Khổ nhục vì ta

Thứ ba - 30/03/2021 18:14 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   538
Khổ nhục khác với mọi khổ đau khác trên thân thể. Khổ vì chịu nhục, chúng ta muốn trả thù lại khi có dịp, hay bất khả kháng phải chịu vậy trong nhục nhã.
Khổ nhục vì ta

Khổ nhục khác với mọi khổ đau khác trên thân thể. Khổ vì chịu nhục, chúng ta muốn trả thù lại khi có dịp, hay bất khả kháng phải chịu vậy trong nhục nhã. Chúa Giêsu chịu khổ nhục tư bề, từ người đồng hương đến những kinh sư, biệt phái, thượng tế. Chịu khổ nhục, như Isaia diễn tả: Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.” Is 53, 7).

Môn thể thao bóng bàn mỗi ngày, cũng thấy những tiếng trêu tức sau mỗi trận, có người cũng bừng lên máu nóng, muốn đánh lại những quả bóng trả thù. Càng nóng, càng mất kiên nhẫn, càng mau thua. Thắng thua chẳng được giải gì mà cũng chạm vào lòng tự ái, tự cao. Đó cũng là lúc rèn luyện nhân đức chịu vậy cho nên.

Trong những lúc làm việc chung, mỗi khi thành công, người này nhận ra mình đóng góp mặt này, mặt kia, đôi khi còn tưởng mình như cái rốn vũ trụ, nhờ có mình. Còn khi thua hoặc thất bại lại né mình ra hoặc nhận mình đã cảnh báo trước, không ai nghe, phải chịu thôi. Đó là khi tự trốn tránh mình khỏi nỗi ô nhục ê chề sau thất bại. Cũng là bài học để chấp nhận cái sai, cái thua để giảm bớt kiêu căng.

Vênh vang thì dễ hơn là tự hạ, chịu sỉ nhục. Người khác mới nói một câu về mình không hay, đã buồn, đã giận, còn có khi đòi trả thù mới xong. Học nơi Chúa Giêsu sự hiền lành dễ thương, ngay cả khi người ta chống đối cũng bình tĩnh đón nhận, như khi người ta cứng lòng, chai đá.

Chúa Giêsu tự hạ, từ bỏ ý riêng, đón nhận hoàn toàn theo Ý Chúa Cha. Lương thực của Chúa Giêsu là làm theo ý Cha. Thánh ý Chúa Cha là Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, xuống thế làm người như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Người chịu mọi thử thách như con người bình thường. Cần chiến đấu với cái “tôi” tự hào về mình, đón chịu hoàn cảnh như mọi người. Không có ưu thế hay miễn trừ gì khác.

Càng thành công trong sự nghiệp trên con đường chân chính của mình lại càng bị thù ghét. Thường người công chính chịu nhiều thử thách bởi người bất chính. Có những người có tâm, có tài năng, chấp nhận sống dưới những cấp trên, tài đức đều hạn chế. Chịu sức ép kềm chế, xem thường, hoặc luôn bị xăm soi, xét nét, để phục vụ cho người khác với tâm đức của mình trong số ngành nghề như y khoa, sư phạm, luật... Chấp nhận như thế, không khỏi có những lúc khó chịu, đau lòng, muốn từ bỏ. Chúa Giêsu chịu các thượng tế, kinh sư ghét bỏ, cũng chỉ vì nhiều người đã bỏ họ mà đi theo Chúa. Thượng tế, kinh sư giỏi ăn, giỏi nói, nhưng họ không làm. Giống như người ta nói: “Mồm miệng đỡ chân tay”, Chúa Giêsu nói: “nghe các điều kinh sư, luật sĩ dạy nhưng đừng theo việc họ làm, họ nói mà không làm” (Mt 23, 3).

Chiu sự tấn công không phải thể xác mà bách hại tinh thần. Nhiều người vì bênh vực cho người nghèo thất thế. Tận tâm phục vụ lợi ích cho kẻ bé nhỏ chịu những bách hại tinh thần nặng nề, bởi tiếng chỉ trích, ngồi lê đôi mách, chuyện ít xít ra nhiều, đồn thổi gây áp lực. Chúa Giêsu cũng bị người ta đồn thổi là mất trí, làm được nhiều phép lạ mà ở quê nhà chẳng làm gì được cho quê hương, nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ, thường xuyên vi phạm luật ngày Sabat.

Ở cái xã hội nam nữ “Thụ thụ bất thân” mà có mấy bà phụ nữ theo chân phụ giúp, nói chuyện với người phụ nữ xứ Samari bên bờ giếng Giacop, người phụ nữ tội lỗi lau chân Chúa, ngồi ăn uống với người tội lỗi... Nhiều điều chướng tai gai mắt làm cho người ta ghét Chúa và nghi ngại về Chúa. Trong cuộc sống có nhiều trường hợp đâu dễ biện minh cho mình, đành phải chịu. Khi “thấy vậy mà không phải vậy” dẫn đến những xuyên tạc tấn công vào phẩm giá vào người họ không ưa thích, hoặc do ghen ăn tức ở,  nhằm bêu xấu, sỉ nhục.   

Trong cuộc thương khó Chúa Giêsu, khổ nhục nhất là người ta lột trần Chúa ra, sỉ vả, khạc nhổ lên đầu, đội mạo gai, mặc áo đỏ, vác thánh giá, bắt đi diễu hành trên đường phố như một ông vua thất trận lên núi sọ. Ngày xưa trong thời phong kiến, phạt người phụ nữ ngoại tình, chửa hoang, người ta cạo đầu bôi vôi, dẫn người phụ nữ ấy đi khắp làng cho nhục mặt, có khi còn kết bè thả trôi sông. Ngày nay, xem mấy cái clip người ta đánh mấy người bắt trộm chó, thấy cảnh nhục nhã, thê lương, con người đối xử với nhau, như con vật bị trộm. Chúa lãnh nhận phần khổ nhục ấy, là người công chính gánh hết mọi khổ nhục cho người có tội.

Nỗi khổ nhục cuối cùng trên thánh giá: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.” (Mc 15, 31 – 32). Sự thách thức cuối cùng là đánh vào điểm mấu chốt danh dự tối cao của “Chúa là Vua”. Người thinh lặng đón nhận tất cả để cứu lấy những danh dự, phẩm giá của con người đang bị xúc phạm.

“Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái! ” Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.” (Mt 27,28-31). Xin cho chúng con cũng chịu được những sỉ nhục mặc lòng.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây