Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 06/02/2024 18:53 |   279
Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Ép-pha-tha, hãy mở ra!” Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (Mc 7,31-37)

09/02/2024
THỨ SÁU TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

t6 t5 TN

Mc 7,31-37


ÉP-PHA-TA, HÃY MỞ RA!
Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Ép-pha-tha, hãy mở ra!” Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (Mc 7,31-37)

Suy niệm: Đã không nghe lại không nói được, cuộc đời của người câm điếc như bị đóng lại trước một thế giới đang mở ra. Anh giống như người tù biệt giam không thể có mối tương quan  nào với tha nhân. Chúa Giê-su không chữa lành cho anh theo kiểu người thợ chữa một cái máy. Thái độ ân cần của Chúa “kéo riêng anh ra khỏi đám đông” và những cử chỉ chăm sóc tận tình, đụng chạm đến tai anh, xức nước miếng vào lưỡi anh, đã giúp anh tái lập mối tương quan với Ngài trước khi mở lại mối quan hệ với người khác. Khi “tai được mở ra và lưỡi hết bị buộc lại” là lúc anh ta cũng được mở ra với thế giới và có khả năng cần thiết để nối kết tương giao với mọi người.

Mời Bạn: Về phương diện thiêng liêng, có lẽ lắm khi chúng ta cũng đã từng bị câm điếc mà không biết. Điếc là đóng tai lòng lại, làm ngơ trước Lời Chúa, và lời giảng dạy của những người có trách nhiệm. Câm là hờ hững, sợ sệt không dám mở miệng loan báo Tin Mừng. Để chữa bệnh câm điếc thiêng liêng, trước tiên mời bạn mỗi ngày hãy mở sách Tin Mừng để đọc và suy niệm Lời Chúa, và xin Chúa mở lòng bạn để tâm hồn bạn được đánh động và biến đổi nhờ Lời Chúa. Lúc đó môi miệng bạn mới sẵn sàng để mở ra và loan báo Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện mỗi sáng khi thức dậy: “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, để con nói lời của Chúa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều lúc tâm hồn con đã bị đóng lại không nghe và không nói Lời Chúa. Xin Chúa nói lời “Ép-pha-tha” với tâm hồn con như xưa Chúa đã nói với người câm điếc.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 3, 1-8

“Các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Con rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng: “Có phải Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?” Người nữ trả lời con rắn: “Chúng tôi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn, thì Thiên Chúa bảo: “Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không, sẽ phải chết”. Rắn bảo người nữ: “Không, các ngươi không chết đâu. Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh”. Người nữ thấy cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại đưa cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân. Bấy giờ hai người nghe tiếng Thiên Chúa đi trong vườn địa đàng lúc chiều mát. Ađam và vợ ông liền núp trong lùm cây trong vườn địa đàng cho khuất mặt Thiên Chúa.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2.5.6.7

Xướng: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian.

Đáp: Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm.

Xướng: Tôi xưng ra cùng Chúa tội tôi đã phạm, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Tôi thú thực cùng Chúa điều gian ác của tôi, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi”.

Xướng: Bởi thế nên mọi người tín hữu sẽ nguyện cùng Chúa, trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng cả ba đào ập tới, chúng sẽ không làm hại nổi những người này.

Xướng: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ, Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ.

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 11, 29-32; 12, 19

“Israel lìa bỏ nhà Ðavít”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Khi ấy, Giêroboam từ Giêrusalem đi ra, thì tiên tri Ahia, người Silô mặc áo choàng mới, gặp ông dọc đường. Lúc đó chỉ có hai người ở ngoài đồng. Ahia cầm lấy áo choàng mới ông đang mặc, xé ra làm mười hai phần và nói với Giêroboam rằng: “Ông hãy cầm lấy mười phần cho ông, vì Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: ‘Ðây, Ta sẽ phân chia vương quốc từ tay Salomon, và Ta sẽ cho ngươi mười chi tộc. Vì Ðavít tôi tớ Ta, và vì thành Giêrusalem mà Ta đã lựa chọn trong mọi chi tộc Israel, Ta sẽ dành cho Salomon một chi tộc’ “. Như thế, Israel lìa bỏ nhà Ðavít cho đến ngày nay.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 80, 10-11ab. 12-13. 14-15

Ðáp: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, ngươi hãy nghe Ta răn bảo (c. 11a & 9a).

Xướng: Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập.

Xướng: Nhưng dân tộc của Ta chẳng có nghe lời Ta, Israel đã không vâng lời Ta răn bảo. Bởi thế nên Ta để mặc cho chúng cứng lòng để chúng sinh hoạt tuỳ theo sở thích.

Xướng: Phải chi dân tộc của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối của Ta mà ăn ở: thì lập tức Ta sẽ triệt hạ kẻ thù của chúng, và để đập tan quân địch của chúng, Ta sẽ trở tay!

Alleluia

Alleluia – Alleluia – Lạy Chúa, xin dạy bảo tôi về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn tôi trong chân lý của Ngài – Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 7, 31-37

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là “hãy mở ra”, tức thì tai anh được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. Đó là lời Chúa

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy Niệm

MỞ RA
Lm. Antôn Trần Văn Phú

Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta dừng lại ở động từ “mở ra”. Tác giả sách Sáng Thế trình bày cho chúng ta việc con rắn cám dỗ Adam và Eva ăn trái cấm. Mắt ông bà sẽ “mở ra” và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác (St 3,5). Khi Adam và Eva ăn trái cấm thì mắt ông bà “mở ra” và họ thấy mình trần truồng (St 3,7). Như thế cái “mở ra” đầu tiên này đối với con người là để “biết”: biết Thiên Chúa và biết chính mình. Con người biết Thiên Chúa là vị Thần duy nhất, là Thiên Chúa duy nhất, là Đấng sáng tạo mọi sự tốt đẹp, và là Đấng yêu thương con người. Con người biết chính mình là tội nhân. Con người ý thức được mình tội lỗi, yếu đuối, kêu ngạo và tự phụ. Khi con người ý thức được thân phận mình yếu đuối và tội lỗi như thế, thì con người khao khát trở về để làm hòa với Thiên Chúa, với Đấng yêu thương và tạo dựng mình. Con người ý thức mình cần đến Chúa, cần đến sự trở giúp của Ngài để có thể trở về.

Trước tình trạng con người như thế, Thiên Chúa, với tình yêu sáng tạo và cứu độ, đã “mở ra” cho con người một con đường để trở về. Đó là con đường khiêm nhường. Chỉ trên con đường khiêm nhường này con người mới có thể trở về với Thiên Chúa. Đường khiêm nhường ở đây chính là Đức Giêsu. Thánh Phaolô đã khẳng định điều này: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Phl 2,6-7). Đức Giêsu là “con đường” của chúng ta (Ga 14,6). Người đến trong thân phận con người để “mở ra” con đường cho nhân loại tội lỗi trở về với Thiên Chúa. Người đến để tái tạo những gì con người đã đánh mất. Người đến để mở mắt cho kẻ mù thấy, mở tai cho kẻ điếc nghe, và mở miệng cho kẻ câm nói. Quả thực, qua “con đường mở ra” – Đức Giêsu Kitô –  muôn vật được tạo thành và được tái tạo. Ađam và tất cả nhân loại cần đến “con đường mở ra” này. Chúng ta cần đến cái “mở ra” của Thiên Chúa.

 

CHÚA CHỮA NGƯỜI CÂM VÀ ĐIẾC (Mc 7,31-37)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Trên thế giới ngày nay còn nhiều người bị câm điếc. Những người câm thường hay bị điếc. Người bị câm điếc thường phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, họ bị coi như sống bên lề xã hội nên họ cảm thấy lẻ loi cô đơn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành cho người bị câm điếc để đem lại đức tin và niềm vui cho anh ta. Sự chữa lành đó thuộc thể lý, nhưng qua đó, Chúa Giê-su muốn nói đến bệnh câm điếc thiêng liêng mà mọi người kẻ ít người nhiều đều mắc phải.

2. Tâm lý người bị câm điếc.

Người câm điếc gặp khó khăn khi muốn trình bày hay diễn đạt một lời nói cho người khác hiểu ý mình, nhưng họ lại cảm thấy ngại ngùng giống như có một sợi dây vô hình trói buộc, làm cho họ không thể nói ra. Tình trạng bất hạnh ấy dễ làm người ta mặc cảm, không nói được mà cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến người bị tật khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài càng khó hiểu người bị tật ấy.

Do đó, người bị tật tự nhiên cảm thấy mình lẻ loi như đứng bên lề xã hội, họ có khuynh hướng muốn rút lui và sống trong cô đơn. Vì thế, những người bị tật ấy cần những người lành mạnh có thái độ thông cảm, tôn trọng và yêu thương thành thật.

3. Chúa Giê-su chữa người câm điếc.

Hôm nay chúng ta thấy Đức Giê-su không chữa bệnh đơn giản như mọi khi, nghĩa là chỉ đặt tay hay dùng một lời nói để chữa bệnh: Ta muốn ngươi được khỏi bệnh! Đức Giê-su lại đưa anh chàng ra khỏi đám đông, xỏ ngón tay vào tai người câm điếc, bôi bọt vào lưỡi anh ta và ngước mắt lên trời rên lên: “Epphata”: Hãy mở ra.

Về cử chỉ xỏ tay vào tai, bôi nước bọt vào lưỡi là cốt để khêu gợi đức tin là điều rất cần để Chúa ban ơn, mà bệnh nhân còn thiếu. Anh này điếc nên không nghe được, chỉ còn làm thế nào cho anh ta hiểu. Xỏ tay vào tai và đụng vào lưỡi để cho anh ta hiểu rằng: đó là những kết quả anh ta mong đợi.

4. Bệnh câm điếc thiêng liêng.

Cử chỉ Chúa Giê-su trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo hội lặp lại khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ này, Chúa Giê-su cũng nói với mỗi người chúng ta: Epphata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa, để nói những lời của yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.

5. Tránh sự dửng dưng trong đời sống.

Trong truyện ngắn Máu Cá (tức máu lạnh), nhà văn Nguyễn Minh Châu kể chuyện một bà mẹ trẻ mất con ở ga Hàng Cỏ, kêu la thảm thiết, nhưng chẳng ai đoái hoài. Nhà văn xin một công an trực rao trên loa, người này cũng chẳng nói chẳng rằng. Cả ngàn người trên ga Hàng Cỏ như điếc, như câm trước nỗi khổ của người mẹ quẫn trí vì mất con! Bài Tin Mừng cho thấy Chúa Giê-su không dửng dưng trước đau khổ của con người, Ngài đã chữa lành cho người câm điếc. Lời tán dương của đám đông gợi nhớ lại lời kết luận của sách Sáng thế về công trình sáng tạo (St 1,31). Chúa Giê-su đến để phục hồi sự tốt đẹp của công trình sáng tạo: một thế giới trong đó mọi người tin nhận và sống tư thế con thảo của Cha trên trời, nhìn vào mặt người khác và nhận ra họ là anh em, chị em mình (5 phút Lời Chúa).

6. Hãy biết lắng nghe và chia sẻ.

Chúng ta phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm cho chúng ta xa cách tha nhân, không còn hiểu nhau, không còn thông cảm và thương yêu nhau, coi nhau như kẻ thù. Trái lại, phải xây lại nhịp cầu thông cảm và yêu thương mà chính Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa tội. Trong ngày đó, chúng ta được cởi mở khỏi xiềng xích tội lỗi và được đàm đạo với Chúa như với người bạn chí thiết.

7.Truyện: Bức tường Bá Linh.

Ngày 13/08/1961, người ta xây một bức tường chưa từng thấy trong lịch sử loài người: cao 8 mét, dài 700 cây số ngăn đôi một gia đình, một thành phố, một dân tộc, một nước Đức, không ai được qua lại với nhau, coi nhau như kẻ thù ghê gớm. Ai vượt qua bức tường đó hoặc bị bắt hoặc bị bắn chết. Mãi đến 28 năm sau, ngày 13/11/1989 bức tường đó bị phá đổ, chấm dứt hận thù chia rẽ. Gia đình, dân tộc được đoàn tụ với nhau, nước Đức được thống nhất, thế giới chấm dứt chiến tranh lạnh, trở thành đồng minh đồng chí với nhau.

ĐẤNG THÁO CỞI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

“Ephpheta”, “Hãy mở ra!”.

“Có nhiều lý do khiến Chúa không nên gọi bạn. Nhưng đừng lo! Ngài là Chúa hơn là Sếp. Ngài không tính lãi, lỗ; không thành kiến, thù dai, hay chảnh choẹ. Bạn có thể làm những điều tuyệt vời cho những người tuyệt vời nhưng vẫn không... tuyệt vời. Satan nói, “Bạn không xứng đáng!”; Giêsu nói, “Vậy thì sao?”. Satan nhìn bạn, chỉ thấy sai lầm; Giêsu nhìn bạn, chỉ thấy đáng thương! Ngài là Đấng tháo cởi, đầy thứ tha!” - Paul Cho Yonggi.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến ‘Đấng tháo cởi’ mà Cho Yonggi đề cập nhân việc Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi tự hỏi, “Dẫu có niềm tin, nhưng tại sao tai và miệng tâm linh của tôi không được mở ra?”.

Phải chăng chúng ta đã quá quen chìm đắm trong di sản đức tin đến nỗi coi thường những chân lý đã được lãnh nhận? Phải chăng chúng ta đã coi thường khả năng nghe, nói của mình? Hãy biết, có nhiều người không thể đón nhận mầu nhiệm mặc khải, không phải vì nó không được ban, nhưng bởi họ ‘không được chuẩn bị để đón nhận’. Vì thế, hãy chiêm ngắm Giêsu, xin Ngài tháo cởi tâm hồn và môi miệng bạn, hầu biết vui mừng trong ân sủng đã lãnh nhận; đồng thời, biết chia sẻ niềm vui ân sủng đó cho bao người.

Chúa Giêsu đã tỏ quyền năng để người câm điếc nghe và nói được. Cũng thế, nếu không được Ngài tháo cởi; chúng ta không thể nói lên thông điệp ý nghĩa cuộc sống của mình, không thể hiến mình cho Thiên Chúa và tha nhân, và cuộc sống cứ thế trôi qua! Nhưng nếu Ngài chạm ‘vào tai, vào lưỡi’ của chúng ta, cuộc sống của chúng ta sẽ có một hướng đi và một ý nghĩa hoàn toàn mới. Thánh Vịnh đáp ca nói, “Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hãy nghe Ta răn bảo!”. Bài đọc Các Vua cũng cho biết, giá mà Salômon biết nghe lời Thiên Chúa, thì vương quốc của ông đâu đến nỗi bị phân thành mười hai mảnh!

Đức Phanxicô nói, “Tất cả chúng ta đều có đôi tai, nhưng rất thường xuyên, không thể lắng nghe. Có một chứng điếc đặc nội tâm mà mỗi người có thể cầu xin ‘Đấng tháo cởi’ chạm vào và chữa lành ngay hôm nay. Đó là điếc nội tâm, tệ hơn cả điếc thể chất, vì nó là điếc của trái tim. Mỗi ngày thức dậy, hãy tự hỏi bản thân, khả năng lắng nghe của tôi thế nào? Tôi có để mình xúc động trước cuộc sống của những người khác không? Tôi có biết dành thời gian để lắng nghe những người thân yêu?”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy mở ra!”. Bằng việc chữa lành người câm điếc, Chúa Giêsu tiết lộ một điều gì đó cấp bách. Ngài hành động không do dự, dứt khoát và rõ ràng. Ngài muốn tạo nên một sự khác biệt. Sự hiểu biết này sẽ mang lại cho chúng ta một niềm an ủi lớn lao; rằng, Ngài sẵn lòng thi hành quyền năng để mang lại điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống mỗi người. Sau khi được lành, người câm đã trở thành đại diện cho sự cứu rỗi của Thiên Chúa; giờ đây, ai có thể giữ anh ta im lặng về trải nghiệm tuyệt vời trước ‘Đấng tháo cởi’ miệng lưỡi anh! Anh đã tin nên anh đã nói! Vậy tại sao tôi im tiếng? Tôi không biết rằng, với tư cách là người Công Giáo, tôi cũng là nhân chứng cho thế giới rằng, tình yêu tồn tại?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không chỉ cởi tai con, miệng con, nhưng cả trái tim; cho con trở nên một khí cụ sắc bén, một thợ lành nghề trên ‘đồng lúa thế giới’, đồng lúa xa, đồng lúa gần!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây