Lời Chúa CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – B

Thứ năm - 18/07/2024 18:57 |   94
“Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” …Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.” (Mc 6,30-34)

21/07/2024
chúa nhật XVI THƯỜNG NIÊN – b

cn t16 TNb

Mc 6,30-34


thầy trò nạp năng lượng
“Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” …Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.” (Mc 6,30-34)

Suy niệm: Các môn đệ đang hào hứng kể lại cho Thầy những kết quả ngoạn mục các ông đã đạt được, vậy mà Chúa Giê-su lại bảo các ông ra nơi thanh vắng để nghỉ ngơi. Khi thi hành sứ mạng, các môn đệ ngày xưa cũng như chúng ta ngày nay dễ ảo tưởng và tự mãn đánh giá công việc dựa trên những kết quả thấy được bên ngoài. Nếu không biết dành thời gian để lượng giá, nạp lại năng lượng tinh thần, nhiệt tình truyền giáo sẽ dễ bị suy giảm, xẹp xuống như quả bong bóng, bởi vì thành quả truyền giáo không do tài nghệ công sức hoạt động của ta mà là do ơn của Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn con người.

Mời Bạn: Việc giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng để xả ‘stress’, để phục hồi năng lượng đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu cho con người trong xã hội hiện nay. Cũng thế, và theo lời dạy của Đức Ki-tô, Giáo Hội không ngừng mời gọi các Ki-tô hữu biết cân bằng và thống nhất đời sống của mình bằng việc dành thời gian cầu nguyện và tĩnh tâm sau những thời gian miệt mài dấn thân hoạt động tông đồ.

Sống Lời Chúa: Sau mỗi ngày làm việc, bạn dành thời gian, nơi chốn yên tĩnh thích hợp để cầu nguyện, định kỳ bạn tham dự cuộc tĩnh tâm để hâm nóng lại nhiệt tình thi hành sứ mạng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con không thể thành công trong việc tông đồ nếu không tuân theo các qui luật Chúa dạy. Xin giúp con luôn ý thức và thực hành chỉ thị của Chúa để mọi việc con làm mang lại kết quả tốt lành. Amen.

Ngày 20: Lạy Chúa! Khi chúng con có nhận thức mới, chúng con sẽ cảm thấy xa lạ với những gì được gọi là văn minh, văn hóa xung quanh mình. Chúng con cảm thấy mình đang sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Điều đó có nghĩa là chúng con đang thuộc về Chúa. Tuy nhiên, khi nhận thức mới vẫn chưa hoàn toàn hòa nhập vào cuộc sống của chúng con, và khi bên trong và bên ngoài của chúng con chưa hòa nhập được với nhau, thì chúng con vẫn còn bị chao đảo, bị giằng kéo giữa hai thái cực này. Xin Chúa đổi mới mọi sự trong ngoài của chúng con, để chúng con được thuộc trọn về Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm B

Ca nhập lễ

Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hình ảnh người chăn chiên thường xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu Ước. Tiên tri Giêrêmia và TV.23 đã minh chứng rằng Thiên Chúa luôn lo lắng cho dân riêng Ngài, như một mục tử nhân lành lưu tâm, săn sóc cho từng con chiên một. Thiên Chúa đã trao phó việc chăm sóc dân riêng cho một số người. Những người này được gọi là mục tử của dân, vì được chia sẻ trọng trách chăn dắt và chăm lo cho dân. Nhưng họ đã không chu toàn trách nhiệm của mình, khiến Thiên Chúa nổi giận và quyết định loại bỏ họ và thay thế bằng các mục tử đích thực. Đứng đầu và trên tất cả các mục tử là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô. Người tự nhận là Đấng chăn chiên hiền lành chăm sóc, hướng dẫn đoàn chiên, ban lương thực cho chiên và nhất là ban Lời của Người làm lương thực nuôi dưỡng đoàn chiên. Vậy để Lời Chúa sinh hoa kết trái, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn bằng lòng thống hối ăn năn để đón nhận.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6

“Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta”. Chúa lại phán: “Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa”.

Chúa còn phán rằng: “Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. 

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. 

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18

“Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 30-34

“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ngay trên quê hương đất nước chúng ta, vẫn còn nhiều nơi đang thiếu vắng mục tử. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp sớm ban các mục tử như lòng Chúa mong ước :

1. “Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa” – Xin cho các vị Chủ chăn mặc lấy tình yêu và lòng thương xót của Đức Kitô, mà sẵn sàng xả thân, yêu thương, phục vụ đoàn chiên, để chiên được an lành và bồi dưỡng.

2. “Nay trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người” – Xin cho các Kitô hữu nhờ Bí tích Thánh Thể, hiệp nhất với Chúa và với nhau, nên một thân thể mầu nhiệm để “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc”.

3. “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” – Xin cho các người hoạt động tông đồ, biết trân trọng và quí mến những giây phút trầm tĩnh bên Chúa, để tâm hồn được bình an sau bao thao thức tinh thần.

4. “Thấy dân chúng, thì Người động lòng thương” – Xin cho trong giáo xứ có nhiều thanh thiếu niên biết đồng cảm với sự trắc ẩn của Chúa, mà xung vào đoàn ngũ những người dấn thân phục vụ Chúa và các linh hồn.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã cứu chuộc và ban muôn ân sủng cho chúng con. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực thi những điều Chúa dạy, để mãi mãi được sống trong tình thương chăm sóc của Ngài. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô…

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

Tinh thần mục tử

Như chúng ta đã biết dân Do Thái, một phần sống bằng nghề chăn nuôi, nên hình ảnh mục tử, người chăn dắt đoàn chiên, là một hình ảnh thật quen thuộc và gần gũi. Đavít ngày xưa, khi còn là một em bé chăn chiên, đã được Samuel xức dầu đặt làm vua. Sau này, trên ngai vàng, Đavít đã hướng dẫn dân Chúa tới một thời đại hoàng kim. Các ngôn sứ đã dùng hình ảnh mục tử, không phải để chỉ các vua mà còn ám chỉ chính Thiên Chúa, Ngài sẽ đích thân chăn dắt dân Ngài.

Lời tiên báo của các tiên tri đã được Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc sống của Ngài, bởi vì Ngài chính là vị mục tử nhân lành. Thái độ nhân lành ấy đã được biểu lộ qua việc ân cần chăm sóc mà đoạn Tin Mừng ngắn ngủi sáng nay đã ghi lại.

Trước hết là đối với các môn đệ đang mệt mỏi vì những cuộc hành trình truyền bá Phúc Âm, Ngài đã khuyên các ông hãy tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút. Tiếp đến là đối với đám đông đang đói lời giảng dạy cũng như đang khát sự dẫn dắt, Phúc Âm đã ghi lại: Nhìn thấy họ, Chúa Giêsu đã động lòng thương xót và Ngài đã làm phép lạ để họ được ăn no giữa chốn hoang vắng. Không một trang Phuc Âm nào, mà chúng ta không thấy được những hành động bác ái yêu thương Chúa Giêsu đã thực hiện, nào là chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết được sống lại, tất cả những hành động này chỉ nhằm một mục đích duy nhất là xoa dịu mọi nỗi đớn đau của con người. Hơn thế nữa, Ngài còn dành một tình cảm đặc biệt cho những kẻ tội lỗi. Ngài đối xứ với họ như mục tử đối xử với những con chiên lạc. Ngài đã lên đường tìm kiếm họ, và nhất là Ngài đã tha thứ cho họ. Cái ước vọng duy nhất của Ngài, đó là cuối cùng chỉ còn lại một đoàn chiên và một chủ chiên. Cũng trong ước vọng duy nhất này mà Ngài đã chấp nhận chịu chết để đoàn chiên, là tất cả chúng ta được sống.

Từ hình ảnh người mục tử chúng ta phải làm gì? Dĩ nhiên chúng ta chưa phải là những mục tử của Chúa, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể tham dự chúc vụ mục tử này nhờ bí tích Rửa Tội, hay nói một cách khác, cái tinh thần mục tử chính là cái tinh thần mà mỗi người chúng ta phải sống, phải thực hiện trong cuộc đời của mình. Vậy tinh thần mục tử là gì?

Xin thưa đó là tinh thần phục vụ. Đúng thế, người làm vua hay người làm mục tử theo tinh thần của Chúa, không phải là để cai trị dân hay đánh đập những con chiên của mình, nhưng là để an ủi khích lệ, giúp đỡ và phục vụ họ như lời Ngài đã phán: Ai muốn làm lớn thì hãy trở nên tôi tớ phục vụ cho mọi người. Chính Ngài cũng đã từng làm gương cho chúng ta: Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho mọi người.

Từ đó chúng ta đi đến một kết luận đó là: Sống tinh thần mục tử đó là sống tinh thần phục vụ, dấn thân để giúp đỡ anh em theo mẫu gương của Chúa Giêsu.

Vị mục tử.

Hẳn chúng ta đã biết một người nổi tiếng trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền vào khoảng thập niên 50, đó là mục sư Martin Luther King. Ông là nhà lãnh đạo hàng đầu được cả triệu dân Mỹ Châu da đen ủng hộ. Họ coi ông như một vị anh hùng. Mà quả thật, nếu không có ông, thì họ sẽ bơ vơ như đàn chiên không ai chăn dắt.

Một đêm nọ vào lúc một giờ sáng, ông bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Khi ông cầm máy lắng nghe, thì một giọng nói giận dữ vang lên: Này anh chàng da đen, hãy nghe đây, chúng tôi không cần đến anh. Anh đừng bén mảng đến phần đất của chúng tôi nữa. Nghe giọng nói đầy đe dọa này, ông đã thực sự hoảng sợ, và với chút can đảm còn sót lại, ông đã gục đầu kêu xin Chúa: Lạy Chúa, con đang đảm nhận một sứ vụ rất chính đáng, thế nhưng giờ đây, con vô cùng sợ hãi. Con không biết phải làm thế nào nữa. Một mình con không thể đương đầu nổi với trách nhiệm nặng nề này.

Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi trước trách nhiệm đã lãnh nhận. Chúng ta dường như không thể vác nổi gánh nặng đè xuống trên chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta cảm thấy như muốn kêu lên giống Chúa Giêsu trong vườn Cây dầu: Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén đắng này xa con. Noi gương Chúa Giêsu cũng như noi gương mục sư Martin Luther King, trong những lúc gặp khó khăn, trong những khi thất vọng nản chí, chúng ta hãy chạy đến với Chúa qua những tâm tình cầu nguyện. Chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Phúc âm kể lại, sau khi Đức Kitô cầu nguyện cùng Chúa Cha trong vườn Cây dầu, thì một thiên thần từ trời hiện đến an ủi và nâng đỡ Ngài. Còn mục sư Luther King cũng vậy, sau khi cầu khẩn cùng Chúa trong cái đêm đáng ghi nhớ ấy, ông đã ghi nhận được sự nâng đỡ của Chúa mà trước đó, ông chưa hề thấy.

Tóm lại, mỗi khi chúng ta cảm thấy gánh nặng của bổn phận, của trách nhiệm đè xuống trên mình, chúng ta hãy biết cầu nguyện, hãy biết tìm về với Chúa, và Ngài sẽ ban cho chúng ta nguồn sức mạnh, nâng đỡ chúng ta trên vạn nẻo đường đời, như lời Thánh vịnh đã viết: Chúa là mục tử, tôi chẳng còn thiếu thốn chi, Ngài dẫn tôi qua đường ngay nẻo chính. Dù bước đi trong thung lũng tối tăm, tôi chẳng hề lo sợ. Dù bị đè bẹp dưới muôn vàn gánh nặng, tôi cũng không nao núng.

Hay như lời Chúa đã kêu gọi: Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Bởi vì, có Chúa thì màng nhện cũng sẽ trở nên tường thành, còn không có Chúa, thì tường thành cũng chỉ là màng nhện mà thôi.

Nhịp sống Kitô hữu
– ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Trời có lúc mưa lúc nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng. Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để sống cho mình. Nhịp hai chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật tuần trước, ta đã thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Sống riêng tư thân mật với Chúa. Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp sống của người môn đệ Chúa.

Hoạt động và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Vì con người có thể xác nhưng cũng có linh hồn. Vì đời sống trong xã hội, con người có bổn phận đối với làng xóm, với đất nước. Để thăng tiến bản thân, gia đình và đất nước, ta phải học hành, lao động hết sức vất vả. Đó là nhiệm vụ bắt buộc. Một người có tinh thần trách nhiệm không thể nào xao lãng những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót rất lớn nếu con người chỉ biết có đời sống thể xác mà quên đi đời sống tâm linh. Thật vậy, con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đời sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Sẽ là khập khiễng, lệch lạc, què quặt nếu chỉ lo phát triển đời sống vật lý mà quên đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác.

Hơn thế nữa việc cầu nguyện sẽ hỗ trợ hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chức quyền. Một xã hội chỉ phát triển về vật chất mà không phát triển về đạo đức sẽ khó tồn tại. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời, ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa lỗi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Riêng trong lãnh vực tông đồ, cầu nguyện tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém. Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Hoạt động và cầu nguyện. Đó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt động của con người mới có nền tảng và bền vững.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Một ngày kết thúc mà bạn chưa cầu nguyện, bạn có cảm thấy như thế là thiếu sót như thể bạn chưa ăn gì trong ngày hôm ấy không?

2- Trước khi đi làm việc tông đồ, bạn có cầu nguyện không?

3- Hai nhịp trong đời sống bạn đã hài hoà chưa? Bạn sẽ làm gì để chỉnh đốn lại những lệch lạc trong nhịp sống?

4- Gia đình bạn có cầu nguyện chúng với nhau trước khi đi ngủ không?

HẾT LÒNG TIN CẬY MẾN
(CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 16 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa, và rộng tay ban phát mọi ơn lành, để chúng ta thêm lòng tin cậy mến mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy.

Xin thêm lòng tin cậy mến, để tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, bởi vì, chúng ta luôn phải đối mặt với những gian nan thử thách, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu… Lạy Chúa, tình thương Ngài đã nâng đỡ con. Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng. Cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi.

Xin thêm lòng tin cậy mến, để tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, bởi vì, chúng ta phải làm chứng cho Chúa qua cách ăn nết ở của mình, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Không phải chỉ cần mang danh Kitô hữu, mà phải thật sự là Kitô hữu… Anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch. Hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh. Làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy.

Xin thêm lòng tin cậy mến, để tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, bởi vì, Chúa chính là Mục Tử Nhân Lành hằng luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia rằng: Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng. Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi, trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 22, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cũng đã nói: Chính Đức Giêsu là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Dothái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại: Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt, và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi: nghe tiếng Chúa là làm theo những gì Chúa truyền dạy, mà để có thể làm theo những gì Chúa truyền dạy, đòi hỏi chúng ta phải có lòng tin cậy mến. Lòng tin cậy mến sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách, dù qua lũng âm u, chúng ta cũng không sợ hãi gì, bởi vì, chúng ta luôn có Chúa ở ngay bên cạnh, Người sẽ can thiệp kịp thời ngay lập tức, để giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi gian truân, vấn đề là chúng ta có đặt hết niềm tin tưởng cậy trông nơi Người hay không mà thôi. Chúa tỏ lòng nhân hậu với chúng ta, và rộng tay ban phát mọi ơn lành cho chúng ta, ước gì chúng ta biết hết lòng tin cậy mến Chúa, mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVI Thường niên -Năm B

CN16TNb 2

Mc 6, 30-34
“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.
        
Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
        
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên -Năm B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 

 

MỘT CHỦ ĐỀ LUÔN CÓ TÍNH THỜI SỰ: MỤC TỬ
(Chúa nhật XVI TNB) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Khởi đầu phần Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVI Thường niên -Năm B, Giáo hội cho chúng ta nghe những lời đanh thép thật đáng sợ: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác, sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23,1)… “Này Ta để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi…” (c.3). Các hành vi gian ác của các mục tử đã rõ ràng với lời nguyền rủa của Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Giêrêmia. Đó là những mục tử làm cho đàn chiên tan tác vì chẳng lưu tâm gì đến đàn chiên. Đó là những mục tử chỉ biết lo cho bản thân, mải mê kiếm tìm quyền lực, thu tích của cải. Và chuyện gì sẽ đến, rồi sẽ đến, đó là sự vinh thân phì da và sự sa đọa cách này kiểu khác của những người mang danh là mục tử. Các hậu quả mà chính vị mục tử gánh lấy có thể không xảy ra ở đời này nhưng chắc chắn không thể tránh được ở đời sau. Tuy nhiên, với chính đàn chiên thì hậu quả như nhãn tiền ở đời này. Đàn chiên tan tác, con thì gầy yếu, con thì bệnh tật, con thì bỏ mạng dưới móng vuốt của thú dữ rừng hoang… Chính vì lợi ích của đàn chiên do đó Thiên Chúa không thể không ra tay đúng lúc, đúng thời. Người sẽ loại bỏ các mục tử vô tâm và bất nhân ấy để rồi “sẽ cho xuất hiện các mục tử tốt lành” (c.4).
        
Vị mục tử tốt lành “chính danh” đã xuất hiện. Có thể nói rằng một người duy nhất trong nhân loại đã tự giới thiệu: “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10,11), đó là Chúa Giêsu Kitô, Cứu Chúa của chúng ta. Đây là một sự tự khẳng định không phải liều lĩnh hay khoa trương, nhưng rất có căn cứ. Chính con người và cuộc đời của Chúa Giêsu mà Tin Mừng tường thuật xác nhận cho ta căn cứ này. Tin mừng Thánh Gioan trình bày khá đầy đủ về hình ảnh vị mục tử nhân lành. Đó là người biết chiên, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đàn chiên, là người luôn đi trước đàn chiên để dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát, để bảo vệ đàn chiên trước nanh vuốt của sói dữ và ác thù. Chúa Nhật XVI Thường niên -Năm B, Mẹ Hội Thánh giới thiệu cho chúng ta đoạn Tin Mừng thánh Maccô mô tả một vài nét về vị mục tử ấy, đó là người biết quan tâm đến đàn chiên cách cá thể và cụ thể, toàn diện và đến cùng.

        
1. Yêu thương cách cá thể và cụ thể: Giêsu không chỉ yêu thương đàn chiên cách tổng thể nhưng còn với tính cách cá thể từng chiên một. Người sẵn sàng bỏ 99 con chiên để tìm cho được một con chiên lạc bầy. Đó là người phụ nữ bị bệnh băng huyết đã 12 năm. Đó là người bại tay trong một Hội đường nhân ngày hưu lễ. Đó là hai người bị quỷ ám ở vùng Ghêrada, là em bé con ông Giairô, trưởng Hội đường được chỗi dậy từ cõi chết. Và giờ đây, đó là nhóm Mười Hai tông đồ đang mệt nhoài vì chuyến đi truyền giáo vất vả.

        
Tình yêu của mục tử Giêsu không dừng lại ở tình cảm suông, nhưng luôn được thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực, thấy được, cảm được và chứng nghiệm được. Không phải chúng ta cổ võ chủ nghĩa duy hiệu năng nhưng lắm khi việc xem thường các kết quả bên ngoài cũng là một trong những cách thế che đậy sự thiếu dấn thân tích cực hoặc biện minh cho một thứ tình cảm hời hợt trên môi miệng.

        
2. Yêu thương cách toàn diện: Vị mục tử Giêsu không phải yêu thương đàn chiên cách phiến diện hoặc chỉ có linh hồn hay chỉ có thể xác. Người chăm sóc đàn chiên cách toàn diện cả xác lẫn hồn. Không chỉ rao giảng tin mừng cho dân chúng, nhưng khi thấy họ đang cồn cào vì bụng đói thì Người đã cho họ no nê bằng bánh và cá. Người không chỉ chữa lành bệnh tật cho chiên mà còn xua trừ ma quỷ ra khỏi chiên. Người không chỉ nhắm đến chuyện tâm linh mà còn lo lắng cả phương diện thể lý của các môn đệ. “Các con hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Một lời chỉ dạy vừa thân tình vừa thiết thực. Giữa một thế giới đầy tiếng động, lắm tất bật do bởi công việc, nhiều căng thẳng vì các kế hoạch, chương trình chồng chất… thì một vài giây phút nghỉ ngơi, thư giãn quả là rất cần thiết cho thể lý và tâm hồn. Ai không biết nghỉ ngơi thì cũng khờ dại không kém gì người lười biếng không chịu làm việc. Một vị thầy vừa lo lắng cho các môn sinh về việc làm là sai đi truyền giáo sau khi đã ban cho họ quyền trên bệnh tật và ma quỷ, nay lại còn lo cho họ cả chuyện nghỉ ngơi, đích thật là vị mục tử tốt lành.
        
3. Yêu thương cho đến cùng: Nói đến tính đến cùng trong tình yêu của vị mục tử Giêsu, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến việc Người hiến dâng mạng sống vì đàn chiên. Tuy nhiên bài Tin Mừng Chúa Nhật này lại cho ta thấy một nét trong tình yêu đến cùng của Người đó là sẵn sàng từ bỏ nhu cầu chính đáng của mình vì nhu cầu cấp thiết của đàn chiên. “Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (c.34).
        
Hơn bao giờ hết, ngày nay, chúng ta không chỉ mong mà còn khao khát có được nhiều mục tử tốt lành. Chúng ta cầu nguyện. Quả không sai. Thế nhưng, chúng ta đừng quên Chúa muốn thánh ý của Người được thể hiện qua những con người, qua chúng ta. Hãy nỗ lực cộng tác với Chúa để loại ra khỏi cộng đoàn những mục tử gian ác, những mục tử chỉ biết mưu cầu lợi ích bản thân, những mục tử làm đàn chiên tan tác, những mục tử không có tấm lòng với chiên, không lo lắng cho đàn chiên cách cá thể từng chiên một, cách cụ thể bằng hành động. Hãy loại ra khỏi cộng đoàn những mục tử không biết yêu thương đàn chiên cách toàn diện cả xác lẫn hồn, cả chuyện tâm linh lẫn đời sống thể lý, kinh tế văn hoá… Và hãy loại đi cả những mục tử chỉ biết đặt nhu cầu của mình, cho dù là chính đáng, lên trên nhu cầu cấp thiết của đàn chiên.

        
Nghe hai từ loại bỏ thì có vẻ nhẫn tâm và bất hiếu hay vô đạo. Cách riêng với tâm lý Á Đông thì thường không nỡ “cạn tào ráo máng”. Hơn nữa, tín hữu Kitô chúng ta vốn sợ mang tai mang tiếng khi có chuyện đụng chạm đến các đấng bậc bề trên. Tín hữu giáo dân vốn rất sợ mang tiếng chống cha, chống cụ, và lại còn sợ Chúa phạt, khiến cả gia đình ngóc đầu lên không nổi. Dĩ nhiên, nếu chúng ta loại bỏ các mục tử gian ác bằng các phương thế tiêu cực thì quả là đáng trách và không phải phép. Không ai là không thể đổi thay. Vậy cách thế tích cực hơn là hãy tìm cách xây dựng các chủ chăn vô tình, tắc trách, thành những mục tử nhân hậu, tốt lành theo khả năng và hoàn cảnh của chúng ta. Các phương thế xây dựng thì đủ kiểu, nhiều cách, miễn sao chúng được thực thi trong đức ái.

        
Chủ đề “mục tử” (trong Giáo Hội) và “người lãnh đạo” (ngoài xã hội) luôn có tính thời sự. Tất vì một lẽ thường tình: “mạnh ở tướng chứ mạnh gì ở quân”.

 

Chúa nhật 16 mùa thường niên, năm B (Ngày 21/07/2024)
Lm. Trần Mạnh Hùng

Bài đọc 1: Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia (Gr 23, 1-6)
Bài Đọc II:  Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô (Ep 2, 13-18);
Phúc Âm: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 6, 30-34)
 
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu mời các môn đệ đi cùng Người đến một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và tĩnh lặng một chút. Tuy nhiên, khi đến nơi đã chọn, họ nhận ra rằng đám đông đã đi trước họ và đang chờ họ đến.

Chúng ta thấy ở đây một ví dụ về sự giằng co và căng thẳng thường gặp phải trong đời sống của mỗi Kitô hữu.

Một mặt, cần phải tìm đến một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và lấy lại sức khỏe, sau thời gian làm việc mệt nhọc, cùng lúc dành thời gian để suy ngẫm và đánh giá những gì mình đã làm và tái tạo năng lượng tâm linh của mình. Đồng thời, luôn có những yêu cầu và đòi hỏi liên tục về việc cam kết dấn thân và phục vụ của chúng ta. Chúng ta cần đáp ứng một cách quảng đại, nhanh chóng và đồng cảm ở những nơi có nhu cầu thực sự.

Sự nhấn mạnh là “nhu cầu thực sự” chứ không chỉ vào nhu cầu của người khác hoặc mong muốn mình có thể đáp ứng những nhu cầu của họ. Điều này đòi hỏi sự khôn ngoan và sáng suốt của chúng ta khi cân nhắc các nhu cầu thiết thực. Sẽ có những lúc, mặc dù trong khó khăn, nhưng chúng ta biết mình nên trả lời sẽ sẵn sàng và nói “Có”. Rồi sẽ có những lúc, bất chấp những lời chỉ trích của người khác, mà nó có thể tạo ra, chúng ta phải nói dứt khoát trả lời “Không”. Chúng ta (những người đóng vai trò là các mục tử hay chịu trách nhiệm chăm sóc người khác) cần sẵn sàng nhưng không có sự sẵn sàng tuyệt đối, vì chúng ta bị hạn chế về khả năng, chất lượng, lẫn các dịch vụ mà chúng ta có thể cung cấp. Nói tóm lại, chúng ta không thể đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của người khác, dù chúng ta rất mong muốn, đó là sự thật không thể chối bỏ.

Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đôi khi chúng ta thấy Người rời xa dân chúng, bất chấp những đòi hỏi của họ, và đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện. Trong hoàn cảnh của bài Tin Mừng hôm nay (Chúa nhật thứ 16 thường niên, năm B, Mc 6, 30-34),  mặc dù Chúa Giêsu đã có ý định dành thời gian yên tĩnh với các môn đệ của mình nhưng rõ ràng nhu cầu của dân chúng (đoàn chiên) cần được đáp ứng tích cực. Họ giống như ‘con chiên không có người chăn’. Họ cần được dạy dỗ và họ cần được cho ăn (hay nuôi dưỡng). Chúa Giêsu đã làm cả hai. Việc cho ăn là cho cả thể xác và tinh thần.[1]

Chúng ta, với tư cách là những mục tử, giống như Chúa Giêsu cần được tự do và không bị ràng buộc hoặc không bị cản trở bởi hành lý vật chất hoặc tinh thần hoặc cảm xúc hoặc tâm linh. Chúng ta là những linh mục hoặc giám mục được mời gọi làm mục tử; chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi để hợp tác với Ngài trong việc dạy dỗ, chữa lành và nuôi dưỡng. Tuy nhiên, nếu muốn làm điều này một cách hiệu quả, chúng ta cũng cần dành thời gian để nghỉ ngơi, để thư giản và nhất là chúng ta cần dành thời gian để cầu nguyện và sống thân tình với Chúa hầu đổi mới tâm hồn và múc lấy năng lượng tâm linh từ nơi Thiên Chúa.

Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới bận rộn và chạy đua với thời gian, nơi có rất nhiều tiếng kêu và than vản “Tôi không có thời gian!” liên tục được vang lên từ các linh mục cũng như người giáo dân. Tuy nhiên, khi xem xét và đáng giá về điều này, thực tế cho thấy, chúng ta bỏ ra khá nhiều thời gian để xem Tivi (máy truyền hình) và phim ảnh, cũng như “chat” trên Facebook, hoặc vào Tiktok để xem các videos, g ọi là để giải trí. Chúng ta có rất nhiều thời gian để đọc tin tức, đi mua sắm hoặc chỉ để buôn chuyện về những điều vô ích. Tuy nhiên, chúng ta lại không có thời gian để cầu nguyện, suy ngẫm và đổi mới tầm nhìn cuộc sống của mình.

Là những người mục tử, chúng ta có một thông điệp cần truyền đạt. Và thông điệp đó là gì? Đó chính là thông điệp mà Chúa Giêsu đã mang đến – Tin Mừng về việc biến Nước Trời thành hiện thực trong thế giới của chúng ta. Vương quốc đó có thể được mô tả bằng nhiều cách. Trong Bài đọc thứ hai hôm nay, Thư của Thánh Phaolô gởi cho các tín hữu thành Êphêsô, nó được mô tả như sau:

“Chính Chúa Giêsu là sự bình an của chúng ta; qua mầu nhiệm nhập thể, nơi bản tính con người, Ngài đã kết hợp giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính con người và biến cả hai thành một nơi thân xác của mình và Ngài đã phá bỏ bức tường ngăn cách, tức là sự thù địch giữa chúng ta, bãi bỏ luật pháp với các điều răn và mệnh lệnh của nó, để Ngài có thể tạo ra trong mình một nhân loại mới thay thế cho cả hai, do đó tạo nên hòa bình, và có thể hòa giải cả hai với Thiên Chúa trong một thân xác qua mầu nhiệm thập giá, nhờ đó qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu đã tiêu diệt sự chết và tội lỗi qua cuộc khổ nạn của Ngài trên thập giá. Nhờ vào cái chết và sự sống lại của Ngài mà chúng ta được đón nhận ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu.

Chúng ta có thể nói rằng đó là sự mô tả chính xác về đời sống đích thực của người Kitô hữu của chúng ta không?

Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cùng với Mục Tử Nhân Lành là chính Chúa Giêsu đưa đàn chiên bị phân tán và chia rẽ về lại với nhau, phá bỏ những rào cản chia rẽ và chia cắt con người với nhau – dù đó là ở cấp độ quốc gia, chủng tộc hoặc nhóm dân tộc, ở cấp độ tôn giáo hoặc tầng lớp xã hội, hoặc đơn giản là đưa trở lại cộng đồng những người vì sự kỳ thị của xã hội, hoặc bệnh tật luôn bị gạt ra ngoài lề xã hội của chúng ta. Chỉ bằng cách này, bình an của Chúa Kitô mới trở thành hiện thực trong trái tim chúng ta, trong xã hội và trong Giáo hội của chúng ta.

 


[1] . Điều này dạy cho chúng ta, nhất là các vị chủ chăn của Giáo hội, một bài học rất ý nghĩa và thiết thực, chúng ta cần phải chăm sóc đàn chiên, không những chỉ về mặt tinh thần mà cả về mặt vật chất, khi điều kiện và hoàn cảnh cho phép.

THẢ TÔI NẰM NGHỈ
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Trong đồng cỏ xanh tươi, Người thả tôi nằm nghỉ!”.

“Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không biết nghỉ ngơi!” - Blaise Pascal.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta khám phá tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi. Sau khi thi hành sứ vụ, các tông đồ thấm mệt, trở về; Chúa Giêsu bảo, “Các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật phù hợp, “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người thả tôi nằm nghỉ!”.

‘Nghỉ ngơi trong Chúa’ có nghĩa là ‘cầu nguyện!’. Một trong những cám dỗ mà bất cứ Kitô hữu nào cũng có thể không chống nổi là muốn làm quá nhiều việc; và do đó - mỗi ngày một chút - xa Chúa dần! Về việc cầu nguyện - thời khắc Chúa ‘thả tôi nằm nghỉ’ - một trong những mối nguy lớn nhất là bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng, có những việc lớn lao hơn, quan trọng hơn và cấp bách hơn cần làm, dẫn tới chỗ thiếu quan tâm đến ‘việc ở lại với Chúa’; và cho dẫu đó là việc của Chúa thì “Chúa vẫn luôn quan trọng hơn việc của Ngài!”. Vì lý do đó, Chúa Giêsu nói với các tông đồ - dù đã kiệt sức nhưng vẫn phấn khởi vì mọi việc đã diễn ra quá tốt đẹp - rằng, họ phải nghỉ ngơi!

Để có thể ‘nghỉ ngơi trong Chúa’ đúng cách, bạn phải ‘ở lại với Chúa Giêsu’, người mà bạn sẽ trò chuyện. Hãy xác tín bạn đang ở với Ngài! Vì lý do này, mọi giờ cầu nguyện phải luôn luôn bắt đầu bằng việc ý thức sự hiện diện của Chúa, đây thường là phần khó khăn nhất. Thứ đến, bạn phải ‘ở một mình’ với Ngài, vì nếu thực sự muốn nói chuyện thân mật và sâu sắc với ai, chúng ta chọn ở một mình với họ.

Thánh Pierre Julian Eymard cảnh báo chúng ta về mối nguy ‘lấp đầy lời tạ ơn’ sau rước lễ bằng nhiều lời thuộc lòng. Ngài nói, “Sau khi rước Mình Thánh Chúa, điều tốt nhất nên làm là thinh lặng để Chúa Giêsu nói với chúng ta thay vì nói với Ngài về những kế hoạch và những dự án. Tốt hơn, hãy để Chúa Giêsu hướng dẫn và khích lệ bạn!”.

Ngài là hiện thân của Thiên Chúa Mục Tử - bài đọc một - Ngài rao giảng và làm các công việc Chúa Cha trao. Ngài không bỏ mặc những nhu cầu của đám đông, nhưng mỗi ngày, trước hết, Ngài rút lui để cầu nguyện trong thinh lặng, trong sự thân mật với Cha. Lời mời dịu dàng của Ngài - hãy nghỉ ngơi đôi chút - sẽ đồng hành với chúng ta mỗi ngày và mọi ngày.


Kính thưa Anh Chị em,

“Người thả tôi nằm nghỉ!”. Cầu nguyện, chiêm ngắm, sẽ là nơi mà lòng từ bi phát sinh. Nếu chúng ta biết cách nghỉ ngơi thực sự, chúng ta sẽ có khả năng từ bi thực sự; nếu chúng ta biết trau dồi một đời sống chiêm niệm, cầu nguyện, chúng ta sẽ thực hiện các hoạt động của mình mà không có thái độ tham lam của những kẻ muốn sở hữu và tiêu thụ mọi thứ. Nếu chúng ta giữ liên lạc với Chúa và không gây mê phần sâu thẳm nhất của mình, thì những việc phải làm sẽ không có khả năng gây kiệt sức hoặc nuốt chửng chúng ta. Hãy lắng nghe điều này, chúng ta cần một “bầu sinh thái của trái tim”, bao gồm sự nghỉ ngơi trong Chúa, chiêm ngắm Ngài, vì Chúa Giêsu đang muốn ‘thả tôi nằm nghỉ!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để sự hấp tấp chiếm lĩnh trái tim con; nhờ đó, con mới có thể lay động được các tâm hồn, để ý đến những vết thương và cả những nhu cầu của họ!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây