GÒ DUỐI - SÔNG CẦU

Thứ bảy - 28/03/2020 05:22 |   733
Chiếc xe 16 chỗ rời BMT lúc 8h30 sáng thứ bảy 28/4/2012.
Nhà thờ Gò Duối
Nhà thờ Gò Duối

GÒ DUỐI - SÔNG CẦU: MỘT NGÀY ĐÁNG NHỚ

[02.05.2012 04:54]

Chiếc xe 16 chỗ rời BMT lúc 8h30 sáng thứ bảy 28/4/2012. Trên xe là 17 người mang tâm trạng háo hức, vui vẻ đi về Gx Gò Duối, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, để mừng lễ kỷ niệm 10 năm thụ phong linh mục của Cha Phêrô Nguyễn Xuân Hòa, Cha sở Gx Gò Duối, giáo phận Quy Nhơn. (Cha Hòa là người con cô cậu với vợ mình).

Sau chút hội ý, mọi người quyết định theo quốc lộ 26 (đi Nha Trang) tới ngã ba Ninh Hòa rẽ trái về Tuy Hòa, thủ phủ tỉnh Phú Yên, còn lúc về sẽ theo đường mới Sông Hinh - huyện Krông Năng - rừng quốc gia Ea Sô, ngắn hơn khi đi khoảng 50km. Sở dĩ chọn quốc lộ 26 là vì muốn ngắm nhìn, tham quan những thắng cảnh như đèo Phượng Hoàng, Dốc Lết... lâu lâu mới có dịp thở hít không khí biển, xả bớt stress.

Dọc đường 26 (trước đây là quốc lộ 21) nhà cửa, cảnh quan ngày một thay đổi nhanh chóng, tuy nhiên đèo Phượng Hoàng cũng chưa thay da đổi thịt được bao nhiêu: vẫn là những ngọn đồi như bát úp dọc theo đường, nghe nói thời chiến tranh những vùng rừng núi này bị thuốc khai quang tàn phá, đến giờ khoảng 40 năm sau mà hầu hết vẫn còn là những ngọn núi, đồi lơ thơ cây cỏ, mặc dầu người ta đã cố gắng phủ xanh với những rừng cây bạch đàn... Đối với nhiều người lứa tuổi như mình, nhìn quanh thấy những dấu chứng chiến tranh mà lòng không khỏi xao động... nhớ đến một thời bom đạn, mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau như một sợi chỉ mong manh. Xe càng xuống đèo, phảng phất đâu đây hương vị của gió biển, lòng ta như trút nhẹ dần những lo âu phiền muộn, trong người cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng.

Đến trưa xe tới Dốc Lết, tài xế không vào cổng chính mà đi sang bên trái tới một địa điểm du lịch khác sát bên, ở đây giá cả bình dân hơn, mà nước và gió biển thì cũng như nhau. Mọi người phá lên cười khi nghe câu bình luận dí dỏm của bác tài. Cơm đúng ngon! biển đúng đẹp! đến lúc này thì mọi sự mệt nhọc hầu như vào chỗ quên lãng mà chỉ còn niềm vui tiếng cười lấn át tất cả. Trời nắng quá nên xin hẹn lúc quay về sẽ đầm mình vẫy vùng trong làn nước trong xanh.

Dọc đường tới Tuy Hòa là cả một bức tranh phong thủy tuyệt vời, một bên là những dãy núi cao chót vót, còn phía kia là biển cả mênh mông xanh biếc một màu. Ôi! có đi đâu thì quê hương mình vẫn không thua bất cứ chỗ nào... thỉnh thoảng lại bắt gặp đôi chuyến xe lửa chạy “xình xịch” sóng bên. Quốc lộ 1A được ví như xương sống của đất nước và đường rầy xe lửa chạy song song từ ngoài bắc vào đến Sài Gòn. Xe dừng trên đèo Cả để mọi người nghỉ ngơi, tận hưởng cảm giác thoát tục và ngây ngất, chiêm ngưỡng những món quà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Đèo Cả đã được chấm là một trong những đèo đẹp nhất. Qua rồi bến cá Đại Lãnh nổi tiếng và giờ tới Vũng Rô cũng đã một thời vang bóng. Xe tiếp tục chạy trên vài đèo ngắn ngoằn ngèo như rắn lượn, và bỗng nhiên ai cũng phải ồ lên kinh ngạc: trước mắt là ngọn núi đá bia lừng lững cao chót vót, đôi lúc ẩn hiện trong đám mây sương hờ hững trắng nhẹ như bông. Ngọn đá bia to lớn nổi bật trên nền trời xanh, tạo cho ta một cảm giác lâng lâng... Có truyền thuyết: hồi xưa vua Gia Long lúc còn nằm gai nếm mật đã cùng một số tàn quân ẩn trú trên đó, người ta còn nói: hòn đá bia có in một dấu chân lớn!!!? không biết hư thực thế nào nhưng bất cứ ai đi trên quốc lộ 1A đều không khỏi tấm tắc một cảnh quan đẹp tuyệt vời.

Xe vào thành phố lúc mặt trời đã ngả về tây, Tuy Hòa nổi tiếng với rất nhiều cảnh đẹp. Cầu Đà Rằng một thời có chiều dài nhất nhì Việt Nam, bây giờ có thêm 2 chiếc cầu mới rộng rãi hiện đại chạy dọc hai bên. Nói đến Tuy Hòa không ai không biết đến núi Chóp Chài, sừng sững sát cạnh như một vệ sĩ khổng lồ canh giữ bình yên cho thành phố, có núi Nhạn với những ngọn tháp cổ xưa... Dân cư thành phố Tuy Hòa vốn tiếng hiền lành mến khách, và Phú Yên với những cánh đồng lúa bạt ngàn là vựa lúa lớn nhất của miền Trung.

Ngủ tại Tuy Hòa một đêm, và sáng mai mọi người lên xe... qua thị xã Sông Cầu nổi tiếng về mía ngọt đường cát đẹp, và rồi Gx Gò Duối dần hiện ra trước mắt. Là một xứ nhỏ nằm cạnh quốc lộ 1A, phía bắc là thành phố Quy Nhơn, đường dài chừng 30 cây số, và cách Tuy Hòa khoảng hơn 70km về hướng nam.

Cha Hòa đón tiếp mọi người ân cần, thấm đậm tình anh em. Ngài cảm động nói: “anh chị em đến với tôi không phải vì Thánh lễ và bữa ăn nhưng trên hết đến để sưởi ấm tình thân, giúp nhau niềm vui trong cuộc sống: đó là điều đáng quý nhất...”

Một ngày đại lễ thật trang trọng và một bầu khí vui tươi rộn ràng. (vì bài viết quá dài nên chỉ xin trích ra đây một vài đoạn chia sẻ của Cha Hòa trong Thánh lễ đồng tế):

“...thật vậy, chúng ta phải khơi dậy đặc sủng, vì sống thiên chức linh mục cũng giống như bao ơn gọi khác. Thời gian sẽ làm phai nhạt dần: tình yêu thuở ban đầu (Kh 2,4). Sự sốt sắng, trân trọng, trung thành, nghiêm túc... sẽ dễ nhường chỗ lần lần cho thái độ coi thường, sơ sài, thiếu chuẩn bị và thiếu cả thái độ nội tâm, đức tin cần thiết cho các tác vụ thánh. Sự thánh hiến của chức linh mục chỉ đạt được hiệu quả trọn vẹn khi được sống từng ngày trong cố gắng và trung thành.

Cũng chính trong ý nghĩa đó, trong dịp mừng quý Cha 10 năm lãnh tác vụ linh mục, tôi chợt nhớ tới bài thơ “Mắc Nợ” của Nguyễn Văn Thiên mà Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, trong một bài giảng tĩnh tâm năm 2011 cho các linh mục Quy Nhơn, đã nhắc tới:

Ta mắc nợ mùa thu

Bài-thơ-lá-rụng-sương-mù

Ta mắc nợ ai, bao năm rồi chưa trả nổi

Một nụ cười má lúm đồng... xu

Chúng mình mắc nợ mẹ hiền lời ru

Mắc nợ thầy cô

một dấu chấm câu đặt không đúng chỗ

Mắc nợ bạn bè

một lẫn vẫy tay cuối phố

Mà một đời trả mãi chắc chi xong!

Đối với chúng ta, những linh mục, chúng ta mắc nợ:

Bài Thánh vịnh chưa tròn của giờ Kinh Sáng

Mắc nợ những giờ chầu Thánh Thể chiều đông...

Mắc nợ bao người kẻ liệt ngóng trông

Mắc nợ bài giảng chưa xong của ngày Chúa Nhật...

Mắc nợ người nghèo bàn tay thân mật

Mắc nợ những em thơ ánh mắt dễ thương...

Ta nợ người trẻ nhiệt huyết để lên đường

Nợ các gia đình những lần ủi an thăm viếng...

(sau đây cũng là một trích đoạn trong lược sử Gx Gò Duối):

Theo thống kê 1850 của Đức Cha Cueenot Thể, vùng cực bắc của Phú yên có một số giáo điểm, trong đó có Trung Mỹ. Theo lời kể của các cụ già, nhà thờ Trung Mỹ được xây dựng trên ngọn đồi gọi là đồi Ngô, tại thôn Thạch Khê, xã Xuân Lệ cách nhà thờ Gò Duối ngày nay chừng 5 km về hướng Bắc. Tại nhà thờ Trung Mỹ một số tín hữu bị Văn Thân giết hại, một số khác chạy trốn. Năm 1894-1895 thầy Sô và thầy Tài là hai thầy giúp xứ Mằng Lăng đã có công gầy dựng giáo điểm Sông Cầu và Gò Duối. Đây là vùng cực bắc của Phú Yên, lúc bấy giờ thuộc vùng truyền giáo của các thừa sai ở Mằng Lăng phụ trách. Vùng đồng bằng và  đầm Cù Mông phía bắc Sông Cầu, thuận lợi cho việc sản xuất lúa gạo, đánh bắt cá bằng những phương tiện đơn sơ và là vùng đất pha cát mênh mông, phù hợp cho việc trồng dâu nuôi tằm dệt lãnh đã thu hút nhiều người đến đây định cư sinh sống. Do đó cư dân Gò Duối vẫn tự hào:

“Bình Định Tỉnh, Phú Yên cũng Tỉnh

Gò Chàm thôn, Gò Duối cũng thôn

Em đừng nói chuyện lộn ngôn

Bình vôi, táo đất nẫu chôn hồi nào”

Giáo phận Quy Nhơn có một chiều dài lịch sử đáng nể, là địa phận Đàng Trong, đã có 20 đời các Đức Giám Mục cai quản: Giám Mục tiên khởi là Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte (1659-1679). Còn hiện giờ giáo phận Quy Nhơn đang được Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn và Đức Cha Nguyễn Văn Khôi coi sóc.

... Đã đến lúc phải nói lời tạm biệt, mọi người tay trong tay cầu chúc cha xứ luôn được tràn đầy hồng ân Chúa để luôn là vị mục tử nhân lành. Trên đường về cũng phải ghé vào biển Tuy Hòa vẫy vùng thỏa thích trước khi trở lại với cao nguyên đất đỏ mến yêu...

 

Tk.Điệp

 Tags: Gò Duối

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây