Đức Giê-su - Ngài là nguồn ơn cứu độ…
Petrus.tran
2021-03-27T06:21:23-04:00
2021-03-27T06:21:23-04:00
https://lebaotinhbmt.net/quan-van/duc-gie-su-ngai-la-nguon-on-cuu-do-1687.html
https://lebaotinhbmt.net/uploads/news/2021_03/cnlela2021.jpg
Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột
https://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 27/03/2021 06:18 |
Tác giả bài viết: Petrus.tran |
976
Theo lịch Phụng Vụ, sau Chúa Nhật thứ V – Mùa Chay, toàn thể Giáo Hội cử hành một Thánh lễ rất long trọng, Thánh lễ đó được gọi là “Lễ Lá”.
Chúa Nhật Lễ Lá
Đức Giê-su - Ngài là nguồn ơn cứu độ…
Theo lịch Phụng Vụ, sau Chúa Nhật thứ V – Mùa Chay, toàn thể Giáo Hội cử hành một Thánh lễ rất long trọng, Thánh lễ đó được gọi là “Lễ Lá”. Cử hành Lễ Lá, Giáo Hội muốn nhắc lại việc Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, và đã được dân chúng đón rước như một vị quân vương.
Mà, thật vậy, theo lời tường thuật của thánh Luca, thì hôm ấy: “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường”. Và “Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!”...
Tâm điểm của Phụng Vụ tuần này, Lm. Charles E.Miller nói: “đó là Giáo Hội nhắc lại vở kịch thần thiêng, người diễn viên chính, chính là Con Thiên Chúa Hằng Sống, Người là Chúa Giê-su – Đấng Cứu Độ. Người là Đức Ki-tô được Thiên Chúa xức dầu để trở thành Con Chiên, Đấng xóa tội trần gian”.
Sau Chúa Nhật Lễ Lá, toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Tam Nhật Thánh. Tam Nhật Thánh được bắt đầu vào thứ Năm, với ngày này, Giáo hội cử hành nghi thức rửa chân và nhắc lại việc Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể. Kế đến là thứ Sáu, với ngày này, Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su. Sau đó, vươn tới cao điểm là một Thánh lễ long trọng vào chiều tối thứ Bảy, chúng ta quen gọi là Lễ Vọng Phục Sinh. Cuối cùng được kết thúc với một Thánh lễ Mừng Chúa Phục Sinh. Thánh lễ cử hành chính ngày Chúa Nhật Phục Sinh.
Sự kiện Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể, Tin Mừng thánh Mác-cô có ghi lại rằng: Hôm ấy, là ngày lễ Vượt Qua. Đang khi dùng bữa, “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’. Và Người cầm chén rượu, dâng lời Tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này Người bảo các ông: ‘Đây là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Thiên Chúa”. (x.Mc 14, 22-25). Mà, quả thật, “Máu Thầy, máu Giao Ước”, đã đổ ra vào thứ sáu… thứ sáu tuần thánh, nói… theo cách nói của chúng ta, hôm nay.
**
Vâng, vào cái ngày thứ sáu xa xưa ấy. “Đức Giê-su và các môn đệ đã đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni”. Đến nơi, Đức Giê-su nói với nhóm mười hai ngồi lại nơi đây, trong khi Người cầu nguyện. Ba người trong số mười hai môn đệ là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đã được Đức Giê-su đem đi theo.
Trong thanh vắng của màn đêm, Đức Giê-su “bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến”. Và, một lời tâm sự của Ngài đã được gửi đến ba người môn đệ, rằng: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”.
Một người đầy quyền năng như Ngài mà vẫn “cảm thấy hãi hùng xao xuyến” sao! Vâng, có đấy! “Áp-ba, Cha ơi” – Ngài đã thốt lên rằng: “Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng đừng làm theo điều con muốn, mà làm theo điều Cha muốn”.
“Điều Cha muốn chính là Máu Thầy”. Và, đêm thứ Sáu hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ, rằng: “Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào. Kìa kẻ nộp Thầy đã tới”.
Kẻ nộp Thầy chính là Giu-đa Iscariot. Hôm ấy, sự yên tĩnh của Ghết-sê-ma-ni bị phá tan bởi ánh đuốc bập bùng cộng tiếng vó ngựa rền vang. Tiếng gươm giáo và gậy gộc va chạm đã khiến cho ai nấy phải rợn người. Vòng vây mỗi lúc một xiết chặt hơn. Ghếtsêmani bỗng chốc phủ trùm bầu khí của bạo lực và chết chóc. Và khi Giuda Iscariot xuất hiện. Không một chút chần chừ, y xông đến Đức Giê-su, hôn Ngài.
Nụ hôn ư! Đó là một cử chỉ biểu lộ tình yêu thương, sao nay lại là một ám hiệu để bắt bớ! Thưa, đúng vậy. Đó là ám hiệu mà y đã nói với đồng bọn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận.”
Vâng, hôm ấy, đúng là Giu-đa đã dùng một nụ hôn. Nhưng nụ hôn của y không phải là một nụ hôn của tình yêu thương, mà là một nụ hôn của thần chết.
Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, không ít lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (x.Ga 8,59).
Nhưng hôm nay, tại vườn Ghếtsêmani, Giêsu người Nazareth, Ngài đứng lặng… Ngài đứng lặng… lặng như “chiên bị dẫn đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng”. (Isaia).
Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái ập đến bắt Đức Giêsu. Họ trói Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha. Toàn thể những thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi bất ngờ trước sự thành công của tên “phản thùng” Giuđa Iscariot.
Tại đây, Đức Giêsu đã phải hứng chịu suốt đêm màn tố khổ đầy bất công và tàn nhẫn. Thế nhưng, điều đó cũng chưa làm Hội Đồng Công Tọa mãn nguyện. Họ muốn Ngài phải chết.
Thế nên, không có kế nào tốt hơn là “dẫn độ” Đức Giê-su đến Phi-la-tô, một quan tổng trấn La-mã, người có quyền tuyên án tử hình. Và họ đã làm. Trên đường tới dinh tổng trấn, ngoài những sự đau đớn do bị đánh đập, Đức Giê-su còn đau đớn hơn khi “gà chưa kịp gáy” thì người môn đệ của mình “đã ba lần chối là không biết Thầy”.
Tại dinh tổng trấn, khi Philatô xuất hiện. Ông ta chết lặng nhìn thân thể tiều tụy rã rời của Đức Giêsu. Hình hài của Đức Giêsu, thật đúng như những gì ngôn sứ Isaia đã mô tả: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (x.Is 50, 6).
Chỉ qua vài lời thẩm vấn, Phi-la-tô cho rằng, Đức Giê-su “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14). Thế nhưng, dù có thẩm quyền, ông ta vẫn không đủ can đảm trả tự do cho Đức Giê-su, vì ông ta sợ, sợ trước những tiếng gào thét điên cuồng hướng về Đức Giê-su: “Giết! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá”.
Sau một chút do dự, Philatô “chữa cháy” bằng việc đem ra một tù nhân, một gã cướp khét tiếng, phạm nhiều tội ác và sa lưới pháp luật, tên là Baraba. Vâng, như một thông lệ, vào những ngày lễ lớn, quan tổng trấn đại diện cho Rôma, có thói quen ân xá cho một phạm nhân. Hôm đó, Philatô đã đưa Đức Giêsu và Baraba ra trước mặt dân chúng cho họ chọn lựa. Tiếc thay, kế hoạch của quan tổng trấn “phá sản”. Hôm đó, toàn dân đã la lớn: tha Baraba và đóng đinh Giêsu.
Tha Baraba và đóng đinh Giê-su, như vậy là xong. Ngài tổng trấn Philatô ngượng ngùng qua việc “rửa tay”, hàm ý phủi bỏ trách nhiệm kết án của mình. Hôm ấy, mệt mỏi vì những tiếng gào thét cuồng nộ của đám đông, Philatô đã “trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá”.
Con đường thương khó bắt đầu trải ra cho Đức Giêsu. Mấy hôm trước, Ngài đã được đón tiếp như một quân vương. Nhưng hôm nay, ôi thật đúng là con đường của chết chóc! Lưỡi gươm và mũi đòng đã được thay cho những nhành thiên tuế.
Có một nhóm phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”, thế nhưng, Đức Giêsu đã quay lại và cho họ một lời khuyên: “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu”. Các bà quên rằng, Đức Giêsu, nếu muốn, Ngài đã có thể cầu xin Thiên Chúa Cha “cấp ngay cho (Ngài) hơn mười hai đạo binh thiên thần” để giải thoát Ngài. Nhưng! “như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?”.
Đức Giê-su đã chấp nhận và hoàn thành cuộc “thương khó” dẫu cho những điều xảy ra cho Ngài “khó thương”; cũng chỉ vì… “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”.
Thứ Sáu năm ấy, “vào giờ thứ chín Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con…” Rồi, thánh sử Mác-cô kể tiếp, rằng: “Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn rồi tắt thở”.
Thứ Sáu hôm nay, phụng vụ không có Thánh lễ. Sẽ có việc tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giê-su.
***
Vào thứ sáu Tuần thánh, sẽ có “Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu”. Nhiều nhân vật xưa kia sẽ xuất hiện trong cuộc tưởng niệm này. Và, nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra cho mỗi chúng ta, hôm nay.
Câu hỏi sẽ được hỏi, rằng: tôi là ai trong một rừng người đứng trước dinh quan tổng trấn Philatô? Tôi là ai trong một rừng người đau đáu đứng nhìn “Giê-su gục ngã treo trên thập giá giang cánh tay ôm tội đọa dày”? Tôi là ai, trong nhóm Mười Hai?
Tôi là Phê-rô, là Gio-an hay là Giu-đa Iscariot? Tôi là những kẻ lớn tiếng đòi tha Baraba? Tôi là những kẻ lớn tiếng đòi đóng đinh Giê-su vào thập giá? Tôi là những tên lính “khoác cho Người một tấm áo điều và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người”? Tôi là “kẻ qua người lại nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống thập giá mà cứu mình đi?” Tôi là “các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy?”
Hay… Vâng, hay tôi là “Si-mon, gốc Kyrene… vác thập giá đỡ Đức Giê-su”? Hoặc tôi là “viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy và nói: Quả thật, người này là Con Thiên Chúa?”
Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, một điều năm xưa Đức Giê-su đã nói với ông Nicôđêmô, rằng, “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. Và, tại Golgotha, một trong hai tên gian phi, đã thật sự được cứu nhờ tin, tin vào Ông Giê-su, qua lời khẩn cầu, rằng: “Ông Giê-su ơi! Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”.
Thế nên, sẽ là một thay đổi lớn cho cuộc sống đức tin của chúng ta, nếu… nếu chúng ta không xem việc tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giê-su như là một vở kịch của lịch sử, nhưng là một “vở kịch thần thiêng”, một sự thần thiêng mang lại cho chúng ta “ơn cứu độ chứa chan nơi Người”.
Vâng, Đức Giê-su – Ngài chính là nguồn ơn cứu độ.
Petrus.tran