Chúng ta là chứng nhân của Chúa…

Thứ sáu - 15/12/2023 18:53 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   312
“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (x.Ga 1, 23).

Chúa Nhật III – MV – B
Chúng ta là chứng nhân của Chúa…

tbd 161223a


Hôm nay… Vâng, hôm nay (17/12/2023) là Chúa Nhật – III – MV. Nếu ai trong chúng ta, có thời gian rảnh rỗi đi rảo quanh các nhà thờ, chúng ta sẽ thấy, tất cả những gì liên quan đến lễ Giáng Sinh, như hang đá Belem với hình ảnh Đức Maria, Thánh Giu-se và (Hài Nhi Giê-su) đều đã được trưng bày trang trọng.

Bên cạnh những hình ảnh nêu trên, chúng ta còn thấy có cả hình ảnh “những người chăn chiên sống ngoài đồng thức đêm canh giữ đàn vật” được trưng bày, đúng “y chang” như đã được mô tả trong Phúc Âm thánh Luca.

Có nhà thờ, nhờ có khuôn viên rộng rãi, nên “chơi trội”. Họ, trang trí thêm hình ảnh “ông già Nô-en” vừa to vừa cao, tay cầm kèn saxophone, nhún nhảy thổi điệu nhạc “Jingle Bells” rất điêu luyện. (thời công nghệ kỹ thuật số mà!).

Vui thôi! Phải không thưa quý vị! Vâng, vui là bởi “Ông già Nô-en là một cái tên được diễn đạt qua tên biểu trưng của thánh Nick, theo cung cách Hà Lan. Thánh Nick, còn được gọi là “thánh Nick vui nhộn”, tên thường gọi là Ni-cô-la. Ngài là Giám Mục My-ra miền Ly-ki-a hồi thế kỷ thứ 4, nay thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài Ni-cô-la là một người có lòng hảo tâm và thói quen tặng quà.”

“Một câu chuyện rất phổ biến về thánh nhân xoay quanh một ông bố nghèo không có gì làm của hồi môn cho ba cô con gái. Lúc mỗi cô đến tuổi thành hôn, thánh Ni-cô-la đều luôn kín đáo gởi cho người cha một bị vàng để có thể thu xếp lễ cưới. Qua nhiều thế kỷ, Giám mục Ni-cô-la trở thành biểu tượng tặng quà, vốn là một phần trong dịp mừng lễ Giáng Sinh.” (nguồn: Sunday Preaching – tác giả Lm. Charles E.Miller).

Tuy nhiên, “ông già Nô-en” dù có thế nào đi nữa, vẫn không thể “chiếm chỗ” của một người khác. Người đó là ông Gio-an Tẩy Giả.

Tại sao không-thể-chiếm-chỗ ngài Gio-an Tẩy Giả? Thưa, là bởi, ngài Gio-an Tẩy Giả, theo thánh sử Gio-an cho biết, ông là người “…được Thiên Chúa sai đến. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1, 6-8).

Đối với chúng ta hôm nay, những gì thánh sử Gio-an nói về ông Gio-an Tẩy Giả, không có gì phải bàn cãi. Nhưng, đối với người Do Thái xưa, có vấn đề, đấy!

Hồi xưa ấy, khi biết “Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”, người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem liền: “… cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến để “hỏi thăm sức khỏe” của ông.

Ông là ai? Mà sao “Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan”?

Sự kiện này chứng tỏ ảnh hưởng của ông Gio-an Tẩy Giả đã lan rộng khắp vùng. Và, đó là điều làm cho người-Do-Thái (chúng ta có thể nghĩ đây là những người lãnh đạo Do Thái giáo) phải đặt vấn đề, rằng: Ông ta là ai? Ông ta có tham vọng gì không?

Hôm ấy, họ hỏi ông: Ông là ai? Là ai!!! Thưa, ông Gio-an Tẩy Giả tuyên bố thẳng thắn, tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô”.

Câu trả lời của ông không giải đáp được thắc mắc của những người được Giê-ru-sa-lem cử đến. Họ hỏi ông thêm một lần nữa, câu hỏi rằng: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?”.

Vâng, đó là một câu hỏi “xách mé”. Một vị thuộc “cộng đoàn taru” (tạm dịch là “cộng đoàn tu ra”) cho biết như thế. Theo vị này, nếu dựa vào bản dịch từ bản Kinh Thánh Vulgata “Quid ergo?” thì câu hỏi sẽ là “Vậy ông là cái quái gì nào?”

Đúng, ông Gio-an Tẩy Giả chẳng là “cái quái” gì cả. Không phải là Ê-li-a, cũng chẳng phải là một ngôn sứ nào hết, như chính lời ông khẳng định, rằng: “Tôi không phải… Không phải… Không bao giờ…”

Cuối cùng, khi phái đoàn do Giê-ru-sa-lem cử đến, hỏi ông thêm một câu hỏi, rằng: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người cử chúng tôi đến?” Rất thẳng thắn, ông Gio-an đã nói về chính ông rằng: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (x.Ga 1, 23).

Vâng, ông Gio-an Tẩy Giả đã mượn lời ngôn sứ Isaia để làm câu trả lời cho mình. Thế nhưng, có vẻ như phái bộ của giáo quyền Giêrusalem không bận tâm đến. Điều họ muốn, đó là “dùng quyền phủ quyết” bắt buộc ông Gio-an chấm dứt ngay mọi việc làm mà ông đang làm “tại Bêtania, bên kia sông Giodan”.

Họ “ngứa mắt” khi ông “không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là Êlia hay vị ngôn sứ… Vậy tại sao ông làm phép rửa?” Chuyện kể rằng: “trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu”, đã gay gắt hỏi ông như thế!

Hôm ấy, rất thản nhiên, ông Gio-an Tẩy Giả trả lời rằng: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (x.Ga 1, 26).

**
Thật ra ông Gio-an Tẩy Giả đúng là một vị ngôn sứ. Cha ông, tên là Da-ca-ri-a, chẳng phải là đã được “đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao”, đó sao! (Lc 2, 67…76).

Đừng quên, Đức Giêsu – Ngài cũng đã nói với một nhóm đông người về ông Gio-an Tẩy Giả, rằng: “Nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Êlia, người phải đến” (Mt 11, 14). Trước khi tuyên bố điều này, Đức Giêsu còn nói về ông Gio-an rằng “đây còn hơn cả ngôn sứ nữa”.

Đúng, ông Gio-an còn hơn cả ngôn sứ nữa. Ngôn sứ chỉ nói tiên tri về Đấng Cứu Thế. Còn ông Gio-an, ông không nói tiên tri nhưng ông là chứng nhân về Đấng Cứu Thế, như có lần ông đã nói: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng tuyển chọn”

Điều, điều ông nói “tôi đã thấy” đó là ông thấy “Thần Khí tựa như chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người - Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” (Ga 1, 32… 33).

Nói tắt một lời, thông điệp mà ông Gio-an gửi đến người-Do-Thái, hôm đó (và cũng là gửi đến chúng ta, hôm nay), đó là: Đấng Ki-tô đã đến rồi và hiện nay đang ở giữa họ, thế mà họ đã không nhận ra Ngài.

***
“Đức Giê-su Ki-tô đã đến rồi và hiện nay đang ở giữa chúng ta.” Nếu, nếu hôm nay, ông Gio-an Tẩy Giả được mời “giảng tĩnh tâm” mùa Vọng cho chúng ta, có phần chắc, ông ta cũng sẽ lớn tiếng công bố thông điệp này, cho chúng ta. Ông Gio-an Tẩy Giả sẽ chất vấn chúng ta rằng: “Thế mà, sao các anh không nhận ra Ngài?”

Ông Gio-an Tẩy Giả sẽ có lời thuyết giáo, rằng: “Là một Ki-tô hữu, các anh được mang danh Đức Ki-tô. Danh hiệu này đã được thánh Phao-lô ưu ái gọi các tín hữu ở Antiochia. Và, tất nhiên, các anh cũng sẽ được gọi là như thế.”

Ông Gio-an sẽ nói với chúng ta, rằng: “Kitô hữu là người thuộc về Đức Kitô, được đồng hoá với Đức Kitô. Ngài đang sống giữa chúng ta. Vì, trước khi về trời, Ngài đã trìu mến nói với chúng ta, rằng: ‘Và đây, Thầy ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’. Vậy, tại sao các anh nói: chúng tôi không thấy Ngài!”

Chúa Nhật hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, Giáo Hội cho chúng ta gặp lại ông Gioan Tẩy Giả. Gặp lại ông, không phải để tra xét, thẩm vấn ông, như một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đã làm, năm xưa. Nhưng là muốn mời gọi chúng ta hãy nhìn ông như là mẫu mực về một người chứng nhân của Đức Giê-su.

Lời mời gọi này không phải là một sự áp đặt của Giáo Hội, nhưng chính là lời truyền dạy của Đức Giê-su trước lúc Ngài về trời. Thật vậy, hôm đó, Ngài đã truyền dạy rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (x.Cv 1, …8).

“…Tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Samari…”, tất cả những địa danh này đã được các môn đệ thực thi. Còn “…cho đến tận cùng trái đất” ai sẽ thực thi, chẳng phải là chúng ta, sao?

Là một Ki-tô hữu, Đức Giê-su Ki-tô rất, rất muốn chúng ta “đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ (chúng ta) mà tin”.

Thế nào là làm-chứng-về-ánh-sáng ư! Thưa, đó là hãy sống “bằng cả cuộc sống của mình”, một cuộc sống “tỏa sáng” lòng bác ái, sự hoan lạc, sự bình an, sự nhẫn nhục, lòng nhân hậu, sự từ tâm, sự trung tín, sự hiền hòa và tiết độ. Nói theo cách nói của thánh Phao-lô, đó là một cuộc sống “tỏa sáng hoa trái Thần Khí”.

Và, khi chúng ta có một cuộc sống tỏa sáng hoa trái Thần Khí, nói không sợ sai, ánh sáng Đức Ki-tô sẽ được chiếu tỏa “đến tận cùng trái đất”. Và đó, đó chẳng phải là chúng ta đã “làm chứng về ánh sáng” sao!

Vâng, Linh mục Teilhard de Chardin đã có lời ví von rất sống động, rằng: “Ánh sáng xuyên qua những đám mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán được có Đức Kitô”.

Tôi, người viết, xin phép, xin phép ngài Teilhard de Chardin, sửa một chút xíu, một chút xíu lời ví von của ngài, lời sửa rằng: nhìn vào một cuộc sống tỏa sáng hoa trái của Thần Khí, chúng ta có thể đoán, đó là cuộc sống của người chứng nhân, chứng nhân của Đức Ki-tô.

Thế nên, hãy sống sao để thiên hạ có thể đoán, “chúng ta là chứng nhân của Chúa”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây