HỒI KÝ: MỘT CHUYẾN ĐI XA - P3

Thứ hai - 30/03/2020 05:28 |   521
(BBT)- HỒI KÝ: MỘT CHUYẾN ĐI XA một câu chuyện phiêu lưu khá lý thú của bác Điệp trên đất nước Kangaroo thân thiện và hiếu khách đã được đăng trên trang lebaotinhbmt từ ngày 01.10.2010. Nay xin giới thiệu tiếp phần 3 của tập hồi ký.
TkĐiệp
TkĐiệp

HỒI KÝ: MỘT CHUYẾN ĐI XA (phần 3)

[17.11.2012 08:02]

(BBT)- HỒI KÝ: MỘT CHUYẾN ĐI XA một câu chuyện phiêu lưu khá lý thú của bác Điệp trên đất nước Kangaroo thân thiện và hiếu khách đã được đăng trên trang lebaotinhbmt từ ngày 01.10.2010. Nay xin giới thiệu tiếp phần 3 của tập hồi ký.

Phần đầu: http://www.lebaotinhbmt.com/index.php?nv=News&at=article&sid=1511

Phần 2: http://www.lebaotinhbmt.com/index.php?nv=News&at=article&sid=2349

 

THỬ THÁCH  


Tối hôm đó, buổi tối đầu tiên ngủ nhà ông bà Phùng ở Sydney, mình thấy trằn trọc phần vì nhớ nhà với những viễn cảnh mờ mịt, phần nhớ đến những ngày sống thoải mái vui vẻ với Cha Phương tại giáo xứ của ngài và hơn hết là lo lắng đến những ngày sắp tới, với nhiều công việc đòi hỏi sức khỏe và nỗ lực cố gắng. Nhưng như với những khó khăn trắc trở trước đây trong cuộc sống, xin phó thác mọi sự vào tay Chúa nhân lành, và gần sáng mình mới thiếp đi được một chút.


Một ngày mới bắt đầu, công việc hôm nay xem ra nhẹ nhàng vì ở nhà mình cũng thường xuyên làm với lối xóm: đó là đổ bê tông, láng lại sân sau nhà, vì nền cũ đã hư nhiều.


Ăn sáng xong, mình với ông Phùng ra đập bể những phần nền xi măng còn lại, tạo mặt bằng... được một chút thì xe chở bê tông đến, hồi tối chỉ cần gọi điện thì sáng nay y hẹn, chủ xe đã chở đến trên xe chuyên dụng, nghĩa là ở công ty: đá dăm, xi măng, cát, nước đã được đổ đầy vào cối lớn nằm trên xe, đến nơi người ta chỉ việc vừa cho quay trộn bê tông vừa trút đổ vào xe rùa... Tài xế là một người Úc hộ pháp, mình chỉ biết nói vài ba tiếng chào hỏi rồi đành chịu. Vì lối sau hẹp nên xe lớn phải dừng cách sân khoảng vài ba chục mét.


Ông Phùng một xe rùa, mình một xe... Xe rùa ở đây lớn hơn ở Việt Nam, mình đút xe vô thì chủ xe bấm máy lập tức một mẻ “nhả” hồ (đã được lập trình trước) trút xuống xe rùa. Ôi chao! sao nhiều thế! mình đẩy chuyến xe đầu mà phải bặm môi bặm miệng mới đi được... gắng đến chuyến thứ 3 thì mồ hôi mồ kê ướt đẫm hết cả áo, thắt lưng bắt đầu nhói đau. Chết thật! đổ hồ đầy cái sân này thì chắc chịu không nổi. Hồi sáng nhìn mặt sân nhỏ tí, mà sao giờ thấy nó rộng bao la thế. Nghĩ lại ở quê nhà, mình chỉ đẩy xe bằng một nửa trọng lượng ở đây. Hồi nhỏ chỉ mong mẹ cho cái bánh, gói kẹo to hơn chị em là mừng lắm! Cái gì to lớn là thích, còn bây giờ lần đầu tiên trong đời thấy sợ... Muốn nói với ông Tây cho bớt hồ lại thì không biết tiếng Úc, còn nói với chủ nhà thì ngại, không lẽ mới ngày làm việc đầu tiên mà đã than thở kêu rên. Nhìn qua ông Phùng, thật may thấy ông cũng đang “bươn bánh”, ra sức gồng để đẩy chiếc xe rùa của ông, mắt miệng nở to, hai chân xuống tấn “rấn” từng bước một, giống chiếc xe đang cài số chậm để lên dốc... Cũng đúng 3 xe, ông Phùng chịu hết nổi mới nói với chủ xe... Thế là giảm bớt hồ cho mỗi mẻ, đồng nghĩa giảm áp lực nặng nề mà tâm lý mình đang gánh chịu, hơn nữa ông còn gọi thằng Phong con ông về nhà làm giúp bố nó nữa... Khỏe! mình thở phào nhẹ nhõm, và công việc trót lọt đến đầu giờ chiều mới xong.


Đang nghỉ ngơi chút đỉnh sau những giờ lao động vất vả, bỗng có tiếng xe vào sân và bà Phùng kêu mình báo cho biết có khách. Lật đật chạy ra! hóa ra Linh ba làng và thêm một người đẹp xinh xắn đứng kế bên nữa.


- ... Xin lỗi, phải đây là Nga, phu nhân của anh Linh không ạ?


Người đẹp cười nhỏ nhẹ, Linh đỡ lời:


- Nga vợ em đó, chứ còn ai vào đây nữa.


Thật mừng. Lần đầu tiên gặp Nga mà mình đã có thiện cảm. Nhìn Nga có dáng vẻ thanh thoát nhẹ nhàng như cô giáo. Sau này biết rõ hơn Nga có nhiều tài lắm như về vi tính, nấu nướng kể cả các món Tây, Tàu, Nhật… Nga hồi xưa là cư dân quận 5 Chợ Lớn đấy. Phải thầm phục Linh ba làng chỉ giỏi đôi chân đá banh, sao lại dẻo miệng lôi cuốn, đưa được phu nhân Nga về dinh. Sau này khi đã về nước mới tìm ra lời giải: cớ gì mà Linh ba làng luôn vui vẻ yêu đời, sức vóc bây giờ to cao lắm. Tất cả cũng nhờ đôi bàn tay khéo léo vun đắp... Mải nghĩ mà quên mất, vợ chồng Linh Nga đang khiêng ra từ thùng xe nào là tivi, máy đĩa và cả một hộp đĩa nhạc nữa, hỏi ra mới biết Cha Phương và vợ chồng Linh thấy mình ở trên lầu một mình, biết nỗi lòng người xa xứ nên mang đến cho mình để giải khuây sau những giờ làm việc, mặc dù nhà ông Phùng đầy đủ hết các thứ, nhưng lại để toàn bộ ở tầng trệt. Không biết nói sao sự xúc động của mình khi đó và cho đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại. Chỉ có tình cảm sâu đậm anh em Lê Bảo Tịnh mới lý giải được những chuyện ấy mà thôi.


Những ngày sau mình quen dần với nhịp sống và cảm thấy bầu khí cũng dễ chịu, ông Phùng lớn hơn 3 tuổi, còn bà thua mình 3 tuổi, nhờ vậy trong một sự đồng điệu đồng cảm nào đó mà 3 người cảm thấy thoải mái vui đùa chuyện trò với nhau. Bà Phùng có nhiều lần nói với Cha Phương khi ngài khá thường xuyên lên thăm mình: có anh Điệp, nhà con (ông Phùng) thấy vui hẳn, và nói chuyện kiểu hợp ý nhau lắm.


Công việc đều đều của mình là sau những ngày chặt mía ở rẫy về (lô đất này rộng 43 ha), chất bỏ vào phòng lạnh luôn ở mức 4 độ C, rồi cả ngày ngồi trong phòng lạnh róc những lá mía còn sót lại (đương nhiên ai vào đó cũng phải mặc nhiều lớp quần áo như người Eskimo), chặt ra từng khúc khoảng 8 tấc - 1 mét, sau đó khi có nhu cầu bỏ lên xe đẩy ra chiếc máy để rửa sạch, chiếc máy này ông Phùng tự chế ra và còn làm bán nữa, giống như trước đây ông từng chế các xe ép... bán nước mía. Mình phải thao tác nhanh mới kịp máy. Và công đoạn cuối cùng là gom lại thành từng bó 15 kg, rồi chất lên xe hơi ra bỏ cho các mối ở chợ. Quên chưa nói, chuyện bán mía là để cho các xe ở chợ ép ra nước giải khát bán như ở Việt Nam ta, đặc biệt người châu Á rất thích.


Lúc đầu vác từng bó mía đi trong phố chợ có cả Tây lẫn Ta, mình cũng thấy ngần ngại, nhưng sau cứ nghĩ: nghề nào cũng tốt, vả lại giữa dòng người đông đúc có ai biết ai.


Còn một điều giúp mình luôn tự tin và vui sống là tất cả mọi công việc 3 người đều cùng làm, không một chút nề hà nào hết. Có được vậy một phần cũng nhờ vào gia đình chủ nhà có sự mến mộ Cha Phương, anh chị em ở Úc và thấy được những người bạn ở xa như Khôi, Cha Hoàn, Hảo, anh Lê Minh. Xuân Linh... vẫn thường điện thoại, hỏi thăm động viên mình.


(Bài viết khá dài rồi, xin hẹn hồi sau đi chặt mía cách nhà ở 700 cây số, với những câu chuyện dí dỏm cộng với những giọt mồ hôi đong đầy truân chuyên vất vả...)
 

Tk.Điệp

 Tags: Sydney

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây