GIUSE, NGƯỜI CHỒNG NGƯỜI CHA MẪU MỰC
Mừng lễ Thánh Giuse, quan thầy của Giáo họ Đức Thịnh năm nay trùng với Năm Thánh Giuse được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố vào ngày 8/12/2020 nhân kỷ niệm 150 năm Đức Thánh Cha Piô IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Hội thánh Công Giáo (1870-2020). Đây là dịp thật tuyệt vời để chúng ta chiêm ngắm và cầu xin sự cầu bầu của thánh nhân trước mặt Thiên Chúa cho mọi nhu cầu trong đời sống hằng ngày của bản thân cũng như gia đình. Trong khuôn khổ ngày mừng lễ quan thầy này, tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về mẫu gương tuyệt hảo của thánh Giuse không những cho mỗi người nói chung, nhưng đặc biệt cho người chồng và người cha trong gia đình.
Trước hết, để đi vào chiêm ngắm con người và các nhân đức của Thánh Giuse nhằm rút ra bài học cho chúng ta, chúng ta cùng nhau nghe câu chuyện sau đây để hiểu được sự cần thiết và tầm quan trọng của một người cha trong gia đình đối với con cái. Câu chuyện có tựa đề: "Bố ơi, mỗi một giờ bố làm ra bao nhiêu tiền?"
“Một người đàn ông đi làm về muộn, rất mệt mỏi và căng thẳng. Cậu bé con mới lên 7 đang đứng đợi người cha yêu dấu trở về nhà ở cửa ra vào. Khi nhìn thấy cha, cậu bé lại gần, ôm lấy và dụi đầu vào người cha. Bất ngờ cậu bé hỏi: "Bố ơi, mỗi một giờ bố làm ra bao nhiêu tiền?"
Người cha vừa thoát khỏi một đống công việc bừa bộn rất bực mình về câu hỏi của cậu bé. Ông thoáng nghĩ đó không phải là việc của trẻ con.
Tuy nhiên cậu bé cứ khăng khăng muốn biết mỗi giờ người cha của mình kiếm được bao nhiêu. Cuối cùng, người đàn ông cũng nói cho cậu bé biết rằng mỗi giờ ông chỉ kiếm được 20 đô.
Cậu bé con suy nghĩ một lúc rồi ngập ngừng: "Bố ơi, bố có thể cho con vay 10 đô được không ạ?
Người cha lúc này trở nên tức giận không kiềm chế nổi mình. Ông nghĩ rằng con mình lại muốn vòi vĩnh những thứ đồ chơi xa xỉ hay một thứ gì khác mà ông phải đánh đổi hàng giờ làm việc mệt nhọc mới có được.
Ông mắng: "Con thật là ích kỷ đấy, con biết bố đã phải làm việc như thế nào không? Đi về phòng ngay đi!"
Cậu bé mắt ươn ướt khi thấy thái độ giận dữ của cha, cậu lầm lũi đi lên phòng.
1 tiếng sau, người cha cảm thấy đã nguôi giận phần nào và bắt đầu suy nghĩ về những lời nói của đứa con. Ông nghĩ chắc hẳn phải có việc gì quan trọng lắm thì cậu mới xin ông 10 đô như vậy vì chưa bao giờ cậu bé hỏi xin tiền.
Người cha lặng lẽ đi lên phòng đứa con và gõ cửa.
"Con còn thức không con trai?"
Cậu bé thổn thức: "Chưa bố à."
Người cha chậm rãi: "Bố nghĩ rồi, có lẽ bố đã hơi nóng. Bố đi làm cả ngày nên mệt quá. Bố cài 10 đô của con vào cánh cửa rồi nhé!"
Cậu bé lao ra cửa, nhìn bố, mỉm cười. Cậu chạy vào phòng, lật gối lên và mang ra cho người bố 1 xấp tiền lẻ và hào hứng: "Bố ơi, bây giờ thì con có đủ tiền rồi."
Người cha nghiêm khắc nhìn con, ông gằn giọng: "Tại sao con vẫn muốn bố cho tiền trong khi đã có?"
Đứa con ngây thơ: "Vì con chưa đủ tiền mà."
Nó nhanh nhảu: "Bố ơi, giờ con đã có đủ 20 đô rồi. Bố ơi, con có thể mua được 1 tiếng làm việc của bố. Mai bố nhớ về nhà sớm hơn 1 tiếng ăn cơm với con nhé."
Người cha sững lại, cố kìm dòng nước mắt. Ông ôm cậu bé vào lòng và nói: "Bố thực sự xin lỗi con trai yêu quý!"
Nghe câu chuyện trên chắc chắn phần nào gợi lên cho các bậc làm cha làm mẹ đôi điều suy nghĩ về bổn phận làm cha mẹ đối với con cái trong gia đình. Chúng ta thật khó lòng để trả lời khi được hỏi: Ông bà đã chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ trong gia đình chưa? Ông bà có thường xuyên quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ con cái đến nơi đến chốn không? Ông bà đã dành thời gian cho con cái mỗi ngày bao nhiêu phút/ bao nhiêu giờ? Ông bà đang chủ tâm vào điều gì hơn là con cái? Ông bà có thật sự trở thành gương sáng cho con cái trong đời sống hằng ngày, nhất là về kinh nguyện - lễ lạy không? Đâu là những gương mù mà cha mẹ đang gieo vào tâm trí và đời sống con cái? Là chồng, là cha, tôi đã nêu gương sáng hay gương mù gì cho vợ cho con của tôi trong gia đình?...Đó là những câu hỏi đã được đặt ra để mỗi chúng ta, là cha là mẹ, nhất là người chồng, người cha phải tự suy gẫm và tự trả lời ngang qua mẫu gương Thánh Giuse mà chúng ta trọng kính hôm nay.
Như chúng ta biết, trong lịch nhân loại, biến cố trổi vượt hơn hết hẳn là sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô. Bằng cớ hiển nhiên là ta lấy năm Ngài giáng sinh mà tính thời gian, vì Ngài là trung tâm lịch sử. Đối với chúng ta, tất cả những gì có liên hệ tới Ngài đều đáng trọng. Trinh Nữ Maria, Mẹ Ngài, được tôn lên bậc siêu nhiên trên tất cả hàng thần thánh. Đồng thời, Thiên Chúa đã định liệu cho một người nhân đức kết hôn với Bà Maria để giữ gìn bênh vực, giúp đỡ, dưỡng nuôi Bà Maria và Con Cực thánh Bà. Người đó là Thánh Giuse mà chúng ta mừng trọng kính hôm nay.
Giuse là một tên lớn trong Thánh Kinh, (có nghĩa là Chúa cho tăng trưởng). Giuse là tên người con thứ mười một của tổ phụ Giacob, được cha già quý yêu, nên các anh đâm ghét, lập mưu bán làm nô lệ, trải bao gian khổ đã đạt tới tột đỉnh vinh quang tại Ai cập. Người ta thường so sánh Giuse này với Giuse của chúng ta. Nếu Giuse Ai cập được vinh quang trong lãnh vực trần gian thì Giuse Nazaret được vinh quang trong lĩnh vực Thiên quốc. (trích lược sách “ Thánh Giuse trong Phúc Âm” của tác giả Châu Thuỷ, trang 23-24).
Tin Mừng Matthêu hôm nay trình thuật: “Ông Giacob sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Ki-tô”. (Mt 1, 16) Giuse thuộc con dòng Đavit, khi thiên thần đến báo mộng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1, 20). Điều này rất quan trọng để thiên hạ nhận ra Đấng Cứu Thế. Vì trong Cựu ước, Chúa đã hứa Đấng Thiên sai sẽ được sinh ra bởi dòng dõi Davit (Tv.88,30). Cần phải có phụ hệ pháp lý của Giuse thì Chúa Giê-su mới là con vua Đavit, mới là Đấng thiên hạ mong đợi.
Quả thật, trước khi trở thành là Cha nuôi Chúa Giêsu theo pháp lý, Giuse đã đính hôn với Bà Maria. Truyền thống Do-thái về việc cưới hỏi cũng giống như phong tục của Việt-nam. Có ba giai đoạn trong việc cưới hỏi: thứ nhất là giai đoạn hứa hôn, được làm bởi cha mẹ hai bên khi hai trẻ vẫn còn nhỏ. Giai đoạn này không bị ràng buộc nếu sau này một trong hai trẻ không đồng ý tiến tới; thứ hai là giai đoạn đính hôn, thường kéo dài trong khoảng một năm. Theo Luật Do-thái, hai người chính thức thành vợ chồng tuy chưa ăn ở với nhau; nếu muốn ly dị phải theo thủ tục pháp lý. Thánh Giuse và Mẹ Maria ở trong giai đoạn này. Sau cùng là giai đoạn kết hôn, khi hai người ăn ở với nhau.
Giuse đã rất ngạc nhiên và bối rối khi nghe tin Đức Maria có thai vì hai người chưa hề ăn ở với nhau. Tuy nhiên, là người công chính, Giuse không thể chấp nhận bào thai của Đức Mẹ, và ông có hai cách để giải quyết: hoặc tố cáo và Đức Mẹ sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình, hoặc bỏ Đức Mẹ cách kín đáo. Vì có lòng nhân từ, Giuse không muốn Đức Mẹ bị ném đá, ông “định tâm bỏ bà cách kín đáo.” Khi ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.". Là người công chính, nghĩa là người luôn sống đẹp thánh ý Thiên Chúa, Giuse đã chấp nhận mọi sự. Một sự vâng phục trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Chắc chắn điều này luôn luôn được Thiên Chúa đồng hành và chúc phúc trong mọi biến cố của cuộc đời.
Quả thật, đúng như thế, với nghề chính của mình là một người thợ mộc làng Nazaret, Giuse sống một cuộc sống hết sức đơn sơ, thật thà và chất phác. Chấp nhận thánh ý Chúa, Giuse đã đón bà Maria về nhà và cùng với Đức Maria tìm nhà trọ để sinh đứa con. Thế nhưng, sự khó khăn và thử thách bao trùm cho ông bà khi không một người nào, quán nào đón nhận ông bà và cuối cùng ông bà phải sinh con nơi hang lừa. Một gia đình thánh lặng lẽ bao trùm sự đơn côi và thiếu vắng sự bao bọc chở che của ai đó. Giuse, người chồng, người cha là cột trụ, là người chịu mọi trách nhiệm vì đã đáp lời xin vâng. Không một lời phàn nàn hay kêu ca, Giuse âm thầm, lặng lẽ và tìm mọi cách để vợ con của mình được an toàn. Không ai tiếp đón đã đành, lại phải chọn hang lừa để trú ngụ cho người vợ sắp sinh nở là một nỗi đau tột cùng của Giuse. Không những thế, sau khi sinh con, Giuse lại được báo mộng phải đem con trốn sang Ai cập vì Vua Hê-rô-đê đang tìm giết Hài Nhi. “Hãy chỗi dậy đem Hài nhi và mẹ Ngài mà trốn qua Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi ta nói lại, vì Hêrôđê sắp lùng bắt Hài nhi để giết đi" (Mt 2, 13). Không một lời than phiền, không thắc mắc, không do dự, không một dấu lo âu và bỏ cuộc, Giuse đã nhanh nhẹn thực hiện theo lời sứ thần của Thiên Chúa. Sự hy sinh, chịu thương chịu khó của một người chồng, người cha nơi Giuse đã được thể hiện rõ nét.
Chúng ta không biết rõ Thánh Gia cư ngụ ở Ai cập bao lâu. Chỉ biết khi Hêrôđê băng hà thì các ngài hồi hương theo lời sứ thần: "Hãy chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài mà về đất Israel; vì những kẻ tìm hại tính mạng Hài Nhi đã chết rồi". (Mt 2, 20). Nhưng biết đi về đâu đây? Về lại Bê lêm chăng? “Nhưng nghe tin Arkhêlaô lên làm vua xứ Yuđê thay cha là Hêrôđê, thì ông sợ không dám về đó; được mộng báo, ông lui về miền Galilê, và đến lập cư tại một thành gọi là Nazaret; hầu ứng nghiệm điều các tiên tri đã nói: Ngài sẽ được gọi là Nazarêô.”(Mt 2, 22-23). Từ môi trường này, Giêsu được lớn lên và khôn ngoan nhờ sự giáo dục cũng như gương sáng của bố mẹ, nhất là dưới sự hướng dẫn của người cha Giuse.
Thật vậy, là người công chính, đương nhiên, Giuse là người gương mẫu trong đời sống cầu nguyện, luôn luôn sống lắng nghe Lời Chúa, tín thác và thực hành theo thánh ý của Thiên Chúa. Có được một người chồng, người cha như thế, gia đình Thánh Gia đã luôn thuộc về Chúa, luôn có Chúa đồng hành và gìn giữ. Chắc chắn nhờ đời sống đó mà sau này, trong thời công khai, Chúa Giêsu đã luôn luôn biết cầu nguyện với Chúa Cha trong mọi nơi mọi lúc, nhất là trước cũng sau làm một việc gì.
Về đời sống âm thầm - lặng lẽ, Giuse đã làm cho đời sống gia đình luôn trên ấm dưới êm. Mẫu gương người chồng người cha luôn quan tâm đến vợ con trong việc âm thầm phục vụ mà không cần phải đao to búa lớn; không cần phải nói nhiều nhưng hy sinh tất cả và chấp nhận tất cả vì vợ vì con. Yêu là vậy. Bài học hy sinh này, phải chăng đã để lại trong tâm trí trẻ Giêsu một ấn tượng khó phai mờ? Chính Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và vì yêu nhân loại tội lỗi nên đã chấp nhận hy sinh chết trên cây thánh giá để cứu độ con người. Yêu là cho đi tất cả, quên mình vì người khác.
Với nghề thợ mộc, Giuse đã cùng con mình là Giêsu phục vụ cho bà con làng Nazaret một cách nhiệt tình và vui vẻ. Sự cần lao trong lao động là bài học Giuse dạy cho con mình là Giêsu về sự chăm chỉ, siêng năng và tôn trọng sức lao động của mình cũng như của tha nhân. Phải biết trân quý lao động vì lao động không chỉ đem lại của cải cho gia đình nhưng nhờ đó có thêm phần để giúp đỡ cho người nghèo, tức là làm việc bác ái từ thiện. Chính Chúa Giêsu đã luôn ý thức và làm việc liên lỉ là vậy. Có lần Ngài đã thốt lên: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy" (Ga 5,17). Phải chăng nhờ gương sáng lao động của người Cha Giuse đã dạy cho Đức Giê-su về ý thức làm việc sau này?
Mặt khác, với vai trò là một người cha nuôi của Chúa Giêsu, nhờ đời sống gương sáng về mọi mặt, Giuse đã xây nên cuộc đời người con là Giêsu thành nhân, thành tài trong cái nhìn của nhân loại thật tuyệt vời. Giuse xứng đáng người chồng mẫu mực của bà Maria và người cha đáng trân trọng của người con Giê-su. Nhìn quả thì biết cây, nhìn Giêsu, chúng ta không thể không thốt lên rằng: đúng là cha nào con nấy. Giuse là người thánh thiện, Giêsu cũng thánh thiện. Giuse âm thầm phục vụ vì yêu, Giêsu cũng đã chấp nhận mọi sự vì yêu. Giuse luôn luôn phó thác cho mọi chương trình kế hoạch của Thiên Chúa dẫu có khó khăn và thử thách, thì Giêsu đã thốt lên trong cuộc đời của Ngài: “ Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46; Tv.31,6).
Về phần chúng ta, những người cha, người chồng đang sống trong gia đình, chúng ta được mời gọi học noi gương bắt chước Thánh Giuse để gia đình chúng ta trở nên gia đình Nazaret của thời đại mới.
Tuy nhiên, nhìn vào đời sống thực tế ngày nay, chúng ta phải thú nhận rằng nhiều người chồng, người cha đã và đang lao vào các tệ nạn rượu chè say sưa, đời sống đạo khô khan, nóng nảy, cộc cằn, bỏ xưng tội chịu lễ, đánh vợ đánh con, ăn nói tục tằn, sống bất trung với vợ với con. Hơn nữa, vì đặt nặng vật chất và tiền bạc trên hết, nên nhiều người chồng, người cha đã thiếu đi sự quan tâm đến vợ con trong gia đình, thiếu giáo dục cũng như sửa dạy con cái. Như vậy, một người chồng, người cha thiếu đời sống đạo đức, thiếu đời sống cầu nguyện, thiếu đời sống khiêm tốn, đã dẫn đến một đời sống trịch thượng, độc tài, độc đoán, độc ác và độc tôn trong gia đình và nhanh chóng đưa gia đình đi tới lối sống xấu xa và thiếu đời sống yêu thương nhau. Nhưng Giuse như cột trụ cho mọi nhà được vững đã trở nên gương mẫu tuyệt vời cho những bậc làm cha làm chồng qua việc luôn luôn sống đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa. Vì có Chúa sẽ có tất cả. Có Chúa chắc sẽ nhận được sự hòa thuận trong đời sống gia đình, có sự lắng nghe nhau, chịu đựng lẫn nhau và thông cảm cho nhau,…Ngược lại, gia đình mất Chúa là gia đình bất ổn, bất hòa, bất thuận, không chịu nghe nhau và xung khắc nhau, dẫn đến cãi cọ, ông nói gà bà nói vịt, gia đình lộn xộn như hỏa ngục,…
Quả thật, theo sách cổ của Trung Quốc, cụ thể trong “Tam Tự Kinh” có đoạn: “Dưỡng bất giáo, Phụ chi quá / Giáo bất nghiêm, Sư chi đọa / Tử bất học, Phi sở nghi / Ấu bất học, Lão hà vi”. Đoạn tam tự kinh này dịch ra nghĩa tiếng Việt như sau: “Nuôi con mà không dạy, là lỗi của người cha / Dạy trò mà không nghiêm, là do thầy bê trễ / Con trẻ không học tập, là điều không nên / Lúc còn nhỏ không học, khi già biết làm gì?” Hay nói cách nặng nề hơn như câu ca dao sau: “Sinh con chẳng dạy chẳng răn, thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.” Tại sao ngày nay, trong xã hội, cụ thể trong giáo họ, giáo xứ chúng ta đã và đang tồn tại những đứa con sa vào các tệ nạn xã hội? Phải chăng lỗi tại một phần ở cách thiếu giáo dục, thiếu quan tâm, thiếu gương sáng của các bậc làm cha, làm mẹ trong đời sống gia đình? Trước mỗi sự việc đáng tiếc xảy ra, mỗi chúng ta cần có thái độ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy tự trách mình trước khi trách người khác. Đừng vội đổ lỗi cho người khác mà không nghiêm túc với chính mình.
Để có một gia đình đúng nghĩa với Chúa, xứng đáng với nhau, thiết tưởng không có một gương mẫu nào nằm ngoài trường học gia đình Nazaret, nơi đó, Giuse như là mẫu gương tốt cho người chồng người cha là cột trụ của gia đình; Đức Maria như là người vợ, người mẹ hiền để các bà vợ, bà mẹ noi gương bắt chước; và nơi Đức Giêsu, những người con hãy biết học cách lắng nghe, vâng lời và ngoan ngoãn với các bậc sinh thành.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
https://thanhlinh.net/node/145945
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn