

Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.

Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.

THẢO LUẬN: 1) Về lối sống hiếu thảo với ông bà tổ tiên, bạn có đồng ý với câu người xưa nói: “Sóng trước vố đâu, sóng sau vỗ đó” hay không? Tại sao? 2) Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?

SUY NIỆM:

1) Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình

Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là các bậc sinh thành là cha mẹ. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động với cha mẹ, cụ thể là món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ đượm tình thảo hiếu với các ngài.

Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được chờ đón những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm bên cha mẹ ông bà và anh chị em con cháu.

2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ

Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải được thể hiện trong suốt những ngày tháng dài sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.

Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta lá chắn che chở suốt đời mình.

Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh khi ta còn thơ bé.

Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết.

3) Làm gì trong những ngày này?

Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì:

“Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

“Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.

Dịp Xuân Mới, bàn sẽ biếu quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà còn sống và những đấng bề trên đã qua đời?

LỜI CẦU:

Lạy Thiên Chúa Cha là Chúa tể của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con. - Amen.


SỐNG CHO PHẢI ĐẠO VỚI TỔ TIÊN
(Ngày Mùng Hai Tết) - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Qua Lời Tổng Nguyện của Ngày Mùng Hai Tết này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa dạy chúng ta phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay, nhân dịp đầu năm mới, chúng ta họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng ta, và giúp chúng ta luôn sống cho phải đạo đối với các ngài.

Sống cho phải đạo với ông bà cha mẹ là sống như lời Ca Nhập Lễ hôm nay: Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân.

Sống cho phải đạo với ông bà cha mẹ bằng cách hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Huấn Ca đã ca tụng: Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

Sống cho phải đạo với ông bà cha mẹ là tôn kính ông bà cha mẹ, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nhắc nhở: Hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.

Sống cho phải đạo với ông bà cha mẹ là biết cội rễ căn nguyên của mình, như lời Kinh Tiền Tụng của ngày lễ hôm nay, mà các nhà phụng vụ đã nhắc nhở chúng ta: Khi ngẫm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng ta thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Chúa mặc khải, chúng ta mới nhận biết Chúa là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng ta. Chúa đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng ta, để các ngài truyền lại cho con cháu. Chúa cũng đã ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng ta được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Chúa. Cội rễ căn nguyên của chúng ta chính là Chúa, vì thế, trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 127, vịnh gia đã cho thấy: Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Câu Tung Hô Tin Mừng: Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.

Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu đã cho thấy: Đức Giêsu khiển trách các Kinh Sư và những người Pharisêu về việc hủy bỏ điều răn của Thiên Chúa và Người khẳng định: phải tuân giữ điều răn đó: Người hãy thảo kính cha mẹ. Vạn sự đều có cội rễ căn nguyên, tự tách mình ra khỏi nguồn cội là tự hủy diệt chính mình. Chúa chính là nguồn cội của chúng ta: kính sợ Chúa, thi hành ý muốn của Chúa, chúng ta sẽ trở nên người nhà của Chúa, như lời Ca Hiệp Lễ hôm nay: Chúa nói: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Ông bà cha mẹ là những người đã lưu truyền sự sống cho chúng ta, vì thế, chúng ta phải sống cho phải đạo với ông bà cha mẹ bằng cách thảo hiếu với các ngài, qua việc yêu thương, chăm sóc và cầu nguyện cho các ngài, nhất là, tiếp nối truyền thống đức tin mà các ngài đã sống và đã khuyên dạy con cháu thực hành theo những gì Chúa và Hội Thánh dạy. Qua Lời Nguyện Hiệp Lễ hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhân dịp đầu năm mới, Chúa đã cho chúng ta được dự tiệc Mình và Máu Ðức Kitô. Ước gì nguồn sinh lực thần linh này: giúp chúng ta sống sao cho tròn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ, để mai sau, chúng ta được cùng các ngài vui hưởng phúc trường sinh. Ước gì được như thế!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây