T Phêrô: Chuyên cần và liên kết với mọi người trong cầu nguyện

Chủ nhật - 28/06/2020 11:42 |   820
Hôm nay tôi muốn suy ngẫm về chặng cuối cuộc đời thánh Phêrô được thuật lại trong sách Tông đồ Công vụ. Đó là việc ngài bị bắt giam theo lệnh của vua Hêrôđê Agrippa, rồi được thiên thần Chúa giải thoát cách lạ lùng, vào đêm trước hôm ngài bị đưa ra xét xử tại Giêrusalem (x. Cv 12, 1-17).
T Phêrô: Chuyên cần và liên kết với mọi người trong cầu nguyện

Thánh Phêrô: Chuyên cần và liên kết với mọi người trong cầu nguyện

 
(Bài giảng Giáo lý của ĐTC Bênêđictô XVI ngày 9.5.2012)
Vương Nghi chuyển ngữ
Anh chị em thân mến,
Hôm nay tôi muốn suy ngẫm về chặng cuối cuộc đời thánh Phêrô được thuật lại trong sách Tông đồ Công vụ. Đó là việc ngài bị bắt giam theo lệnh của vua Hêrôđê Agrippa, rồi được thiên thần Chúa giải thoát cách lạ lùng, vào đêm trước hôm ngài bị đưa ra xét xử tại Giêrusalem (x. Cv 12, 1-17).
Một lần nữa sách Tông đồ Công vụ thuật lại việc Hội Thánh cầu nguyện. Thánh Luca viết: “Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, Hội Thánh đã không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12, 5). Sau khi ra khỏi nhà tù cách lạ lùng, thánh Phêrô đi đến nhà của bà Maria, mẹ của Gioan tức Marcô. Thánh Luca viết: “Ở đó có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện” (Cv 12, 12). Sự kiện thánh Phêrô bị giam giữ và được cứu thoát diễn ra trong đêm được đặt giữa hai dẫn giải quan trọng, làm nổi bật thái độ của cộng đoàn Kitô hữu trước hiểm nguy và cuộc bách hại. Sức mạnh lời cầu nguyện liên lỉ của Giáo Hội đã được Chúa đoái nghe và sai thiên thần thực hiện cuộc giải cứu diễn ra bất ngờ, không thể tưởng tượng được.
Đoạn trần thuật gợi lên những yếu tố chính của biến cố Israel được Chúa giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập và cuộc Vượt qua của người Do Thái. Cũng vậy, trong biến cố Chúa giải cứu Phêrô, thiên sứ của Chúa nắm quyền chủ động, còn vị Tông đồ thì làm theo điều thiên sứ truyền: nhanh chóng trỗi dậy, lấy dây thắt lưng, lặp lại những gì dân được chọn đã từng làm trong đêm Chúa đến cứu, được Chúa truyền phải ăn thịt chiên vội vã, thắt dây lưng, xỏ giày vào chân, gậy trong tay, sẵn sàng ra khỏi nước Ai Cập (x. Xh 12, 11). Như vậy, thánh Phêrô có thể thốt lên: “Giờ đây tôi biết thực sự Chúa đã sai thiên sứ của Người đến và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê” (Cv 12, 11). Nhưng những lời thiên sứ truyền cho Phêrô không chỉ gợi lại biến cố giải thoát Israel khỏi Ai Cập mà còn gợi đến biến cố sống lại của Đức Kitô nữa. Quả thật, sách Tông đồ Công vụ thuật lại cho chúng ta: “Thình lình thiên sứ của Chúa đứng cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông” (Cv 12, 7). Ánh sáng tràn ngập phòng giam, kể cả hành động đánh thức vị tông đồ, gợi lại ánh sáng giải thoát trong biến cố Vượt qua của Chúa, Đấng đã chiến thắng bóng đêm tăm tối và sự dữ. Sau cùng là lời thiên thần: “Khoác áo choàng vào và theo tôi” (Cv 12, 8) gợi cho chúng ta nhớ lại những lời kêu gọi đầu tiên của Chúa Giêsu (x. Mc 1, 17), được Chúa Giêsu lặp lại ở hồ Tibêriát sau khi Người sống lại. Chúa hai lần nói với Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Ga 21, 19-22) và đó là lời mời “đi theo” rất thúc bách. Hãy ra khỏi bản thân mình để lên đường với Chúa và làm theo ý Chúa muốn chúng ta bước vào sự tự do đích thực.
Tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh khác trong cách hành xử của Phêrô lúc bị giam cầm. Ngài “đã ngủ” giữa lúc các tín hữu liên lỉ cầu nguyện cho ngài” (Cv 12, 6). Trong tình thế hiểm nghèo đến mức nghiêm trọng như vậy, hành động của thánh Phêrô có thể coi là kỳ lạ nhưng thực ra lại cho thấy ngài bình tâm và đầy tin tưởng. Ngài cậy trông vào Chúa. Ngài biết mình đang được những người thân thiết hiệp ý và cầu nguyện cho. Ngài hoàn toàn phó thác trong tay Chúa.
Việc cầu nguyện của chúng ta cũng phải như vậy: chuyên cần và liên kết với mọi người trong lời cầu nguyện, hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, Đấng thấu suốt cõi lòng và hằng săn sóc chúng ta, như Chúa Giêsu đã nói: “Ngay cả tóc của các con cũng đã được đếm cả rồi! Vậy, các con đừng sợ” (Mt 10, 30-31). Thánh Phêrô đã coi đêm trong nhà tù và cuộc giải cứu ngài như một khoảnh khắc được “bước theo” Chúa, Đấng chiến thắng bóng đêm tăm tối và giải thoát khỏi xiềng xích nô lệ và hiểm nguy sự chết. Đây chính là cuộc giải thoát cách lạ lùng được thuật lại với từng chi tiết: vị Tông đồ được thiên sứ dẫn đi, dù bị lính canh phòng cẩn mật, qua trạm gác thứ nhất rồi thứ hai, đến cửa sắt dẫn vào thành phố, và cửa tự mở ra trước hai vị (x. Cv 12, 10). Phêrô và thiên thần của Chúa cùng đi với nhau một đoạn đường đến khi ngài hoàn hồn, nhận ra Chúa đã thực sự cứu ngài. Sau một lúc ngẫm nghĩ, thánh nhân đi đến nhà bà Maria, mẹ của Marcô, ở đó có nhiều môn đệ đang họp nhau cầu nguyện.
Như vậy, một lần nữa, trước khó khăn và hiểm nguy, cộng đoàn các tín hữu tiên khởi đã đáp lại bằng tín thác vào Chúa và tăng cường mối liên hệ mật thiết với Ngài.
Tôi thấy cần nhắc lại một hoàn cảnh khó khăn khác cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã trải qua, được thánh Giacôbê nói đến trong Thư của ngài. Đó là một công đoàn đang gặp khó khăn, khủng hoảng, không phải vì bị bách hại nhưng vì những đố kị, cãi vã (x. Gc 3, 14-16). Vị tông đồ tự hỏi vì sao lại xảy ra tình cảnh này. Ngài đã tìm ra hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, do người ta để cho những dục vọng, ý riêng, lòng ích kỉ thống trị mình (x. Gc 4, 1-2a); thứ hai, vì thiếu cầu nguyện: “Anh em không xin” (Gc 4, 2b), hoặc cầu nguyện theo cách không thể giải thích được: “Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4, 3). Theo thánh Giacôbê, tình trạng này sẽ thay đổi nếu cả cộng đoàn biết chuyên cần và đồng lòng cùng nhau thưa chuyện với Chúa, thực sự cầu nguyện với Chúa. Quả thật, ngay cả việc nói về Chúa cũng mất đi sức mạnh thuyết phục và việc làm chứng cũng trở nên xơ cứng nếu không được thúc đẩy, nâng đỡ, đi đôi với việc cầu nguyện, bền bỉ trò chuyện với Chúa một cách sống động. Cần phải nhắc lại điều này cho tất cả chúng ta, cho mọi cộng đoàn nhỏ bé như gia đình, đến những cộng đoàn lớn hơn như giáo xứ, giáo phận và toàn thể Giáo Hội. Điều này khiến tôi nghĩ rằng cộng đoàn của thánh Giacôbê đã cầu nguyện nhưng cầu nguyện sai vì họ chỉ cầu xin cho những ham muốn của mình. Chúng ta cần biết cầu nguyện cho đúng, cầu nguyện thực sự, bằng cách hướng về Chúa chứ không hướng vào lợi ích riêng của mình.
Trái lại, cộng đoàn đồng hành với thánh Phêrô khi ngài bị giam cầm chính là một cộng đoàn đã thực sự hiệp nhất với nhau cầu nguyện suốt đêm. Một niềm vui đã tràn ngập cõi lòng mọi người khi bất ngờ nghe tiếng gõ cửa của vị tông đồ. Đó là niềm vui và nỗi kinh ngạc biết rằng Chúa đã lắng nghe và ra tay hành động. Như vậy, lời cầu nguyện cho Phêrô được cất lên từ Hội Thánh, và chính trong Hội Thánh, Thánh Tông đồ đã trở về để thuật lại “Chúa đã kéo ngài ra khỏi nhà tù như thế nào” (Cv 12, 17). Chính trong Hội Thánh, ngài đã được đặt lên làm đá tảng (x. Mt 16, 18), Phêrô đã kể lại việc mình được giải cứu, “Vượt qua”. Ngài đã cảm nghiệm: cứ bước theo Chúa Giêsu thì sẽ tìm được tự do đích thực, được bao bọc trong ánh sáng Phục sinh rực rỡ, và vì lẽ đó, ngài có thể làm chứng đến chịu tử đạo rằng Chúa là Đấng Phục sinh và Chúa “đã sai thiên thần đến và cứu tôi khỏi tay Hêrôđê” (Cv 12, 11). Cuộc tử đạo của thánh Phêrô sau đó tại Rôma đã liên kết vĩnh viễn ngài với Đức Kitô, Đấng đã nói với ngài: lúc con về già, một người khác sẽ đưa con đến nơi con không muốn, có ý nói việc ngài sẽ chết cách nào để tôn vinh Chúa (x. Ga 21, 18-19).
Anh chị em thân mến,
Đoạn trần thuật của thánh Luca về việc thánh Phêrô được cứu khỏi nhà tù muốn nói với chúng ta: Hội Thánh, mỗi người chúng ta, khi băng qua đêm tối của thử thách, sẽ được nâng đỡ nếu biết liên lỉ tỉnh thức cầu nguyện.
Tôi cũng vậy, ngay từ lúc mới được chọn làm người kế vị thánh Phêrô, tôi cảm thấy mình luôn được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của anh chị em, lời cầu nguyện của Hội Thánh, nhất là những lúc gặp khó khăn nhất. Xin hết lòng cảm ơn anh chị em. Nhờ biết cầu nguyện không ngừng và với niềm tin sâu xa, chúng ta được Chúa giải thoát khỏi xiềng xích, dẫn chúng ta vượt qua mọi đêm tối giam cầm đè nặng cõi lòng, cho chúng ta được bình tâm để đương đầu với những khó khăn của cuộc đời, nào bị khước từ, nào chống đối, bách hại. Biến cố thánh Phêrô trải qua cho thấy sức mạnh đó của lời cầu nguyện. Còn bản thân vị tông đồ, ngay cả khi bị xiềng xích, ngài vẫn bình an trong niềm tin vững chắc mình không cô độc: cộng đoàn đang cầu nguyện cho ngài, Chúa đang ở bên ngài. Hơn nữa ngài biết “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12, 9).
Bền bỉ và đồng tâm nhất trí trong cầu nguyện là phương cách vô giá giúp anh chị em vượt thắng mọi thử thách trên đường đời, bởi khi kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta cũng có thể liên kết chặt chẽ với mọi người. Cảm ơn anh chị em.
WHĐ (28.6.2020)Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 71 (tháng 7 & 8 năm 2012)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây