Tư Duy Chiến Thắng

Thứ ba - 14/05/2024 05:39 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh |   247
Trên Quan Lộ Cuộc Đời: Tư Duy Chiến Thắng

Tư Duy Chiến Thắng
 

QL 140524a


Qua cuộc chiến giữa Israel và tổ chức Hamas mấy ngày vừa qua (T5/2021), chợt có chút suy tư về Tư Duy Chiến Thắng trong xã hội chúng ta ngày nay...

Chiến Thắng tầm thường nhất là hơn thua nhau. Nó vốn là bản năng sinh tồn của muôn loài. Đối với loài người, đấu tranh để bảo vệ mình, để tranh giành quyền lợi vốn diễn ra hằng ngày trong thời ăn lông ở lỗ của tổ tiên. Con người khác con vật vì ngoài thân xác, đời sống tinh thần mới là giá trị. Theo thời gian, chữ “Con” của bản năng dần bị thuần phục để thăng tiến chữ “Người”, đưa con người vươn cao lên giống hình ảnh Đấng đã tạo tác mình.

Thế nên tư duy chiến thắng hơn thua nhau ngày nay không còn phù hợp nữa. Xã hội nào cứ sống mãi trong niềm tự hào chiến thắng quân thù xưa kia, khích động đấu tranh, dựng bia căm thù… là biểu hiện của sự lạc hậu, kém văn minh. Ở xã hội đó người ta tranh giành nhau chỗ đứng ghế ngồi, hơn thua nhau tấc đất miếng ăn, áp đảo nhau từ câu nói đến ánh mắt… Và rồi
họ hành xử với nhau vô tâm và man rợ. Một tấc đất chia không đều, anh em ruột thịt truy sát nhau. Một ánh mắt bị coi là nhìn đểu, rút dao đâm nhau. Một cái ghế của chức vị chẳng đáng, mưu hại nhau tranh đoạt…

Chiến Thắng phù hợp nhân phẩm con người, trước tiên phải có tính Nhân Văn: Chiến thắng tính ích kỷ, nhỏ nhen của bản thân. “Ta muốn gì, hãy làm cho người khác vậy”. Ta muốn sống trong môi trường trong lành, sạch sẽ thì đừng xả rác hay phá hoại môi trường sống. Ta muốn sống lâu, sức khỏe tốt… thì đừng đầu độc nhau trong thực phẩm để kiếm lợi. Ta muốn an lành, đừng tranh đoạt hơn thua nhau những chuyện chẳng đáng…

Chiến Thắng cao cả nhất là sự Khoan Dung và Tha Thứ. Chúng ta cứ tưởng phải đàn áp được người khác mới là anh hùng. Anh hùng thực sự lại là kẻ thua thê thảm! Người nằm trên cây Thập tự được hàng tỷ người kính thờ, lại là kẻ thất bại thảm hại trước mặt thiên hạ: Chịu xỉ vả, nhục mạ, đánh đập, đóng đinh… Nhưng câu nói cuối cùng: “Xin Tha Cho Họ, Vì Họ Lầm Không Biết…”, lại thức tỉnh biết bao con người để thay đổi thói ăn lông ở lỗ, đang hùng hổ chiến thắng nhau bằng sức mạnh và mưu mô. Họ thức tỉnh để sống cho nhau, nhường nhịn nhau, phục vụ và bảo vệ nhau.

Biết bao giờ xã hội Việt Nam chúng ta cùng tự hào với nhau về sự tử tế và lòng khoan dung! Khi đó ta sẽ không còn tự hào chiến thắng kẻ thù, không còn báo cáo thành tích ảo, không còn sống sĩ diện với những cái tầm thường của hình thức bên ngoài…Ÿ

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây