23/07/2024
THỨ BA TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
Thánh Birgitta, nữ tu
Mt 12,46-50
GIA ĐÌNH THẬT CỦA CHÚA
“Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,46-50)
Suy niệm: Phúc Âm theo thánh Mát-thêu không nói rõ, nhưng Phúc Âm theo thánh Mác-cô thì cho biết các kinh sư vu khống Đức Giê-su trừ được quỷ vì có quỷ vương Bê-en-dê-bun chống lưng, còn những người bà con cho rằng Đức Giê-su mất trí nên đến tìm bắt Ngài về (x. Mc 3,21-22). Nhân dịp này Chúa Giê-su cho biết gia đình thật của Chúa được thiết lập bởi-nhờ-trong đức tin, gồm những người “thi hành ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.” Như thế, Đức Ma-ri-a là Mẹ Đức Giê-su không chỉ vì đã sinh Ngài ra làm người, mà phải nói rằng Mẹ được hồng ân đó vì đã mau mắn thưa lời “xin vâng”. Mẹ không chỉ thuộc về gia đình huyết thống của Đức Giê-su, mà còn là người đầu tiên thuộc về gia đình thật của Thiên Chúa.
Mời bạn: Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bạn được hồng ân gọi Thiên Chúa là Cha và trở thành “người nhà của Thiên Chúa” và được tháp nhập vào gia đình thật của Thiên Chúa. Là “mẹ” của Đức Ki-tô, bạn và tôi phải là những người loan báo Tin Mừng, để sinh ra những “người con” trong gia đình của Thiên Chúa. Là “anh em, chị em” với Chúa Ki-tô, chúng ta biết đối xử với nhau trong tình yêu thương hiệp nhất và sẵn sàng chia sẻ vui buồn với nhau.
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện và hoà giải với những người đang có mối bất hoà với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trở thành người nhà của Chúa là vinh dự lớn lao, nhưng cũng là sứ mạng đòi hỏi. Xin cho con gắng sức chung tay xây dựng gia đình của Chúa trong chân lý, bác ái, quảng đại, khiêm tốn và vui tươi khi thực thi sứ mạng ấy. Amen.
Ngày 23: Lạy Chúa! Trong cuộc đời này, vui buồn, sướng khổ, thành bại của chúng con, không phải là do người khác đem lại, nhưng là do chính bản thân chúng con có cái nhìn tích cực hay không: Nếu chúng con nhìn thế giới bằng cặp mắt bi quan, thì thế giới sẽ ảm đạm. Nếu chúng con nhìn thế giới bằng đôi mắt lạc quan, thế giới sẽ đầy tràn hạnh phúc và có rất nhiều điều đáng để cho chúng con học hỏi. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra rằng: vui buồn, sướng khổ, thành bại vốn dĩ không có ranh giới phân biệt rạch ròi, mà chỉ do sự cảm nhận trong lòng chúng con mà thôi. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Kìa Thiên Chúa phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi đã tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa, và lạy Chúa, tôi sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành để chúng con thêm lòng tin cậy mến và chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Xh 14, 21 – 15, 1
“Con cái Israel đi qua giữa biển ráo chân”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, khi Môsê giơ tay trên biển, thì bằng một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, Chúa dồn biển lui và làm cho biển khô cạn. Nước rẽ ra và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước dựng lên như bức thành hai bên tả hữu. Người Ai-cập đuổi theo, toàn thể binh mã của Pharaon, chiến xa và kỵ binh đi theo sau Israel vào giữa lòng biển.
Lúc gần sáng, qua cột mây lửa, Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người lật đổ bánh xe, khiến xe tiến tới thật vất vả. Người Ai-cập nói: “Ta hãy chạy trốn Israel, vì Chúa chiến đấu giúp họ, chống chúng ta”.
Chúa phán bảo Môsê: “Hãy giơ tay trên biển để nước trở lại vùi dập người Ai-cập, chiến xa và kỵ binh của chúng”. Môsê giơ tay trên biển, và lúc tảng sáng, biển trở lại như cũ. Người Ai-cập chạy trốn, gặp ngay nước biển ập lại. Chúa xô chúng ngã giữa lòng biển. Nước trở lại, vùi dập chiến xa và kỵ binh. Toàn thể quân lực của Pharaon đã theo dân Israel xuống biển, không còn tên nào sống sót. Còn con cái Israel đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước dựng như bức thành hai bên tả hữu.
Ngày đó Chúa cứu Israel khỏi tay Ai-cập. Và họ thấy xác người Ai-cập trôi dạt đầy bờ, và thấy cánh tay oai hùng của Thiên Chúa đè bẹp Ai-cập, toàn dân kính sợ Chúa, tin vào Chúa và vào Môsê tôi tớ Người.
Bấy giờ Môsê cùng với con cái Israel hát mừng Chúa bài ca này: “Tôi sẽ ca tụng Chúa, vì uy linh Người cao cả, Người đã ném ngựa và người xuống biển khơi”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Xh 15, 8-9. 10 và 12. 17
Ðáp: Chúng ta hãy ca tụng Chúa, vì Người uy linh cao cả (c. 1a).
Xướng: Gió hận thù của Chúa thổi lên dồn nước đông lại, những dòng nước đứng dựng lên như thể bức tường, sóng cả vực sâu đông đặc giữa biển khơi. Tên địch tự nhủ: “Ta rượt theo và truy nã, ta sẽ tuốt gươm ra, tay ta sẽ lột trần bọn chúng”.
Xướng: Nhưng Chúa đã thổi gió lên, biển đã nuốt trơn quân thù, chúng chìm lỉm như hòn chì giữa nước biển bao la. Chúa giơ tay hữu ra, đất đã nuốt trửng quân thù, vì tình thương Chúa lãnh đạo dân tộc Người giải thoát.
Xướng: Chúa sẽ đưa họ tới và định cư trên núi thuộc cơ nghiệp Người; ở chính nơi mà Chúa đã chọn làm nhà trú ngụ, lạy Chúa, nơi thánh điện mà tay Chúa đã dựng nên.
Bài Ðọc I: (Năm II) Mk 7, 14-15. 18-20
“Chúa ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển“.
Trích sách Tiên tri Mikha.
Lạy Chúa, với cây trượng của Chúa, xin chăn dắt dân Chúa, chăn dắt những con chiên thuộc quyền sở hữu của Chúa sống lẻ loi trong rừng, ở giữa núi Carmêlô. Tất cả được chăn dắt ở Basan và Galaad như ngày xưa. Như ngày ra khỏi Ai-cập, tôi cho nó thấy những việc lạ lùng. Có Chúa nào giống như Chúa là Ðấng dẹp tan mọi bất công, và tha thứ mọi tội lỗi của kẻ sống sót thuộc về Chúa? Chúa không khư khư giữ mãi cơn thịnh nộ của mình, vì Chúa ưa thích từ bi. Chúa còn thương xót chúng tôi, còn dày đạp những bất công của chúng tôi dưới chân Chúa, và ném mọi tội lỗi chúng tôi xuống đáy biển. Chúa ban cho Giacóp biết sự trung thành của Chúa, cho Abraham biết lòng từ bi mà Chúa đã thề hứa với tổ phụ chúng tôi từ ngàn xưa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 84, 2-4. 5-6. 7-8
Ðáp: Lạy Chúa, xin cho chúng con được nhìn thấy tình thương của Chúa (c. 8a).
Xướng: Lạy Chúa, Chúa đã phù trợ đất nước của Ngài, đã tài tình thay đổi số phận nhà Giacóp. Chúa đã tha thứ lỗi lầm của dân Ngài, và che đậy mọi điều tội ác của họ. Chúa đã cầm hãm tất cả sự bất bình, và tự nguôi đi lòng phẫn nộ.
Xướng: Lạy Chúa là Ðấng cứu độ, xin thương hồi phục chúng con, và từ bỏ lòng xung giận chúng con. Phải chăng Chúa giận chúng con muôn đời ngàn kiếp, hay là kéo dài lòng căm hận tới muôn đời?
Xướng: Há không phải chính Ngài cho chúng con hồi sinh, để dân tộc Ngài được hoan hỉ ở nơi Ngài? Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 12, 46-50
“Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: “Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia”. Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: “Ðây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa là Cha nhân từ, Chúa đã dùng hiến tế duy nhất của Ðức Kitô trên thập giá làm cho các hy lễ theo luật Môsê được đầy đủ ý nghĩa. Xin thánh hoá lễ vật chúng con dâng với cả tấm lòng thành, cũng như xưa Chúa đã vui lòng thánh hoá lễ vật của Aben. Nhờ đó, hiến lễ mỗi người chúng con dâng lên để tôn vinh Danh Thánh sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng ghi nhớ, Chúa thật là Đấng nhân hậu và từ bi; Người đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ cửa, nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào nhà người ấy, và sẽ dùng bữa tối với nó, và nó sẽ dùng bữa với Ta.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin phù trợ chúng con là đoàn dân Chúa. Chúa đã lấy bánh bởi trời và nuôi dưỡng chúng con, xin cũng giúp chúng con từ bỏ nếp sống cũ và hân hoan bước vào đời sống mới. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG (Mt 12,46-50)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Theo Chúa Giê-su, tình huyết nhục là tình rất cần thiết. Chính Ngài là con người nên cũng sống theo tình cảm đó. Tuy nhiên, ở đây, không phải Chúa Giê-su coi nhẹ tình gia đình tự nhiên, cũng không phải Ngài lãnh đạm với Mẹ và anh em của Ngài, nhưng Ngài đề cao mối liên hệ thiêng liêng trong niềm tin và lòng yêu mến. Thái độ và lời nói của Chúa Giê-su trong chuyện này nhằm đề cao những người lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Chúa quý chuộng họ còn hơn những kẻ có liên hệ huyết nhục với Ngài nữa.
2. Trong cuộc sống, vì nhiều hoàn cảnh, các thành viên trong gia đình nhiều khi phải phân tán để ra đi đến nơi xa lạ nhằm kiếm miếng cơm manh áo hay học hành hoặc vì sứ vụ… Nỗi lòng nhớ quê hương và người thân hẳn không bao giờ vơi đi trong lòng người xa quê. Như vậy, nếu may mắn có cơ hội được gặp người thân nơi đất khách quê người thì thật là hạnh phúc, nhất là người đó lại là cha mẹ hay anh chị em thân thiện với mình.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy phản ứng ngược lại tình cảm tự nhiên của Chúa Giê-su. Khởi đi từ việc Mẹ Ma-ri-a và anh chị em của Chúa Giê-su đến gặp Ngài. Khi được tin báo, thay vì hồ hởi, tay bắt mặt mừng để ra chào đón Mẹ và anh em của mình, thì Chúa Giê-su lại chỉ tay vào các môn đệ và những người đang nghe giảng mà nói: “Đây là mẹ và anh em của ta”, phải chăng có phũ phàng không?
3. Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giê-su xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao Mẹ Ma-ri-a nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi: “Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Chúa Giê-su coi việc những ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em của Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, chúng ta trở thành mẹ Chúa – bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Ki-tô nơi anh em. Như thánh Phao-lô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Giê-su Ki-tô, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4,15) (Hiền Lâm).
4. Thật ra, thái độ và lời nói của Chúa Giê-su trong câu chuyện hôm nay rõ ràng là nhằm đề cao những người biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chúa quí trọng họ hơn những người có liên hệ huyết nhục với Ngài.
Mát-thêu không nêu lên lý do tại sao mẹ và anh em Chúa Giê-su lại đến tìm Ngài. Điều đó có lẽ không cần thiết. Mát-thêu chỉ muốn tạo cho Chúa Giê-su một dịp để bộc lộ tư tưởng của Ngài về mối liên hệ mới, mối liên hệ đích thực của mọi người với Chúa: “Ai là mẹ ta và anh em ta” (Mt 18,48)?
Câu trả lời của Chúa Giê-su đưa người nghe đến một sự so sánh giữa liên hệ huyết thống và liên hệ đức tin. Chúa không phủ nhận Đức Ma-ri-a là thân mẫu của mình cũng không phủ nhận anh em trong dòng họ của mình, nhưng từ dòng họ huyết thống, Chúa Giê-su đưa mọi người nghe đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em của Ngài: Ngài giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ ta, đây là anh em ta” (Mt 12,49). Và Chúa còn giải thích thêm: “Phàm ai thi hành ý muốn của cha Ta, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em ta, là mẹ Ta” (Mt 12,50). Nói cách khác, quan hệ với Thiên Chúa phải được coi là quan trọng hơn quan hệ huyết thống rất nhiều (Đinh Tất Quý).
5. Thánh Mát-thêu mô tả “mẹ và anh em” Chúa là những người “đứng bên ngoài” (x.Mt 12,46), còn các môn đệ, những người đang nghe Ngài giảng là những người ở vòng trong. Một cách công khai, Chúa Giê-su cho biết nếu chỉ dựa vào mối liên hệ huyết thống thì chưa phải là người thân thiết chưa thuộc về gia đình Thiên Chúa với Ngài. Đúng hơn, gia đình của ngài gồm tất cả những ai “thi hành ý muốn của Cha”. Đó là một cơ hội cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc gia dân tộc, không phân biệt giàu nghèo, đều có thể thuộc về gia đình của Chúa nếu thi hành ý muốn của Cha trên trời. Nhưng ý muốn của Cha là gì? Xin thưa đó là tin vào Chúa Giê-su và làm theo lời Ngài dạy (x.Ga 6,40) ( 5 phút Lời Chúa).
6. Truyện: Bà có phải là Mẹ của Giê-su không?
Vào một buổi tối mùa đông nọ, một người phụ nữ đang ngồi trên xe hơi đi ngang qua một con đường trong thành phố. Bà thấy một em bé trai, đi chân không, áo quần rách rưới, nhìn chăm chú và thèm muốn các đôi giầy để sau tủ kính của một hiệu buôn. Bà cho dừng xe lại, bước xuống xe, lại gần vỗ nhẹ vào má em, vừa cười vừa nói:
– Em làm gì ở đây vào giờ lạnh buốt thế này?
– Em xin Chúa Giê-su cho em một đôi giầy. Bé trả lời.
– Vậy thì đi theo cô.
Bà vừa nói vừa cầm tay em bé dẫn đi.
– Hãy thử xem Đức Giê-su cứu giúp những đứa trẻ như em và làm chúng hạnh phúc không?
Bà đi vào tiệm buôn, một nơi quá quen thuộc đối với bà. Bà mua cho em một đôi tất len dầy và một đôi giầy chắc chắn rồi tự tay bà xỏ cho em. Em bé đứng há hốc miệng nhìn, chẳng nói được một lời nào. Khi người đàn bà sắp từ giã em, em chăm chăm nhìn bà, nước mắt trào ra, và hỏi bà:
– Bà ơi! Bà có phải là Mẹ của Giê-su không?
THI HÀNH Ý MUỐN CỦA CHÚA CHA
(THỨ BA TUẦN 16 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 16 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tỏ lòng nhân hậu với chúng ta, và rộng tay ban phát mọi ơn lành, để chúng ta thêm lòng tin cậy mến mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy.
Muốn tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, thì cần phải cậy nhờ Thần Khí và ơn Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Phục vụ Thần Khí quả là một sứ mạng cao cả: Nhờ Đức Kitô, chúng tôi dám tin tưởng vào Thiên Chúa. Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Không phải do chúng tôi, là do ơn Thiên Chúa.
Muốn tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, thì phải kiên trì và giữ vững niềm tin cậy, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Vậy anh em hãy cố gắng kiên trì sống theo giáo lý của Chúa và của các Tông Đồ, để anh em thành công trong mọi việc anh em làm… Tôi nguyện xin Chúa Cha ban cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn. Anh em hãy sống kết hợp với Đức Kitô, hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn.
Muốn tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, thì phải nhận ra tình yêu, lòng thương xót, mà Chúa dành cho chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Mikha nói: Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 84, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa. Lạy Chúa, Ngài đã tỏ lòng thương thánh địa, tù nhân nhà Giacóp, Ngài dẫn đưa về. Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm, cũng phủ lấp đi. Ngài dẹp trận lôi đình và nguôi cơn thịnh nộ.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi. Tuân giữ lời Đức Giêsu và thi hành ý muốn của Chúa Cha là tấm căn cước cho thấy chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu và là con cái của Cha trên trời. Chúng ta trở thành gia đình, người nhà của Đức Giêsu, khi chúng ta thi hành ý muốn của Chúa Cha, bởi vì, Đức Giêsu được sai đến để làm theo ý Chúa Cha, và Người được gọi con Con Yêu Dấu của Chúa Cha do bởi sự vâng phục trọn hảo của Người. Chính Chúa Cha đã kêu gọi chúng ta hãy vâng nghe lời Con của Người. Nếu chúng ta tuân giữ lời của Đức Giêsu, thì Chúa Cha yêu mến chúng ta, và Người sẽ đến ở với chúng ta. Chúa đã tỏ lòng nhân hậu với chúng ta, và rộng tay ban phát mọi ơn lành cho chúng ta, để chúng ta thêm lòng tin cậy mến, ước gì chúng ta luôn biết chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, để chúng ta luôn được kể vào số những người nhà của Chúa: là anh chị em của Chúa, và là mẹ của Chúa. Ước gì được như thế!
NÀY CON ĐẾN!
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi!”.
“Bất cứ điều gì bàn tay Chúa trao cho tôi, tôi sẽ vui vẻ chấp nhận, phục tùng và yêu thương. Thánh ý của Ngài là sự nghỉ ngơi của tôi. Trong đó chứa đựng tất cả sự thánh thiện của tôi, sự cứu rỗi vĩnh cửu của tôi, vì làm theo ý Chúa là vinh quang lớn nhất!” - thánh Faustina Kowalska.
Kính thưa Anh Chị em,
“Làm theo ý Chúa là vinh quang lớn nhất!”. Lời Chúa hôm nay cho biết, ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, nghĩa là sống tinh thần ‘Này con đến!’ của Chúa Giêsu, người ấy trở nên “anh em, chị em và là mẹ” Ngài!
Bước vào trần gian, Chúa Giêsu nói, “Này con đến để thực thi ý Ngài!”. Từ đó, tinh thần này - “Của ăn tôi là làm theo ý Đấng đã sai tôi” - toả lan qua tất cả những ai dõi bước theo Ngài. Độc đáo thay, người ‘môn đệ đầu tiên’ sống tinh thần ấy lại là Maria, Mẹ Ngài. Với lời “Xin vâng” ngày truyền tin và ‘xin vâng’ trọn cả cuộc đời, Maria đã thật sự bước vào gia đình Thiên Chúa. Vì thế, khi nói, “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?”, Chúa Giêsu không hề thiếu tôn trọng Mẹ mình; đúng hơn, Ngài công nhận Mẹ, một công nhận lớn nhất! Vì lẽ, bản thân Maria là người môn đệ hoàn hảo làm theo ý muốn của Chúa Cha một cách toàn bích. Cả cuộc đời Mẹ là một lời thưa, ‘Này con đến!’.
“Thiên Chúa ‘say mê’ con người. Vì tình yêu, Ngài dựng nên con người; vì tình yêu, Ngài cho nó hiện hữu, hầu hưởng nếm sự tốt lành vĩnh cửu của Ngài”. Để trợ giúp chúng ta, Thiên Chúa ban Con Một của Ngài làm kiểu mẫu hầu chúng ta học hỏi, dõi theo và có thể hoàn thành mục đích đời mình. Đây là lý do tại sao chúng ta đi theo Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài. Và như vậy, chúng ta ‘là gì’ và chúng ta ‘làm gì’ là ‘hai chị em sinh đôi!’. Nên giống Chúa Giêsu, làm theo ý muốn của Chúa Cha như Ngài, chúng ta là thành viên trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi vậy!
Không chỉ được tạo dựng cho một mục đích, chúng ta còn được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi bằng chính bửu huyết của Chúa Giêsu. “Mọi tội lỗi của chúng ta, Chúa ném xuống đáy biển” - bài đọc Mikha. Qua Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta thể hiện một cách trọn vẹn. Thánh Vịnh đáp ca là một lời cầu nguyện sâu sắc, “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa!”. Để đáp lại tình yêu đó, bắt chước Chúa Giêsu và Mẹ Ngài, chúng ta thưa lên, ‘Này con đến!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi”. Thi hành ý muốn của Chúa Cha không luôn luôn là làm những gì to tát; nhưng là “vui vẻ chấp nhận, phục tùng và yêu thương bất cứ điều gì bàn tay Chúa trao”, là làm những việc tầm thường với một trái tim phi thường. “Vì làm theo ý Chúa là vinh quang lớn nhất!”, Chúa Giêsu đã sở hữu vinh quang lớn nhất khi sống triệt để tinh thần này cho đến chết. Vì thế, với chúng ta, thi hành ý muốn của Chúa Cha còn là ôm lấy thánh giá đời mình tháp vào thánh giá của Chúa Giêsu để cùng Ngài trổ sinh hoa trái cứu độ. Như vậy, một khi thi hành ý muốn của Chúa Cha như Chúa Giêsu, hẳn chúng ta cũng là “anh em, chị em và là mẹ” của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thưa ‘Này con đến!’ xem ra thật dễ; nhưng chu toàn phần hai của nó - để thực thi ý Ngài - thật khó! Ước gì thánh ý của Chúa là sự nghỉ ngơi của con!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn