Con người, một huyền nhiệm

Chủ nhật - 19/07/2020 03:47 |   1357
Sách Sáng Thế diễn tả: con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
Con người, một huyền nhiệm
Con người, một huyền nhiệm

Sách Sáng Thế diễn tả: con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng tốt lành thánh thiện, nên có thể nói con người là một tạo vật kỳ diệu trong công trình tạo dựng. Gọi là một huyền nhiệm, vì có thể trên hành trình dương gian này, chúng ta không thể hiểu hết vẻ đẹp của con người trong kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng con người có tự do và có lý trí biết phân biệt phải trái. Đây là điểm khác biệt lớn lao nhất của con người so với các thực thể được Thiên Chúa tạo dựng, và là điểm trùng hợp chung với các thiên thần. Vì có lý trí nên con người có khả năng phân biệt điều tốt và xấu, và vì có tự do nên con người có khả năng làm chủ những cảm xúc và khuynh hướng nơi mình, ví dụ như khuynh hướng tình dục hay khuynh hướng ích kỷ. Và vì có tự do và lý trí nên con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, cũng như có thể lập công trạng.

Dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,24-30), nói với chúng ta nhiều thực trạng về Giáo hội và con người. Sự thật thứ nhất là Thiên Chúa là người gieo giống tốt. Từ khởi thủy của công trình tạo dựng, Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật, tạo dựng con người có nam có nữ và ban cho họ quyền làm chủ muôn loài, và Chúa thấy mọi sự rất tốt đẹp. Chúa tạo dựng con người trong tình trạng công chính nguyên thủy, nghĩa là có sự thân mật với Thiên Chúa là nguyên bản và cùng đích của con người; hài hòa với tha nhân; hài hòa nơi bản thân, nghĩa là có sự cân bằng của các đam mê và bản năng; và hài hòa với vũ trụ vật chất.

Sự thật thứ hai là kẻ thù đã gieo cỏ lùng là mầm mống tội lỗi, rồi đi mất. Đây là hành động lén lút, người ta chỉ nhận ra bộ mặt cỏ lùng khi nó mọc lên. Cỏ lùng và lúa rất giống nhau, tạo nên một sự nhầm lẫn. Thiên Chúa tạo dựng con người để họ hạnh phúc, Ngài không tạo dựng họ để họ làm nô lệ phục vụ hay tung hô Ngài. Lời kinh Tiền tụng nói rõ: vì chưng việc ca ngợi của chúng con không thêm gì cho Chúa, nhưng mang lại lợi ích lớn lao cho phần rỗi chúng con và là một hồng ân Chúa ban. Ma quỷ luôn ‘ném đá dấu tay’, luôn vẽ ra những hạnh phúc giả tạo, liền sau đó là nỗi thất vọng đắng cay và nỗi bứt rứt của sự mất an bình. Có thể kể lại câu chuyện của vườn Địa đàng: ma quỷ gợi cho con người thèm muốn sự khôn ngoan và biết lành biết dữ như Chúa, nghi ngờ tình yêu Chúa, trái cây đẹp mắt và ăn chắc là phải ngon! Nhưng ăn rồi thì con người thấy đắng cay vì thấy mình trần trụi vì xa cách Chúa là nguồn cội, bất an nơi mình nên trốn Chúa, bản năng tình dục bị khuấy đảo nên họ kết lá che đậy thân xác, bất hòa giữa vợ chồng và ghen tị giữa anh em. Chiếc bẫy ‘ảo ảnh hạnh phúc’ vẫn đang ngày ngày được giăng ra dưới những tên gọi khác: tự do, lợi nhuận, vui thú, thành công, danh vọng. Những ảo ảnh này làm cho xã hội điên đảo và mất an bình, làm cho con người càng đói khát hơn. Có thể kể lại câu chuyện cuộc đời thánh Augustinô: đã có một thời chạy theo danh vọng và thú vui – nhưng không thỏa mãn cho đến khi khám phá ra rằng: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên hồn con chỉ vui thỏa khi yên nghỉ trong Chúa”. Sự yên nghỉ ở đây không phải là cuộc sống sau cái chết, nhưng là niềm hạnh phúc của người con cái Chúa, tìm về nguyên bản của bản thể mình.

Sự thật thứ ba là Thiên Chúa thể hiện quyền năng của Ngài khi xót thương. Sách Khôn ngoan nói: “Nhưng Chúa xử khoan hồng, vì Ngài làm chủ được sức mạnh.Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn”.Nhiều người nói: giáo lý Kitô rất hay, nhưng Giáo hội đầy dẫy những kẻ tội lỗi, vì các Kitô hữu không sống theo giáo lý, nên tôi không tin Chúa”. Họ nói vậy là vì họ không hiểu được lòng nhân từ Chúa muốn cho kẻ tội lỗi và kẻ lành chung sống với nhau cho đến mùa gặt. Nhiều kẻ khác lại nhìn những bất công trong xã hội và tự hỏi có Chúa không, nếu có thì Ngài đang ngủ hay sao, hoặc Ngài bất lực??? Những kẻ đó hãy đọc lại ví dụ cỏ lùng để hiểu cách hành động của Chúa trong thế giới này. Khi chung đụng với ác nhân, chúng ta dễ mang tâm trạng thất vọng chán chường, vậy mà Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn nơi tâm trí con người, đã phải chịu đựng biết bao tội ác của cả nhân loại - biết bao thế kỷ nay, khi họ xúc phạm đến tình yêu và lề luật Chúa. Chúa biết lòng người độc ác, nhưng Ngài vẫn kiên nhẫn chịu đựng và chờ họ quay trở về để được hưởng ơn cứu độ.

Sự thật thứ tư là sẽ có ngày công thẩm, ngày Thiên Chúa xét xử kẻ lành người dữ và thưởng phạt muôn đời. Biết bao nhiêu người muốn quên sự thật về đời sau, nhưng Chúa Giêsu đã nhiều lần nói rõ về có sự thưởng phạt ở đời sau, có sự tồn tại của linh hồn. Đọc lại Tin Mừng, tôi cứ suy nghĩ một câu hỏi hóc búa được đặt ra cho Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, phải chăng có ít kẻ được cứu rỗi?” Chúa trả lời: Hãy cố gắng mà qua cửa hẹp, chấm hết.

Một sự thật tốt đẹp nhất là Thiên Chúa không bao giờ thua cuộc. Ngài thể hiện quyền năng của Ngài bằng lòng thương xót. Lòng thương xót đã dẫn đến hành động: Con Thiên Chúa đã nhập thể, chết và phục sinh, để chỉ cho con người con đường về trời, Ngài đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi. Chúa đến để mạc khải những sự thật về Thiên Chúa, Chúa ban ân sủng trợ giúp sự tự do và lý trí con người được vững mạnh và Chúa đồng hành với ta cho đến ngày tận thế.

 
Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây