Gia Đình Lê Bảo Tịnh Ban Mê Thuộthttps://lebaotinhbmt.net/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 27/12/2020 09:38 |
763
Tín khoản khẳng định rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa có mặt trong Giáo Hội từ thời đầu và Công Đồng Êphêsô đã không định tín nó như là điều mới mẻ. Bởi vì, đó là chân lý đã được quả quyết trong Tin Mừng và trong Kinh Thánh.
Theotokos, tước hiệu cao cả nhất
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA 01/01
Theotokos, tước hiệu cao cả nhất
Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21
Hôm nay Giáo Hội cử hành trọng thể lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Trong bài đọc II, thánh Phaolô loan báo mầu nhiệm này như sau: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5).
Với những lời này, tính mẫu tử thần linh của Đức Maria được đưa vào trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo. Và việc chúng ta được làm con Thiên Chúa được gắn liền với nó như chúng ta thấy ở đây. Khi định nghĩa Đức Maria là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, các Giáo Phụ trong Công Đồng Êphêsô 431 đã không sai lầm khi gán cho tước hiệu này một tầm quan trọng quyết định cho tất cả suy tư thần học Kitô giáo. Theo đó, tước hiệu này nói với chúng ta về Chúa Giêsu, về Thiên Chúa và về chính Đức Maria.
1- Theotokos nói về Chúa Giêsu là con người thật
Trước hết, tước hiệu này nói với chúng ta về Chúa Giêsu. Hơn nữa, nó là con đường tốt nhất để khám phá ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh. Xét về nguồn gốc, Mẹ Thiên Chúa là một tước hiệu liên quan đến Chúa Giêsu nhiều hơn là Đức Maria. Về Chúa Giêsu, trước hết, nó minh chứng rằng Người là một con người thực sự: “Tại sao chúng ta nói rằng Đức Kitô là con người, nếu không phải Người được sinh bởi Đức Maria, là một con người?” Tertullianô đã nói như thế. Người không chỉ là con người theo bản tính, nhưng còn là người theo cách thế hiện hữu, bởi vì Người đã muốn chia sẻ với con người không chỉ một bản tính chung chung, nhưng cả kinh nghiệm. Người đã sống cuộc sống nhân loại trong mọi hoàn cảnh cụ thể. Một khía cạnh khó khăn nhất để chấp nhận Đức Giêsu trở nên giống với loài người là trước hết phải được thụ thai và sinh bởi một người phụ nữ. Nhóm Ngộ Đạo thuyết phủ nhận ý tưởng về một Thiên Chúa “nhập thể trong bào thai, được sinh ra trong đau đớn, được chăm sóc và cho bú mớm.” Tertullianô trả lời: “Chính Đức Kitô đã yêu thương loài người, và với con người, Người cũng đã yêu cả cách thức để đến trong thế gian. Sự sinh ra của một con người và việc người phụ nữ đau đớn khi sinh con là đối tượng rất tự nhiên đáng được tôn trọng. Bạn khinh thường điều đó; thế bạn đã được sinh ra như thế nào?”
Về Chúa Giêsu, trong nghĩa thứ hai, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa chứng thực rằng Người là Thiên Chúa thật. Ở đây, Chúa Giêsu không chỉ được nhìn như một con người đơn thuần, một tiên tri lớn nhất, nhưng còn là Thiên Chúa, vì thế, Đức Maria mới có thể gọi là “Mẹ Thiên Chúa.”
Nếu không, chúng ta chỉ gọi là Mẹ của Chúa Giêsu, hoặc Mẹ của Chúa Kitô, mà không phải là Mẹ Thiên Chúa. Như thế, tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa như là người bảo vệ và lính canh: nó canh giữ cho tước hiệu “Thiên Chúa” của Đức Giêsu không rơi vào sai lạc của lạc giáo. Như vậy, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa không chỉ chứng thực nhưng không ngừng giúp con người nhận biết trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã làm người.
2- Theotokos minh chứng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật
Tiếp đến, về Chúa Giêsu, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa minh chứng rằng Người là Thiên Chúa và là con người trong một ngôi vị duy nhất. Đây là mục đích mà các nghị phụ Công Đồng Êphêsô đã chọn tước hiệu này. Nó nói với chúng ta về sự hiệp nhất sâu thẳm giữa Thiên Chúa và con người được thực hiện trong Chúa Giêsu; Thiên Chúa đã gắn bó với con người và đã hiệp nhất nên một trong sự hiệp nhất sâu thẳm nhất trong thế giới này, đó là sự hiệp nhất ngôi vị. Các giáo phụ nói về “cung lòng” Đức Maria là “hoan trường” diễn ra tiệc cưới của Thiên Chúa với loài người, và là “căn phòng” ở đó sự kết hợp của Thiên Chúa và con người được thực hiện.
Nếu trong Chúa Giêsu, nhân loại và thần linh chỉ được hiệp nhất ở phạm vi luân lý, và không phải là ngôi vị, như những người lạc giáo nghĩ và bị Công Đồng Êphêsô kết án, thì Đức Maria không còn được gọi là Mẹ Thiên Chúa, nhưng chỉ là Mẹ Chúa Kitô. Thánh Cirillô thành Alexandria viết: “Các Giáo Phụ không nghi ngờ khi gọi Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì bản tính của Ngôi Lời hoặc thần tính phát xuất từ Mẹ, nhưng bởi vì Người được sinh ra từ Mẹ, thân xác thánh thiện được ban cho một linh hồn có lý trí, từ đó, Ngôi Lời kết hợp để trở thành một ngôi vị.” Đức Maria là Đấng đã tin tưởng vào Thiên Chúa khi ở trần gian và tin vào nhân loại; với tính mẫu tử thần linh và rất nhân loại, Mẹ đã làm cho Thiên Chúa trở thành Đấng Emmanuen - Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Mẹ đã làm cho Chúa Kitô trở thành người Anh Cả của chúng ta.
Ngoài việc nói về Chúa Kitô, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa nói với chúng ta về Thiên Chúa. Trước hết, nó nói với chúng ta về sự khiêm hạ của Người. Thiên Chúa đã muốn có một người mẹ!
Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này trong sự phát triển của suy tư nhân loại. Có những nhà tư tưởng cảm thấy ngạc nhiên và khó chịu với việc một con người phải có một người mẹ, bởi vì, như thế có nghĩa là người đó phải phụ thuộc hoàn toàn vào một người, mà không hiện hữu tự mình, không có thể tự mình hiện hữu.
Con người luôn tìm kiếm Thiên Chúa từ trên cao. Con người cố gắng tạo ra một kiểu “kim tự tháp” bằng những cố gắng khổ chế, suy tư, khi cho rằng theo chiều “trên xuống,” họ sẽ tìm thấy Thiên Chúa, hoặc một cách tương tự, trong một số tôn giáo đó là Vô Vi. Người ta không nghĩ rằng Thiên Chúa đã đi xuống, và đã phá đổ “kiểu kim tự tháp đó,” Người đặt mình ở chỗ thấp, để mang vào mình tất cả và mọi người. Thiên Chúa đã hiện diện một cách âm thầm trong bụng dạ của một người nữ.
Khác với Thiên Chúa của các triết gia khi nghĩ Thiên Chúa luôn ở trên cao nên làm cho con người dễ kiêu ngạo, Thiên Chúa Kitô giáo mời gọi con người khiêm tốn. Bởi lẽ, Thiên Chúa đã đi xuống trong lòng của vật chất, bởi vì từ “mater - mẹ” phá xuất từ “materia - vật chất,” theo nghĩa đẹp nhất, nó muốn nói đến sự cụ thể, thực tại hay mét, sự đo lường. Thiên Chúa nhập thể trong lòng một người nữ cũng có nghĩa là Người hiện diện trong lòng vật chất của thế giới, trong bí tích Thánh Thể. Đó là nhiệm cục cứu độ duy nhất và là cách thế độc đáo nhất. Thánh Irênê có lý khi nói rằng “ai không hiểu việc sinh ra của Thiên Chúa bởi Đức Maria thì không hiểu về bí tích Thánh Thể.”
Khi chọn lựa con đường mẫu tử để bày tỏ mình với chúng ta, Thiên Chúa đã mạc khải phẩm giá người phụ nữ theo hình thức mà thánh Phaolô nói với chúng ta thế này: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình, sinh bởi người phụ nữ.” Nếu ngài nói rằng: “Sinh bởi Đức Maria,” có lẽ ngài chỉ nói một chi tiết về tiểu sử, nhưng nói “sinh bởi người phụ nữ.” Như thế, ngài đã đưa ra một sự khẳng định về sự cưu mang hoàn vũ và rộng lớn. Theo đó, mỗi người phụ nữ đều được đề cao trong Đức Maria, với sự cao cả không thể tin được. Ở đây Đức Maria là một người phụ nữ trong số các phụ nữ. Ngày hôm nay, người ta nói nhiều về sự thăng tiến người phụ nữ, đó là một trong những “dấu chỉ thời đại” rất đẹp đẽ và đáng cổ võ. Nhưng chúng ta thường chậm trễ hơn so với Thiên Chúa! Người đã đi trước tất cả chúng ta. Người đã dành cho người phụ nữ một danh dự cao trọng như thế khiến chúng ta phải im tiếng.
3- Theotokos nói về chính Đức Maria
Cuối cùng, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đương nhiên nói với chúng ta về Đức Maria. Mẹ là người duy nhất trong vũ trụ có thể nói với Chúa Giêsu, điều Chúa Cha nói với Người: “Con là con yêu dấu của Ta; hôm nay Ta đã sinh ra con!” Thánh Ignatio thành Antiochia nói với tất cả sự đơn sơ rằng Chúa Giêsu “từ Thiên Chúa và từ Đức Maria.” Giống như chúng ta nói về một người là Con Thiên Chúa và con Đức Maria. Dante Alighieri đã đúc kết hai tước hiệu của Đức Maria là “Trinh Nữ, Mẹ” và “Mẹ, Con Gái,” trong một câu: “Mẹ Trinh Nữ, Con Gái, Con Ngài.”
Tự thân tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đủ để thiết lập sự vĩ đại của Đức Maria và xác định danh hiệu dành cho Mẹ. Nhiều lúc, người ta phê bình người Công Giáo đã đi quá xa trong việc tôn kính và quá nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Đức Maria. Đôi khi chúng ta cũng phải nhìn nhận sự phê bình này là xác thực như đã xảy ra trong lịch sử. Nhưng người ta không bao giờ nghĩ rằng Thiên Chúa đã làm điều đó trước. Thiên Chúa đã dành cho Mẹ sự tôn kính đó khi chọn ngài là Mẹ Thiên Chúa, mà không ai có thể nói điều gì cao cả hơn; cả chính Luthêrô cũng từng nói: “Khi gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, tước hiệu chứa đựng tất cả sự tôn kính; không ai có thể nói điều gì cao cả hơn về Mẹ, dầu có nói ra bao nhiêu ngôn từ khác nữa chỉ là như lá cây, như sao trên bầu trời, như cát dưới biển. Lòng trí chúng ta phải suy tư ý nghĩa Mẹ Thiên Chúa là gì.”
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa đặt Đức Maria trong tương quan duy nhất với từng Ngôi Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện mình, thánh Phanxicô Assisi diễn tả thế này: “Lạy Đức Thánh Trinh Nữ Maria, không có ai được như Mẹ, Mẹ được sinh ra trong thế gian, giữa những người phụ nữ, là con gái và là nữ tử của Vua tối cao Cha trên trời, là mẹ Chúa Giêsu Kitô rất thánh, là hiền thê của Chúa Thánh Thần... xin cầu cho chúng con, cùng Con yêu dấu chí thánh của Mẹ, là Chúa và Thầy chúng con.”
Ngày nay, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là điểm gặp gỡ và là nền tảng cho mọi Kitô hữu, để từ đó tìm kiếm sự hiểu biết về địa vị của Đức Maria trong đức tin. Nó cũng là tước hiệu duy nhất cho việc đại kết, không chỉ là điều luật, nhưng còn là dữ kiện được toàn thể Giáo Hội nhìn nhận, bởi vì nó được định tín trong một Công Đồng đại kết. Chúng ta đã nghe điều Luthêrô nghĩ. Trong một lần khác, ông viết: “Tín khoản khẳng định rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa có mặt trong Giáo Hội từ thời đầu và Công Đồng Êphêsô đã không định tín nó như là điều mới mẻ. Bởi vì, đó là chân lý đã được quả quyết trong Tin Mừng và trong Kinh Thánh... Những lời của Luca 1,32 và của thư Galata 4,4, đã nhấn mạnh bằng sự chắc chắn rằng Đức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu này được đưa vào công thức đức tin sau cái chết của ngài. Chúng ta tin, dạy và tuyên xưng rằng Đức Maria được gọi cách đúng đắn là Mẹ Thiên Chúa và thực sự là thế.”
Như thế, Mẹ Thiên Chúa, Theotokos là một tước hiệu cần phải luôn nhắc đến, để phân biệt với tất cả các chuỗi tước hiệu và danh xưng khác của Đức Maria. Nếu nó được toàn thể Giáo Hội dùng một cách chính thống và đã được đánh giá như là một dữ kiện hơn là một điều luật trong phạm vi tín lý, thì nó đủ để tạo ra một sự hiệp nhất nền tảng xung quanh Đức Maria và nếu Mẹ là nguyên nhân của sự hiệp nhất các tín hữu, sau Chúa Thánh Thần, thì tước hiệu này trở thành dự kiện quan trọng nhất cho hiệp nhất đại kết, vì Mẹ là người giúp “tái lập sự hiệp nhất của tất cả con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi” (x. Ga 11,52).
Trong quá trình diễn ra Công Đồng Êphêsô, có một giám mục mà trong bài giảng, ngỏ với các Nghị Phụ Công Đồng những lời này: “Chúng ta không được loại bỏ việc tôn kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã cưu mang mầu nhiệm nhập thể. Thật là ngớ ngẩn khi tại các bàn thờ Chúa Kitô, chúng ta ca ngợi thập giá đã gìn giữ và làm cho Mẹ tỏa sáng trên khuôn mặt của Giáo Hội, và rồi sau đó loại bỏ sự tôn kính Mẹ Thiên Chúa, Đấng vì nhìn đến lợi ích lớn lao đã đón nhận thần tính sao?”
Sau khi suy tư về sự cao cả trỗi vượt mà tước hiệu Mẹ Thiên Chúa minh chứng về Đức Maria, chúng ta hiểu tại sao Dante có thể cảm tác trong lời cầu nguyện rất đẹp đẽ về Đức Maria: “Hỡi bà, Đấng rất cao cả và thánh thiện. Rằng ai muốn được ơn phúc mà không chạy đến với, là như muốn bay lên mà không có cánh.”
Tước hiệu này là một dữ kiện để giúp chúng ta có sự tin tưởng vào sự chuyển cầu hiệu lực của Đức Maria. Một bản văn cổ Kitô giáo trong đó Đức Maria được xưng là Mẹ Thiên Chúa, đây là lời cầu nguyện tuyệt vời về niềm tin vào Đức Maria: Sub Tuum Praesdium, một kinh có trước Công Đồng Êphêsô. Chúng ta kết thúc suy tư hôm nay về Mẹ với kinh này: “Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong con gian nan khố khó, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng, hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ.” Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/