Gặp lại người thân
[23.07.2012 06:12]
Gặp nhau giữa Sài-gòn
Lâu lắm lại về thăm Sài-gòn
Phố xá tấp nập đông người qua
Thành phố đổi thay từng giây phút
Bạn bè gặp gỡ những ngày xa…
Ta đã đi qua từng năm tháng
Ký ức nhạt nhòa dấu thân quen
Lần dở lại từng trang kỷ niệm
Thoáng mơ hồ nỗi nhớ xa xưa
Bạn bè gặp nhau mừng thắm thiết
Vòng tay ôm nửa đời còn lại
Mái tóc đổi màu nhiều hoang phế
Mai lại xa rồi nhớ đến nhau
Bạn bè của tôi, đồng trang lứa
Một thời cùng chung xây lý tưởng
Chiến tranh đi qua chia đôi ngả
Chia cuộc đời, đôi đứa đôi nơi
Gặp lại nhau, bao ngày xa cách
Chuyện đường đời, nói chẳng đến đâu
Ngồi bên nhau mỗi người một tiếng
Thời gian trôi chẳng biết lúc nào?
Chia tay rồi lòng đầy lưu luyến
Chúc lên đường ngập tràn hy vọng
Bạn ơi! đừng bao giờ quên nhé
Ta lại về gặp gỡ năm sau.
Hoàng Công Nga
Gặp nhau giữa Sài-gòn
Lâu lắm lại về thăm Sài-gòn
Phố xá tấp nập đông người qua
Thành phố đổi thay từng giây phút
Bạn bè gặp gỡ những ngày xa…
Những ngày thượng tuần tháng 7 trời mưa thật nhiều, những cơn mưa dồn dập đổ xuống làm cho thành phố nhiều khi ngập chìm trong biển nước. Không phải vì thế mà làm cho sinh hoạt của thành phố bị ngưng trệ. Phố xá vẫn đông người qua, dòng chảy vẫn cuốn trôi mọi hoạt động thường ngày. Trời Sài-gòn trở nên mát mẻ thích hợp cho những lần gặp gỡ.
Anh em Lê Bảo Tịnh Sài-gòn lại hẹn gặp nhau. Mới tuần trước nhóm Sài-gòn họp lại để bầu Ban điều hành và bàn định nhiều việc liên quan, hôm nay lại gặp gỡ vợ chồng Phan Văn Nhu và ngày mai lại có cuộc hẹn gặp cha Trần Mạnh Tiến. Thành phố Sài-gòn trở thành tiện lợi, bạn bè ở xa về là hẹn nhau. Những điều này hầu như đã trở thành thông lệ. Tôi và vợ chồng Cao Quý Ngự phải hẹn nhau thật sớm để sắp xếp công việc. Khởi hành từ Bà Rịa lúc 4 giờ chiều nhưng mãi tới 7 giờ tối mới có mặt tại điểm hẹn. Cũng may hôm nay đường thông xe nhưng cũng phải vất vả lắm mới vượt qua được những đoạn đường kẹt xe thường xuyên tại thành phố. Tài xế của Ngự cũng là loại thông thuộc đường sá nên đã luồn lách qua ngõ gách đến điểm hẹn an toàn. Xin được giới thiệu sơ về Cao Quý Ngự một tý. Ngày xưa khi nhập CV, Ngự sống tại Mương Mán – Phan Thiết, thuở bé đã từng ngụp lặn bên dòng sông cho nên khi vào CV đã trở thành tay bơi cự phách, có một thời gian ở Châu Sơn và sau 75 chuyển về Đá Bạc, nay thì sống tại Long Toàn – BRVT, nhưng Công ty hạt điều thì đặt tại Đá Bạc, hiện phụ trách Trưởng ban khói lửa Ban điều hành nhóm Sài-gòn – Đông Nam bộ
Nhà Hàng Hoàng Lan hôm nay đông khách hơn mọi ngày, đây cũng trở thành điểm hội tụ thường xuyên của anh em nhà Lê. Khi tôi và vợ chồng Ngự bước vào thì mọi người lên tiếng chào đón, bàn tiệc quây quần khoảng trên 20 người. Tôi đang lưỡng lự tìm kiếm nhân vật chính của buổi gặp mặt hôm nay, nhận ra cha Lượng và người ngồi bên cạnh chắc chắn là Phan Văn Nhu, tôi tiến tới ôm cha Lượng và quay sang Nhu. Nhu bảo: Đây là Huấn chứ không phải là anh Nga, nếu là anh Nga thì phải cho xem cánh tay. Tôi đưa bàn tay giả ra bắt và sau đó anh em ôm lấy nhau… Thời gian trôi qua đã lâu, 37 năm rồi chứ có phải mới ngày nào đâu. Kể từ thời điểm ly tan, bạn bè anh em có những người chưa hề gặp lại. Giả như có gặp nhau ngoài đường chưa chắc đã nhận ra.
Buổi gặp mặt hôm nay ngoài vợ chồng Nhu còn có cha Lượng, vợ chồng Sáng, vợ chồng Ngự, vợ chồng Trịnh Thanh Tiến, bốn người em của Nhu từ Long Điền đưa tiễn anh chị, còn có các bạn như Hoàng Huệ, Doãn Dư, Ngọc Mai, Xuân Hải, Văn Lập, Bố con Ngọc Lương và chắc chắn không thể thiếu chủ xị Phan Đình Khương… Cha Lượng nhường tôi ngồi cạnh Nhu để chuyện trò cho dễ. Qua những câu thăm hỏi tôi nhận ra Nhu không khác ngày xưa là bao. Cậu bé nhút nhát ngày xưa nay trở nên trầm tĩnh, lời nói khiêm tốn nhã nhặn, thái độ chững chạc bộc lộ đời sống nội tâm và chia sẻ. Tôi biết vợ chồng Nhu đã âm thầm đóng góp chia sẻ bằng những việc làm bác ái có ích cho Giáo hội và nhiều người và không bao giờ muốn ai biết đến, tôi cũng nhận ra nơi những người em của Nhu, từ Long Điền lên đưa tiễn anh chị, một thái độ khiêm tốn, một tinh thần làm việc tông đồ…
Sinh hoạt nhiều với anh em Sài-gòn, tôi cũng nhiễm lấy cái tính hài hước của người miền Nam nói chung, Sài-gòn nói riêng, đó là tinh thần lạc quan, quên đi hết sự đời để thả hồn vô tư trong những dịp nghỉ cuối tuần. Một hình thức xả stress sau một tuần làm việc mệt nhọc. Người miền Nam hầu như ai cũng có đức tính đáng yêu là diễu, diễu để nụ cười luôn nở trên môi… Phan Đình Khương không biết lượm lặt ở đâu mà có nhiều trò ra phết. Hết những câu chuyện tiếu lâm tới những câu hát cải biên làm cho không khí buổi gặp mặt thêm vui vẻ. Thỉnh thoảnh có những người góp phần pha tiếu làm cho những trận cười nổ tung. Tôi dặn Khương gửi mail cho tôi những nội dung trên để bổ sung thêm phần kiến thức hài hước cho anh em cả nhà nhưng hắn muốn giữ làm của riêng. Thôi thì đành vậy. Gần về cuối bữa tiệc mọi người mới phát hiện ra Hoàng Huệ (Phan-xi-cô) và Hoàng Xuân Hoa (Giuse) vốn là cháu của thánh tử đạo Phê-rô Hoàng Khanh…, vậy mà lâu nay không ai biết. Anh em đều chúc mừng cho Huệ nhưng lại tiếc một điều là ngày xưa không khai vào lý lịch, để có thể được nhận nhiều ưu đãi. Huệ hiện tại vợ khuất núi đang một mình cô đơn.
Ngồi bên nhau gần 4 tiếng, cũng đến lúc chia tay, cha Lượng muốn dành cho tôi niềm ưu ái để nói lên một vài tâm tình. Chắc chắn không có gì hơn là tâm tình tạ ơn, tạ ơn TC đã gìn giữ chúng ta, cho chúng ta có cơ hội gặp lại, sẻ chia với nhau những buồn vui cuộc sống để chúng ta không quên sống lý tưởng giữa đời thường và luôn thắt chặt tình thân hữu. Cảm ơn Vợ chồng Nhu đã tạo điều kiện cho anh em có cơ hội gặp gỡ, chúc vợ chồng về nhà bình an. Vợ chồng Cao Quý Ngự trở về Bà Rịa, riêng tôi ở lại Sài-gòn để sáng mai về Ban-mê-thuột.
Hoàng Công Nga
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn