Tản mạn Tháng 3

Thứ hai - 22/03/2021 06:09 |   711
Cũng một câu chuyện đời riêng, quẩn quanh với những chuyện đời thường nhưng qua lăng kính của tuổi tác, mỗi thời, mỗi cột mốc được nhìn với một vẻ khác nhau. Và hôm nay...
Tản mạn Tháng 3

 
“Vậy là tháng 3 đã đi hơn nửa đường rồi”. Vừa nhấp ngụm cà phê gã vừa nghĩ ngợi. “Mình vừa hoàn thành xong cái tuổi Tri Thiên Mệnh, không hiểu đã Tri được gì ở cái Mệnh Trời dành cho mình đây?”, chợt gã hơi nhăn mặt... Cầm cái muỗng quấy tiếp ly cà phê trước mặt, may chi kiếm thêm được chút xíu ngọt ngào...

Rồi vị đắng của ly cà phê đã kéo Gã về thực tại. Gã thầm nghĩ, cách đây chừng chục năm, ngày 3 cữ cà phê đen đậm đặc mà vẫn chưa thấm tháp chi. Đám bạn cứ hỏi “Sao Toi uống cà phê nhiều vậy. Không sợ nóng à?” Gã mỉm cười “Moi sinh ra từ gốc cà phê mà, có chi mà nóng với nhiệt”...

Ừ, đúng là gã sinh ra từ gốc cà phê thiệt. Cũng vào những ngày giữa tháng 3 năm đó... Xin “biến tấu” một đoạn trong bài thơ Tình Già, của cụ Phan Khôi để kể tiếp câu chuyện...
Mấy chục năm xưa, trong một đêm vừa nóng lại vừa oi. Có hai mái đầu xanh kề nhau than thở...

Than rằng “đau gì mà không đau ban ngày, nhè nửa đêm mà đau”. Vừa lai mẹ gã từ xóm Đạo vào Nhà Thương Lớn, Ba gã vừa càm ràm.

Đêm hôm đó, Gã được “Hạ Sinh” cùng với những mầm cà phê đang bén rễ trong những bầu ương mà má gã đang chuẩn bị thêm để phát triển đồn điền của gia đình mình.

Đó là một đêm tháng 3, một đêm Bắt đầu cho một cuộc đời đã được định sẵn. Tháng 3 định mệnh.

Nghe má kể là… thời mà gã được sinh ra, những ngày tháng 3 đã có mưa đủ để có thể trồng trọt được. Lúc đó, bà đang phụ với những công nhân để chuẩn bị thêm những bầu cà phê giống cho “sở chè” của gia đình bà. Sở Chè là cách gọi của những công nhân miền trung gọi đồn điền của gia đình gã. Cái sở chè nằm dọc theo con đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay, bên cạnh khu dân cư mới lập từ buôn Ako Thôn. Cái sở chè mà năm 1977 đã nâng gia đình gã lên hàng địa chủ và được trưng dụng để sau bao năm đổi chủ, một tư doanh khác đang sở hữu với mỹ danh Bảo Tàng Cà Phê.

*
Quay lại cái tháng 3 mà gã gọi là định mệnh kia. Cái tên Rô mà gã đang sở hữu cũng xuất phát từ cái tháng 3 này. Ngày Lễ Kính Thánh Giuse, 19-3, năm đó Cũng là ngày mà Má gã mong ước cho gã chào đời, nhưng lại bất thành. Bởi vậy, cái tên Tây Joseph của Ngài đã được Việt Hóa và được đặt cho cái tên thường dùng mỗi ngày của gã luôn.

Rồi thời gian cứ trôi, cũng vào những ngày tháng 3, 11 năm sau đó, khi đang đá banh ở sân trường Lasan Lam Sơn, một thằng bạn rủ: “Ê! có đi tu không vậy?” Chả biết tu là gì mà nghe trong lớp lúc đó có ba, bốn thằng nộp đơn rồi. Chẳng đắn đo gì nữa, mà Hạ quyết tâm theo bạn lên núi tầm sư học đạo luôn. Cái núi của gã năm ấy nằm ngay cái ngã 3 có tên Ngã Ba Hòa Bình. Chủng viện Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuột. Không cạo đầu, nhưng mỗi ngày vẫn 3 buổi cầu kinh và vẫn chia nhau quét..., hổng phải lá đa mà là quét hành lang và quét lớp. Được non 3 năm thì lại cũng vào một ngày tháng 3...

Tháng 3 năm đó, đì đùng những tiếng súng, chát chúa những tiếng bom, xé lòng những tiếng khóc thét... Sau 5 ngày lao đao trong lửa đạn, gã dẫn đầu đám bạn con nít của gã để “Hạ Sơn”. Ngang qua những xác người, tránh những xác xe cháy, dẫm lên trên đổ nát mà về “hợp phố”. Và từ cái buổi hạ sơn định mệnh đó, bụi trần đã quấn lấy thằng trẻ con ấy cho đến tận bây giờ.

Hai năm sau đó, lại là tháng 3, tháng 3-1977, một căn bịnh quái ác đã dán thằng nhóc con kia xuống giường bịnh hơn hai tháng và cũng giáng luôn nó vào một phận đời khác. Phận đời của nhóm người thiểu số trong xã hội. Sau khi hết thời học sinh năm 1979, nó bước vào cuộc sống chung với mọi người trong sự thiếu thốn. Thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, thiếu sức khỏe và hoàn toàn vô sản với cái danh con địa chủ như đã nói ở trên. Chỉ có một cái không thiếu là sự khí khái. Cái khí khái thừa hưởng của ba và là phản ứng tinh thần của những người không được xã hội ưu đãi buổi giao thời.

Rồi lại một ngày tháng 3 sau khi vừa thôi học, Thằng con trai mới lớn trong gã được cảm nhận cái ngọt ngào đầu tiên trong đời qua một bức thư tình đầu tiên nhận được. Một quả vú sữa chín mọng trên một nhánh cây đẹp sau nhà đã là khởi đầu cho một câu chuyện... Vừa với tay bẻ được nhánh cây là vừa lúc thấy mình nằm dưới đất. Gã bị Hạ Thổ do gãy cành. Ơn Giời là cùng với sự lành lặn của thân thể là nhánh Vú Sữa kia vẫn còn nguyên. Và hôm sau, một chiếc lá trên cành kia được trả lại với trích đoạn một tình khúc. Và thế là một trời mơ, một trời thơ nở trong lòng. Hai năm sau, cái trời mơ, trời thơ ấy cùng những nét chữ trên chiếc lá kia đã nhảy vào khuôn nhạc và...

Gã nhấp một ngụm cà phê và lại thầm nghĩ, trong 4 cái hạ đã trải qua, thì có lẽ hình ảnh hạ thổ là một biểu trưng cho một sự tái khởi đầu, khởi đầu cho phận đời của chính gã trong những năm tháng thăng trầm sau đó...

Rồi từ cái ngày thôi học đó với suốt một quãng đời 30 năm sau đó. Cuộc đời của gã cứ trôi dần theo thời gian với những vui, buồn, sướng, khổ. Với cái tâm lý của những thằng thiếu chữ, gã đã thử sức mình trong nhiều lãnh vực. Thành công cũng có mà thất bại cũng không ít. Dấu ấn đậm nhất trong giai đoạn này là trở thành người khiếm thị năm 2005 sau non chục năm chỉ thấy quanh mình toàn là... mờ nhân ảnh.

Đầu thế kỷ 21, với cái tên Lê văn Chim Non, gã đã có dịp gây được sự chú ý của truyền thông địa phương qua những sự kiện dành cho đám trẻ con trong trường của gia đình mình. Đến năm 2009, nếu không lầm thì cũng bắt đầu vào tháng 3, sau nhiều tháng chuẩn bị, cái trời thơ trời mơ ngày xưa của gã lại có dịp lấp lánh qua một sự kiện mà gã đã góp phần không nhỏ dành cho bè bạn đồng học ngày xưa. - Cùng được tham gia nhóm lên một ngọn lửa kết nối bạn bè bắt đầu bằng Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thôi học. Cũng trong tháng 3 năm đó, số phận lại tạo điều kiện cho Gã được cộng tác với ban Truyền Thông Giáo Phận BMT để viết bài cho tập san chuẩn bị đón Tân Giám Mục. Ngay tiếp liền sau đó, gã lại được tạo điều kiện để thử sức mình trong một lãnh vực khác nữa và có thể nói là khá thành công. Bắt đầu từ DVD “ĐÔI NÉT VỀ GIÁM MỤC VINH SƠN NGUYỄN VĂN BẢN” của Ban Văn Hóa và Truyền Thông Giáo phận BMT,mà Gã và mấy anh em trong nhà được tạo điều kiện cộng tác thực hiện. Từ đó, vai trò biên tập của gã đã có nhiều điều kiện để hoàn thiện hơn qua việc phụ với gia đình mình trong những lần cộng tác với Ban Văn Hóa và Truyền Thông trong một số sự kiện lớn nhỏ trong Giáo Phận và vài nơi cần đến.

Và cũng từ đó, gã được sống trong một thế giới rộng lớn hơn. Đó là Thế giới của những con chữ và sự suy tư. Những điều mà Gã đã cóp nhặt được trong suốt những năm tháng dài trải nghiệm.

*
Rồi đến hôm nay, cũng một ngày tháng 3, ngày cuối cùng của 10 năm trong cái tuổi Tri Thiên mệnh, gã cảm nghiệm được rằng, Ông Trời không lấy hết của ai mọi điều và cũng không cho ai tất cả. Hiểu được và sống với cái Mệnh Trời cho của mình là điều phải làm và gã đã cố làm như thế trong suốt chặng dài 60 năm qua.

“Cám ơn Chúa; Cám ơn Trời; cám ơn Thượng đế đã đặt để con trong một hoàn cảnh cụ thể với những con người cụ thể. Cám ơn số phận. Cám ơn Ba, Má và cả nhà. Cám ơn bè bạn và tất cả mọi người”

Vẫn với vẻ trầm ngâm, Gã nhấp thêm một ngụm cà phê nữa và nhận ra rằng, vị đắng và chút ngọt ngào hòa lẫn đã tạo cho ly cà phê có một sự hấp dẫn riêng của nó. Bên ngoài kia, những bông hoa Dã Quỳ cuối mùa vẫn ngạo nghễ đua sắc cùng đám bướm đang lượn chơi trong nắng bụi, và làm rực rỡ thêm ánh vàng của nắng giữa những ngày cuối Xuân.
...
Banmethuot, tháng 03.2021- Viết cho tuổi 60
Lê Văn Lavâng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây