Buôn Trấp ngày ấy

Thứ bảy - 21/03/2020 06:33 |   715
(Thân tặng anh em lớp Vô Nhiễm vì đại nghĩa đã dấn thân vào buôn Trấp. Đồng thời cũng mến gửi một số anh em lớp Giuse hoặc các lớp khác đã từng đi công tác lao động ở đó).
Buôn Trấp ngày ấy
Buôn Trấp ngày ấy

 

                                     Ai về buôn Trấp à ơi!

                           Cho tôi nhắn gửi đôi lời nhớ thương

                                 Quanh co ngày ấy con đường

                           Thác ghềnh sông nước vấn vương nỗi lòng

                                  Mong thay con tạo xoay vòng

                            Anh em trở lại cùng hong ấm tình

                                  Bến phà thuyền nhỏ xinh xinh

                            Cây đa mép nước, rập rình bước chân 

                                  Xin cho tôi được một lần 

                            Cùng bè cùng bạn sống gần với nhau

                                  Xin cho vơi nỗi buồn đau

                            Tìm về chốn cũ làu làu lối đi

                                  K(ơ)-nô chảy, chẳng chia ly

                            A-na hiền dịu thầm thì sóng đôi

                                  Nhớ buôn Trấp, quá đi thôi!

                            Nhớ thương, thương nhớ bồi hồi tâm can.

 

(Hai sông: “Krông Knô” sông đực chảy song song với “Krông Ana” sông cái, sau  nhập thành một dòng chảy xuôi cầu 14 qua Campuchia).

 

Buôn Trấp 27/3/1977. Đó là một ngày không thể quên được đối với 14 anh em lớp Vô Nhiễm đi “nghĩa vụ lao động” ba năm.                                   

BƯỚC KHỞI ĐẦU.

Gần trưa trời nắng chang chang. Đoàn xe Molotova lầm lũi chạy nối đuôi, xe phủ kín bạt, chỉ chừa lại cửa sau. Cái nắng nóng oi bức trời vào hạ cộng thêm lớp bụi đỏ mịt mù cuộn theo xe làm mọi người cảm thấy ngột ngạt, chẳng ai buồn nói chuyện, mỗi đứa đang theo đuổi suy nghĩ riêng của mình...

Cách đây gần một tuần, Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Văn Hiền (lớp Truyền Tin, Hiền đang là Cha Xứ Họ đạo Tam Bình, Gp. Vĩnh Long) đại diện chủng viện đi họp ở khối 4 về (phường Tân Lập), khuôn mặt phảng phất nét đăm chiêu tư lự. Sau đó, mọi người được phổ biến là: chủng viện phải có một số anh em đi nghĩa vụ lao động. Thời hạn 3 năm. Ba ngày nữa lên đường. Địa điểm “bí mật” sẽ được bật mí sau!

Với biến cố 1975, chủng viện LBT chỉ còn lại 4 lớp: Vô Nhiễm, Giuse, Truyền Tin và Phanxico. Chọn ai lấy ai đây? Các Cha cũng để cho tự do không ép buộc. Lớp Vô Nhiễm mình họp lại, sau khi bàn tính đã quyết định sẽ xung phong đi cả lớp, vì là lớp lớn nhất, lại nữa không muốn xáo trộn các lớp khác, để các em yên tâm học hành. Đúng là “thanh niên xung phong”.

Giờ này ngồi thẫn thờ không biết đi đâu đến đâu? Trong xe có cả nam lẫn nữ, thỉnh thoảng vài tiếng khẽ thốt lên lo lắng: Không chừng sang Campuchia hay Lào đây? Nhưng chỉ có tiếng xe chạy rầm rì và những ổ gà nhồi xóc như để trả lời cho những thắc mắc đó.

Xe chạy mãi tới nửa buổi chiều mới dừng lại. Ồ! Một con sông lớn hiện ra trước mắt, một cây đa cổ thụ nằm bên mép nước. Nhìn chung quanh thấy ngút ngàn núi rừng và còn hoang dã lắm. Phóng tầm mắt qua bên kia sông là một cánh đồng lớn trải dài, chỉ toàn lau với sậy.                     

            

NẾP SỐNG - SINH HOẠT

Phải nói được rằng: Từ khi đi tu ở chủng viện đến giờ, đây là lần đầu tiên chúng mình được ra sống với đời (trước đó các lớp đều có nhiều đợt đi công tác nhưng chỉ ngắn ngày).

Trời sắp chiều, cán bộ phát gạo, nồi niêu, thức ăn cho các khối. Không có nhà, không lều bạt, mọi người phải ở tạm trong một trường học. Đêm ấy phần thì muỗi vo ve, rè rè bên tai như máy bay bà già, phần thì nhớ nhà, có lẽ chẳng ai ngon giấc được. Tụi mình ở chủng viện quen rồi mỗi đứa một giường, giấc ngủ yên tĩnh, còn ở đây nằm như cá hộp đến nỗi không trở mình được... nhưng được một điều là chẳng đứa nào phàn nàn chi cả và luôn vui vẻ với mọi người (vì xung phong đi mà), điều đó làm cho những người chung quanh cũng khá ngạc nhiên.

Những ngày sau đó mỗi người được cấp một dao rựa để chặt tre, cắt lá tranh làm nhà. Tre ở đây nhiều quá sức! những cây tre gai óng mỡ cao vút trời xanh. Làm lán trại bên bờ suối Ea-Chai, chỉ là chỗ ở tạm nên cuộc sống vẫn rất vất vả. Ngày tranh thủ giờ rãnh ra suối bắt cá, bắt ốc... đưa về chị nuôi nấu ăn thêm, còn đêm về lại cảnh cá hộp chim lồng chen chúc, bây giờ thêm cái khổ nữa là bọ chét, tối ngủ gãi rần rần... sáng ra đứa nào cũng nổi những cục đỏ đầy người. Sau đó vài tuần khi ra đóng quân ngay sát dòng Krông Ana, chỗ cây đa bến phà lúc mới đến, thì mọi thứ mới tạm ổn.

Từ đây cuộc sống đi vào khuôn khổ, sáng có kẻng thức dậy... ăn qua loa, vì hồi đó hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước nên buổi sáng hầu như ăn vài cái bánh mỏng tờ làm bằng bột mì Canada viện trợ, buổi trưa và tối mỗi bữa khoảng 2 chén cơm. Thức ăn cũng được tính toán dè sẻn lắm. Vai vác rựa, còn nước uống đã có chị nuôi cung cấp, mọi người nhanh chóng tập trung đi phà qua bên kia sông phát lau sậy, khai hoang cánh đồng. Nối 2 bờ sông Ana là một dây cáp lớn, dùng làm điểm tựa cho phà di chuyển qua lại 2 bên. Vì đông tới vài trăm người, họ phân chia thành 2 đại đội, đến trung, tiểu đội như quân sự vậy. Thanh niên thị xã BMT lập thành C2, còn C1 là thanh niên địa phương, đa số là người Đà Nẵng cùng với gia đình vào kinh tế mới buôn Trấp, nên sáng trưa và chiều phà phải di chuyển nhiều chuyến.

Cuộc sống nghĩa vụ lao động ở buôn Trấp là cả một câu chuyện dài đầy ắp kỷ niệm. Chuyện về những người bạn thân thương như Ngọc méo, Quá, 2 Chiến, Hải, Hùng chín ngón... cô Khanh, cô Hiền (phường Tân Lập) cô Ngọc (phường Tân Tiến). Chuyện về những tháng ngày gian khổ nhưng luôn đầy ắp tiếng cười, mỗi ngày tắm 2 - 3 lần vì ở sát sông, đêm về nằm lẳng lặng nghe tiếng ve kêu dế gáy. Một lần vào nửa đêm có tiếng súng nổ liên hồi, tưởng Fulro về ai nấy mét mặt nằm im sát đất, sau đó mới biết là du kích bắn nhầm trâu đi lạc bên kia sông, cứ tưởng là voi về quậy phá. Sáng mai người trong buôn đưa mấy con trâu bị bắn về xẻ thịt, cũng chẳng thấy phàn nàn kiện cáo gì! Có một hôm đang phát lau sậy bỗng đâu có con heo rừng to đùng với 2 răng nanh sắc bén phóng ào qua, mọi người lao nhao lên rượt đuổi. Vui ơi là vui! bình thường làm rỗi rãi mà sao rượt đuổi heo rừng phấn khởi thế! tội nghiệp chú heo, chưa kịp ngưng thở thì đã bị chia năm xẻ bảy. Có bữa trưa, hôm đó mình ốm nên ở nhà, bỗng thấy 4 - 5 anh em gánh về một con vật to tướng: lại gần hóa ra một chú gấu đen bự sừ như chó bec giê  bị chết cháy.

Không kể phường này khối nọ, không kể lương giáo, nam nữ, nếp sống ở đây thật giản dị vui tươi, chan hòa tình cảm, mặc dầu trong sinh hoạt thường ngày đôi khi vẫn có đụng chạm va vấp với nhau. Những hình ảnh anh em mình đã từng tìm vớt những người bạn xấu số chết đuối, đã ngậm miệng nạn nhân để hô hấp nhân tạo chắc nhiều người khó có thể quên, kể cả lớp cán bộ phụ trách. Những ngày nghỉ lại rủ nhau vào thôn buôn gần đó thăm hỏi đồng bào sắc tộc hoặc lên chợ thị trấn buôn Trấp dạo chơi, mua sắm đôi chút. Có một vài người không quen nếp sống chung và chịu đựng vất vả nên bỏ trốn về nhà, từ đó muốn đi thị xã BMT phải có giấy phép. Riêng mình có lần đi theo săn sóc Nguyễn Văn Vĩnh (đang ở Mỹ) bị sốt rét phải gánh ra bến xe đưa về cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. 

Trong cái khó ló cái khôn. Muốn ăn thì lăn vào bếp, cha ông ta thường nói như thế. (Cụ) Hà Văn Ánh rủ mình cứ chập tối là 2 đứa xuống sông giăng lưới, sáng mai lúc mọi ngưới đang ngủ là ra lấy cá về, chẳng khi nào về không. Ở trường Ánh học tầm tầm thôi nhưng ra đời khôn ngoan tháo vát lắm. Vừa vác lưới, cần câu nối gót chân Ánh mình vừa nghĩ thầm như thế. Hóa ra học giỏi trên ghế nhà trường chưa hẳn ra ngoài đủ tài sức vật lộn với đời. Có một lần đang ngon giấc, bỗng giật mình thấy Ánh ngồi bật dậy, hóa ra trời động mưa, nghe tiếng sấm tiếng sét... mưa đổ hướng nào! Bảo đảm ngày mai cá đầy nồi. Ra đời cũng biết anh em mình lắm tài. Còn (Cụ) Bùi Công Chính làm trưởng lớp, ít nhất mỗi tuần anh em sinh hoạt 2 tối với nhau khi ở bờ sông, khi một góc khuất nào đó. Tối thứ 5 trao đổi, chia sẻ góp ý, thông tin cho nhau còn tối thứ 7 đọc kinh chung thay cho Thánh lễ chủ nhật. Phạm Quang Bình làm y tá trưởng, còn Nguyễn Tôn Hoàn (linh mục ở Canada) là đại đội phó phụ trách hậu cần cơm nước, dưới trướng là cả một tá chị em ta. Và Thành gồ là 1 trong 3 trung đội trưởng của C2. 

Cuộc sống cứ thế dần trôi. Nghĩ tới 3 năm dài đằng đẵng nghĩa vụ làm cho tụi mình chưa tính được ngày về. Lâu lâu lại có đứa dọa: nếu cần có thể đi tiếp thành 6 năm. Ôi chao! chỉ biết phó thác cho trời. Có những lúc lặng lẽ bên bờ sông, có những đêm khó ngủ mình suy nghĩ mông lung về ơn gọi, mình nhớ về nhà, về ngôi nhà chủng viện yêu quý có các Cha dạy dỗ mình, các Soeurs chăm sóc và anh em bạn bè, mỗi đứa một vẻ, mỗi người mỗi tính nhưng đều toát ra nét thân thương gần gũi.

Vào một đêm trăng vắng lặng, trời đã khuya lắm! bỗng có tiếng hò văng vẳng từ ngoài sông. Mình len lén chạy ra bờ sông và thấy một hình ảnh đẹp quá sức: chiếc xuồng nhỏ ẩn hiện trong sương mù, nơi có tiếng hò nhặt khoan êm ái. Cần gì phải ra sông Hương để nghe tiếng hò Huế. Ở đây trong khung cảnh thâm trầm hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, trong bầu khí tĩnh mịch có gió man mác... với ánh trăng khuya mờ ảo, được thưởng thức tiếng hò ru thật không gì hạnh phúc hơn, có lẽ cả đời mới có một lần. Tiếng mái chèo khua nhịp lách bách như giúp cho giọng hò thêm lung linh huyền ảo. Khi tiếng hò à ơi của chị lái đò xa dần... xa dần mình thẫn thờ bâng khuâng nhìn theo, tiếc nuối...

Mình nhớ đến buôn Trấp à ơi là như thế đó!

(còn tiếp)

TK.Điệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây