LỚP VÔ NHIỄM

Thứ hai - 24/02/2020 17:01 |   749
LỚP VÔ NHIỄM

LỚP VÔ NHIỄM

[13.10.2009 18:28]

Năm 1968 chúng tôi vào Chủng viện. Ngày lễ Truyền Tin 25 tháng 3 năm ấy, Đức Giám Mục Giáo Phận đã thiết lập Chủng viện Lê Bảo Tịnh và trao bài sai đặt Cha Augustinô Nguyễn Văn Tra làm Giám Đốc tiên khởi. Khóa đầu tiên được khai giảng vào đúng ngày Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, 08-09-1968.

Trong năm đầu tiên, lớp chúng tôi tạm trú tại Trung Tâm Caritas, đối diện với Tòa Giám Mục, trong khi Chủng Viện đang được xây cất tại Cây số 5, ngã ba đường đi Nha Trang và Lạc Thiện.

Buổi tối đầu tiên nơi phòng hội chung, cha Giám Đốc đã nói với 60 anh em chúng tôi: “Các con được gọi là lớp Vô Nhiễm. Tất cả những sự kiện của Chủng viện đều liên quan tới Đức Mẹ, xin được trao gửi chúng con trong tay Mẹ Maria”...

Trong bầu khí trang nghiêm thánh thiện của ngày đầu được ở trong Nhà Chúa, các chủng sinh được cha Gioan Bùi Quang Đạo tập hát bài “Mẹ Ơi Con Yêu Mẹ”. Kể từ đó nơi Xóm Đạo quanh Tòa Giám Mục đêm đêm lại vang lên lời ca “Yêu Mẹ”. Thuở ấy các chú hồn nhiên chạy nhảy, lục lọi và khám phá những góc bí ẩn của Tòa Giám Mục thâm nghiêm cổ kính. Các chú trèo lên mái ngói bắt tổ chim non, chiều chiều không chơi banh thì cũng thi kéo co với các chị Nữ Vương Hòa Bình mà lần nào các chú cũng thua; mãi về sau mới phát hiện ra dây của các chị được cột vào gốc tre... Trong những sinh hoạt dã ngoại, có lúc cả lớp kéo nhau đi tắm tận Suối Xanh, và chính nơi đây, một người bạn đồng môn, anh Nguyễn Văn Tình quê ở Châu Sơn, đã vĩnh viễn ra đi. Trong những giờ cầu nguyện dạo ấy ai nấy đều tự nhủ: “Tình ơi! Tôi sẽ làm Linh Mục thay cho bạn”. Những kỷ niệm êm đềm thời ấu thơ, những thái độ ân cần chăm sóc của Đức Cha, của các Cha, của các Soeur làm cho chúng tôi nhớ mãi và xác định rằng: “Vô Nhiễm là Lớp Đầu Đàn của Chủng Viện”. Ý niệm này vẫn theo chúng tôi đến tận bây giờ và nỗi băn khoăn lớn nhất là mình phải sống sao cho xứng đáng.

Qua niên học 1969-1970, Chủng viện dời về trụ sở chính tại Cây số 5. Xóm Đạo nơi chúng tôi ở trước đây vắng hẳn lời ca. Những gia đình chung quanh đã nhập tâm lời hát "Mẹ ơi con yêu Mẹ" nhưng họ cảm thấy mất mát một điều gì thân thương nhất, đó là giọng hát hồn nhiên, đầy nhiệt tình của những chú bé con mà y như người lớn... Ngay cả điều này mãi về sau chúng tôi mới được nghe tâm sự. Qua năm lớp 8, Lớp Vô Nhiễm đón nhận thêm một bạn mới từ Chủng viện Giuse Sài Gòn chuyển qua mà sau này là Linh Mục Giuse Nguyễn Ý Định. Năm lớp 9, một người bạn khác bị sốt rét phải nghỉ bệnh chuyển về lớp sau, đó là Cha Giuse Lê Văn Trọng...

Ngày 1 tháng 6 năm 1991, khi người bạn đầu tiên của chúng tôi là anh Phêrô Nguyễn Tôn Hoàn lãnh nhận chức Linh Mục tại Canada, mở đầu cho một mùa gặt đầy hứa hẹn của Chủng viện Lê Bảo Tịnh từng mong chờ từ lâu, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai trong một buổi gặp gỡ anh em đã nói: “Không có biến cố 1975 thì lớp Vô Nhiễm đã có 16 Linh Mục”… Tạ ơn Chúa vì Đấng Bề trên đã kỳ vọng vào chúng con rất lớn, dù là những kẻ sinh bất phùng thời...

Vào đời trong hoàn cảnh đất nước thời hậu chiến, những anh em lớp lớn trở thành lao đao, không như những lớp dưới vẫn tiếp tục con đường học vấn. Những trăn trở về thời cuộc, định hướng cho tương lai đều mù mịt và đa số đều quay trở về đời sống thôn dã. Phải mất nhiều năm sau mọi người mới lấy lại được tinh thần và nhận ra ý Chúa an bài cho con cái Người trong những hoàn cảnh khác nhau. Giờ đây mỗi người một cương vị, chúng tôi đang làm sinh lợi những nén bạc mà Thiên Chúa  đã trao ban.

Đúng hai năm sau ngày anh Nguyễn Tôn Hoàn chịu chức ở Canada, ngày 5 tháng 6 năm 1993, một người bạn khác là anh Giuse Nguyễn Kim Đặng cũng đã lãnh nhận chức linh mục tại Hoa Kỳ, sau khi hoàn tất chương trình Cao Học Triết và Thần học tại Đại Chủng Viện Saint John, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, California, tiếp nối truyền thống “ruộng người thợ ta” của anh em Lê Bảo Tịnh. Tháng 12 cùng năm ấy, vào dịp lễ thánh Phanxicô Xaviê, tại Nhà Thờ Chính Tòa Banmêthuột, bốn Tân chức đầu tiên của Chủng viện Lê Bảo Tịnh tiến lên Bàn Thánh, trong đó có hai anh em lớp Vô Nhiễm là JB. Hà Văn Ánh và Giuse Bùi Công Chính. Niềm tin được khởi sáng, cả gia đình Chủng viện như được tiếp thêm nguồn sống, để thấy trong Chúa đời mình luôn có ý nghĩa. Cảm tạ Chúa đã đoái thương phận hèn tôi tớ. Cho đến hôm nay, lớp Vô Nhiễm đã dâng lên Mẹ Maria những bông hoa Linh Mục đầu mùa: JB. Hà Văn Ánh (Banmêthuột), Giuse Nguyễn Kim Đặng (Hoa Kỳ), Giuse Nguyễn Ý Định (Xuân Lộc), Giuse Bùi Công Chính (hiện đang du học tại Ý), Phêrô Nguyễn Tôn Hoàn (Canada), và nếu nói cho kỳ cùng thì phải kể thêm Giuse Lê Văn Trọng (Australia). Dù chỉ có chừng ấy bông hoa đếm vừa hơn ngón một bàn tay, nhưng hương thơm đã lan tỏa khắp nơi với những bước chân miệt mài trên những cánh đồng truyền giáo ở hải ngoại cũng như ở quê nhà.

Giữa đời thường tuy không thành danh phận nhưng anh em Vô Nhiễm cũng đã có cống hiến nhiều mặt cho xã hội và cho Giáo Hội: Đỗ Kim Châu được biết đến như một nhạc sĩ tài hoa và một nhà thiết kế nội thất có tiếng, từng sáng tác và viết hòa âm cho nhiều ca khúc của những tác giả ở hải ngoại; từng góp phần trong việc xây dựng, tu sửa các nhà thờ, và nhất là thiết kế nhà thờ Nam Thiên theo “đơn đặt hàng” của người bạn cùng lớp là cha xứ JB Hà Văn Ánh. Phạm Trọng Đức vẫn nghệ sỹ, Phạm Ngọc Minh đầy nhiệt tình (khi viết những dòng chữ này thì Phạm Ngọc Minh cùng vợ và các con đã đoàn tụ với gia đình ở Minesota, Hoa Kỳ), Nguyễn Minh Thành rất khéo léo, Nguyễn Văn Tám cứ thâm trầm, Vũ Đức Thuần luôn lanh lẹ, Phạm Văn Mạch mãi “sôi nổi”..., cùng với những anh em giáo xứ Thánh Tâm đã góp phần xây dựng Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh Nhà Thờ Chính Tòa.. Hoàng Công Nga có chân trong Ban Giáo Lý Giáo Phận. Trần Khánh Điệp vẫn đánh đàn cho ca đoàn Châu Sơn. Nguyễn Văn Lương mãi gắn bó với ca đoàn Vinh Hương như một nghiệp chướng… Và nhiều anh em khác nữa, nếu không phụ trách ca đoàn giáo xứ thì cũng là Giáo Lý viên  hoặc làm việc trong HĐGX. Ngoài ra, kể sao cho hết những tên tuổi của một thời sống thân thiết bên nhau như Bùi Quang Thành, Nguyễn Văn Kim, Lê Văn Cựu, Nguyễn Nhứt, Nguyễn Quang Năm, Nguyễn Huy Nhuận, Hồ Viết Khánh, Phạm Quang Bình, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đức Hoàng, Nguyễn Văn Thái, Khổng Minh Hộ, Võ Mạnh Kha, Nguyễn Văn Chương, Phạm Công Danh, Vũ Công Luận, Bùi Trung Tuấn, Nguyễn Bá Tiến… và còn ai nữa, đang là những chứng nhân hồng ân giữa dòng đời.

Tại Hải ngoại, con số Vô Nhiễm khá khiêm tốn so với những lớp khác, và sống cũng khá rải rác ở khắp Bắc Mỹ. Dù rất ít thông tin về các anh Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Mạnh Tường… nhưng được biết các anh cùng với nhiều anh em Lê Bảo Tịnh khác, mỗi người một góc độ góp phần làm rạng rỡ danh xưng Lê Bảo Tịnh. Trần Thái Linh, dù là kỹ sư ngành tin học đang làm việc tại Đại Học San Bernardino, California, nhưng cho tới chết vẫn không thể rời xa được âm nhạc vốn đã ngấm vào xương tủy. Bởi vậy, sinh hoạt ca đoàn là “hơi thở” giữa cuộc sống muôn phần bề bộn của anh. Nguyễn Văn Khôi có lẽ là Tịnh Tử đầu tiên đã chọn nhầm môn học không làm ra tiền khi lấy Cử nhân Triết bằng tiếng Pháp tại Canada, là người xây dựng mạng e-mail tiền thân của Website Lê Bảo Tịnh Banmêthuột - lebaotinhbmt, vẫn ngày ngày lên sở, cuối tuần về sinh hoạt với ca đoàn từ khi đặt chân lên mảnh đất được mệnh danh là “Xứ Lạnh Tình Nồng” này cho đến nay…

Có những việc làm vô danh nhưng đầy ý nghĩa làm sao kể hết được... mà ở đâu đó trong những giáo xứ giáo họ khắp nơi trên thế giới, anh em Vô Nhiễm nói riêng và anh em Lê Bảo Tịnh nói chung, đã và đang âm thầm đóng góp bàn tay hay trí tuệ cho Giáo Hội trong nhiều khía cạnh khác nhau.

Mẹ ơi! Anh em chúng con và cả Chủng viện Lê Bảo Tịnh đến muôn đời luôn cất lên bài tụng ca: “Mẹ Ơi Con Yêu Mẹ”. Anh em lớp Vô Nhiễm xin dâng lời cầu nguyện cho các bạn đã ra đi trước: Nguyễn Văn Tình, Vũ Quang Thông, Trần Đức Tiến, Trần Xuân Lâm...

Lớp Vô Nhiễm

 Tags: vô nhiễm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây