Văn hoá Loại bỏ

Thứ sáu - 01/10/2021 06:55 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   544
Ít thời gian cho việc tinh thần, tâm linh. Mệt mỏi, rã rời với cuộc đua sinh tồn, hưởng thụ.
Văn hoá loại bỏ này đã xảy ra như Tin Mừng nhắc tới.
Văn hoá Loại bỏ

Văn hoá Loại bỏ


 Khác với ngày xưa những chai lọ đẹp đều được giữ lại sau khi sử dụng. Con cháu sau này lôi ra vất đi hết, khi nào cần sẽ mua. Nó là một phần nhỏ trong văn hoá loại bỏ. Loại bỏ đồ dùng và loại bỏ lẫn nhau. Xa hơn, loại bỏ rắc rối của thai nhi như món đồ dùng không e ngại.

Trong văn hoá tiêu thụ, người ta chế tạo sản phẩm có thời gian ngắn hạn sử dụng hơn xưa là những sản phẩm siêu bền. Từ những thực phẩm chế biến sẵn đến thức ăn nhanh. Từ lối sống chậm đến sống nhanh, sống vội, kéo theo nhiều thứ cần vất đi cho nhanh, loại bỏ đi cho sớm, không mất thời gian với nó. Cuộc sống trở nên ngột ngạt hơn và con người trở nên vô cảm, máy móc hơn. Con người không có thời gian dành cho những chăm sóc người già, neo đơn, đau bệnh, nghèo khổ…

Sống nhanh mọi thứ trở nên tất bật. Cuộc sống mưu sinh ngày càng khó khăn hơn, bởi bao thứ không còn như xưa. Con cái cũng không có nhiều thời gian chăm sóc, giao cho các Osin, nhà trẻ, phó mặc cho nhà trường. Đời sống đạo mong cho nhanh, cho chóng, không kinh kệ dài dòng… Các giờ cầu nguyện hầu như chỉ có ông già, bà lão ở nhà chầu suốt ngày, về nhà sợ phiền hà con cháu.

Không có thời gian để giải quyết đối thoại ôn hoà. Cần xử lý ngay, không có chính quyền can thiệp, họ tự xử lý bằng dao búa, đánh nhau, cào cấu. Tương quan không ổn thì chia tay, phê phán, xét đoán nhau, bôi xấu nhau trên mạng. Cần thiết thì chia tay không thương tiếc tình bạn bè. Gia đình bất ổn hơn, những chuyện ly dị thường xảy ra hơn.
Cứ thế một văn hoá loại bỏ lấn sân khắp chốn. Từ gia đình, xã hội đến lòng đạo ngày càng trở nên lỏng lẻo. Cuộc sống mỗi người thu gọn vào cá nhân chủ nghĩa, hưởng thụ hơn, ích kỷ hơn. Không cần có nhau và cũng không cần có Chúa.

Thời gian giãn cách buộc chúng ta sống chậm và quá chậm như dừng lại. Bao điều lo lắng đứng trước cạn kiệt kinh tế, cuộc sống ngoài kia vẫn cứ chạy theo cơm áo, gạo tiền, không thể dừng. Ai cũng mong mở cửa tiếp tục chạy và chạy. Không thể chậm lại được nữa, xu hướng thế giới như thế rồi. Chậm lại nghĩa là bị loại bỏ.

Thật khó khi chúng ta muốn sống chậm lại, dành nhiều thời gian cho gia đình, cho con cái. Thật khó, khi đồng lương ít ỏi, nhu cầu lại nhiều, chi phí cho gia đình, cho con cái, bản thân.

Những gia đình khá giả, làm ăn dồi dào, thời gian gặp gỡ đối tác, trao đổi, mở rộng mối quan hệ, không có nhiều thời gian cho việc khác. Quan hệ gia đình tất cả vào ngày cuối tuần, những chuyến du lịch, ăn uống, không có thời gian cho những việc khác.

Muốn chậm lại nhưng quá nhiều ràng buộc. Để đủ tạm sống, phải thêm vất vả mưu sinh. Khá giả thì lo kiếm thêm, sợ không đủ những chi phí du ngoạn, vui chơi, giao thiệp. Ít thời gian cho việc tinh thần, tâm linh. Mệt mỏi, rã rời với cuộc đua sinh tồn, hưởng thụ.
Văn hoá loại bỏ này đã xảy ra như Tin Mừng nhắc tới.

"Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? " Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác." (Lc 9, 51 – 56)
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây