Tâm tình họp mặt

Thứ sáu - 03/04/2020 22:51 |   657
Cuộc sum họp năm nay không chỉ mang ý nghĩa gặp nhau vui nhộn, nhưng còn là sự đi về tìm lại một chút gì quen thuộc dấu yêu
Tâm tình họp mặt
TÂM TÌNH NGÀY HỌP MẶT 8/9/2011 LỚP VÔ NHIỄM
[10.09.2011 19:52]

Mới gặp nhau ở nhà Nguyễn Đức Hoàng ngày nào đây, vậy mà lại một năm trôi qua nhanh chóng. Từ mờ sáng 8/9/2011, anh chị em đã có mặt đầy đủ ở nhà Minh Thành. Đúng 5h30’ xe bắt đầu lăn bánh, còn Cha Hà Văn Ánh (đi xe nhà) hẹn gặp nhau ở GX Buôn Hô để cùng đi về nhà Hồ Viết Khánh. Vợ chồng Khánh sinh sống gần núi Hàm Rồng, cách TP. Pleiku khoảng 10 cây số.

Xe bon bon chạy, chỉ dừng lại ở TT. Buôn Hồ để ăn sáng, trước đó anh em có ý định mời Cha Trương Văn Khoa cùng đi nhưng không gặp được, đành chịu. Từ trong xe nhìn ra trời đã hửng sáng nhưng đây đó từng đám sương mù còn lãng đãng nằm xen giữa rừng cây như còn nuối tiếc điều chi trước khi tan biến đi hoặc bay bổng lên trời cao…

Cuộc sum họp năm nay không chỉ mang ý nghĩa gặp nhau vui nhộn, nhưng còn là sự đi về tìm lại một chút gì quen thuộc dấu yêu, đi tìm một người bạn thân thương đã quá lâu không có dịp gặp… Ta có thể thấy phảng phất hình bóng, nếp sống của ta trong cuộc đời của bạn, ta có thể bắt gặp một khung trời đầy kỉ niệm trong ánh mắt, lời nói hoặc cử chỉ thân thiện nơi những người đã một thời chung sống, thân thương… Mỗi người mang trong mình một ước vọng, một hoài bão nhưng tựu trung là để sống có sự sẻ chia trong cuộc đời mà sự gian nan, trắc trở luôn rình rập.

Hơn 10h mọi người đã có mặt tại nhà Khánh – Oanh sau một hồi đi quanh co. Trước đó xe tấp vào Mỹ Thạch (Chư Sê) để đón thêm một vài anh em Lê Bảo Tịnh nhưng chỉ có Huyến (Trần Văn Huyến lớp Phanxico) là đi được. Vợ chồng Khánh buôn bán hàng tạp hóa và các loại nông sản cà phê, cộng với chiếc máy xay lúa và nuôi heo nên cuộc sống cũng ổn định. Trước đây vài ba năm, Khánh nuôi baba, đến khi có thể xuất bán thì kiếm công ty đã hợp đồng chẳng thấy đâu?! Đành phải xách giỏ đi bán lẻ ở chợ, chịu lỗ vậy!!!

Trong Thánh lễ, Cha Ánh đã chia sẻ về tình Mẹ: “Lúc cha chào tạm biệt mẹ để đi Gia Lai, Bà cố rưng rưng nước mắt… huống chi chúng ta có người Mẹ trên trời luôn lo lắng chăm sóc cho ta”.

Nhà thờ La Sơn đẹp, khuôn viên rộng rãi thoáng mát, đầy đủ mọi thứ, chỉ tiếc là không có Cha xứ (GP Kontum còn thiếu Linh mục nhiều). Với một GX 2.500 giáo dân mà cuối tuần mới có Cha ở Pleiku đến dâng lễ.

Bữa tiệc trưa họp mặt thật vui và mang đậm tình anh em, có sự hiện diện của bố vợ và anh chị em trong nhà, ai cũng phấn khởi, nhất là Oanh, phu nhân của Khánh. Đây là lần đầu tiên Oanh gặp mặt những người bạn một thời đi tu của chồng mình…

Xe Cha Ánh phải về trước vì ở quá xa, còn lại anh chị em đi tham quan Biển Hồ, được mệnh danh là đôi mắt của Pleiku vì có tới hai hồ liền kề. Người ta đồn rằng: Biển Hồ không đáy và có thể thông với biển?! Hiện tại, Biển Hồ được bảo về kĩ lưỡng vì là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Mặt nước hồ xanh trong, sóng lăn tăn trông thật đẹp và thơ mộng giữa núi rừng trùng điệp vây quanh. Trời đã chiều về mọi người lưu luyến tạm biệt Pleiku, tạm biệt Khánh – Oanh lên xe trở về Banmêthuột.

Chia tay với phố núi cao mà lòng vấn vương Còn một chút gì để nhớ để quên… ai cũng cảm thấy chút gì đó xao xuyến, bồi hồi, luyến thương. Ôi! Pleiku dễ đến, khó về!
 
(TB: xin cám ơn Quý Cha, Anh Chị Em đã có những lời chúc mừng, hiệp thông và những món quà đầy tình nghĩa gia đình)
Tk. Điệp
 
Lớp Vô Nhiễm Họp Mặt Nhân Ngày Lễ Mẹ
[08.09.2011 15:35]
 
Những ngày đầu tháng 9 hàng năm luôn gợi nhớ trong chúng tôi, những anh em Vô Nhiễm những hình ảnh rạo rực về những kỷ niệm của một thời thương nhớ. Để từ đó về sau dẫu có đi xa chúng tôi luôn hướng về nhau trong ngày lễ Sinh nhật Đức Mẹ với những tình cảm trào dâng.

Chúng tôi, lớp đầu tiên của Chủng viện với danh xưng là Vô Nhiễm. Thời gian đã đưa anh em chúng tôi đi qua nửa đời người. Thời cuộc đã làm gián đoạn những ước mơ và biến chúng tôi trở thành những kẻ bất phùng thời, công chẳng thành mà danh chẳng toại. Thế nhưng ở tuổi ‘tri thiên mệnh’ tình cảm của những con người mang trên đầu hai màu tóc vẫn dạt dào như thuở còn ngồi chung với nhau dưới mái trường.

Năm nay, anh em Vô Nhiễm lại đến với một người bạn ở xa vùng thị tứ, một nơi heo hút của vùng cao nguyên Gia Lai. Từ chiều hôm trước một vài anh em ở xa đã tụ tập về TP.BMT để chuẩn bị cho hành trình nhân ngày Lễ Mẹ. Sáng sớm khi màn sương mù trong thành phố còn phủ dày, không khí lành lạnh của tiết trời vào Thu ở Cao nguyên làm cho mọi người ngần ngại khi phải ra đường sớm, anh em chúng tôi đã tụ tập đông đủ tại nhà Minh Thành. Chủ nhà đon đả chạy đi chạy lại để đón tiếp anh em. Cha Ánh từ Bù Nho, giáo hạt Phước Long đã lên từ ngày hôm trước cùng với  một vài người trong Ban hành giáo xứ, vì thế xe cũng đầy ắp người không thể ghé đón thêm Lương và Nhất được.

Đoàn xe của chúng tôi ghé vào Rừng Sao để đón Nguyễn Văn Kim, qua Hà Lan đón Nguyễn Văn Thái, lên Chư-sê đón thêm Văn Huyến, lớp Phan-xi-cô. Qua Cheo-reo trực chỉ về Hàm Rồng, hai bên đường bát ngát một màu xanh đồi núi và xen kẽ những làng mạc phù trú với những vườn tiêu, cà phê mát mắt. Có lẽ chúng ta nên tìm hiểu thêm về một địa danh hình tượng như Hàm Rồng.
 
Hàm Rồng là một địa danh của tỉnh Gia Lai là tên gọi phiên âm của từ  Kông (núi) Hơdrông của người Bahnar. Đây là ngọn núi vốn được tạo thành bởi núi lửa. Hàm Rồng là từ phiên âm nhưng cũng rất hình tượng vì nhìn trên cao xuống giống như hàm của con rồng. Từ Hàm Rồng chúng tôi rẽ phải 3km đi tới một địa danh tên La Sơn, theo lời kể của nhạc phụ Hồ Viết Khánh thì cư dân ở đây vốn là gốc Quảng Bình, xưa di cư lên vùng Chưsê thành lập giáo xứ Mỹ Thạch, sau vì tình hình an ninh, Cố Nicolas mới chuyển dân lên vùng đất mới này. Nhớ ơn dân làng ghép hai từ Sơn là Núi và lấy từ cuối của chữ Nicolas để ghép lại thành La Sơn. Không biết điều này có liên quan với nhạc sỹ Huỳnh Ngọc La Sơn của ca đoàn LBT nhà thờ Chính tòa không?

Cả gia đình Hồ Viết Khánh, bạn của chúng tôi mừng rỡ đón tiếp anh em mà lòng nghẹn ngào không nói thành lời. Khánh trước đây vốn cư ngụ tại Vinh Hòa, Trung Hòa, vì hoàn cảnh kinh tế đã tìm tới vùng đất này lập nghiệp. Có một dịp bặt vô âm tín, anh em trong lớp không thể biết tin tức, mãi gần đây mới nối lại liên lạc nhưng cũng rất khó khăn vì ở vùng sâu mọi phương tiện đều thiếu. Nhà của bạn chúng tôi ở xa khu trung tâm, khung cảnh bộn bề của nhà nông vất vả quanh năm, đậm đặc mùi rơm rạ quyện lẫn với hương nồng từ những chuồng trại quanh nhà. Chúng tôi thản nhiên hít thở không khí, sờ mó những vật dụng như để cảm thông và sẻ chia những điều vất vả trong cuộc sống của bạn mình. Chúng tôi xúc động khi thấy các cháu bé con của bạn mình ra chào đón. Khánh lập gia đình muộn cho nên khi ở tuổi ‘Under 60’ mà con đầu mới học lớp 1. Ôi! bạn bè, mỗi người một hoàn cảnh, nghĩ sao mà thương cho bạn quá.

Chúng tôi tới nhà thờ để dâng lễ, một điều bất ngờ vì ngôi nhà thờ khang trang và đẹp đẽ. Giáo dân đã tụ tập đông đủ. Hỏi ra mới biết ở đây không có Linh mục vì giáo phận Kontum vẫn còn thiếu nhiều thợ gặt, vì thế khi biết có Thánh lễ là giáo dân tự động đến nhà thờ. Tôi cũng đã từng sống trong những hoàn cảnh này để biết sự khát khao của Thánh lễ là điều quan trọng đối với người giáo dân. Thánh lễ hôm nay không riêng gì của chúng tôi mà cả một cộng đoàn La Sơn của vùng cao nguyên Gia Lai rộn ràng trong lời ca tiếng hát. Bài hát kết lễ đưa chúng tôi trở về với những kỷ niệm xa xưa của năm 1968 khi những chú chủng sinh đêm đêm dâng mình với lời ca: “ Mẹ ơi con yêu mẹ, yêu từ hồi thơ bé, yêu mãi dến tuổi già, yêu tha thiết bao la...”, làm cho cả xóm đạo chung quanh TGM BMT phải luôn hát theo, cho tới khi chúng tôi dời về trụ sở mới để lại trong tâm khảm những người chung quanh sự trống vắng như mất mát một điều thân thương nhất...

Bữa tiệc thân mật được tổ chức tại nhà nhạc phụ bạn của chúng tôi, mọi người chia sẻ với nhau những tâm tình chân thật. Những cú điện thoại của những anh em không thể có mặt từ xa gọi về, những người bạn từ hải ngoại. Trong đó có tôi đang ngồi bên máy tính liên lạc với các bạn qua điện thoại để viết lên những tình cảm và đưa tin cuộc hành trình yêu thương đến với bạn bè trong ngày lễ Mẹ.

Xin Mẹ luôn yêu thương gìn giữ chúng con.

(Viết theo lời tường thuật qua điện thoại của anh em Vô Nhiễm từ Gia Lai)
 
Hoàng Công Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây