Màu xanh Giáng Sinh

Thứ hai - 11/12/2023 09:12 |   255
Cây Giáng Sinh, không chỉ là màu xanh, mà nơi cây ấy còn toả ra mùi thơm dễ chịu của lá. Một hương thơm cần cho đời, cần cho người.
Màu xanh Giáng Sinh
Màu xanh Giáng Sinh




Những chiếc lá muôn màu đang báo hiệu mùa Thu, mùa của ngày buồn, của những chia ly, nhưng cũng là mùa của mùa Đông sắp đến, mùa của cây Giáng Sinh mang niềm vui cứu đời.

Càng về cuối Thu, những chiếc lá muôn màu kia chỉ còn lác đác vài chiếc. Những cành khô đã xuất hiện nhiều hơn, như tiết kiệm sức sống chờ mùa Xuân đến. Người ta thường hay nói những cây bước vào ngủ Đông, để thu xếp lại những gì đã qua, chuẩn bị cho ngày sắp tới.

Rồi những chiếc lá cuối cùng của mùa Thu cũng nằm yên dưới gốc cây già, trở nên những chất sống mới bồi dưỡng cho những cây đang sống. Cánh rừng im lắng, người ta vẫn thấy ở đâu đó còn những mảng xanh. Những cây xanh, thân cứng cành mềm, nằm yên giữ lại sắc tố xanh cũng vào Đông. Người ta gọi nhưng cây ấy là cây Giáng Sinh. Giữa mùa tuyết trắng vẫn còn sắc xanh. Một màu xanh của bầu trời, của hy vọng và niềm vui.

Cây Giáng Sinh, như người ta nói, sở dĩ vẫn giữ được màu xanh bởi vì cây biểu tượng cho sự sống vĩnh hằng. Một sự sống mà ta thấy, từ cổ xưa, người ta đã mơ ước sự sống trường tồn, dù rằng các cây mùa Đông đã tàn lụi, cuộc đời này mai còn nay mất. Niềm mơ ước được đưa về nhà những cây thông xanh, nhắc nhở cuộc sống mai sau, cuộc sống vĩnh hằng là điều cần biết để sống giữa Thu tàn sang Đông ngủ yên.

Cây Giáng Sinh, không chỉ là màu xanh, mà nơi cây ấy còn toả ra mùi thơm dễ chịu của lá. Một hương thơm cần cho đời, cần cho người. Những ước mơ không chỉ là sống mà còn là toả hương thơm. Trong một thư pháp người ta viết: “Hương thơm bay theo gió - Nhân đức tự nhiên toả”. Nghĩa là hương thơm cuốn theo chiều gió, nhưng nhân đức thì có thể theo chiều ngược gió, tự nó toả hương bất cứ hoàn ảnh nào. Sống cuộc sống của con người cần có những đức tính tốt. những đức tính ấy tốt cho ta mà cũng toả hương cho người.

Màu xanh của cây thông vốn dĩ giữ được giữa trời Đông tuyết giá. Bởi vì dù nó thức hay nó ngủ nó vẫn không mất đi màu diệp lục của nó. Nó là biểu trưng cho con người có thể đón nhận mọi hoàn cảnh. Khi ấm áp thì nó mạnh mẽ gia tăng nhựa sống, vươn mạnh. Khi Đông đến nó thu lại chỉ vừa đủ giữ cho sắc xanh. Con người của ta như cây thông xanh ấy, ta sẽ sống sức sống của ta dồi dào và phong phú. Niềm vui của ta có khi dâng trào và cũng có lúc âm thầm chảy trong tim. Nếu ta biết sống đời cầu nguyện ta cũng biết sống như thông xanh ấy. Bởi vì ta không chỉ sống cho đời mà còn sống cho ta bằng cõi tâm linh. Đời sống hoạt động cần được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện.

Màu xanh giữa màu tuyết trắng. Cứ mỗi lần tuyết rơi, đọng trên những cành lá, khi ánh nắng chiếu vào, làm nên những ánh sáng lung linh, người ta gọi đó mùa hoa tuyết. Một mùa hoa giữa Đông lạnh. Không phải vì tuyết, cũng chẳng chỉ nhờ lá, mà hoa đẹp nhờ ánh sáng chiếu vào. Cuộc đời ta cũng thế, không chỉ vì ta sống đẹp, chẳng phải vì thân ta trong, mà ta sáng. Nhờ ánh sáng, nhờ ơn Chúa ban cho, nhờ ánh sáng của Người chiếu sáng vào đời ta, nên ta sáng lung linh, mang màu hoa tuyết, một cõi tâm hồn tươi sáng. Ta hãy cầu nguyện để ánh sáng của Người chiếu sáng đời ta, giúp ta trở nên con của sự sáng để sống màu tươi vui.

Màu xanh cây thông, thời Trung Cổ, người ta lấy cây thông vì chỉ còn cây thông xanh vào mùa Đông, treo những trái giả làm thành quả táo, trong câu truyện Adam – Eva ăn trái cấm. Trái táo giả lam trái cấm treo trên cây thông thật, đã cho thấy thật giả, những lời nói dụ ngọt chết người trên cây sự thật. Điều này nhắc nhở ta cẩn thận giữa đời. Con cái sự thật, con cái sự sáng nhưng luôn bị những cám dỗ ngọt ngào, hào nhoáng, giả tạo, lường gạt đưa ta vào bóng tối tội lỗi. Nên cuộc sống bao giờ cũng cần tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi rơi vào cám dỗ.

Cây thông xanh biểu tượng cho Chúa Giêsu sinh hạ. Trên đầu ngọn cây thông ấy, người ta để một ngôi sao lấp lánh, biểu hiện cho ngôi sao Phương Đông. Ngôi sao chỉ đường cho các nhà đạo sỹ đến viếng thăm và cũng biểu hiện cho Ngôi Sao ngời sáng chính là Chúa Giêsu. Các trái châu treo trên cây thông biểu hiện cho giọt máu đào Chúa đổ ra trên Thập Giá để cứu độ cho nhân loại. Giáng sinh hướng tới tử nạn Phục Sinh để nói lên mầu nhiệm “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi”. Niềm tin kính ấy được bắt đầu nơi Chúa, trong Chúa và ở lại trong Chúa. Chúa là niềm vui của ta.

Cây Giáng Sinh nếu không có Chúa chỉ là cây trang trí, một loại cây xong mùa là trôi qua, là bỏ đi, vất bỏ đi vào bô rác. Cuộc đời không có Chúa có còn ý nghĩa gì? Giáng Sinh không có Chúa thì niềm vui cũng chỉ ngắn hạn, mau qua và trở về chán nản, buồn đau. “Hãy lấy Chúa là niềm vui của bạn” (Tv 36, 4)
 
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây