Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVII Thường niên -Năm B
Ga 6, 1-15
“Người phân phát cho họ ăn, ai muốn bao nhiêu tùy thích”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tùy thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm
TÍNH TOÁN!
(Chúa Nhật XVII TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Tình cảnh nhân loại từ xưa đến nay nhìn chung thật hiếm có thời kỳ lâu dài được sống trong an bình hạnh phúc. Con người càng phát triển thì nhu cầu càng cao và càng thêm nhiều. Kiếm được một lúc nào đó nhân loại trên trái đất này thoả mãn được nguyên chỉ các nhu cầu sinh tồn căn bản như ăn uống mà thôi thì cũng là khó thấy. Ngay cả đến hôm nay khi mà nền khoa học công nghệ phát triển phải nói là rất cao thì vẫn còn đó hằng trăm triệu người ở Á châu, đặc biệt ở Châu lục đen đang phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực. Có thể nói ngày nay, người ta chết vì đói thì ít, nhưng chết vì thiếu ăn hay thiếu dinh dưỡng thì dường như không thống kê được. Bên cạnh những thiên tai, thì nhân họa vẫn đang rình rập con người mọi lúc mọi nơi. Nào là lũ lụt, sóng thần, nào là động đất, hạn hán, nào là khủng bố, chiến tranh… Khói lửa súng đạn đang lan tràn đó đây là một minh chứng. Chuyện khích bác, dọa dẫm nhau bằng vũ khí hạt nhân hay trừng phạt kinh tế nhau cũng vẫn chưa ngừng. Tai ương, hoạn nạn như đang rình rập chúng ta từng ngày. Người nghèo khổ luôn có đó quanh ta. Cảnh khổ đau như là chuyện cơm bữa của các chương trình thời sự trên truyền hình.
Bài đọc thứ nhất trích sách các Vua tường thuật một nạn đói đang xảy ra tại xứ Ghingan. Đã là nạn đói thì số người khốn khổ là con số không nhỏ. Quý ông bà lớn tuổi dân Việt hẳn có kinh nghiệm nào đó về nạn đói năm 1945 (Ất Dậu) trên quên hương đất nước chúng ta. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng qua các tài liệu ghi chép, kẻ hậu sinh cũng hình dung được phần nào cái cảnh người chết dọc đường như rạ, đến nỗi ngay cái chuyện đào hố để chôn cũng lắm vất vả. Rồi đến chuyện phải ăn thịt đồng loại để sống cũng khiến thế hệ hôm nay dù khó tưởng tượng nhưng vẫn là chuyện đã từng xảy ra.
Trước bao cảnh khổ ấy của đồng loại, chúng ta, Kitô hữu, những người theo đạo của tình yêu, của bác ái, ai ai cũng động lòng xót thương. Thế nhưng, chúng ta cũng rất có thể có thái độ như người hầu của tiên tri Êlisêu “Có được chỉ hai mươi chiếc bánh lúa mạch làm sao có thể phát cho cả trăm người ăn đây”, hay như Philipphê: “Có mua hai trăm bạc bánh (khoảng trên dưới bốn mươi triệu đồng Việt Nam) cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Ngài Philipphê tính toán quả không sai. Với năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ thì bốn mươi triệu tiền bánh cũng chẳng thấm vào đâu. Các Tin Mừng nhất lãm còn cho ta hay rằng có tông đồ lại hiến kế kiểu phủi tay: Thôi, ta giải tán để họ vào làng mà mua thức ăn (x.Mt 14,15; Mc 6,36; Lc 9,12). Một diệu kế rất mang tính kinh tế. Tuy nhiên, đằng sau nó vẫn là một tấm lòng đầy tính toán và dĩ nhiên nó bộc lộ sự hẹp hòi của con tim.
“Phát cho họ ăn đi”. Elisêu khẳng khái với người hầu cách không do dự. Còn Chúa Giêsu thì dứt khoát: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Đã yêu thì đừng tính toán. Đã yêu thì hãy làm ngay những gì trong tầm tay của mình. Tình yêu không hệ tại ở số lượng. Chúng ta vốn quen với câu chuyện bà góa nghèo trong Tin Mừng. Dù với hai xu nhỏ nhưng hơn cả trăm triệu đồng của những người giàu có, khi họ chỉ trao dâng cái phần thừa thãi của mình, còn bà thì thực hiện nghĩa cử yêu thương bằng cả sự sống còn của mình (x. Lc 21,1-4; Mc 12,41-44).
Quả thật, rất nhiều lần trước cảnh tình khốn khổ của tha nhân, chúng ta viện cớ là làm không xuể, làm như muối bỏ biển, nên đã thoái thác nghĩa vụ yêu thương như lời Chúa chỉ dạy. Ma quỷ có thừa xảo kế tinh ranh. Chúng đâu có cám dỗ chúng ta không thương yêu tha nhân, nhưng lại gieo vào tâm trí chúng ta sự tính toán về kết quả. Ai lại không mong việc làm của mình có kết quả, nhất là những việc tốt, những nghĩa cử yêu thương? Khi cám dỗ ta về viễn cảnh không như ý, đó là dù ta có cố sức đến bao nhiêu cũng chẳng giải quyết được sự gì, thì ma quỷ đã thành công nhiều lần, khi khiến chúng ta chần chừ, ngần ngại dấn thân. Và từ sự ngần ngại, lần lữa chúng ta đã nhiều lần bỏ qua nhiều dịp để sống yêu thương.
Là Thiên Chúa, với quyền năng cao cả, Chúa Giêsu có thể làm từ không ra có. Ngài có thể cho bánh từ trời xuống nuôi dân, hoặc biến sỏi đá thành cơm bánh. Thế nhưng, Chúa lại muốn cần đến năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ của một em bé lúc bấy giờ để rồi giáng phúc thi ân cho cả gần mười ngàn người hôm ấy. Khi nhận lấy phần cá, bánh nhỏ bé ấy không phải Chúa cần bao nhiêu phần trăm phần góp của chúng ta cho bằng sự dấn thân của ta trong tình yêu. Khi nhận lấy năm chiếc bánh và hai con cá từ tay em bé, Chúa Giêsu minh định với chúng rằng đã yêu thì đừng quá tính toán.
“Ăn - cho, buôn - so”. Đã có tính toán, so đo thì thật khó sống yêu thương. Đợi cho đầy đủ các tiện nghi rồi mới phục vụ thì không còn là phục vụ. Đợi cho đầy đủ tiền, có cơ sở vật chất hay đủ phương tiện rồi mới sống quảng đại với đàn chiên thì chưa phải là mục tử. Đợi cho dư dã rồi mới làm việc bác ái yêu thương thì còn gì là yêu thương bác ái. Dù rằng cần biết sống khôn ngoan và thận trọng, nhưng đã yêu thì phải chấp nhận “liều” một cách nào đó. “Một con én không làm nên mùa xuân”. Đây là một lời nhận định thiết thực, cũng có thể là một lời khuyên khôn ngoan, nhưng rất có thể là một chước cám dỗ tinh tế của thần dữ. Xin đừng quên rằng sẽ chẳng bao giờ có mùa xuân nếu không có từng con chim én nhỏ.
Người nghèo luôn ở bên ta. Cảnh khốn khổ của đồng loại vẫn nhan nhản trước mắt chúng ta. Nguyên nhân của sự nghèo đói, cảnh khốn cùng hiện nay chủ yếu là do bạo quyền, nạn bất công, sự gian dối. Lời mời gọi yêu thương, dấn thân chia sẻ đang cấp thiết ngỏ với chúng ta: “Chúng tôi rất cần tình yêu của bạn, của ông bà, anh chị…”. Đã yêu, xin đừng quá tính toán. Hãy làm những gì có thể trong tầm tay, ngay hôm nay. Với cả con tim, với sự dấn thân hết mình thì một nghĩa cử yêu thương dù nhỏ bé, bình thường cũng có thể gặt hái kết quả phi thường và to lớn. Một chân lý ngàn đời: Đấng là Tình Yêu và cũng là Đấng mà không có sự gì là không thể, luôn đồng hành với người biết yêu thương cách không tính toán.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn