THÁNH THỂ ẨN GIẤU TRONG CỰU ƯỚC

Thứ năm - 11/06/2020 11:34 |   789
Bí tích Thánh Thể nằm trong số những điều kỳ diệu được ẩn giấu và những kho báu để lựa chọn trong Cựu Ước
THÁNH THỂ ẨN GIẤU TRONG CỰU ƯỚC
THÁNH THỂ ẨN GIẤU TRONG CỰU ƯỚC


Thánh John Henry Newman (1801-1890) đã từng so sánh Kinh Thánh với một vùng đất hoang dã vô cùng phong phú, không bao giờ không có phần thưởng cho nhà thám hiểm trung thành với những khám phá mới đầy ly kỳ luôn vượt quá khả năng của mình để làm chủ nó hoàn toàn:

Nó không thể được sắp xếp vào mục lục, nhưng sau mọi nỗ lực cần mẫn của chúng ta, đến cuối đời và đến cuối Giáo Hội, đó phải là một vùng đất chưa được khám phá và chưa được chinh phục, với độ cao và thung lũng, các khu rừng và những con suối, trên đường bên phải, bên trái và gần với chúng ta, đầy những kỳ quan ẩn giấu và kho báu. (Tiểu Luận về Phát Triển Giáo Lý Kitô giáo, 71 – ĐHY Newman)

Bí tích Thánh Thể nằm trong số những điều kỳ diệu được ẩn giấu và những kho báu để lựa chọn trong Cựu Ước. Đầu tiên, ngoại trừ rõ ràng về manna đã mưa xuống dân Israel, dường như trong Cựu Ước có rất ít tiên báo thực tại mới ngoại thường là Bí tích Thánh Thể. Nhưng ĐHY Newman mời chúng ta đi sâu vào các thung lũng ẩn giấu và những khu vườn bí mật của Cựu Ước. Khi chúng ta làm vậy, hóa ra Bí tích Thánh Thể ở khắp nơi – từ Ngũ Thư đến các tiên tri.

1. TRÁI CẤM

Trái cấm nơi Vườn Địa đàng dường như là nơi cuối cùng người ta sẽ thấy một điềm báo về Bí tích Thánh Thể. Nhưng Ann Astell nói trong “Eating Beauty” rằng các nhà bình luận thời Trung Cổ đã xem Bí tích Thánh Thể là thuốc giải độc cho tác dụng độc hại của trái táo. Giống như ăn trái cấm là tội lỗi vì kiêu hãnh, thờ ơ, tham ăn hay bất tuân, nên Bí tích Thánh Thể được coi là khắc sâu các đức tính đối lập tương ứng: khiêm tốn, nghèo khổ, kiêng khem và vâng lời.

Còn có điều sâu xa hơn: khi ăn trái cấm, Ađam và Êva đã đem sự chết vào thế gian trong khi những người tham dự Bí tích Thánh Thể được hứa ban sự sống đời đời.

2. TRÁI SỰ SỐNG

Mối liên hệ giữa Vườn Địa Đàng và Bí tích Thánh Thể được củng cố trong cuốn sách cuối của Kinh Thánh. Đầu tiên là lời nhắc nhở: thực sự có hai loại cây ở Vườn Địa Đàng. Loại cây được chú ý nhiều nhất là cây biết thiện và ác – Ađam và Êva bị cấm ăn trái của cây này. Nhưng khi cả hai bị trục xuất, loại cây thứ hai được nhắc đến: “Này, con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.” (St 3:22)

Trong sách Khải Huyền, Thánh Gioan chỉ ra rằng, nhờ Chúa Kitô, chúng ta sẽ có thể ăn trái của loại cây thứ hai này. Thánh Gioan viết: “Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống trồng nơi ngự uyển của Thiên Chúa.” (Kh 2:7)

3. MÁU CỦA ABEL

Đây là một loại khác có vẻ là loại kỳ lạ về Bí tích Thánh Thể. Nhưng Kinh Thánh liên kết Máu của Chúa Kitô với máu của Abel. Sau khi Cain giết em, Chúa hỏi Cain đã làm gì, vì máu của Abel đang kêu lên Ngài. (St 4:9-10) Thánh Phaolô rút ra mối liên hệ với Chúa Kitô, gọi Chúa Giêsu là “vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel.” (Dt 12:24)

Thánh Grêgôriô Cả nói về điều này: “Máu của Chúa Giêsu kêu mạnh mẽ hơn máu của Abel, vì máu của Abel hỏi cái chết của Cain, huynh đệ tương tàn, còn Máu của Chúa đòi và giành lấy sự sống cho những kẻ bắt bớ mình.” Thánh Grêgôriô cho biết thêm: “Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải kêu lớn tiếng và tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu. Tiếng kêu của Chúa tìm kiếm chỗ ẩn giấu trong chúng ta nếu đôi môi của chúng ta không nói về điều này, mặc dù lòng chúng ta tin vào điều đó.”

4. HY LỄ CỦA MENKIXÊĐÊ

Trong sách Sáng Thế, chương 14, sau khi Ápraham giải cứu Lót và những người thân bị bắt trong cuộc xâm chiếm thành Sôđôm, một nhân vật kỳ lạ nhất đã xông vào hiện trường, đó là Menkixêđê, vua Salem bước ra để chào đón ông. Chúng ta được biết trong Sáng Thế rằng ông là một tư tế của Thiên Chúa tối cao, trước khi chức chức tư tế của Israel được thiết lập. Và từ rất lâu trước khi Phúc Âm đến với dân ngoại, Menkixêđê đã có cách nhận biết Thiên Chúa.

Đọc trong Kinh Thánh, chúng ta biết rằng ông là người không có cha mẹ hoặc tổ tiên, không có ngày bắt đầu hay ngày kết thúc cuộc đời, do đó ông được tạo ra giống Con Thiên Chúa (Dt 7:3). Do đó, Menkixêđê được miêu tả trong Kinh Thánh là người tiên báo về Chúa Kitô, vị vua đích thực và linh mục hoàn hảo. Sự tương đương còn đi xa hơn: “Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.” (St 14:18) Đó là cách tiên báo về Bí tích Thánh Thể.

5. HY LỄ TODAH

Là người Công giáo, chúng ta biết rằng Lễ Vượt Qua là hy lễ chính trong Cựu Ước, làm nền tảng cho Bí tích Thánh Thể. Nhưng một điều quan trọng khác là Todah, hy lễ được dâng ở Israel cổ đại sau khi một người đã được cứu khỏi tình huống nguy đến tính mạng.

Đây là cách mô tả về hy lễ này: “Con chiên được hiến tế trong Đền Thờ và bánh cho bữa ăn sẽ được thánh hiến lúc con chiên bị sát tế. Bánh và thịt, cùng với rượu, sẽ tạo nên các yếu tố của bữa ăn Todah được thánh hiến, kèm theo những lời cầu nguyện và những bài hát tạ ơn.” (Tim Gray, “From Jewish Passover to Christian Eucharist: The Story of the Todah.” Lay Witness, Tháng 11/12-2002)

Có phải điều này không gợi nhớ Thánh Thể ngay lập tức? Trong tiếng Do Thái, Todah có nghĩa là “tạ ơn,” theo nghĩa đen của từ Hy Lạp là Eucharista. Thật vậy, cả hai hy lễ tạ ơn vì sự cứu rỗi.

6. ÊLIA NƠI HOANG ĐỊA

Trong 1 V 19 cho biết Êlia chạy trốn vào hoang địa. Sau khi lang thang một ngày, ông ngủ dưới một cây đơn độc và cầu xin Chúa cho mình được chết. Thế nhưng ông được gửi một thiên thần mang bánh và nước tới. Nhưng đây không phải là thức ăn bình thường, nó đủ để ông sống trên hành trình 40 ngày tới núi Khô-rếp, nơi ông gặp gỡ Thiên Chúa trong “tiếng gió hiu hiu.”

Các dịch giả Công giáo đã từ lâu xem loại siêu thực phẩm này được trao cho Êlia như một dạng Bí tích Thánh Thể. (Tiến sĩ Marcellino D’Ambrosio và các tu sĩ Dòng Phanxicô Đức Mẹ Vô Nhiễm)

7. BÁNH HIỆN HỮU

Ở Israel cổ đại, bánh được đặt trên một chiếc bàn vàng trong lều tạm là “nơi hỏa tế dâng Đức Chúa.” (Lv 24:7) Bánh luôn ở trước mặt Thiên Chúa, được làm thơm bằng nhũ hương, và kèm theo là đèn liên tục cháy sáng.

Bánh mới được đưa ra mỗi ngày Sabát và những người được ăn bánh là những người kiêng quan hệ tình dục – thường là các tư tế. Khi chiếc bàn đặt bánh được mang ra khỏi lều tạm, nó được che kín. Thật vậy, khi lều tạm được di chuyển, mọi vật chứa trong đó đều được bọc cẩn thận. Những người vận chuyển các vật chứa không được chạm trực tiếp vào các vật chứa, nếu không thì họ phải chết. (Xh 25, Lv 24, Ds 4, và 1 Sm 21)

Không phải tất cả có vẻ khá quen thuộc sao? Thật vậy, khó có thể tưởng tượng một tiền lệ rõ ràng về lòng sùng kính và tôn thờ mà người Công giáo ngày nay dành cho Bí tích Thánh Thể.

8. THAN CỦA ISAIA

Khi chúng ta đọc các sách tiên tri, chúng ta bắt gặp một số loại Thánh Thể thực sự khác thường. Trước tiên là trong Isaia, tiên tri hình dung Thiên Chúa ngồi trên ngai vàng, bên cạnh là các thần Seraphim. Một trong các thần Seraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: “Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.” (Is 6:6-7)

Trong nghi thức của Giáo Hội, đặc biệt trong truyền thống Đông phương, than bốc lửa mô tả trước về Thánh Thể, trong nghi thức của Thánh Giacôbê mô tả việc rước lễ là “nhận lấy than rực lửa,” và trong nghi thức của Thánh Lm Gioan Chrysostom, linh mục nói: “Điều này đã chạm vào môi bạn và đã lấy tội lỗi của bạn.” (theo một người viết của Chính Thống giáo) Sự tương đương không thể rõ ràng hơn: như than bốc lửa, Thánh Thể đến với chúng ta từ bàn thờ và tẩy sạch tội lỗi của chúng ta – cụ thể là tội nhẹ, nhưng cũng làm cho chúng ta thêm mạnh mẽ để chống lại những tội trọng.

9. CUỘN SÁCH CỦA ÊDÊKIEN

Một điềm báo phi thường khác về Bí tích Thánh Thể có trong sách Êdêkien, chương 3. Ông có một thị kiến về Thiên Chúa và Thần Khí Chúa ngự vào ông. Sau đó, ông nghe thấy những lời này: “Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây.” Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong miệng tôi. (câu 3)

Trong những thế kỷ qua, các dịch giả Công giáo đã thấy cuộn sách ngọt ngào này được ăn như một dấu hiệu khác của Thánh Thể – ví dụ là cuốn sách mới “Consuming the Word” của Scott Hahn. Đoạn này minh họa những gì chúng ta trải nghiệm trong hai phần Phụng Vụ Thánh Lễ. Trong phần đầu tiên, chúng ta tiêu thụ Lời Chúa, trong các bài đọc Kinh Thánh và bài giảng nói về những điều đó. Sau đó, trong Phụng Vụ phần hai, chúng ta tiêu thụ Thánh Thể, Ngôi Lời hóa thành nhục thể.

STEPHEN BEALE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Tháng Sáu – 2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây