HỒI KÝ: MỘT CHUYẾN ĐI XA - P2

Thứ hai - 30/03/2020 05:14 |   730
(BBT)- HỒI KÝ: MỘT CHUYẾN ĐI XA của bác Điệp khởi đăng trên trang lebaotinhbmt từ ngày 01.10.2010 nhưng có lẽ vì quá bận bịu với nhiều “tin nóng” nên mãi đến nay tác giả mới gửi đăng phần 2.
TkĐiệp
TkĐiệp
HỒI KÝ: MỘT CHUYẾN ĐI XA - P2
[31.10.2011 15:44]
(BBT)- HỒI KÝ: MỘT CHUYẾN ĐI XA của bác Điệp khởi đăng trên trang lebaotinhbmt từ ngày 01.10.2010 nhưng có lẽ vì quá bận bịu với nhiều “tin nóng” nên mãi đến nay tác giả mới gửi đăng phần 2. Trước khi xem tiếp tập hồi ký đặc sắc này, xin kính mời quý vị lướt qua xem lại phần đầu TẠI ĐÂY
http://www.lebaotinhbmt.com/index.php?nv=News&at=article&sid=1511

Thời gian hạnh phúc

Như vậy là đã qua một chặng đường dài trên 300 cây số từ Sydney về giáo xứ Milton, mình không thấy mệt vì phong cảnh và con người ở xứ sở Kangaroo luôn tạo cho mình những điều mới lạ, vui tươi và đẹp đẽ. Tự nhiên trong mình dâng lên một cảm giác an bình, thanh thản... mà đã khá lâu mình luôn mòn mỏi mong đợi mà không có.

Gặp lại Cha Phương (Cha Trần Văn Loan) sau 30 năm xa cách, giờ này nhìn Cha mập mạp hơn trước, phong thái chững chạc, đằm thắm. Trong phút chốc thời gian như ngừng lại khi cả hai cùng chợt nhớ đến ngày tháng ấm êm ở mái nhà chủng viện xưa, và tiếp đó là cuộc sống trôi nổi đầy thăng trầm sóng gió, nhiều khi không biết định hướng như thế nào?... Những ngày sau chung sống, mới biết từ khi chia tay năm 1978, Cha Phương cũng đã trải qua nhiều tháng ngày truân chuyên gian khổ, nhưng với nghị lực phi thường, Cha đã vượt qua những quãng đời đầy đắng cay và cả nước mắt nữa.

Trời đã chiều, Cha Phương gọi điện về Việt Nam báo tin cho gia đình mình và đưa điện thoại cho mình nói chuyện với vợ và vài người thân đang ở Sài Gòn. Ai cũng vui, sau này nghe kể lại vợ mình mừng quá đến rơi lệ. Đêm đầu tiên ở Úc thật ấm cúng, càng vui hơn khi có sự hiện diện của những anh chị em ca đoàn từ Sydney. Họ mang theo cả gia đình nữa, nhưng không sao: khuôn viên nhà xứ rộng và có tới 2 ngôi nhà với rất nhiều phòng, các cháu vui đùa thỏa thích. Tâm sự tới khuya! biết bao vui buồn trong cuộc đời kể cho nhau nghe...

Bình minh ló dạng. Bắt đầu ngày mới trên một đất nước cách nhà mình nhiều ngàn cây số. Không khí mát lạnh và cảnh vật xinh tươi! Ở đây đang là mùa xuân. 4 mùa ở Úc khác nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn lễ Noel là vào mùa hạ, thời tiết nóng bức. Cha Phương dẫn mình đi tham quan giáo xứ. Địa bàn giáo xứ rộng bao la, chiều dài là 140 km gần bằng Buôn Ma Thuột đi Nha Trang. Giáo xứ có 3 nhà thờ: một ở sát nhà xứ chỗ Cha Phương ở, ngôi nhà thờ nhỏ đơn sơ cổ kính. Đi về hướng nam vào trung tâm thị tứ: nhà thờ ở đây lại xây dựng theo lối hình rẽ quạt, không nguy nga, đồ sộ nhưng lại tạo ấn tượng rất gần gũi, thoáng mát. Khu vực nhà thờ rộng rãi, nhiều phòng sinh hoạt, trong đó có hội Caritas với hàng lớp đồ cứu trợ đủ loại để gửi đi những nơi cần thiết. Còn nhà thờ thứ 3 nằm ở hướng bắc, cách nơi Cha ở khoảng trên 60 cây số. Tổng số giáo dân khoảng 9 ngàn và toàn là người Úc.

Đồng hồ ở Úc sớm hơn Việt Nam 4 tiếng, nhưng từ giữa tháng 11 trở đi đến nửa năm sau thì cách 3 tiếng. Nhà xứ tọa lạc trên ngọn đồi thoáng mát, đằng trước là ngôi trường của giáo xứ, học sinh ở đây được nghỉ nhiều đợt trong 1 năm, nên thời gian nghỉ hè ngắn.

Thấp thoáng trước mặt là biển... sau lưng là những ngọn đồi và đồng cỏ xanh tươi. Đúng là sống giữa một màu xanh.

Thời gian này mình nhận được nhiều cuộc gọi, hoặc thư từ qua máy vi tính Cha Phương: của Cha Hoàn, Cha Đoài, Cha Trọng, Cha Đặng, Khôi, Linh ba làng, Xuân Linh, Hảo, anh Từ, anh Lê Minh và nhiều anh em khác. Ai cũng động viên khích lệ làm mình cảm thấy vui và được an ủi nhiều. Mình có nhiều dịp cùng với Cha Phương đi thăm giáo dân, nhà nào họ cũng tiếp đãi rất niềm nở: uống cà phê, trà, ăn bánh ngọt. Thỉnh thoảng ban đêm đi câu cùng mấy người Úc, nhưng phải công nhận Cha Phương mát tay luôn câu được nhiều cá. Lần đầu tiên trong đời ăn món gỏi cá sống tự tay Cha Phương làm, mình cảm thấy ngon tuyệt và nhớ mãi. Người dân Úc sống hiền hòa, gần gũi môi trường, yêu thiên nhiên. Có một lần vào nhà ông cậu cháu kia, thấy 3 tấm bia để trên tủ thờ, lại gần hóa ra là của 3 chú chó đã chết. Chủ nhà còn dẫn mình ra thăm mấy ngôi mộ chôn cất trong vườn nữa chứ! Công việc các Cha ở bên Úc luôn bận rộn và cũng lắm vất vả, hầu như các Ngài tự làm lấy kể cả việc bếp núc, sau này gặp Cha Trọng, Cha Lâm cũng vậy.

Còn mình thời gian ở Úc do Cha Phương sắp xếp. Có một buổi tối Cha đưa mình đi học làm bánh mì: chủ làm gì, mình làm theo từ nhồi bột, nắn nót bỏ khuôn, đến nướng bánh... mà lại nhiều loại bánh. Đến gần sáng mình ù tai hoa mắt, cố trương hết cỡ cũng chịu không nổi! ngó sang Cha Phương ngồi trên ghế cũng đang ngủ gà ngủ gật. Trời sáng! thôi về thôi, và không dám hẹn ngày trở lại.

Mười ngày ở với Cha Phương thật tuyệt vời. Cha luôn muốn mình vui nên tạo nhiều cơ hội để đi đây đi đó, khi thì ra biển hóng mát hoặc sau thánh lễ vào siêu thị mua thức ăn, cũng xếp hàng sau giáo dân, nói chuyện thăm hỏi, cười đùa vui vẻ, hoặc thỉnh thoảng vào quán cà phê. Có bữa trời nóng, Cha mua 2 cây cà rem: kiếm ghế đá ngồi, mình chưa quen thấy ngại nơi chỗ người qua lại. Cha biết ý mới nói:

- Hôm trước mình thấy Đức Cha ngồi ăn cà rem trong xe Ngài.

Hết ý! khỏi thắc mắc! mình hỏi Cha 2 cây cà rem (loại 2 màu giống ở Việt Nam)

- 6 đồng.

- Trời! - Giá một đô Úc thời điểm đó khá cao gần 15 ngàn đồng (thua đô Mỹ tí xíu). Dứt điểm 2 cây cà rem này bằng ở nhà ăn được 6 tô hủ tíu, trừ được khoảng 2 ngày cơm. 

Biết hoàn cảnh gia đình mình rất cần tiền, Cha Phương đưa ra 2 cái thẩu lớn bằng nhựa (cái thố, bình đựng bánh kẹo); cái này của Điệp, cái này của mình. Mỗi lần ai giúp đỡ hoặc Cha Phương tiết kiệm được thì bỏ vào thẩu của Điệp, còn cái thẩu kia chỉ để những đồng tiền ít ỏi đủ chi dùng trong nhà. Một buổi sáng sau điểm tâm, bỗng có tiếng gõ cửa và một ông người Úc vào chơi, khi ra về gửi lại một phong bì, mở ra thấy có 1 ngàn đô. Cha Phương mới kể: Năm nào ông này cũng đến biếu số tiền như vậy. Vậy là 700 bỏ vào thẩu của Điệp, còn lại 300 cho vô thẩu nhà xài chung...

…Sau 10 ngày nghỉ ngơi thoải mái, Cha Phương và mình chuẩn bị lên Sydney, trước đó Cha đã liên hệ với rất nhiều địa chỉ để tìm cho mình một nơi tạm trú phù hợp.

Dọc đường vừa đi vừa nghỉ thật là vui! Mình hơi hồi hộp khi sắp sửa gặp gia đình Linh ba làng và những người thân quen: Cha Trọng, Cha Lâm, Tín... Giữa buổi chiều xe chạy thẳng vào nhà xưởng của Linh (ở Úc khu dân cư chỉ dùng để ở, nghỉ ngơi... không có tiếng ồn) mọi công việc đều làm tại nhà xưởng ở cách xa. Thấp thoáng Linh ba làng ra đón. Cảm động và mừng sau 30 năm mới gặp lại. Không có thời gian nói nhiều, nhưng qua ánh mắt, cái siết tay cảm nhận được bao tình cảm yêu thương quý mến. Sau khi tham quan xưởng của Linh, cha Phương đưa mình đến nhà ông bà Phùng là nơi mình sẽ ở trong thời gian tới... Ngồi chơi uống nước, sau khi đã “gửi gắm” mình cho ông bà, Cha Phương và Linh ra về.

Nhà cửa gia chủ rộng đẹp, mình ở trên lầu một mình, trong nhà còn cậu con trai út đang học luật thỉnh thoảng mới về. (Theo mình biết được là ông Phùng rất giỏi, đặc biệt trong nghề máy. Về kinh tế ông bà là mẫu người Việt thành đạt ở nước ngoài). Ông lớn hơn 3 tuổi, còn bà ít hơn mình 3 tuổi nên cảm thấy cũng dễ tâm tình gần gũi. Nói hết chuyện ta đến chuyện tây, ông Phùng mới kể: ngoài một cửa hàng ở chợ cho thuê, ông bà còn có 2 lô đất: một lô 11ha vùng Sydney và một lô 43ha ở xa về hướng bắc. Cả 2 lô trên đều đang có người thuê. Cứ độ 2 tuần ông lái xe tải cùng bà lên vùng đất 43 ha chặt mía, về Sydney bán cây cho các xe nước mía (giống như ở Việt Nam). Người châu Á rất thích uống, còn người Úc thì không quen lắm.

Càng về khuya câu chuyện càng ly kỳ hấp dẫn. Chủ nhà tiếp tục: cách đây không lâu, có một ông tây đi chặt mía thuê, ông ta sắm một dao chặt mía cực lớn, giống như thanh long đao của Quan Vân Trường hay đại đao của Lỗ Trí Thâm. Ông Phùng không phải là yếu, thế mà phải cầm 2 tay mới nổi. Ông tây này đúng khỏe! cứ mỗi lần vung đại đao là đi sạch một bụi mía... ai nấy chung quanh đều thán phục. Được thể ông ta khoái chí ra sức biểu diễn. Đến trưa trời nắng chang chang, nắng đến độ nhiều lúc phải có quạt điện và căng dù cho người róc mía. Tự nhiên thấy ông tây đi loạng choạng, chân này khèo chân kia. Chắc mệt lắm rồi, ông Phụng mới tới nói: “nghỉ đi”. Nhưng có lẽ vì nghĩ đến những lời khen buổi sáng, ông tây xua tay:

- Không sao! không sao! tôi còn làm tốt.

Vừa quay đi, ông Phùng nghe một tiếng “rầm”. Quay lại, hỡi ôi ông tây say nắng vì làm quá sức! bổ xỉu ra, mắt trợn tròng, miệng sùi bọt mép...
Nghe kể đến đây dù trời đang lạnh, tự nhiên trán mình lấm tấm mồ hôi, giơ tay quẹt khẽ, kẻo ông bà thấy... còn lưng mình đã ướt đẫm từ hồi nào!
Cuộc chiến đấu sắp bắt đầu, hứa hẹn nhiều gay go thử thách đây....!!!!!

 
Tk Điệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây