Con Thiên Chúa làm người
Ai trong loài người cũng có những cảm xúc đặc biệt khi đến viếng hang đá trong mùa Giáng Sinh. Kẻ không tin thì cười nhạo vì cho rằng đây là biểu hiện của sự mê tín dị đoan, là sản phẩm của một thời quá khứ. Còn kẻ có niềm tin thì cung kính bái lạy một mầu nhiệm vĩ đại mà con người chỉ hiểu được một phần nào đó.
Mỗi mùa Giáng Sinh về, trong ta trổi lên một niềm cảm xúc nào đó tùy theo sự soi sáng của ơn Thánh, tùy sự chuẩn bị tâm hồn, và sẻ chia cho nhau như một quà tặng. Riêng tôi, năm 2020, một cụm từ đã soi động tâm hồn: Con Thiên Chúa đã thể hiện sự trút bỏ, còn gọi là mầu nhiệm tự hủy.
Đức Ki-tô là một quà tặng vĩ đại của Thiên Chúa dành cho loài người. Ngài đã trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người là loài thụ tạo. Ngài lại còn chọn sinh ra trong cảnh thiếu thốn vật chất, với thân phận một bé thơ yếu đuối, bị xua đuổi khỏi xã hội đạo đời và đã hạ sinh trong hang bò lừa ngoài đồng vắng. Đến khi Ngài chết thì lại chọn kiểu chết nhục nhã, bị lột trần cho xấu hổ, bị chê là người dại và đến phút cuối đời còn bị khích bác về tư cách Con Thiên Chúa. Mọi sự đó đều là do Chúa Giê su đã chọn, không phải là xui xẻo, để dạy ta bài học từ bỏ những cái phù du để chọn Chúa là gia nghiệp: từ bỏ của cải, từ bỏ cái tôi, từ bỏ danh lợi thú là những cái mà đời này coi trọng, vì còn có Chúa và còn có đời sau.
Các nhà tu đức đã nhận ra rằng trong 8 mối phúc thì mối phúc đầu tiên là quan trọng nhất và đã gồm tóm các mối phúc khác: người nghèo khó là người ý thức thân phận mỏng dòn của mình để biết cậy dựa vào Thiên Chúa trong mọi sự, người đó biết tìm ý Chúa trong mọi lúc mọi hoàn cảnh thì sẽ sống hiền lành – thương xót – trong sạch, tác tạo hòa bình và sẵn sàng chịu bách hại, vì Chúa.
Bàn tay của Hài nhi Giê-su trong các hang đá luôn được trình bày trong hai tư thế, một là mở rộng như chúc bình an và hai là chắp tay như đón nhận ý Cha, miệng Ngài nở nụ cười hiền lành. Điều này rất khác bàn tay của bất kỳ một đứa trẻ nào khi được sinh ra là hai bàn tay luôn nắm chặt, miệng thì khóc chóe như đòi được quan tâm. Đứa trẻ ‘chúng ta’ lớn lên cũng tiếp tục tích góp cho mình về của cải – cái tôi – danh lợi thú, mãi cho đến ngày lìa thế thì hai bàn tay mới chịu buông bỏ những gì mình đã tích lũy suốt cả đời.
Có câu chuyện kể rằng: một người kia, trong một giấc mơ, thấy mình được cùng Chúa đứng chung trên một tấm thảm, cùng bay lên không trung trong một cuộc dạo chơi đầy thú vị. Thế nhưng, Chúa cứ rút dần từng sợi cói trong tấm thảm, tấm thảm đó thưa dần và xuất hiện nhiều khoảng trống – vậy mà Chúa cứ tiếp tục rút, và đến một lúc tấm thảm đã rơi xuống nên người đó vội ôm chầm lấy Chúa.
Quả vậy, cuộc sống trần gian là nơi ta hành đạo, là nơi ta học bài học trút bỏ như Đức Ki-tô đã dạy, có những bài tập ta chủ động nhưng cũng có những bài học thụ động. Tập bỏ dần tính ích kỷ để yêu thương nhiều hơn. Tập bỏ tính kiêu ngạo để cậy dựa vào Chúa nhiều hơn, cầu nguyện tha thiết hơn. Tập tinh thần nghèo khó để biết vui lòng đón nhận cuộc sống, vui lòng chịu thiếu thốn và thích sống đơn giản. Nếu bàn tay ta biết buông bỏ như vậy thì tâm hồn sẽ tràn ngập hạnh phúc và miệng ta sẽ nở nụ cười tươi. Chúc mọi người một mùa Giáng Sinh dồi dào ơn thánh. Amen.
Nguyễn Văn Thiện