Cuộc Chạy Trốn Của Thánh Gia, Nghĩ Về Người Tị Nạn

Thứ bảy - 26/12/2020 08:55 |   514
Một gia đình bị buộc phải trốn khỏi quê nhà vì nỗi lo sợ bị bách hại. Điều gì đã xảy ra vậy ?
 Cuộc Chạy Trốn Của Thánh Gia, Nghĩ Về Người Tị Nạn
 Cuộc Chạy Trốn Của Thánh Gia, Nghĩ Về Người Tị Nạn
 
 

 
 (Mt 2, 1-12)

Tiếp liền sau Đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Chúa Tỏ Mình. Theo một truyền thống rất xa xưa từ thế kỷ thứ II, thánh Giustinô đã nói tới là Chúa Giêsu đã sinh ra trong một chuồng bò lừa tại Belem. 40 ngày sau, Thánh Giuse và Đức Maria đem Hài Nhi lên Đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa như luật dạy. Phúc Âm Thánh Matthêô cho biết: sau khi dâng Chúa trong Đền Thánh, Thánh Gia không trở về Nagiarét ngay. Trong khoảng thời gian này đã xảy ra nhiều việc liên quan với nhau. Từ Đền Thờ, Thánh Gia lại trở về Belem. Chính nơi đây, các đạo sĩ, do một ngôi sao dẫn đường từ Phương Đông tới thờ lạy Chúa Giêsu và dâng cho Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Hêrôđê thấy các đạo sĩ không trở lại Giêrusalem báo tin như lời mình dặn, sợ ngai vàng của mình bị đe dạo, ông ra lệnh truyền giết các trẻ em ở Belem và các miền phụ cận từ 2 tuổi trở xuống. Thánh Giuse được Thiên thần báo tin, đã đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ sang Ai-Cập và ở đó cho tới khi Hêrôđê băng hà (x. Mt 2, 1-12).

Điều gì đã xảy ra vậy ? Thưa, một gia đình bị buộc phải trốn khỏi quê nhà vì nỗi lo sợ bị bách hại. Đây chính là định nghĩa thời hiện đại về người tị nạn. Trên thực tế, Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn xác định nhóm người này như sau:

Người tị nạn là những người đã bị buộc phải chạy trốn khỏi đất nước của mình vì khủng bố, chiến tranh hoặc bạo lực. Người tị nạn mang trong mình nỗi sợ hãi xác đáng đối với việc bị bách hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc thành viên trong một nhóm xã hội cụ thể nào đó.

Thánh Gia Thất, theo như trình thuật Tin Mừng Mátthêu, đã phải chạy trốn vì “nỗi sợ hãi xác đáng đối với việc bị bách hại” bởi vì là “thành phần trong một xã hội cụ thể”, trong trường hợp này là những người có con nhỏ và đang sinh sống tại Bethlehem.

Đức Maria và Thánh Giuse có được áp dụng tình trạng tị nạn chính thức không? Tất nhiên là không. Những kiểu quy định như vậy hầu như không có hiệu lực. Có lẽ lúc đó thậm chí chưa có bất kì đường biên giới nào. Nhưng, theo như Daniel J. Harrington, S.J., một học giả Tân Ước, nhắc nhở chúng ta trong những bình luận của ông về Tin Mừng Mátthêu trong loạt sách Sacra Pagina của mình : Ai Cập, dưới sự kiểm soát của La mã vào năm 30 TCN, nằm ngoài thẩm quyền của vua Hêrôđê. Ai Cập đã trở thành nơi ẩn náu truyền thống dành cho người tị nạn của những người Do Thái trong các thời kỳ Kinh Thánh (x.1V 11,40; Gr 26,21) và thời Maccabean khi vị thượng tế Onias IV chạy trốn khỏi đó.

Như vậy, chúng ta có thể thấy một gia đình đang chạy trốn sang một quốc gia khác vì lo sợ bị bách hại. Mátthêu kể rằng : Thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người" (Mt 2,13).

Cho dù Gia đình Thánh Gia không giống những người tị nạn hôm nay, thì chúng ta vẫn cần phải có tinh thần bác ái và sẵn sàng để chăm sóc cho những người tị nạn và những người di cư đương thời.

Khi suy niệm đoạn Tin Mừng trên trong bối cảnh thế giới đối diện với làn sóng người tị nạn và những người nhập cư, một số nhà bình luận đã tìm cách vạch ra điểm tương đồng giữa hoàn cảnh của họ và của Gia đình Thánh Gia, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Người ta đặt câu hỏi : Có phải Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse mà ngày nay chúng ta coi là những người “tị nạn”?

Đức Thánh Cha Phanxicô vì cũng xuất thân từ một gia đình di dân người Ý sang Achentina, ngài rất nhạy cảm trước cảnh di dân ngày nay, và đồng cảm với nỗi thống khổ của những người di dân, đã buộc phải bỏ xứ ra đi để kiếm sống nơi đất khách quê người sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Trong bài giảng thánh lễ Noel truyền thống 24/12/2017 tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Roma, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc biệt đến số phận của những người di dân và kêu gọi giáo dân toàn thế giới mở rộng vòng tay đón tiếp họ. Ngài nói : “Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đã phải rời bỏ quê hương của họ. Rồi khi đến Bêlem, họ đã không được ai đón nhận. Họ cũng giống như những người di dân hiện nay”. Đức Thánh Cha đã so sánh nơi Chúa Giáng Sinh với thế giới bây giờ, đôi khi quá thờ ơ với những người đã mất hết tất cả. Ngài giải thích : “Trong bước chân của Thánh Giuse và Mẹ Maria, ẩn chứa nhiều bước chân khác, bước chân của những gia đình mà nay cũng buộc phải bỏ nước ra đi. Hàng triệu người đã không chọn con đường lưu vong, nhưng đã buộc phải rời bỏ người thân hoặc bị đuổi khỏi làng mạc của họ”.

Ngài nhấn mạnh : “Đối với nhiều người, sự ra đi này chỉ mang một tên duy nhất : sự sống còn”. Ngài cũng kêu gọi mọi người hãy chia sẽ và loan báo tin mừng Giáng Sinh mà không sợ hãi : “Noel là lúc chuyển hóa sức mạnh của cái sợ thành sức mạnh của lòng bác ái”. Ngài cũng lưu ý : “Khi xuống thế làm người, Chúa kêu gọi mọi người bảo vệ những kẻ đã rơi vào tuyệt vọng”.


Không phải vô cớ mà tổ chức bảo vệ và hỗ trợ người di dân, Horizon sans frontières (Chân trời không biên giới), trụ sở ở Senegal, châu Phi, năm nay một lần nữa đã chọn giáo hoàng Phanxicô là “Nhân vật của năm”. Thật vậy, kể từ khi lên lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, ngài vẫn thường xuyên đưa ra những lời kêu gọi hoặc đề nghị những biện pháp để giúp đỡ người di dân trên toàn thế giới.

Hãy tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn. Đó là bốn việc cần làm trong năm nay, khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra lời kêu gọi trong sứ điệp công bố sáng 21-8-2017, nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1 năm tới, 2018.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người biết vui vẻ tiếp đón tha nhân, và xin cho họ tìm được nơi ở xứng đáng với sự trợ giúp của chúng ta. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 http://www.simonhoadalat.com/suyniem/chunhat/namb/2017-2018/LeHienLinh_ChaDo.htm
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây