Thăm phòng tiệc ly của Đức Giêsu

Thứ sáu - 19/03/2021 17:57 |   529
Phòng tiệc ly là một phần của nhà thờ “Holy Zion” hay cũng được gọi là Nhà thờ các tông đồ trên núi Sion, được xây năm 390.
Thăm phòng tiệc ly của Đức Giêsu

 
Từ cửa Sion đi dọc theo hướng con đường nhỏ độ mươi thước là đến một nơi đặc biệt: mộ vua Đa–vít[1], nhà tiệc ly, Basilica of Sion, Basilica of Dormition (Nhà thờ Đức Mẹ Ngủ), xa xa là nhà thượng tế Cai–pha (hiện nay là nhà thờ Gà Gáy thánh Phêrô – Gallicantu). Vì thế đây cũng là nơi quan trọng cho ngày tĩnh tâm với chủ đề: Đức Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn tại Nhà Tiệc Ly.

Vào thời Đức Giêsu, nơi này xa trung tâm của dinh Philatô, nhưng gần nhà thượng tế Cai Pha. Là thành ở trên cao nên không có nguồn nước dồi dào như các nơi dưới thung lũng quanh thành Giêrusalem. Nằm ở địa thế cao nhất xa trung tâm nội thành, trên ngọn núi Sion, người ta xây những căn nhà không chỉ cho khách hành hương mỗi khi về thành thánh, nhưng họ còn thiết kế những căn phòng rộng rãi ở trên lầu. Nơi đây các nhóm có thể ăn uống, hoặc sinh hoạt chung với nhau. Bởi đó khi chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua, chính Đức Giêsu đã chỉ cho các môn đệ đến chỗ này để dọn lễ Vượt Qua cho cả nhóm.

Thực vậy, theo truyền thống Kitô giáo, đây là phòng tiệc ly mà Đức Giêsu và các môn đệ ăn bữa Vượt Qua – bữa Tiệc Ly. Tên của căn phòng hiện nay được đặt theo La Tinh: Coenaculum nghĩa là phòng ăn tối, tiếng Anh là Upper Room hay Cenacle. Cũng theo Tin Mừng, trước ngày lễ ngũ tuần vì các môn đệ sợ người Do Thái, nên họ tụ họp tại phòng này, các cửa đều đóng kín. Chúa Giêsu phục sinh đầu tiên hiện ra với các ông tại phòng này, lần thứ hai cũng tại phòng này khi có mặt của Tôma (Ga 20,19–23). Đặc biệt đây cũng là nơi các môn đệ nhận được Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Nhờ đó họ bắt đầu nói được các tiếng khác nhau (Cv 2,1–4).

Phòng tiệc ly là một phần của nhà thờ “Holy Zion” hay cũng được gọi là Nhà thờ các tông đồ trên núi Sion, được xây năm 390. Thời thế kỷ 15–16, nơi đây cũng là khu vực dành cho những người nghèo hoặc những ai muốn tham dự thánh lễ theo nghi thức Rôma. Trước giờ ở đây do các cha dòng Phanxicô quản lý. Bởi đó suốt thời Trung Cổ, đoàn hành hương thường cư trú tại đây. Hiện nay, Tòa Thánh tiếp tục giao cho dòng Phanxicô quản lý các địa điểm thánh. Nhà Dòng có nhiều chỗ trọ và hỗ trợ cho đoàn hành hương.

Khi ở trong phòng tiệc ly, tôi phấn khởi chiêm ngắm, lắng nghe và nguyện cầu với nhóm môn đệ của Đức Giêsu. Đặc biệt tại căn phòng này, tại bữa tiệc ly trong ngày thứ năm Tuần Thánh, tôi xin Đức Giêsu trao cho nhiều ân sủng thiêng liêng để bắt đầu hành trình với Ngài trong cuộc khổ nạn.

1. Những lần tiên báo cuộc khổ nạn

Tôi lật lại Tin Mừng để lắng nghe những lần Thầy tiên báo đến cái chết đang chờ tại Giêrusalem. Tin Mừng nói Thầy tiên báo đến ba lần. Nếu số “3” ám chỉ số nhiều thì chắc hẳn Thầy rất nhiều lần nói đến cuộc khổ nạn tại Giêrusalem. Bởi đó là biến cố quan trọng, vì giờ Thầy phải đau khổ, phải chịu chết là sứ mạng Thiên Chúa Cha trao phó cho Thầy, nên Thầy thường xuyên thổ lộ điều ấy cho các môn đệ của mình. Phần các ông vẫn chẳng thể hiểu Thầy muốn nói gì, vì điều ấy nằm ngoài suy luận, phán đoán của bất kỳ ai.

Quả thực, khi Thầy lặp lại nhiều lần về biến cố Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, phải chịu nhiều đau khổ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dạy, Thầy muốn các môn đệ can đảm để bước theo Thầy. Thầy muốn các ông hiểu rằng theo Thầy không chỉ được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, mà còn cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau (Mc 10,30). Các ông chỉ thích hiểu vế đầu, còn phận ngược đãi, bị bách hại là điều các ông làm ngơ không hiểu.

Rồi việc gì đến cũng đến. Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu cùng các môn đệ dọn bữa và ăn tiệc ly cùng với nhau. Chỉ Thầy biết rõ đây là bữa ăn sau cùng, bởi giờ của Người đã đến, giờ Người phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha (Ga 16,28). Nên trong bữa tiệc thân tình này, thầy Giêsu cho các môn đệ thấy Cuộc Khổ Nạn đang chờ Thầy ngoài kia: nội trong đêm nay người ta sẽ bắt Mục Tử và đàn chiên sẽ toán loạn.

Lúc chiều Thầy dặn các ông đi chuẩn bị cho nhóm ăn Lễ Vượt Qua. Phần chính yếu của Lễ này là ăn thịt con chiên Vượt Qua. (Xh 12,21–28). Thầy sai Phêrô và Gioan đi chuẩn bị. Theo cha Nguyễn Công Đoan SJ[2], thực ra Thầy đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Thầy đã mượn một căn phòng lớn trên lầu và chủ nhà đã trang bị mọi thứ. Thầy còn nhờ người ra đón các môn đệ với mật hiệu là “người đàn ông mang vò nước.” Thế là bữa tiệc hôm nay bí mật, chỉ có Thầy với trò trong căn phòng trên lầu yên ắng.[3] Nơi đó chỉ còn nghe tiếng Thầy nói những lời sau cùng, thỉnh thoảng nghe những lời bàn tán của các môn đệ.

2. Bữa Tiệc Vượt Qua

Tiệc tùng bao giờ cũng cho người ta niềm hứng khởi vui mừng. Đó lại là tiệc lễ Vượt Qua của người Do Thái để tưởng nhớ đêm cuối họ ở bên Ai Cập. Họ giết chiên để ăn bữa tối cuối cùng trên đất khách quê người. Sau đêm nay, họ sẽ được giải phóng khỏi cảnh nô lệ áp bức, họ sẽ được trở về vùng đất của cha ông, nơi tràn trề sữa và mật. Kể từ ngày trở về quê hương, năm nào họ cũng mừng lễ Vượt Qua với nhau tại Giêrusalem, nơi đền thờ để sát tế con chiên tạ ơn Giavê đã giải phóng dân tộc. Do đó Lễ Vượt Qua là đại lễ ăn mừng chiến công.

Tuy nhiên sao đêm nay ở căn phòng trên lầu này, Thầy lại nói về một biến cố mà Thầy gọi là “giờ của Con Người”: Giờ khổ nạn. Đây là buổi Tiệc Ly vào chiều tối ngày thứ Năm Tuần Thánh. Tôi chiêm ngắm Thầy vào bàn cùng các môn đệ, ngồi xuống hàn huyên tâm sự. Các môn đệ ngạc nhiên khi nghe Thầy nói: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình.” Lời Thầy lại tiên báo về cái chết đang đến gần. Các môn đệ vẫn ngơ ngác, không hiểu.

a. Rửa chân, câu chuyện về tinh thần phục vụ

Trong lúc này Gioan kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động của Thầy dành cho các môn đệ: thầy Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Các môn đệ càng ngạc nhiên đến lạ lùng, Phêrô còn ngăn xin Thầy đừng rửa cho ông. Thầy nói nếu Thầy không rửa cho ông, ông sẽ chẳng được chung phần với Thầy. Được chung chia cuộc sống với thầy Giêsu là điều Phêrô hằng mong ước, thế là ông vâng lời để Thầy đổ nước lên chân.

Trước khi ra đi chịu khổ hình, Thầy muốn để lại cho các môn đệ một mẫu hình về tinh thần phục vụ. Giêsu là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các ông, thì các ông chẳng lẽ lại không thể rửa chân cho nhau. Một biểu tượng, một gương mẫu dành cho những ai kết thân với Thầy. Bài học ấy vẫn hợp cho mọi thời đại, nhất là thời con người cần đến lòng thương xót của Chúa phải bằng hành động cụ thể từ các môn đệ của thầy Giêsu. Cúi xuống để đụng chạm đến những mảnh đời thấp cổ bé miệng, đau đớn tột cùng, đòi người môn đệ một tình yêu đủ lớn, lớn dành cho Thầy Giêsu, lớn dành cho chính người anh em đồng loại.

Căn phòng chỉ còn tiếng róc rách của nước đang rửa sạch những bàn chân rám bụi vì những ngày rong ruổi cùng Thầy. Trời càng về khuya, buổi tiệc càng là nơi thầy Giêsu diễn tả về tình yêu, một tình yêu của người sắp ra đi dành cho người ở lại. Nếu hỏi tôi ấn tượng điều gì nhất khi ngồi trong căn phòng Tiệc Ly để nhìn ngắm Thầy và các môn đệ, thì chắc tôi trả lời là tình yêu. Đó cũng là điều cần thiết khi tôi đang còn ở giữa thế gian; đó cũng là điều răn mới Thầy muốn để lại trước khi Thầy được tôn vinh trên Nước của Người.

b. Thầy Giêsu lập phép Thánh Thể, bí tích của tình yêu

Thế là bữa tiệc bắt đầu. Ai cũng im lặng, chỉ mình Thầy “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Rồi đến cuối bữa ăn thầy Giêsu cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22,19). Lời Thầy nói đầy thống thiết, như muốn trao cho các ông sự sống của chính thịt máu mình, nhờ đó các ông có sự sống nơi mình. Một sáng kiến của tình yêu mà thầy Giêsu muốn để lại cho Giáo Hội: Bí tích Truyền Chức thánh và bí tích Thánh Thể. Tại nơi đây, Thầy là thượng tế tối cao dâng thánh lễ đầu tiên bằng chính máu thịt của Thầy hiến tế vì các môn đệ. Nhờ bí tích này mà Thầy vẫn hằng hiện diện với nhân loại nơi hình bánh đơn sơ.

Tôi hỏi Thầy tại sao thời đại hôm nay nhiều người không thích đến nhà thờ tham dự thánh lễ, không niềm nở với Mình Thánh Chúa? Thầy Giêsu im lặng nhìn về phía các môn đệ, Thầy mời tôi suy nghĩ tiếp. Tôi chợt nhớ đến lời nhận xét của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Nếu người ta ý thức được tầm quan trọng của thánh lễ, của bí tích Thánh Thể, ắt hẳn người ta đã phải xếp hàng dài để chờ vào nhà thờ.” Phải chăng đó là nguyên do? Tôi vò đầu suy nghĩ, rồi cũng tạm gác qua một bên vấn đề ấy để lắng nghe một hung tin mà Thầy sắp nói.

c. Giuđa phản bội

Chưa hết ngỡ ngàng với những lời Thầy vừa nói, các môn đệ xốn xang khi nghe Thầy nói có kẻ sẽ nộp Thầy. Ai vậy, kẻ nào dám tra tay làm việc động trời như thế? Lúc này bên ngoài phòng tiệc ly, các thượng tế và kinh sư tìm cách thủ tiêu Đức Giêsu (Lc 22,2), thì chính trong nhóm các môn đệ lại có người tiếp tay làm việc đó. Thù trong giặc ngoài, đau lòng! Nhưng biết làm sao được khi Xatan nhập vào Giuđa Ítcariốt và khiến y đến gặp giới lãnh đạo tôn giáo để tìm cách bắt thầy Giêsu. Dĩ nhiên họ rất mừng và đồng ý cho y số tiền. Y đã bán đứng Thầy với giá 30 đồng bạc cho tay quân dữ.[4] 

Thử tưởng tượng chung một bàn ăn, thầy Giêsu kín đáo và tế nhị để báo người môn đệ sẽ phản bội Thầy. Ông là người đã cùng Thầy chia cơm sẻ bánh, giờ lại giơ gót đạp Thầy. Công lao Thầy gọi để huấn luyện, kết thân, giờ đây ông bội nghĩa vong ơn, tiếp tay cho giặc. Thế là khi ăn xong miếng bánh Thầy trao, Giuđa Ítcariốt liền ra đi, ông lao vào đêm tối để bắt tay với Xatan phản bội Thầy.

d. Di chúc của thầy Giêsu

Ngoài trời bóng tối bao trùm mặt đất, thỉnh thoảng những bầy quạ gọi nhau về tổ, nghe vang cả một vùng trời. Những cơn gió thổi hắt lên từ thung lũng Kítrôn và Silwan khiến căn phòng thêm lạnh lẽo. Nhưng tất cả những lời trăn trối của Thầy khiến ấm lòng người ở lại. Các môn đệ ngồi nghe từng lời Thầy nói, từng điều Thầy căn dặn. Từng lời của Thầy văng vẳng biến cố ngày mai người ta sẽ tra tay giết Thầy. Thầy chỉ còn ở với các môn đệ ít lâu nữa thôi. Các ông không hiểu điều ấy, bởi nơi Thầy đến bây giờ các ông không thể đến được.

Trong thời khắc chia ly, Thầy thực sự muốn trao cho các môn đệ một điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34–35). Tôi nghe Thầy lặp lại lời này nhiều lần cho các môn đệ, cho chính tôi và cho cả bạn nữa, vì đó là tinh thần, là di chúc then chốt của Thầy. Nhờ đó mà sau này di chúc ấy giúp các ông đồng tâm nhất trí với nhau, cùng nhau loan báo Tin Mừng thầy Giêsu đã chết và đã phục sinh.

Cầu chuyện của Thầy còn dài, Thầy muốn nói hết những điều cần thiết cho các môn đệ và cho những ai đi theo Thầy. Tôi cảm ơn thánh Gioan là người tựa vào lòng Thầy trong bữa tiệc Ly, đã ghi lại tất cả lời Thầy bữa hôm đó.[5] Rồi khi đọc lại, tôi nghe Thầy kể tiếp nào là việc Phêrô sẽ chối Thầy, lời Thầy cáo biệt, Thầy là cây nho thật[6], nào là tương quan của các môn đệ với thế gian, Đấng Bảo Trợ[7] sẽ đến, và quan trọng là Thầy sẽ mau trở lại và sau cùng là lời cầu nguyện đặc biệt của Thầy với Chúa Cha dành cho các môn đệ. (x. Ga chương 14–17).

Trời lúc này đã về đêm khuya, trong thành cũng yên vắng chỉ còn vài ánh đèn chiếu ra từ những căn phòng đang chuẩn bị cho lễ Vượt Qua. Bữa tiệc nào cũng tàn, cũng tới lúc chia ly. Lúc này thầy Giêsu không còn tiên báo hoặc giải thích cho các môn đệ thêm về Cuộc Khổ Nạn nữa, nhưng chính là lúc cuộc thương khó bắt đầu. Rời căn phòng chất chứa nhiều kỷ niệm của đêm Thầy trò hàn huyên tâm sự, tôi được mời gọi để cùng với Thầy và các môn đệ đi sang bên kia suối Kítrôn, cách phòng tiệc chừng độ một cây số. Ai cũng yên lặng bước đi, tiến về chỗ vườn Cây Dầu, nơi Thầy bị bắt.

 
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kỳ tới: Chuyện gì xảy ra trong Vườn Cây Dầu?
 

[1] Hiện nay thuộc khu vực của Người Do Thái.
[2] Về khoảng cách thì phòng tiệc ly gần với nhà Cai-Pha làm thượng tế năm đó. Đấy cũng là nơi Thượng Hội Đồng đang tìm bắt Đức Giêsu. (Mt 26,57). Lính tráng sẵn sàng võ trang để truy tìm Thầy lúc này. Bởi đó Thầy trò Giêsu cần bí mật bởi chốn này là tai vách mạch dừng”.
[3] Hiện nay thuộc khu vực của người Do Thái.
[4] Bằng với giá bán một người nô lê. Thiên Chúa bị dân người ruồng bỏ vì họ giễu cợt Người mà trả cho Người số tiền công đáng giá một tên nô lệ.” (Dcr 11,12).
[5] Thời Chúa Giêsu, các thực khách ăn trong tư thế nằm dựa vào cánh tay trái. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến ở bên phải của Người, ở sát bên cạnh Người. Theo truyền thng người ta tin rằng người môn đệ Chúa thương mến chính là thánh Gioan. Tuy nhiên nhân vật ẩn danh ấy cũng có thể dành cho bất kỳ ai, đó là lời mời gọi cho từng người bởi Thầy yêu mến tất cả.
[6] Hình ảnh cây nho được áp dụng cho dân Israel trong thời Cựu ước. Tuy nhiên dân Israel khiến Thiên Chúa thất vọng vì không trổ sinh hoa trái, vì phản bội lại giao ước. Hôm nay cây nho thật chính là Giêsu, ai kết hợp với Người nhờ đức tin thì như cành nho sinh nhiều hoa trái.
[7]50 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã gởi Chúa Thánh Thần từ trời xuống trên các tông đồ. Từ đây là bắt đầu thời của Hội Thánh. Chúa Thánh Thần biến đổi các tông đồ đang co cụm vì sợ hãi trở thành chứng nhân can đảm cho Chúa Kitô. Chỉ ít lâu sau, hằng ngàn người xin chịu phép Rửa tội. Hội Thánh lớn mạnh từ đó. Phép lạ nói nhiều thứ tiếng chứng tỏ rằng ngay từ đầu Hội Thánh được thiết lập cho mọi người, Hội Thánh là phổ quát, là công giáo, là truyền giáo. Hội Thánh nói với mọi người vượt qua hàng rào chủng tộc và ngôn ngữ và mọi người có thể hiểu được. Cho đến ngày nay, Chúa Thánh Thần như là rượu ngon quí giá của Hội Thánh. (Youcat, câu hỏi số 118. Bản dịch của Lm Antôn Nguyễn Mạnh Đồng.)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây